Nhà quay phim Trương Thành Hỷ - Người con kiên cường của Mười Tám thôn Vườn trầu

(TGĐA) - Sinh ngày 9/3/1924 tại làng Tân Thới Tứ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình truyền thống Cách Mạng. Năm 1936, tuy mới 12 tuổi, Trương Thành Hỷ tham gia Cách Mạng làm liên lạc tại Ủy ban hành động quận Hóc Môn

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Nhà quay phim – NSUT Vũ Quốc Tuấn: Lặng lẽ và tỏa sáng
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau

Một đời quân ngũ

Sinh ngày 9/3/1924 tại làng Tân Thới Tứ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình truyền thống Cách Mạng. Năm 1936, tuy mới 12 tuổi, Trương Thành Hỷ tham gia Cách Mạng làm liên lạc tại Ủy ban hành động quận Hóc Môn. Năm 1940, ông làm liên lạc của một cánh quân Tổng Long Tuy Thượng trong đêm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Năm 1941, ông tham gia hoạt động mặt trận Việt Minh thanh niên cứu quốc xã là người chiến sĩ nhỏ của Nam Kỳ khởi nghĩa. Sau đêm đó, gia đình phân tán, mẹ ông người hoạt động Cách Mạng đã gửi ông tại nhà một người bà con. Lúc đó ông làm thư ký cho một chủ lò nhuộm của Pháp. Pháp lùng sục làng xã dữ dội, ông chạy xuống Sài Gòn làm công cho nhà đóng sách Nguyễn Văn Châu ở Cầu Muối, song vẫn chưa yên nên ông lại xin vào làm thợ nguội ở hãng dầu Texacô Nhật Bản. Năm 1943, ông xin vào học tại trường sư phạm tỉnh Gia Định. Với chiếc xe đạp bánh đặc, từ nhà ở Hóc Môn, ông đã đi dạy ở Giồng ông Tố, trường Dĩ An Bà Điểm; Trường Thới Tứ, An Phú Đông, mỗi tháng được lãnh lương 9 đồng. Sau đợt Pháp khủng bố trắng, mẹ của ông là bà Bảy Mừng (từng hoạt động Cách Mạng) nay được giao nhiệm vụ mở một cửa hàng bán gạo ở góc chợ cá Hóc Môn, cạnh bến xe ngựa để liên lạc hết các vùng như: Bà Điểm, Củ Chi, Thạnh Đông, Bến Cỏ kết nối cho Đảng bộ Hóc Môn. Ông được mẹ và tổ chức giao nhiệm vụ nắm tình hình ba trường bắn của địch ở ngã Ba Giòng. Từ đây các đoàn thể lại hoạt động trở lại như: Cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, triển khai học điều lệ Mặt trận Việt Minh từ quận xuống xã. Ngày 9/3/2945 Nhật đảo chính Pháp có nhóm Thanh niên tiền phong ra đời. Lúc này Thanh niên cứu quốc (cờ đỏ sao vàng) và Thanh niên Tiền phong (cờ vàng sao đỏ) chưa thống nhất. Được tin từ người cậu là Trương Văn Thâu làm tài xế tàu điện báo Việt Minh đã giải phóng được 6 tỉnh phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, ông thôi không làm việc cho Pháp nữa. Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông nhận nhiệm vụ vận động và kéo được một thanh niên tiền phong về với Thanh niên cứu quốc, để chuẩn bị cướp chính quyền Sài Gòn ngày 28/ 8/1945 tại bót Tân Bình. Tại trận này ông bị thương ở trán và người cậu ruột của ông là Trương Văn Thâu hy sinh cùng hai đồng chí khác cùng ở Hóc Môn. Cùng thời điểm này Đại hội Thanh niên cứu quốc quận Hóc Môn được tổ chức do các đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Lâm Văn Tư và Lâm Văn Năm chủ trí. Ông được bầu làm Bí thư ban chấp hành Thanh niên cứu quốc quận Hóc Môn. Đội trinh sát gồm: Trương Thành Hỷ (phụ trách), Nguyễn Văn Năm và Lương Văn Bê có nhiệm vụ nắm tình hình từ thành phố Sài Gòn. Lúc này quân Nhật bị tước khí giới, quân Anh-Ấn vào thay quân Pháp âm mưu định tước khí giới của Việt Minh. Ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến ở Nam bộ bắt đầu. Đoàn thanh niên Hóc Môn chịu trách nhiệm gữi liên lạc từ trung tâm Sài Gòn với Hóc Môn. Lúc đó ông đang gác ở ga Hóc Môn được phân công đánh dây thép về ga Hà Nội để báo cáo tình hình về chỉ huy sở đóng tại nhà Tám Nghĩ. Sau đó tiếp tục nhận niệm vụ vận động tuyên truyền với các thanh niên mới nhập ngũ. Ban ngày, ba anh em với ba con ngựa sắt phi vào nội thành nắm tình hình, còn đêm đến cùng các cánh quân bao vây đánh nội thành ở các trận cầu Tham Lương, chợ Cồn và chợ Cây Xoài.

Ngày 1/11/1945, bộ đội giải phóng quân liên quân Hóc Môn Bà Điểm Đức Hòa tại làng Mỹ Hạnh làm căn cứ Bộ tư lệnh gồm có các ông: Tô Ký, Cao Đức Luốt, Huỳnh Văn Một, Trần Văn Trà mở rộng vòng vây Sài Gòn Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa Bà Rịa. Ngày 6/1/1946, quân Anh Ấn cùng với binh lính Pháp mở đợt tấn công vào căn cứ Mỹ Hạnh, Giồng Ông Hòa, đến tối quân ta rút ra khỏi căn cứ Mỹ Hạnh, Giồng Ông Hòa về với dân, các cánh quân đi vào Đồng Tháp, lên rừng miền Đông. Khoảng 6 giờ chiều 7/1/ 1946, vượt qua sông Sài Gòn, qua quốc lộ số 13 Thủ Dầu Một, ngay trong đêm, đơn vị của ông ở làng Cây Đào, bảo vệ khu Lạc An, căn cứ của ông Nguyễn Bình - cán bộ quân sự của TW tăng cường cho Nam bộ. Giặc Pháp mở đợt tấn công chiếm Lạc An, địch tiếp tục hành quân đúng vào điểm phục kích cùa ông rồi có lệnh nổ súng đánh thắng trận đầu. Sáng 30 tết, tiếng súng gom dần. Ngày mùng 2 Tết phải có mặt tại đơn vị đúng 1 giờ sáng mùng 3 tết để nổ súng đánh bót Nhị Bình. Ngày 10/3/1946, đơn vị của giải phóng quân quận Hóc Môn Bà Điểm tập hợp tại Đồng Bưng Giồng Ông Hòa tổ chức mít tinh đặt tên mới thống nhất Vệ Quốc Đoàn. Ông làm trưởng ban nhân sự chi đội 12. Tháng 3/1947, ông được cử về khu 7 học lớp đào tạo Nhiếp ảnh đầu tiên của phòng Chánh trị ban Tuyên huấn. Ông có máy ảnh hiệu Kodak 61 rưỡi tổng cộng cả 4 thầy trò có 4 máy ảnh. Bắt đầu học lý thuyết, học cách sử dụng máy, cách tạo hình, tráng phim, in ảnh, phóng ảnh. Với chiếc máy này cùng cuộn phim 8 kiểu, qua học tập nghiên cứu các ông tạo ngăn khung máy làm đôi để chụp đươc 16 kiểu 6x6. Cuộn thứ nhất ông chụp một số hình ảnh dân quân, du kích cùng bộ đội rào làng chiến đấu ở căn cứ làng Tân Mỹ, một số người gởi mua phim nhờ chụp ảnh cá nhân để gửi về gia đình. Chụp hình sinh hoạt của bộ đội học tập, chiến đấu. Năm 1948 ông đưa lớp thiếu sinh quân trung đoàn 312 dự lễ thụ phong trung tướng Nguyễn Bình.

Chiến trường Đồng Tháp Mười vô cùng khó khăn chuẩn bị vào trận Mộc Hóa và La Ban. Miền đông chia thành 2 khu có đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn và quân khu 7. Bộ Tư lệnh khu Sài Gòn Chợ Lớn gọi các đồng chí nhiếp ảnh về phòng chính trị khu Sài Gòn Chợ Lớn gồm các ông: Tô Cương, Phạm Học, Trương Thành Hỷ, Nguyễn Việt Hiền, thành lập tổ nhiếp ảnh khu Sài Gòn, chuẩn bị chiến dịch Bến Cát. Ông được phân công đi chụp đồn Bến Súc để đắp sa bàn cho bộ đội tập tại Long Nguyên, để có ảnh tuyên truyền động viên các chiến sĩ hành quân chiến đấu. Khi đi chiến trường, ông phải đem theo cả thuốc tráng phim và in ảnh trình bày ở bãi tập hoặc dán trên cây để anh em cùng xem. Ban ngày chụp, ban đêm chui vào hầm tráng phim, in ảnh bằng ngọn đèn dầu đúng như khuôn ảnh chụp 4x6 hoặc 6x9 liên tục suốt chiến dịch 3,4 tháng trường được Bộ tư lệnh khen tặng biểu dương…Đêm đêm hành quân theo bộ đội, ông chụp được cảnh bộ đội đang xung phong công đồn Bến Súc đánh trên quốc lộ 14. Mục tiêu của máy ảnh là nhìn thẳng vào chỗ đặt trái mìn khi xe địch đến bộ đội cho mìn nổ thì kịp thời bấm được khoảnh khắc chiếc xe lật nhào. Trong trận này ông bị thương.

Năm 1950, phòng tuyến huấn đặc khu Sài Gòn giao cho bộ phận nhiếp ảnh thành lập một đội chiếu bóng đi chiếu phục vụ cho bộ đội và nhân dân trong khu. Chiến trường lúc này mỗi ngày càng trở nên ác liệt. Giặc thường xuyên mở cuộc càn quét. Bộ phận nhiếp ảnh khu 7 giữ lại ông Đoàn Trung My còn ông (Thành Hỷ) cùng Vũ Ba, Việt Hiền về khu 8. Năm 1951, nhiếp ảnh khu 7 và 8 nhập lại về đóng ở kinh Bùi, còn lại các ông: Khương Mễ, Tam Phỉ, Phạm Tranh, Nghĩa, Trai, Quang, Nết (máy nổ), thành lập đội chiếu bóng. Trong lúc chờ đợi chủ trương, ông Khương Mễ đã mở lớp dạy quay phim cho các ông Thành Hỷ, Vũ Ba, Việt Hiền, Nghĩa, An Sơn…

Năm 1952, nhận lệnh toàn bộ điện ảnh, chiếu bóng chuyển về phòng chính trị phân liên khu miền Tây khu 9. Sau đó các ông vừa tiếp tục học quay vừa thực tập quay bộ phim Hết đời đế quốc tại rỗng Ba Hồ nay là tỉnh Kiên Giang. Ở đây chưa yên lại phải kéo nhau về rừng U minh, từ cầu Đúc, vượt sông Cái Lớn, Cái Bé, qua kinh Sáng cụt chèo suốt đêm hết kinh Trắc Băng, quận Tri Phải, qua sông Đốc, lại chéo một đêm dài đến Rạch Sáng quận Trần Văn Thời tỉnh Bạc Liêu nằm chờ chủ trưng mới. Đơn vị phải phân tán đưa các ông chiếu bóng về các tỉnh hoạt động. Ông Khương Mễ nhận lệnh về Sài Gòn để tạo điều kiện liên lạc với các tiệm ảnh để nua phim. Còn Thành Hỷ và ông Bích nhận nhiệm vụ bảo quản máy và phim gốc, còn một số người khác đi sản xuất tự túc cùng đơn vị.

Năm 1953, bộ đội miền Nam, các tiểu đoàn chủ lực miền Nam, miền Đông, miền Tây ra quân hưởng ửng chiến dịch Điện Biên Phủ, được lệnh đi quay phim. Bên điện ảnh còn 2 máy quay được phân làm 2 đội. Một đội do ông Dương Trọng Nghĩa đi với tiểu đoàn 410 đánh ở Rạch Giá (Kiên Giang). Ông đi với tiểu đoàn 307 quay trận đánh Tắc Vân tỉnh Cà Mau. Cùng với tin vui chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ là một tin buồn ông Dương Trọng Nghĩa hy sinh ở trận thứ 3 Rạch Giá, Kiên Giang. Ông Phỉ giao phụ trách bộ phận quay phim, nhiếp ảnh là trưởng đoàn bí thư chi bộ đoàn Điện ảnh Nam Bộ, triển khai học tập thảo luận việc thực hiện nhiệm vụ mới là Kế hoạch tập kết và Tổng tuyển cử. Lấy từ vĩ tuyến 17 chia nước Việt Nam làm hai miền Nam và Bắc. Các ông đi tập kết động viên gia đình ở lại chờ ngày tuyển cử.

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau
Nhà quay phim Trương Thành Hỷ (Bên phải, Hàng đầu) trong buổi gặp mặt Hội viên Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh

Cuộc hẹn hai năm không thành

Tháng 10/1954, ông cùng ông Lý Cương được phân công chuẩn bị đưa vợ con về quê để kịp đi chuyến tàu tập kết đầu tiên của miên Tây tại kinh Sáng Trắc Băng. Rời căn cứ Rạch Ráng, ông mất 2 đêm 1 ngày chèo thuyền đưa vợ và con về qua sông Cái Lớn vào kinh sáng Cụt, chèo qua Vàm Cái Bé ghé vào nhà ba má ở Ba Vàm Sáng Cụt ngủ một đêm cuối. Sau đó, ông sang dỗ con ngủ cho vợ, cha mẹ yên lòng, rồi chèo thuyền qua sông Cái Bé phái đồn, ông đón thuyền đi xuống Trắc Băng để xuống tàu tập kết. Tàu há mồm của Pháp chở các ông qua cầu Đúc, vào kinh Sáng Sà No, qua bến Cần Thơ đi ra biển lớn đã có sẵn tàu của Liên Xô đón đoàn quân tập kết. Qua sông Hậu Giang, tới Vũng Tàu đón mừng Cách Mạng tháng Mười của Liên Xô, tàu neo trên biển để làm lễ giữa thủy thủ Liên Xô và đoàn quân tập kết. Sau đó tàu cập bến Sầm Sơn, Thanh Hóa, thấy xuất hiện nhiều chiếc thuyền cắm cờ đỏ sao vàng từ đất liền rước đoàn quân dân miền Nam. Thưởng thức một bữa cơm miền Bắc đầy tình nghĩa, sau đó dạo chơi ở bến Sầm Sơn, đến chiều, các ông lãnh quân trang bộ đội Việt Nam, rồi lên xe ô tô chạy thẳng về Hà Nội, nghỉ một đêm ở chợ Giám. Tới ngày 1/1/1955, toàn bộ đoàn Nam bộ tập trung nhận lệnh chuẩn bị xây dựng cuộc triển lãm 10 năm lớn mạnh của quân đội, nhân dân Việt Nam. Sau triển lãm, ông được phân công về làm nhiếp ảnh để xây dựng Bảo tàng quân đội nhân dân Việt Nam ở đội sưu tầm hiện vật từ thời Bác Hồ về đến Cao Bằng thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng; Năm 1956, ông làm phóng viên báo hình ảnh Quân đội nhân dân; Năm 1957-1959, ông về Xưởng Cơ khí chiếu bóng Quân đội; Năm 1960, Xưởng phim Quân đội được thành lập và ông được về công tác tại đây, góp phần xây dựng xưởng phim. Ông cùng đi với bộ đội quay phim bên Lào sau khi giải phóng Cánh đồng Chum, đồn Văng Viêng..

Tại Đại hội Anh hùng Quân đội lần thứ III tổ chức ở CLB quân nhân, lần đầu tiên ông được ghi hình Bác Hồ (Tại Đại hội chỉ có nhiếp ảnh và quay phim ở quân đội)…Ông nhớ mãi cuộc chen lấn, cãi vã của cánh phóng viên nhiếp ảnh với nhau để giành vị trí chụp, Bác thấy liền hỏi “Bây giờ các chú nói chuyện hay tôi nói? Trật tự trở lại đi, anh nào đứng đâu thì đứng tại chỗ mà ghi hình…” Đây là lần đầu tiên, ông ghi được hình ảnh của Bác Hồ trong tập thời sự số 1 của Điện ảnh QĐNDVN. Từ năm 1961- 1963, ông quay tư liệu mật Ngày Bắc đêm Nam. Đó là hình ảnh bộ đội luyện tập để đi về miền Nam đánh Mỹ; Cục quân chủng bộ binh tập đi lên núi xuống sông; Bộ đội đặc công tập ở sư 338 Xuân Mai Hà Đông…Tất cả các tư liệu, hình ảnh trên đều được Cục Bảo vệ thuộc Xưởng phim Giáo khoa Quân đội quản lý, không cho tuyên truyền.

Nhận lệnh đi B và trở thành Giám đốc Xưởng phim Quân Giải phóng

Năm 1962 ông Dương Minh Dẩu - giám đốc Xưởng phim QĐND Việt Nam thực hiện chỉ thị của Tổng cục chính trị, chuẩn bị cán bộ quay phim để đưa vào chiến trường miền Nam. Cử cán bộ đi vào 2 sư đoàn miền Nam 338 và 330 để tuyển một số anh em miền Nam đủ tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe để đào tạo cấp tốc số cán bộ quay phim. Bốn người được chọn: Trường Sơn, Xung Phong (Tên thật là Xông Pha), Hồng Hà; kết hợp với đoàn cán bộ xưởng phim nhà nước do đồng chí Cao Thành Nhơn (tức Hiền Liêm), đồng chí Trần Nhu về Nam để thành lập xưởng phim giải phóng. Lúc này, Trương Thành Hỷ đang phụ trách quay số tư liệu mà bộ đội luyện tạp để về chiến trường, các loại binh chủng đặc biệt các chiến thuật của các đoàn quân lên đường vào Nam đánh đánh Mỹ. Một đội quay gồm ông với ông Phùng Đệ với chiếc xe com-măng-ca từ Hà Nội lên Xuân Mai bám sát các đoàn quân chuẩn bị vào Nam, từ cách rèn luyện, tập hành quân leo đèo ngày và đêm.

Năm 1962, do yêu cầu của quân giải phóng miền Nam nên Tổng cục Chính trị tuyển anh em văn nghệ sĩ miền Nam về tập luyện ở sư đoàn 338 để đi Nam. Văn nghệ sĩ có các ông Trúc Chi, Ngọc Tấn; Văn công có các ông Long Bê, Huyền Thương, Vũ Thành, Trường Sơn, Xuân Điệu, Trí Thanh là cán bộ sáng tác và biểu diễn. Luyện tập thể lực xong, một ngày tháng 5/1962, đoàn được đưa về văn phòng Tổng cục Chính trị liên hoan để lên đường. Các ông Tố Hữu đại diện Trung ương Đảng, Lê Quang Đạo TCCT đến nói chuyện và chúc đoàn lên đường. Ông và Phùng Đệ trực tiếp ghi tư liệu. Khi gặp Trương Thành Hỷ, ông Tố Hữu hỏi “quay phim quân đội có đi đoàn nào chưa, có muốn đi không?”. Ông liền trả lời “ Dạ đề nghị cho tôi đi”.

Tháng 10/1962, lần quay tư liệu sau cùng của ông cho xưởng phim Quân đội với nội dung: Hải quân Việt Nam, đại diện Bộ QP Việt Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà, đại diện Đại sứ quán Liên Xô cùng với Đô đốc hạm đội của Liên Xô làm lễ bàn giao và hướng dẫn cho hải quân Việt Nam tại căn cứ hải quân. Trên chiếc cano của biệt kích Pháp do du kích Nam Bộ đánh chiếm được, gửi bộ đội tập kết đem ra tặng Bác Hồ tháng 12/1954, đơn vị Bộ Tư Lệnh hải quan Việt Nam đang bảo quản, đưa ông Trần Văn Trà và đoàn cán bộ Bộ tư lệnh hải quân đi nhận hạm đội của Liên Xô trao tặng hải quân Việt Nam, ông trình bày với ông Trà về việc đã có đào tạo 4 sĩ quan ở sư đoàn 330 và 338 cùng đi với xưởng phim nhà nước, rồi đề nghị cho ông được đi. Rất may ông Trà tán thành ngay. Ông tình nguyện về Nam luôn. Đây vốn là thời kỳ bí mật, việc đưa cán bộ đi Nam không được phổ biến rộng rãi.

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau
Nhà quay phim Trương Thành Hỷ (Thứ 2 từ trái sang, Hàng đầu)

Tháng 12/1962 đến 19/05/1963, anh em tập trung luyện tập mang vác ngày đêm, tập leo đèo lội suối với chiếc ba lô gạch thẻ, lúc đầu 6-7 viên sau nâng dần lên 10-12 viên cho một chiến sĩ bộ binh, cả súng đạn, tư trang từ 25-30 kg để vượt Trường Sơn. Bản thân ông tự thấy mình không phải là lính bộ binh, trang bị của mình là máy, phim nhựa về đến B2 có thể bắt tay vào làm việc được ngay. Xác định tự mang vác nặng hơn và phải luyện tập nhiều hơn, ông nghiên cứu xếp gọn trong ba lô từ 15 viên rồi đến 20 viên gạch. Suốt 3 tháng tập luyện cứ mỗi tuần tăng thêm 3 viên, đến 30 viên là đủ tiêu chuẩn cho một đội quay đi chiến trường với phim 16 ly và máy quay trên vai tổng cộng 30kg. Được nghỉ phép về đơn vị để chuẩn bị tư trang, trong lúc nghỉ phép ở Hà Nội chờ đợi mua máy quay, ông vẫn tranh thủ đem chiếc ba lô đầy gạch về giấu phía sau kho tư liệu để luyện tập. Ông dậy từ 4 giờ sáng và tập cả buổi tối vào lúc 10 giờ đêm trở đi, tập luyện trên đường Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng trước vườn hoa Ba Đình về tới Cửa Đông. Không tìm được máy nhẹ, chỉ có một máy Bell Howell nên ông nhường lại cho ông Trần Anh Trà đi khu 5, còn ông phải mua toàn bộ máy AK16 của Cộng hòa dân chủ Đức đang trưng bày ở triển lãm có đủ cót, điện, chargen 30m-60m và 120m rồi thu gọn trong một cái hộp da đựng cả ống kính Pancinor với 3000m 16 ly, một máy ảnh 24 x 36 thu gọn trong một balô cả trang bị cá nhân. Khi cân kiểm tra toàn bộ hành lý của ông nặng hơn hành lý của lính bộ binh 15 kg, chưa tính bao gạo 10 ngày ăn mang theo. Hết phép, mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, ông vẫn giữ bí mật. Đảng ủy xưởng phim gồm ông Dương Minh Dẩu - Bí thư giám đốc xưởng, ông Phạm Lệnh, ông Hoàng Văn Bổn biên tập, ông Bằng quay phim, ông Tần bảo vệ tổ chức liên hoan động viên ông và ông Trần Anh Trà lên đường về đơn vị. Ông vô cùng phấn khởi vì trang bị đi vào chiến trường làm nhiệm vụ coi như đầy đủ, bây giờ chỉ tập hành quân với chiếc balô của một cán bộ chuyên môn đi ghép với đơn vị bộ binh, không phải bỏ lại món nào. Thế là ông liên tục tập luyện cho đến ngày lên đường.

Tại cứ dã chiến, ông gặp Bá Nhàn, Phú Thạnh - 2 người được đào tạo ở xưởng phim giải phóng. Trong đêm đó, ông được biết tình hình cơ sở vật chất để phục vụ cho chuyên môn chưa có gì cũng chưa gặp được ông Trường Sơn, Xong Pha, Xung Phong và Đoàn Bảy - cả 4 người Nam Bộ lấy từ sư đoàn 330 đưa đi đào tạo quay phim đã đưa về trước biên chế cho quân giải phóng, do Cục chính trị quân giải phóng chưa có trang bị nên nhường lại để tăng cường cho xưởng phim. Ông gặp các ông Bảy Thưởng - trưởng phòng tuyên huấn, ông Ngọc Tân, Trúc Chi, Tám khoa, Võ Trần Nhã và Thanh Giang - bộ phận văn nghệ và bàn chuyện đi làm phim phóng sự chào mừng Quốc khánh Cuba (26/7) và phim thời sự nhiều tập, thêm vài hình ảnh sinh hoạt của quân giải phóng dài 300m. Với số phim và máy ông mang về, họ đã tổ chức làm thành 2 đội; một đội gồm ông Trường Sơn, Kiên Tri, Hồng Hải; một đội gồm: Trương Thành Hỷ, Bá Nhàn và Phú Thạnh; Nhiếp ảnh do ông Phan Tranh phụ trách; Chiếu bóng ông Lương Minh Đán, Trần Đại Út, Bất Diệt, Tấn thành lập 2 đội chiếu; Ông Phạm Tranh đi xuống các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Bến Tre công tác và chọn thêm anh em đưa về bồi dưỡng đào tạo nghề. Hai đội quay bắt tay vào làm phim, một đội làm phim chào mừng quốc khánh Cuba, một đội xuống các đơn vị chiến đấu và các đơn vị phục vụ chiến đấu như thông tin, quân trang, quân giới, quay trận đánh đồn Bạu cỏ nó mở đầu cho tập phim thời sự vài hình ảnh quân giải phóng.

Để chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất, Cục chính trị miền giao cho Đoàn văn công giải phóng chuẩn bị các tiết mục biểu diễn phục vụ; bộ phận làm phim chuẩn bị dựng phim. Hai tập phim vài hình ảnh sinh hoạt của quân giải phóng tập 1 và 2 do ông Bảy Thưởng phó phòng tuyên huấn chỉ đạo. Muốn làm được phim phải qua xưởng phim của Mặt trận dân tộc giải phóng nhờ tráng và in, để kịp thời phục vụ Đại hội, ông Bảy Thưởng phân công các ông Võ Trần Nhã và Thanh Giang vừa là liên lạc vừa viết thuyết minh cho 2 tập phim khi dựng xong.

Đúng vào thời kỳ bọn biệt kích tăng cường hoạt động, trong đoàn cả 3 người không ai có một tấc sắt nào, ông Nhã và Giang bàn nhau tìm đường đi tắt cho gần để ông đỡ mệt vì mang nặng quá. Ông Nhã nhận trách nhiệm dẫn đường, đi lòng vòng mấy tiếng, sau cảm thấy mất phương hướng, cả 3 người ngừng lại nghỉ. Ông Thanh Giang tỏ ý lo lắng không vui, khiến ông Nhã cũng buồn theo. Thế là ông động viên ông Nhã cố bình tĩnh lại để xác định hướng đi. Cuối cùng ông Nhã đã tìm được đường đi đến đơn vị cách chỗ nghỉ không xa thì trời đã tối.

Đến xưởng phim gặp được các ông Hiền Liên (Cao Thành Nhơn) giám đốc xưởng phim, Xung Phong, Xông Pha, Đoàn Bảy, Phạm Khắc, Ba Chụp số anh em này ở xưởng phim quân đội đi vào trước, đều quen biết nhau cả nên rất mừng, trò chuyện suốt cả đêm. Được sự đồng ý của Ban giám đốc xưởng phim Giải Phóng, liên tục mấy ngày liền mọi người tập trung in, tráng, dựng được 2 tập phim về vài hình ảnh hoạt động của quân giải phóng dài 300m mỗi tập. Phim có nhiều đề tài phong phú như: Chiến thắng Bầu Cỏ, Quốc khánh Cuba (26/7), và Một số tiết mục văn nghệ của Đoàn văn công quân giải phóng như múa Thùng hom, bài ca may áo…v.v đem phục vụ cho Đại hội lần II Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được đông đảo đại biểu hoan nghênh. Các ông Trần Bạch Đằng, Bảy Thưởng cho rằng cách làm các phim ngắn như vậy rất tốt, đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho bộ đội, động viên anh em nên cố gắng làm phim theo cách này để kịp thời chiếu phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta. Từ đó, mọi người tích cực thực hiện được nhiều phim hơn Xưởng phim Quân giải phóng và kịp thời chiếu phục vụ bộ đội và nhân dân được đông đảo người xem hoan nghênh.

Tháng 1/1964 chỉ còn ông Trần Đại Út bên kỹ thuật, ông Lương Minh Đán hy sinh, cán bộ kỹ thuật chiếu bóng, máy nổ có ông Bất Diệt, ông Tấn chia thành 2 đội đi chiếu phục vụ cho các cơ quan, đơn vị ở miền Đông. Ông Phạm Tranh khi về đến miền đã tổ chức đi xuống Đồng Tháp, Bến Tre, Long An để sáng tác, thu thập tài liệu và tuyển người về đào tạo tăng cường cho các bộ phận.

Tháng 4/1964 nhận quyết định thành lập đơn vị với phiên hiệu B8C362, ngành điện ảnh quân giải phóng chính thức ra đời các ông Trương Thành Hỷ, Trường Sơn, Phạm Tranh được giao nhiệm vụ phụ trách đơn vị.

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau
Nhà quay phim Trương Thành Hỷ (thứ 2 từ phải qua) trong buổi gặp mặt Hội viên Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh

Do yêu cầu công tác và giữ bí mật an toàn, đơn vị làm phim không được đóng quân gần cơ quan chỉ đạo mà phải tìm vị trí ở xa cách cơ quan chỉ đạo ít nhất 1-2 giờ đi bộ. Ông Phùng Bất Diệt và Bá Nhân thường hay đi săn thú, nắm được một số nơi rừng rậm rạp có thể đóng quân được; ông và 2 người đi tìm nơi đóng quân đầu tiên; Yêu cầu nơi đóng quân phải cách xa cơ quan chỉ đạo một cự ly thích hợp, bảo đảm bí mật, phải có nước sinh hoạt và bảo đảm cho chuyên môn. Sau khi vật lộn mấy ngày trời mới tìm được nơi đóng quân đạt được các yêu cầu trên, đơn vị ở độc lập nên phải tự lo đủ mọi việc, ngoài công tác chuyên môn phải lo tải gạo, tăng gia sản xuất tự túc lương thực 6 tháng/người. Không có biên chế thêm, anh em đi công tác về là lo tranh thủ thời gian đi sản xuất trồng tỉa rau màu, khoai sắn.

Do yêu cầu phục vụ chiến trường ngày một cao, Phòng tuyên huấn chỉ đạo cho Xưởng phim tổ chức một lớp đào tạo cán bộ quay phim, nhiếp ảnh, chiếu bóng. Tất cả mấy anh em Thành Hỷ, Phạm Tranh, Trường Sơn, Bá Nhàn, Kiên Tri, Hồng Hải, Bất Diệt, Út, Đán, Châu, Tân chuẩn bị chương trình mở lớp đào tạo.

Thực chất là một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quay phim, nhiếp ảnh, chiếu bóng có học viên, anh em được tuyển chọn ở các đơn vị về, với các ông thầy là anh em ở Xưởng phim. Sau khóa học chia thành 2 đội đi chiếu bóng phục vụ các đơn vị từ T1 đến T4 và Q761, Q762 Cục hậu cần, Cục tham mưu, quân giới miền. Các phim chiếu phục vụ đơn vị như Chim vành khuyên, các phim phóng sự ngắn của xưởng phim Quân giải phóng và của Xưởng phim Giải phóng.

Sau Đại hội anh hùng Quân giải phóng miền Nam lần thứ I năm 1965 tất cả anh em B8 phục vụ Đại hội được điều hết về đơn vị. Ông và ông Nhàn tiếp tục ở lại làm một số nội dung về hoạt động của anh hùng Phạm Văn Hai để trở về báo cáo lại cho các đơn vị của Y4 đặc khu Sài Gòn Gia Định – Chợ Lớn.

Người nghệ sĩ quay phim, chụp ảnh làm ra tác phẩm của mình là để phục vụ người xem nhưng ở đây khi quay phim, chụp hình xong phải nộp cho Bộ quốc phòng vì đây là hình ảnh của các Đồng chí lãnh đạo cao cấp. Ông được lệnh quay hình ảnh hội nghị Trung ương Cục miền Nam, số lượng quay rất hạn chế, chỉ có 2 cuộn 16 ly, xong cho vào hộp đưa gửi về Hà Nội. Tiếp đó, ông quay hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh trao cờ thưởng cho một đơn vị đánh sân bay Biên Hòa, quay hình ảnh đồng chí Thanh và Hoàng Cầm đang nghiên cứu chiến dịch Bình Giã. Những hình ảnh quay hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục như Mười Cúc, Năm Thu, Sáu Di, Mười Khang, Phạm Hùng tại chiến trường B2 hiện nay chính ông cũng không biết đang được lưu trữ ở đâu.

Tháng 12/1964 chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã, hai đội quay phim của Quân giải phóng và một đội quay của Xưởng phim Giải phóng có mặt tại mặt trận công đồ Đồng Xoài để làm nhiệm vụ. Sau trận Đồng Xoài trong đội chỉ còn các ông Phú Thạnh, Bảo - phụ quay.

Khi phục kích đánh địch tiếp viện trên đường số 2, ông Thạnh bị thương ngã, xuống tay vẫn cầm máy, gượng dậy tiếp tục quay nhưng vết thương quá nặng nên đã hy sinh. Ông là người liệt sĩ đầu tiên của Xưởng phim Quân Giải phóng.

Tháng 6/1965 tại hội nghị tổng kết chiến dịch Bình Giã, ông quay khá nhiều hình ảnh của hội nghị, 2 nhà báo Burchelte và Made Lein-e Riffaud, đoàn quay phim của quân đội Trung Quốc đi chiến trường, quay phim 2 nhà báo Cuba Raoun Castro và chị Minota, đoàn CHDCND Triều Tiên gặp các đồng chí Trung ương và Cục chính trị miền…. Đây đều là những thước phim thuộc tư liệu mật.

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau
Nhà quay phim Trương Thành Hỷ được bạn bè đồng nghiệp gọi bằng tên thân mật Cố Hỷ

Đi cùng đoàn quân giải phóng

Năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ bắt đầu, như thường lệ các đội chiếu đi xuống Bộ chỉ huy tiền phương, các đội quay đi xuống các sư đoàn 5,7,9. Từ đất K anh em về đến cứ Chàng Riệc của B8 nghỉ chân, tính toán đoạn đường đi đến đơn vị công tác.

Ông Cam hạ quyết tâm lần này ai sẽ đi theo đơn vị mở cửa để quay cho được cảnh điểm rơi của pháo ta khi đến mục tiêu đồn địch. Những hình ảnh ông Cam quay được trong trận đánh này rất rõ, phim đã in tráng và chiếu cho bộ đội xem. Năm 1972, Lộc Ninh được giải phóng, toàn bộ đơn vị B8 kéo nhau về làng T vào rừng xây dựng cứ; các đội quay lần lượt về chuẩn bị đào hầm chung quanh doanh trại. Tháng 3/1972, nhận được chuyển hàng từ Xưởng phim quân đội do 3 ông Xuân, Bảo, Phi áp tải vào, riêng phần của quay phim, chiếu bóng được 1 xe tải. Địch còn đóng ở Bình Long, Phước Long. Chính phủ cách mạng LTCHMNVN đóng đô tại thị trấn Lộc Ninh, lấy sân bay Lộc Ninh đón đoàn quân chiến thắng trở về. Công việc của Xưởng phim lúc này bắt đầu phình ra. Xưởng vẫn ở tại làng 7 do ông phụ trách, bộ phận chiếu bóng, phát hành về ở chung với T37 do ông Trường Sơn phụ trách.

Khi công việc rảnh rỗi, ông Hỷ tìm cách liên lạc được với em gái ông lên chơi, sau khi về tin cho vợ lên thăm ông, nhưng đi đến Tây Ninh bị địch bắt giữ từ ngày 1/6/1973 đến 30/6/1973 mới thả. Cho đến 30/4/1975, vợ chồng ông mới được gặp lại nhau.

Vùng giải phóng ngày được rộng mở, các đội quay thường trực ở các sư đoàn. Tháng 12/1974 đến tháng 1/1975, ông và Quốc Hùng đi làm phim phóng sự giải phóng Phước Long bằng xe Honda 90 đi từ Đồng Xoài, Bù Đốp, Bù Đăng, Bara… Cục chính trị lệnh tổ chức ngay một đội chiếu bóng đi vùng giải phóng phục vụ đồng bào các dân tộc. Tất cả đi trên 1 cái xe Jeep, phục vụ ở nhiều nơi.

Tết đó, anh em đội quay được ở nhà ăn tết trọn vẹn. Chiều 28/4/1975, phòng tuyên huấn giới thiệu các ông Trần Việt - biên tập, Phùng Đệ - quay phim của Xưởng phim quân đội. Ông Bảy Thưởng cho biết là không còn đội quay nào cả, các đội đã xuống hết đơn vị rồi, thừa lệnh thủ trưởng, ông Hỷ và ông Hùng phải thành lập đội và cùng đi với đội quay của Trung ương vừa liên lạc vừa làm việc luôn. Sáng 29/4/1975, trực làm nhiệm vụ tại phòng gần Bộ chỉ huy miền chờ lệnh, 16 giờ cơm nước xong hai người đi chung với xe với Trần Việt, Phùng Đệ theo đoàn lên Quốc lộ 13 từ Lộc Ninh đến An Lộc Bình Long, Chơn Thành qua Dầu Tiếng đến Quốc lộ 22 tin chiến thắng dồn dập, cờ hoa rợp trời hai bên đường từ Gò Dầu về đến Sài Gòn. Cờ mặt trận tung bay, xe đoàn quân giải phóng thẳng tiến vào Thành phố đúng 14 giờ ngày 30/04/1975.

Các đoàn quay phim, các cánh quân gặp nhau trước Dinh Độc Lập, các đội quay chia nhau đi ghi lại toàn bộ hình ảnh đẹp của tình quân dân. Người chiến khu và người thành phố gặp nhau họ chuyện trò rất vui vẻ.

Trong đoàn quay phim của ông có người lâu nhất gần 30 năm, người ít nhất cũng 10-15 năm xa các ông bà, cô bác ở Sài Gòn, có người ở Hà Nội mới vào giải phóng Thành phố.. đến nơi ai cần tắm, ai cần đi thăm bà con chung quanh để các bà mẹ và các chị lo bữa ăn tươm tất.

Ngày 1/5/1975, tất cả Xưởng phim Quân Giải phóng về số 2 đường Hồng Thập Tự (nay là Lê Duẩn) tạm đóng quân ở đây, đi tìm Xưởng phim Quân đội ngụy ở 48 đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành) đóng quân ở đây tiến hành công tác chờ các đội về đủ, thời gian chờ đợi anh em đội quay vẫn công tác và lo việc thu quân ở căn cứ Lộc Ninh về.

Được lệnh của Cục chính trị miền, ông Bảy Thưởng cho hay chuẩn bị bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất cho Xưởng phim Quân đội, người thì giải quyết cho một số đi học lại văn hóa, một số chờ phục viên đối với các đồng chí ở miền Bắc. Còn một số anh em được cho về sở văn hóa, ra phụ trách rạp chiếu bóng, công ty nhiếp ảnh, một số anh tiếp tục làm nghề quay phim ở khắp các Tỉnh, Thành trong cả nước.

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau
Nhà quay phim Trương Thành Hỷ (trái) nay đã ngoài 90 tuổi

Nghiêm chỉnh chấp hành lệnh không giữ lại, giao toàn bộ cơ sở vật chất của Xưởng phim Quân Giải phóng thành lập kể cả toàn bộ Xưởng phim của địch để lại. Xưởng phim Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khai tử từ đấy. Vậy mà với ông giờ đây kí ức về những thước phim vẫn còn nằm ở kho lưu trữ bí mật nào đó, những địa chỉ, những trận đánh, những đồng chí, anh em cầm máy, cầm viết và nhất là dấu vết của chặng đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam vẫn không thể quên…Chân dung của ông bây giờ vẫn đậm phong cách lính Bác Hồ, vẫn quân phục tuy đã sờn và nhất là không bao giờ thiếu đôi dép râu. Ông vẫn thế, chân thành, giản dị, kiệm lời, rất lạc quan. Một người chồng có tình thương và trách nhiệm chăm lo tận tình với người vợ ốm đau mới qua đời. Một tay máy lính luôn giữ đúng giờ giấc…Với nhiều thành tích, song ông cũng chẳng hề bon chen, ganh tị các danh nghệ, danh quyền… mà chỉ cười đôn hậu hóm hỉnh “… Sự cống hiến của chú qua từng thước phim chính là kho tài sản quý của đất nước đấy chứ, chính vì thế mà nó luôn được trân quý và giữ bí mật…” Giờ ông đã hơi yếu bởi đã ngoài 90, song ở ông luôn toát lên một phong cách quân nhân mỗi khi xuất hiện, cùng với nụ cười thiệt nhân từ của người con kiên cường 18 thôn Vườn trầu Bà Điểm Hóc Môn. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng thời chống Pháp: Huân chươngchiến công hạng ba, Huân chương Quyết Thắng hạng ba, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Thời chống Mỹ: Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương quân công quyết thắng, Huân chương vẻ vang 1,2,3…

nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Ra mắt cuốn sách Quay phim điện ảnh & truyền hình của NSƯT Phạm Thanh Hà
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau NSƯT Nguyễn Văn Nẫm – Nhà quay phim trong lửa
nha quay phim truong thanh hy nguoi con kien cuong cua muoi tam thon vuon trau Nhà quay phim Lý Thái Dũng – Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Dựa vào hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước

Vũ Liên