Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?

(TGĐA) - Tiết tấu hay nhịp điệu trong phim là yếu tố vô cùng quan trọng để cấu thành nên một tác phẩm điện ảnh đặc sắc. Tuy nhiên, cứ nhìn vào phim Việt nhiều năm trở lại đây, không những có rất ít tác phẩm làm tốt phần này mà trái lại còn đem đến cho khán giả cảm giác rời rạc, rất khó nuốt trôi.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa! 'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Mỹ nhân Việt đọ sắc khi mặc váy cưới, ai là người lung linh nhất trên màn ảnh? Mỹ nhân Việt đọ sắc khi mặc váy cưới, ai là người lung linh nhất trên màn ảnh?

*Lưu ý: Bài viết dựa nhiều vào quan điểm cá nhân của tác giả.

Phạm Thị Hảo - giảng viên khóa Trại sáng tác Dựng phim Sài Gòn từng chia sẻ rằng: “Đối với một nhà văn, đó là từ ngữ. Đối với một nhà soạn nhạc hoặc một nhạc sĩ, đó là nốt nhạc. Đối với một người dựng phim hoặc một đạo diễn thì đó là frame hình. Bớt đi một frame hình, bị dư hay bị thiếu hai frame hình cũng tạo ra sự khác nhau” – Một nhận định ngắn gọn, xúc tích cho thấy nhịp điệu trong phim phụ thuộc vào sự liên kết của các khung hình ra sao.

Quá trình tạo ra nhịp điệu phim chủ yếu diễn ra trong phòng dựng phim, khi editor (biên tập) cần biết khi nào nên “cut” các shot nhằm tạo ra tính liền mạch và thu hút người xem. Nếu không định lượng đúng thời gian, khiến cho cảnh quay quá ngắn hoặc kéo dài lê thê, bộ phim sẽ được nhận ra ngay là mất đi nhịp điệu và rất dễ rơi vào trạng thái “chơi vơi”. Đây là là yếu điểm rất dễ nhận ra trong phim Việt vài năm trở lại đây.

Nhà làm phim Joe Dante từng có chút cay đắng khi nói rằng: “Trong phòng biên tập, rất nhiều bộ phim đã được ‘cứu’ còn một số khác thì lại bị hủy hoại trong khâu chỉnh sửa”.

Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Khâu dựng phim đóng vai trò quan trọng

Trong bộ phim Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, cảnh phim tay sát nhân rượt đuổi cô gái mù trên đường phố Sài Gòn được coi là cảnh “quan trọng” bậc nhất bộ phim lại diễn ra quá ngắn và gây nên sự thiếu hồi hộp, khán giả chưa kịp sợ hãi thì cảnh quay đã hết. Nếu Trịnh Đình Lê Minh kéo dài thời gian thêm một chút trong trường hợp này, độ “dai dẳng” và ám ảnh của cảnh quay sẽ được nhân lên. Ngược lại ở bộ phim Sài Gòn trong cơn mưa mới ra mắt gần đây, đạo diễn Lê Minh Hoàng để cho nam chính đi làm ở quán bar ẩn chứa nhiều tệ nạn – mục đích muốn nói về sự sa ngã của giới trẻ, nhưng lại kéo dài quá mức tình tiết này, trong khi đó đoạn kết lại gãy cụt, ý nghĩa không rõ ràng. Ở một bộ phim khác mà rất nhiều người biết tới đó là Chị trợ lý của anh của Mỹ Tâm, chắc hẳn một số khán giả lúc ấy sẽ bị sốc khi bộ phim có nữ ca sĩ nổi tiếng tham gia đang tỏ ra khá tròn trịa với mô-típ của phim hài – tình cảm nhưng phần cuối lại nhồi nhét một cách đầy bất ngờ và vô duyên thể loại bi kịch, khiến nhân vật nữ chính bị mắc bệnh hiểm nghèo, mắc bệnh không có lý do rõ ràng và cũng khỏi bệnh một cách khó hiểu. Cua lại vợ bầu của đạo Nhất Trung cũng gặp lỗi tương tự như Chị trợ lý của anh ở phần cuối.

Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Bằng chứng vô hình tổng thế không đến nỗi nào nhưng yếu về nhịp điệu

Dĩ nhiên, nhịp điệu trong phim cũng cần lắm cảnh quay có khung hình đẹp, diễn xuất tốt, âm nhạc tràn đầy cảm xúc thì mới có thể truyền tải những gì đẹp đẽ, tinh tế nhất đến người xem nhưng tất cả đều phải cần một người biên tập có tư duy ổn định và sáng suốt – mà điều này dường như cũng khó lòng học được bằng bài vở ở một môi trường dạy và làm phim vẫn còn nặng khuôn khổ, còn kìm kẹp nhiều sáng tạo hay chưa dám thử thách lớn như tại Việt Nam.

Thật ra không có một nguyên tắc nhất định nào về việc dựng phim, nhà biên tập phim người Anh Anne Voase Coates đã có 60 năm kinh nghiệm trong ngành biên tập phim từng cho hay: “Hãy dũng cảm tin vào cảm xúc của bản thân, nếu cảm xúc của bạn tốt, sẽ cho ra những thước phim tốt”.

Trần Thanh Huy với những khát khao và dũng cảm muốn làm một bộ phim chân thực về Sài Gòn nhiều góc cạnh, đã tạo ra nhất nhiều cảnh rượt đuổi có nhịp điệu dồn dập, khiến khán giả cực kỳ say mê và cho rằng, hiếm có phim Việt nào có được ở phim Ròm. Vậy mà ở một số trường đoạn, chàng đạo diễn trẻ cũng mắc phải lỗi cắt cảnh không mượt mà, khiến cho bố cục rời rạc, dẫn đến hệ quả chưa làm rõ tính cách, số phận một số nhân vật.

Một số ý kiến khác cho rằng, sỡ dĩ việc biên tập phim ở Việt Nam chưa thể tốt là do vấn đề kịch bản. Nhất là ở giới làm phim trẻ hiện nay vì quá khao khát một ý tưởng mới lạ để khẳng định bản thân mà có lẽ đã quên hẳn ngay từ khâu chắp bút viết kịch bản, người viết đã phải tưởng tượng ra trong đầu nhịp điệu mong muốn là gì, điều tiết hành động và độ dài ra sao cho hợp lý, chứ không riêng gì câu chuyện này có ý tưởng hấp dẫn và độc đáo thế nào.

Hai bộ phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi Sài Gòn trong cơn mưa đều được giới trong nghề khuyến khích khán giả nên bỏ tiền ra rạp để ủng hộ góc nhìn mới của nhà làm phim trẻ. Kể cả vậy, ý tưởng là đáng khen nhưng ai nấy đều cũng có thể nhận ra, kịch bản ngay từ đầu quá nặng tính sắp đặt, nói về chữ “duyên” mà lại thành ra gượng ép, làm cho những khung hình dù đẹp và nên thơ đến mấy cũng bị vạ lây.

Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi
Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Sài gòn trong cơn mưa

Cũng sẽ là khập khiễng nếu so sánh nhưng tôi còn nhớ rằng, mình từng xem một bộ phim “thảm họa” của Việt Nam Tôi là não cá vàng. Tôi cho rằng, đạo diễn cùng biên tập quả thực rất cẩu thả, thích chỗ nào cắt chỗ đó, hứng chỗ nào chuyển cảnh chỗ đấy. Tôi đã bỏ về giữa chừng và chỉ muốn bật lên một bộ phim của Queen Tarantino, sự cao siêu của ông không hề nằm ở điều gì quá to lớn.

Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Phim thảm họa Tôi là não cá vàng

Mở đầu phim Inglorious Bastards, đại tá SS Hans Landa, lúc đầu chỉ tán hươu tán vượn với người nông dân nuôi bò sữa, nhưng những chuyển biến về mặt tâm lý khiến người nông dân bị hành hạ tới mức tiết lộ cho Landa biết sự có mặt của gia đình người Do Thái dưới sàn nhà anh ta. Một thủ pháp cực kỳ tinh tế khi làm chậm nhịp điệu lúc đầu nhưng tăng dần mức độ căng thẳng về sau và tất cả… chỉ diễn ra bằng một trường đoạn hội thoại cùng sự chuyển cảnh hợp lý.

Nhịp điệu trong phim: Tại sao đến giờ phim Việt vẫn còn yếu đến thế?
Queen Tarantino - bậc thầy nhịp điệu

Có một tác giả một bài viết khác từng nói thế này, người biên tập đôi khi hãy nghĩ mình là một người kể chuyện hài, nên biết chính xác lúc nào nên tiếp tục để người nghe cảm thấy buồn cười và nên dừng lúc nào khi nhận thấy bầu không khí căng thẳng. Nghe qua thì đơn giản nhưng các nhà làm phim Việt hiện giờ như cố tình bỏ quên điều đó, nêu không muốn nói là thiếu sự tôn trọng khán giả.

Tạm kết

Cảm xúc nuôi dưỡng nghệ thuật, nhưng nếu cảm xúc của bạn không đù đầy thì bạn nhất định sẽ khiến tác phẩm của mình không có giá trị. Và với nghề biên tập phim ở Việt Nam, tạo ra nhịp điệu cho bộ phim cần phải có cảm xúc dạt dào với nghệ thuật, có thêm cho mình sự tỉnh táo để lắng nghe, học hỏi, biết chỗ nào nên thừa nên thiếu nhằm tạo ra dòng chảy phù hợp cho bộ phim. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên nghĩ nhiều hơn về cách phát triển một kịch bản, không đơn thuần là ý tưởng mà làm sao để ý tưởng đó đi vào lòng công chúng và một trong những cách nhanh nhất chính là tạo ra nhịp điệu ổn định chứ khoan nói tới hai từ hoàn chỉnh.

'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa! 'Mọt phim' Việt thời 4.0: Hãy là người xem có văn hóa!
Mỹ nhân Việt đọ sắc khi mặc váy cưới, ai là người lung linh nhất trên màn ảnh? Mỹ nhân Việt đọ sắc khi mặc váy cưới, ai là người lung linh nhất trên màn ảnh?

Vũ Anh