Những cung bậc giai nhân trên màn ảnh Việt

(TGĐA) - Sắc đẹp là một khái niệm khó định nghĩa, bởi nó thay đổi theo chuẩn mực thời đại. Nhưng, nhan sắc trên màn ảnh thì dường như có đời sống lâu bền hơn bởi nó mang trên mình tâm hồn nhân vật mà người diễn viên đó chuyển tải. Marilyn Monroe, Julia Robert… ở kinh đô Hollywood; Catherine Deneve trên màn ảnh Pháp; Lâm Thanh Hà, Lưu Tuyết Hoa… ở Hồng Kông; Choi Ji Woo, Kim Hee Sun… trên màn ảnh xứ Hàn là những nhan sắc mãi trường tồn. Còn trên màn ảnh Việt, với từng giá trị thời điểm khác nhau, nhưng nhan sắc, chưa bao giờ thiếu…

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet Trấn Thành lần đầu cùng 'tứ đại giai nhân' Lan Ngọc, H’Hen Niê, Thúy Ngân, Thùy Dung cầm trịch chương trình đêm Giao thừa
nhung cung bac giai nhan tren man anh viet Những ngôi sao tương lai của màn ảnh Việt
nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Vẻ đẹp của minh tinh Thẩm Thúy Hằng

Thời “Tứ đại mỹ nhân” kiêu sa và quý tộc

Kiều Chinh, Thanh Nga, Mộng Tuyền, Thẩm Thúy Hằng là “bộ tứ nhan sắc” được coi là chuẩn mực về vẻ đẹp của màn ảnh Việt trước những năm 1975. Với khán giả yêu mến, hình dung về họ là nét kiêu sa, quý tộc cũng như khí chất minh tinh trong những chiếc áo dài cách tân đậm nét Sài Gòn.

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Người đẹp Tây Đô Mộng Tuyền

Nếu “Người đẹp Tây Đô” Mộng Tuyền được biết đến sau bộ phim 11 giờ 30 (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Chân trời tím (hãng phim Liên Anh) và đặc biệt là bộ phim truyện có mầu Gánh hàng hoa (cũng của Lê Hoàng Hoa) thì “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga lại bén duyên khán giả màn ảnh với một loạt diễn xuất ấn tượng trong Đôi mắt người xưa, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Xa lộ không đèn

Với Thẩm Thúy Hằng, bà đã đặt dấu mốc của mình với vai Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương (1958). Vai diễn này đã mang cái tên Thẩm Thúy Hằng đến với công chúng, đưa bà trở thành nhân vật bảo chứng doanh thu phòng vé và chính thức đóng danh xưng “người đẹp Bình Dương” mỗi khi nhắc đến tên bà. Thẩm Thúy Hằng được mệnh danh là người tham gia nhiều phim nhất của thập niên 1950-1960; là chuẩn mực sắc đẹp một thời và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của Việt Nam đứng vào hàng ngũ minh tinh châu Á thời đó.

Còn Kiều Chinh, bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất của mình năm 1957 với vai chính trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ và sau đó là hàng loạt các bộ phim của Mỹ cũng như hải ngoại. Không bén duyên với các bộ phim ở Việt Nam trước và sau năm 1975 như ba người đẹp trong “bộ tứ” nhưng vẻ đẹp của Kiều Chinh trên màn ảnh cũng đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả Việt.

Vẻ đẹp mộc mạc và đôi mắt của tâm hồn

Những “nàng thơ” của thời điện ảnh cách mạng đã đi một con đường dài dọc lịch sử cùng đất nước, từ các cung bậc thời chiến đến những số phận thời bình. Họ đẹp một cách bình dị, mộc mạc và thuần khiết, thu liễm mà lại ngát hương đến từ tâm hồn.

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
NSND Trà Giang - vẻ đẹp biểu tượng của phụ nữ Việt trong phim điện ảnh thời chiến

Kể tên đầu tiên phải nhắc tới NSND Trà Giang. Không quá chuẩn mực trong tiêu chuẩn của cái đẹp thời điểm đó nhưng với diễn xuất của mình trong Chị Tư Hậu, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Huyền thoại mẹ… NSND Trà Giang đã chinh phục mọi khán giả, tạo nên một “chuẩn mực” mới về cái đẹp, biến mình trở thành cái tên giàu ảnh hưởng nhất trong những bộ phim thời kỳ này.

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Vẻ đẹp của NSND Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên

Dòng chảy điện ảnh thời kỳ này gần gũi với nhân dân, với khán giả, chú trọng khích lệ tinh thần dân tộc và đó cũng là nguồn nuôi dưỡng cho hàng loạt các gương mặt đẹp một cách mộc mạc được phát lộ. Vẻ đẹp được thu liễm trong tâm hồn và những đôi mắt như biết nói là điểm nhấn của các “nàng thơ” đó. Khán giả có thể gặp cái đẹp nết na, đằm thắm trong vắt của NSND Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên, Mối tình đầu hay Gánh hàng hoa…; chất ngây thơ trong sáng của “Sáu Xoa” Thúy An trong Cánh đồng hoang; đôi mắt đen láy của NSƯT Minh Châu trong Người đàn bà nghịch cát, Cô gái trên sông; vẻ đẹp u buồn của nghệ sỹ Đức Hoàn trong Vợ chồng A Phủ; đôi mắt to tròn của NSƯT Thanh Loan trong Biệt động Sài Gòn; nét đằm thắm của NSƯT Chiều Xuân trong Người yêu đi lấy chồng; nét uẩn ức của NSƯT Phương Thanh trong Tội lỗi cuối cùng hay vẻ thanh tao, quý phái mà không kém phần nền nã của NSND Lê Khanh trong Dòng sông hoa trắng… Có thể nói, đây là thời kỳ không có quá nhiều phim được sản xuất nhưng những nhan sắc màn ảnh Việt liên tục được nở rộ và tiếp nối. Ngoài những cái tên kể trên, khó ai có thể quên những gương mặt từng làm đắm say màn ảnh Việt thời kỳ này như nghệ sỹ Ngọc Lan, Mai Châu, Thùy Liên, Mộng Tuyền, Thanh Tú, Thanh Lan, Hoàng Cúc, Thanh Quý, Diệu Thuần…

Thời của những nàng thơ bước ra từ ảnh lịch

Nhắc đến những giai nhân cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 người ta thường liên tưởng tới những “nàng thơ” bước ra từ ảnh lịch. Những cái tên như Diễm My, Thủy Tiên, Diễm Hương, Y Phụng, Việt Trinh, Ngọc Hiệp, Thu Hà… đều quen thuộc không chỉ trên phim mà còn trong những ảnh lịch treo đầy nhà người dân ở thập niên đó. Đẹp tinh khiết và mơ màng trong tà áo dài hay những bộ đồ tân thời khỏe khoắn. Họ đại diện cho các nàng thơ thuở thanh xuân mơ màng và tươi trẻ.

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Vẻ đẹp diễn viên Diễm Hương thập niên 90

Đây cũng là thời mà điện ảnh gọi là thời phim “mì ăn liền” với những bộ phim video mang tới khái niệm đầu tiên về doanh thu, hút khách, thu hồi vốn với các thể loại mang tính giải trí, bi lụy sướt mướt của tình yêu tuổi học trò hay cổ trang, kiếm hiệp… Bỏ qua những đánh giá về nghệ thuật, thời điểm này, màn ảnh Việt (kể cả chính thống lẫn Mì ăn liền) cũng đều khiến khán giả đắm say với những giai nhân tài sắc vẹn toàn. Ngoài “nữ hoàng ảnh lịch” Diễm My, khó ai có thể quên gương mặt ngây thơ và trong sáng của Diễm Hương trong các bộ phim Phạm Công – Cúc Hoa, Nước mắt học trò; vẻ mong manh, trong veo của Thu Hà trong Sau giấc mơ hồng, Đêm hội Long Trì; đôi mắt của Việt Trinh trong Xương rồng đen, Người đẹp Tây Đô; sự đằm thắm của Thủy Tiên trong Vị đắng tình yêu; nét trong sáng, ngây thơ của Mỹ Duyên trong Xóm nước đen, Chiếc chìa khóa vàng; nụ cười duyên dáng của người đẹp Võ Sông Hương hay “chất đàn bà” của hai chị em nhà Lê Vân - Lê Vi…

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Nữ hoàng ảnh lịch một thời Diễm My

Thời của Ngọc nữ hay Đả nữ?

Có thể lấy được bắt đầu từ dấu mốc Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng năm 2001 với vẻ đẹp bốc lửa của diễn viên Minh Thư làm sự khởi đầu cho sự đa dạng của mỹ nhân thời hiện đại. Sau đó, sự nở rộ của phim truyền hình và xã hội hóa điện ảnh đã tạo cho màn ảnh Việt một cơn sóng “gương mặt đẹp” đến từ các ngành nghề khác như múa, người mẫu, ca sỹ tham gia vào lĩnh vực diễn xuất như Anh Thư, Hồ Ngọc Hà, Thủy Hương, Dương Yến Ngọc, Kim Hiền, Kathy Uyên, Đinh Ngọc Diệp, Vân Trang, Thanh Hằng, MiDu, Diễm My 9x, Miu Lê, Phương Trinh Jolie, Jun Vũ, Hoàng Yến Chibi, Kaity Nguyễn... Tuy nhiên, sự đổ bộ ào ạt không có nghĩa tất cả đi kèm với chất lượng. Và có vẻ, cái đẹp không còn được thu liễm, tùy từng giai đoạn mà danh xưng đi kèm có thể là “ngọc nữ” hay “đả nữ”.

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Diễn viên Ngô Thanh Vân khởi đầu hình ảnh đả nữ trong Dòng máu anh hùng
nhung cung bac giai nhan tren man anh viet
Jun Vũ đang được coi là ngọc nữ mới của màn ảnh Việt
Giai nhân trên màn ảnh Việt, ở từng thời điểm, với những giá trị, chuẩn mực khác nhau nhưng nhan sắc chưa bao giờ thiếu…

Bên cạnh những “nàng thơ” mang hơi hướng thập niên trước như Hồng Ánh (Đời cát, Trăng nơi đáy giếng), Thúy Hằng (Cuộc đời của Yến) thì màn ảnh Việt thời điểm này với sự đa dạng về đề tài cũng như thể loại đã mang lại nhiều gương mặt giai nhân làm say đắm lòng người nhưng tựu trung lại, để khán giả nhớ lâu lại nằm ở hai cụm từ “ngọc nữ” hay “đả nữ”. Đẹp tiêu chuẩn được gọi là “ngọc nữ” ngoài Tăng Thanh Hà thời kỳ đầu còn có Ninh Dương Lan Ngọc, MiDu hay Jun Vũ, Khả Ngân sau này… Còn “đả nữ” – có vẻ là đặc sản của thời đại này cũng đều là những gương mặt đẹp đình đám đến tiếp nối. Ai có thể nghĩ “cô Dần” Trương Ngọc Ánh của Áo lụa Hà đông hay người mẫu ảnh Ngô Thanh Vân ngày nào lại trở thành biểu tượng của “đã nữ” thời kỳ này. Nếu Ngô Thanh Vân gây ấn tượng đầu tiên với Dòng máu anh hùng, rồi Bẫy rồng hay gần đây là Hai Phượng thì Trương Ngọc Ánh cũng dần chuyển sang hình ảnh “đả nữ” hiện đại với Hương Ga, Truy sát. Và ngay cả những ngọc nữ như Ninh Dương Lan Ngọc hay MiDu, cũng đã từng thử sức với hình ảnh “đả nữ” trong Thiên mệnh anh hùng hay Găng tay đỏ

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet Trấn Thành lần đầu cùng 'tứ đại giai nhân' Lan Ngọc, H’Hen Niê, Thúy Ngân, Thùy Dung cầm trịch chương trình đêm Giao thừa

(TGĐA) - Đêm giao thừa Tết này, lần đầu tiên Trấn Thành sẽ kết hợp cùng ...

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet Những ngôi sao tương lai của màn ảnh Việt

(TGĐA) - Không chỉ có “đặc sản” là đôi mắt trong veo, cách diễn hồn nhiên, ...

nhung cung bac giai nhan tren man anh viet Thúy Ngân: 'Ác nữ' xuất sắc trên màn ảnh Việt!

(TGĐA) - Sở hữu vóc dáng 'đồng hồ cát', xuất thân là một người mẫu, ...

Gia Hoàng