Ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng chiếu phim Trung tâm Chiếu phim Quốc gia: NCC luôn ủng hộ việc chiếu phim Việt tại Trung tâm

(TGĐA) - Là một đơn vị Nhà nước, một địa chỉ quen thuộc đối với những người yêu điện ảnh của Thủ đô và cả nước, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia luôn tạo điều kiện để ưu tiên chiếu phim Việt tại đây. Cùng Thế giới điện ảnh trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng chiếu phim Trung tâm Chiếu phim Quốc gia về “đầu ra” cho phim Việt tại Trung tâm.

IMG_0869

Từ khi Việt Nam ra nhập WTO, số phim nhập khẩu cao gấp nhiều lần số phim sản xuất trong nước. Chính điều này khiến phim nội vốn đang rất yếu ớt lại càng bị chèn ép. Bài toán tìm đầu ra cho phim Việt càng khó khăn hơn. Vậy anh có thể cho biết tình hình thực tế việc chiếu phim Việt thời gian qua tại TTCPQG (NCC) như thế nào?

Các phim Việt Nam chủ yếu sản xuất vào dịp Tết – là dịp có khả năng đạt doanh thu cao nhất. Các phim Việt hiện do Nhà nước đặt hàng còn rất ít, thường là phục vụ mục đích chính trị nên không đề cao mặt doanh thu. Còn các phim do các Hãng tư nhân tự sản xuất thì họ phải tính đến chuyện thu hồi vốn và có lãi. Do đó, các phim Việt sản xuất đa số đều hướng tới dịp Tết âm lịch. Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ như trường hợp của Giao lộ định mệnh, Long ruồi, Để mai tính không ra vào dịp Tết nhưng lại có doanh thu khá tốt. Có thời điểm 6 tháng liền hoặc hơn không có phim Việt nào ra rạp, trong khi có thời điểm 2, 3 phim thậm chí dịp Tết âm lịch 5, 6 phim cùng ra rạp nên việc xếp lịch cũng gặp nhiều khó khăn.

NCC đã có những động thái gì để ưu tiên cho phim Việt đến với công chúng?

ng_Nguyn_Mnh_Cng_-_Trng_phng_chiu_phim_Trung_tm_Chiu_phim_Quc_gia

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng phòng chiếu phim NCC

NCC luôn ủng hộ việc chiếu phim Việt tại Trung tâm bằng các việc chiếu phim miễn phí hoặc giảm giá tối đa có thể cho việc ra mắt các phim Việt Nam tại Trung tâm; dành các suất chiếu “giờ Vàng” 15h00, 16h00, 19h00, 20h00 cho phim Việt; dành các vị trí ưu tiên, những chỗ bắt mắt cho việc tuyên truyền, quảng cáo phim Việt; tuyên truyền quảng bá cho phim Việt trên trang web của Trung tâm chieuphimquocgia.com.vn; giữa phim Việt và phim nước ngoài cùng thời điểm, NCC luôn ủng hộ và khuyến khích, ưu tiên cho phim Việt.

Thông thường một bộ phim Việt được chiếu tại NCC trong thời gian là bao lâu?

Khoảng 2 tuần. Tuy nhiên cũng có phim chiếu 2, 3 tháng. Ngược lại cũng có phim chỉ chiếu được 1 tuần đã ra do quá vắng khách, hủy nhiều suất chiếu.

Anh còn nhớ bộ phim nào được chiếu lâu nhất tại đây và bộ phim ít suất chiếu nhất tính đến thời điểm này? Để phục vụ nhu cầu xem phim ngày một tốt hơn, Trung tâm hiện còn duy trì hoạt động điều tra xã hội học với khán giả không?

Bộ phim chiếu lâu nhất tại NCC là Đời cát với thời gian đứng trên màn ảnh là ba tháng rưỡi, chưa kể sau đó còn chiếu rải rác các buổi chiếu hợp đồng, công ích phục vụ các đối tượng chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, cựu thanh niên xung phong, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, một số bộ phim chiếu gần đây cũng có thời gian đứng tương đối lâu trên màn ảnh là Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Long ruồi, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Nhà có năm nàng tiên.

Bộ phim ít suất chiếu nhất tính đến thời điểm này có lẽ là phim Người thừaHoa ban đỏ chỉ chiếu được khoảng 2, 3 ngày là không chiếu được nữa vì không có khách hỏi mua vé.

Picture_064

Việc điều tra xã hội học là một trong những chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Những năm trước, NCC đã có nhiều cuộc khảo sát tại nhiều địa bàn trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh tại 5, 6 cụm rạp tiêu biểu; tại địa bàn miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh; tại miền Bắc như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định… Từ đó có những phân tích, tổng hợp để báo cáo Bộ, ngành để lãnh đạo Bộ, Cục Điện ảnh có những căn cứ trong công tác định hướng, chấn hưng và phát triển ngành điện ảnh Việt Nam. Hiện, NCC vẫn duy trì hoạt động này nhưng ở phạm vi Trung tâm và một vài cụm rạp tại Hà Nội. Khi có điều kiện, NCC sẽ lại tiếp tục có những cuộc điều tra, khảo sát tại những địa bàn khác.

Ở Việt Nam, thị trường điện ảnh còn quá nhỏ và chưa có “cửa sau” nên mỗi bộ phim thất bại về doanh thu là một cú sốc lớn cho nhà sản xuất. Trong quá trình tìm đầu ra cho phim Việt, NCC liệu có chịu một sức ép nào không?

Nước Mỹ với hơn 3000 cụm rạp là đầu ra hết sức mơ ước với bất kỳ quốc gia nào. Do đó, doanh thu trong tuần đầu công chiếu rất lớn. Nếu thời gian chiếu được lâu thì có thể nói là thương vụ rất thành công. Hiện nay, Trung Quốc với số dân rất đông và đang phát triển nhiều cụm rạp thì doanh thu từ phim cũng rất đáng nể. Còn tại Việt Nam hiện chưa hình thành một thị trường điện ảnh thực sự, nghĩa là có số lượng cụm rạp tiêu chuẩn đủ lớn, chưa có người bán kẻ mua theo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, theo quy luật của thị trường (giá cả, giá trị, bàn tay vô hình, bàn tay hữu hình). Các nhà sản xuất, các hãng phát hành cũng còn quá ít. Những người mua là các rạp cũng chưa tạo cho mình thói quen biết mặc cả, biết chọn lựa, trả giá, đấu tranh chống độc quyền. Trong quá trình tìm đầu ra cho phim Việt, NCC không chịu sức ép nào cả vì NCC là đơn vị Nhà nước trực thuộc Bộ VHTTDL, hiện nay hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính nên doanh thu tạo ra càng cao thì thu nhập và đời sống CBVC càng ổn định và cơ quan càng phát triển. NCC luôn ủng hộ việc sản xuất, phát hành và phổ biến phim Việt vì đó là nhiệm vụ chính trị, là nghĩa cử đối với các đơn vị trong ngành, cũng là chung tay góp sức vì một nền điện ảnh Việt Nam phát triển trong xu thế hội nhập và hòa nhập với khu vực và thế giới. Trong khi đó, doanh thu phim Việt càng cao thì NCC càng có lợi, nhà sản xuất và phát hành cũng có lợi. Còn khán giả Việt Nam cũng không hề quay lưng với điện ảnh nước nhà mà luôn ủng hộ phim Việt. Vấn đề ở đây là các Hãng phim phải cho ra đời những tác phẩm giá trị và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Thực tế, phim thực hiện bằng ngân sách nhà nước thường kinh phí thấp, ít chú trọng tới công tác tuyên truyền, quảng bá (ở Mỹ có những phim dành 30% vốn đầu tư cho chiến dịch PR), không những thế lại thường chậm phát hành do đó tính thời sự nóng hổi qua đi. Hoặc có khi phim đạt giải cao tại một kỳ Liên hoan phim uy tín thì ngay sau đó nên phát hành ngay vì công chúng đang tò mò, đón đợi.

Ở vị trí đại diện cho nhà tiêu thụ sản phẩm, anh thấy nhu cầu và sở thích xem phim Việt của khán giả tại thời điểm này là gì?

Đối với phim hài có sự xuất hiện của các nghệ sĩ hài tên tuổi (đặc biệt là Hoài Linh), các ngôi sao ca nhạc, bóng đá, thời trang. Các phim hành động võ thuật kiểu Thiên mệnh anh hùng, phim trinh thám như Giao lộ định mệnh, phim tâm lý xã hội với các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như Lưới trời, Gái nhảy, Scandal – Bí mật thảm đỏ.

Vì chưa có một diện mạo thị trường điện ảnh nên hiện cả nước ta mới chỉ có khoảng hơn 100 rạp chiếu, trong đó cụm rạp đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy theo anh, trước mắt chúng ta nên xây thêm rạp chiếu mới hay nên cải tạo, nâng cấp các rạp có sẵn?

Để có hệ thống đầu ra tốt, tạo lập thị trường điện ảnh đúng nghĩa, chúng ta cần cải tạo các cụm rạp có sẵn tại cái tỉnh, thành phố. Bởi phần lớn các cụm rạp hiện nay thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa “địa chỉ vàng”, khu dân cư đông đúc. Vì kinh phí để làm rạp mới với tiêu chuẩn quốc tế là không nhỏ. Như Quảng Ninh vừa qua khi tổ chức Liên hoan phim Quốc gia phải có Bí thư tỉnh ủy can thiệp quyết liệt thì mới được đầu tư một bộ máy số. Còn đối với những khu dân cư mới nên kêu gọi xã hội hóa, các nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân, các tập đoàn kinh tế đầu tư các cụm rạp mới, hiện đại theo chuẩn quốc tế. Như vậy nhà đầu tư có lợi, các hãng phát hành cũng có lợi, khán giả được hưởng tiện ích và nhà sản xuất cũng được hưởng lợi gián tiếp. Dân trí và văn hóa được nâng lên, các nhiệm vụ chính trị, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân cũng dễ dàng và dễ hiểu hơn.

IMG_0861

Theo anh, để có một thị trường điện ảnh, ngoài việc phát triển rạp chiếu thì còn cần những gì nữa?

Theo tôi, Nhà nước phải tạo lập hành lang pháp lý cho việc hình thành thị trường điện ảnh thực sự, có người mua, kẻ bán; thành lập các Hiệp hội nghề nghiệp: sản xuất, phát hành, phổ biến để bảo vệ lợi ích của mình; thiết lập các Hội chợ phim có quy chế hoạt động rõ ràng, tạo việc tự do mua, bán trên cơ sở đúng pháp luật hiện hành; thiết lập các chuẩn: âm thanh, hình ảnh, thiết kế, nội – ngoại thất của Việt Nam theo chuẩn thế giới; có chính sách khuyến khích ưu tiên phim Việt: thời lượng chiếu trên màn ảnh, tỷ lệ phim Việt/phim ngoại bắt buộc, các phim nước ngoài phải có hàng rào thuế quan, quota, kỹ thuật, nội dung kiểm duyệt, văn hóa, thuần phong mỹ tục để tạo điều kiện cho phim Việt phát triển; hình thành nên thị trường kịch bản phim, thị trường nhân lực (đạo diễn, diễn viên, quay phim, ánh sáng, phục trang, tiếng động, âm thanh, thiết kế mỹ thuật, chủ nhiệm phim); hình thành hoặc khuyến khích ưu đãi đầu tư những trường quay đạt chuẩn, đủ lớn tại 3 miền đất nước ở những thành phố lớn.

Xin chân thành cảm ơn anh!

Kim Anh