Quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh: Hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh phát triển

(TGĐA) - Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hà Nôi, Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức cuộc Hội thảo với chủ đề Quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả trong quá trình sáng tạo, khai thác và sử dụng tác phẩm điện ảnh.

ng_V_Ngc_Hoan_pht_biu_ti_hoithaoquyentacgia

Ông Vũ Ngọc Hoan phát biểu tại hội thảo quyền tác giả

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phía Cục Bản quyền tácgiả có ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Phụ trách và bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng. Về phía chuyên gia quốc tế có bà Donna M.A. Hill, Tham tán, Ban Công nghiệp sáng tạo, WIPO, Geneva; bà Vijaykumari Kanapathy, chuyên gia WIPO về nghiên cứu đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền, Kuala Lumpur; ông Rob Aft, Chủ tịch Compliance Consulting, Los Angeles; bà Wendy Reeds, Phó chủ tịch điều hành, bán và phân phối nội dung, Celestial Entertainment, Hồng Kông... cùng các chuyên gia Việt Nam, một số đại diện các công ty thực thi liên quan và một số công ty điện ảnh.

Trong 2 ngày làm việc, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với 10 Chuyên đề của các chuyên gia trong nước và quốc tế xoay quanh các vấn đề Tầm quan trọng của quyền tác giả đối với ngành công nghiệp điện ảnh; Tổng quan về thị trường điện ảnh Việt Nam; Môi trường điện ảnh khu vực: nhà sản xuất cần biết; Bản quyền tác giả trong quy trình làm phim: từ triển khai tới sản xuất đến phân phối, trình chiếu; Tài chính và môi trường phân phối; Hội nhập thị trường toàn cầu về điện ảnh; Hợp tác sản xuất và khai thác phim; Quản lý tập thể về quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực nghe nhìn; Theo dõi, phân phối doanh thu và kế toán; Tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình, công nghiệp truyền thông mới: Một cơ hội mới.

Ton_cnh_hi_tho

Với vai trò hỗ trợ cho các quốc gia thành viên trong việc xác định vai trò cụ thể của quyền tác giả và quyền liên quan trong hiệu quả hoạt động của một số ngành công nghiệp (trong đó có điện ảnh) dựa trên bản quyền, bà bà Vijaykumari Kanapathy, chuyên gia WIPO đã có những đánh giá về việc đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền. Trong bài thuyết trình của mình, bà nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành điện ảnh trên thế giới, cấu trúc của ngành điện ảnh, cơ sở của việc đánh giá đóng góp kinh tế của ngành điện ảnh, các vấn đề trong dự tính của ngành điện ảnh, các chỉ số kinh tế trọng điểm, nguồn dữ liệu, tiến hành thu thập dữ liệu và làm thế nào để tăng cường việc thu tập và phổ biến dữ liệu.

Trong điều kiện Việt Nam phát triển kinh tế tri thức và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh nói riêng đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả, khuyến khích đầu tư sáng tạo, cân bằng lợi ích của tác giả, người khai thác sử dụng và công chúng hưởng thụ. Đó cũng là nội dung chính trong bài trình bày Pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nằm trong chuyên đề Tầm quan trọng của quyền tác giả đối với ngành công nghiệp điện ảnh của bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Qua đó, bà khẳng định làm tốt công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần bảo đảm việc phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút các nhà đầu tư, sáng tạo trong nước và quốc tế.

Để các chuyên gia quốc tế và các đại biểu tham dự có cái nhìn tổng quan về thị trường điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đã phác thảo những yếu tố tác động đến thị trường điện ảnh bao gồm dân số, phân loại đô thị, hệ thống rạp chiếu phim và các đội chiếu bóng lưu động. Ông cũng chỉ rõ tình hình sản xuất, phát hành và phổ biến phim hiện nay. Trong đó, số đơn vị đăng ký tham gia sản xuất phim hiện nay là 253 cơ sở, bao gồm 10 – 15 doanh nghiệp thực sự sản xuất phim, số còn lại chủ yếu sản xuất phim quảng cáo, phim tài liệu, truyền hình phục vụ các chương trình truyền hình khác. Số lượng phim nước ngoài nhập khẩu trung bình mỗi năm khoảng từ 100 – 120 phim, nhưng ông nhấn mạnh thêm số lượng này thay đổi theo thời gian và hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Dựa vào số liệu do Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cung cấp, ông cho biết doanh thu chiếu phim tại Việt Nam năm 2012 đạt khoảng 47 triệu USD và năm 2013 ước đạt khoảng 51 triệu USD. Theo ông, để thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam chúng ta cần cây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, ban hành các chính sách khuyến khích đầu từ vào lĩnh vực điện ảnh; tăng cường công tác phát triển nguồn nhân lực; huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển ngành, tăng cường xã hội hóa các hoạt động điện ảnh; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phổ biến phim; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường công tác hợp tác quốc tế.

Với chuyên đề Môi trường điện ảnh khu vực: nhà sản xuất cần biết, bà Wendy Reeds, Phó chủ tịch điều hành, bán và phân phối nội dung, Celestial Entertainment, Hồng Kông tập trung giới thiệu về tác động của internet đối với luật quyền tác giả và việc bảo hộ, khai thác trực tuyến các tác phẩm có bản quyền. Qua đó, bà chỉ rõ có rất nhiều cơ hội khai thác đối với các tác phẩm được bảo hộ bản quyền như rạp chiếu phim, video gia đình (tỷ lệ vi phạm bản quyền là cao nhất), bán hàng trực tuyến, kinh doanh video theo yêu cầu, truyền hình trả phí theo dung lượng (hình thức này ở châu Á không nhiều), truyền hình trả phí hàng tháng, thuê bao video theo yêu cầu (có thể sẽ xuất hiện ở châu Á trong thời gian tới), truyền hình quảng bá (hình thức này rất phát triển ở Trung Quốc), video theo yêu cầu có quảng cáo (AVOD). Cũng tại chuyên đề này, các đại biểu đã được nghe thảo luận về việc áp dụng và thực thi luật quyền tác giả và sự cần thiết phải am hiểu về các luật này.

Trong chuyên đề Bản quyền tác giả trong quy trình làm phim: từ triển khai tới sản xuất đến phân phối, trình chiếu, ông Rob Aft, Chủ tịch Compliance Consulting, Los Angeles với 13 năm kinh nghiệm ở vị trí đại diện thương mại, thành viên của Hội đồng quản trị IFTA và 12 năm kinh nghiệm về tài chính/ tư vấn phân phối cho các Ngân hàng, công ty tài chính, PPP Hàn Quốc, Cannes, ÚC, UCLA, WIPO đã trình bày vai trò về Quyền tác giả: Quyền đứng tên tác giả tác phẩm gốc được đưa vào định dạng đa phương tiện. Ông khẳng định mục đích của quyền tác giả là tạo cơ sở bù đắp cho nỗ lực sáng tạo, bảo vệ người sáng tạo (nhà văn, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ) trước việc sử dụng không đúng cách các sáng tạo của họ, xác nhận quyền sở hữu, tránh các vấn đề pháp lý và tổn thất tài chính. Ông Rob cho rằng hồ sơ tài liệu về nhượng quyền phim càng rõ ràng bao nhiêu thì đó là sự bảo đảm tốt nhất chống lại các vụ kiện do khiếu nại sai về bản quyền. Bởi các nhà đầu tư và người cho vay bao giờ cũng nhấn mạnh rằng tựa phim đó phải minh bạch về quyền tác giả và rõ ràng về tài sản mà họ đầu tư hoặc cho vay.

Là một trong những Hãng phim Việt Nam tham gia Hội thảo, chị Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty BHD đã chia sẻ góc nhìn của BHD về những thực tiễn và khó khăn trong công tác sản xuất phim của các hãng phim trong nước. Chị nêu ra thực trạng thực tế các hãng phim ở Việt Nam thường sản xuất phim với kinh phí rất thấp và chủ yếu dành cho thị trường trong nước, vì vậy vấn đề pháp lý trong việc sản xuất phim là một trong những điểm ít được lưu tâm và là điểm yếu của quá trình sản xuất phim. Hầu hết các hợp đồng hay thỏa thuận của các hãng phim trong mọi khâu đều chỉ dùng những văn bản đơn giản tối đa từ 1 – 2 trang, chủ yếu có ghi giá cả, nội dung công việc sơ bộ rất chung chung. Việc không quan tâm nhiều tới vấn đề pháp lý của một đoàn phim trở thành một thực tiễn quen thuộc trong việc sản xuất phim tại Việt Nam. Khái niệm bản quyền của các tác phẩm là của ai thường ít ghi trong các hợp đồng hoặc thậm chí các thành viên trong đoàn phim đã ký nhưng cũng không giữ hộ đồng và quên luôn họ đã ký gì. Chưa kể, các đoàn phim Việt cũng rất hay quên việc ký hợp đồng với các thành viên không quan trọng lắm hay các diễn viên phụ. Trong khi đó, một thực tế khác cũng được chị nêu ra đó là các nhà phát hành trong nước không yêu cầu quá nhiều văn bản phức tạp về bản quyền. Việt Nam chỉ có một vài công ty làm lĩnh vực này và ai cũng biết nhau. Hoạt động bán phim Việt Nam ra nước ngoài cho các quốc gia nhỏ không yêu cầu quá nhiều thủ tục pháp lý, vì vậy “đầu ra” nước ngoài vẫn ổn. Nhưng khi phim Việt bán cho các thị trường lớn với các hãng phim lớn thì thủ tục pháp lý phức tạp hơn rất nhiều và có nhiều công đoạn các hãng phim phải làm sau khi bán. Nhìn từ thực tế đó, chị ngậm ngùi, việc thiếu công tác pháp lý cẩn thận làm giảm khả năng tăng doanh thu cho những thị trường lớn. Không phải bộ phim nào cũng cần phải đầu tư cho những phần này, tuy nhiên nếu thấy những bộ phim có tiềm năng phát hành ra thị trường quốc tế thì nên đầu tư cho pháp lý cẩn thận ngay từ đầu. Kết thúc bài trình bày, chị nhấn mạnh khi công nghiệp điện ảnh bắt đầu phát triển, việc thay đổi tư duy về bản quyền từ việc lập pháp cho tới thực tiễn thực hành của các hãng phim, các thành viên trong đoàn phim, các công ty phát hành và kinh doanh phim ảnh cho tới khán giả xem phim và người dân nói chung có thay đổi thì mới đẩy được công nghiệp điện ảnh phát triển.

Din_gi_nc_ngoi_trnh_by_ti_hi_tho

Diễn giả nước ngoài trình bày tại hội thảo

Ông Rob và bà Wendy tiếp tục với chuyên đề Tài chính và môi trường phân phối bằng bài thảo luận về quá trình bán và phân phối các tài liệu có bản quyền trong và ngoài nước, bao gồm phim, truyền hình, thị trường phương tiện truyền thông mới, đại lý, lễ hội, nhà phân phối và tầm quan trọng của Liên hoan phim. Bên cạnh đó, hai diễn giả này cũng đưa ra những hợp đồng “mẫu” về sản xuất, phân phối và tài chính để sản xuất phim, nghiên cứu tình huống và tài liệu như hồ sơ nhượng quyền phim, hợp đồng sản xuất, thủ tục giấy tờ tài chính, hợp đồng phân phối, in và quảng cáo, kiểm toán trong chuyên đề Hội nhập thị trường toàn cầu về điện ảnh. Thông qua một ví dụ minh họa về trường hợp sản xuất bộ phim Hồi ức của một thiếu niên mất trí nhớ (Memoirs of a teenage amnesiac), bà Wendy đã đề cập đến vấn đề về quyền tác giả, đặc biệt là việc lựa chọn phim cho công ty của mình để tài trợ hoặc phân phối, hoặc cả hai trong chuyên đề Bán và hợp tác sản xuất phim.

SAM_0444

Ở chuyên đề Quản lý tập thể về quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực nghe nhìn, bà Donna M.A. Hill, Tham tán, Ban Công nghiệp sáng tạo, WIPO, Geneva đã đề cập đến các vấn đề then chốt trong quản lý tập thể là giải pháp cho việc thi hành và quản lý các quyền trong lĩnh vực nghe nhìn. Còn với việc Theo dõi, phân phối doanh thu và kế toán, ông Rob và bà Wendy trở lại với việc đề cập về tiền bản quyền trong các thỏa thuận. Từ đó, tập trung vào cách các tổ chức chuyên môn thu tiền bản quyền và quan trọng hơn hết sẽ giải quyết những vấn đề luôn ngự trị trong suy nghĩ của nhà sản xuất phim, đó là thanh toán. Tiếp tục với chuyên đề Tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình, công nghiệp truyền thông mới: Một cơ hội mới, hai ông bà đã đề cập tới việc truy cập vào môi trường kỹ thuật số, tầm quan trọng của rạp chiếu phim kỹ thuật số và ý nghĩa về phát hành phim. Theo các diễn giả, chúng ta cần phải tìm hiểu các phương tiện có thể phát hành và cách thức để tối đa hóa doanh thu từ mỗi cơ hội đó; tự nâng cao nhận thức về các vấn đề hợp đồng và kinh doanh – yêu cầu mọi người năng động trong kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả trong quá trình sáng tạo, khai thác và sử dụng tác phẩm điện ảnh, Hội thảo này là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà sản xuất trong lĩnh vực điện ảnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về quyền tác giả, kinh nghiệm sản xuất... Đây được xem là cơ hội tốt cho Việt Nam nghiên cứu, lĩnh hội những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về bảo hộ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh, cũng như thúc đẩy hoạt động thực thi quyền tác giả nói chung và quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng.

Trí Anh