Rạp chiếu bóng 'Ngã Ba Chè': Điện ảnh trong tôi nảy mầm từ đó…

(TGĐA) - Chẳng phải khi chương trình Quán Thanh Xuân chủ đề "Rạp chiếu bóng thanh xuân" phát sóng trực tiếp đầu tháng 7/2019 trên VTV1, tôi mới nhớ thời chiến tranh, bao cấp rất mê xem chiếu bóng. Ngày ấy, vật chất thiếu thốn, nhưng tinh thần có lẽ giàu hơn bây giờ, vì công chúng say mê điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, hâm mộ cuồng nhiệt và trân trọng, yêu mến diễn viên nghệ sĩ hơn các trào lưu ngày nay. Tình yêu điện ảnh cùng văn chương nảy nở trong tôi thời niên thiếu.    

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do Điện ảnh Việt Nam cần một người bảo trợ định hướng mới
rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do Chiếu bóng lưu động kênh tuyên truyền hiệu quả

Khoảng 2 giờ chiều một ngày hè năm 1954, tôi 12 tuổi dắt bò ra đồng chăn. Vừa đến đầu ngõ, đã nghe loa oang oang: “A lô, a lô, kính thưa toàn thể đồng bào, tám giờ tối hôm nay, tại bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè, đội chiếu bóng lưu động số 14 của tỉnh nhà sẽ chiếu phục vụ đồng bào bộ phim truyện Trung Quốc Bạch Mao Nữ. Đây là bộ phim tố cáo tội ác của địa chủ đối với bần cố nông. Xin mời bà con tới xem! Xin nhắc lại, 8 giờ tối hôm nay, tại bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè, a lô, a lô a lô…”.

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do

Cảnh trong phim Bạch Mao Nữ với diễn xuất của nghệ sỹ Điền Hoa trong vai Hỉ Nhi

Đối với dân làng Nguyệt Lãng (xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hồi đó đời sống tinh thần vô cùng thiếu thốn, thì mỗi đêm chiếu bóng như thế này là một đêm hội. Cả buổi chiều hôm đó, trong làng, ngoài ruộng, chỗ nào người ta cũng kháo nhau, mách nhau, tối đi xem chiếu bóng. Bà con lại càng háo hức khi có người đã xem bộ phim Bạch Mao Nữ ở làng khác khoe rằng, bộ phim cực hay, cực hấp dẫn, cực giật gân, người mà y như ma, ma tóc trắng, thoắt hiện, thoắt ẩn.

7 giờ tối, dân làng tôi, trẻ con, người lớn, í ới gọi nhau, rủ nhau đi. Đường từ làng tôi ra bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè chừng ba cây số. Từng toán vừa đi vừa chuyện trò rôm rả, như trẩy hội. Mặc bộ quần áo nâu, tôi hòa mình trong dòng người cả ngày lam lũ, chân lấm tay bùn ngoài ruộng, giờ thảnh thơi đi xem, như thể không biết mệt nhọc là gì. Tôi rủ cô bạn gái trong xóm cùng đi, do sợ bị lũ trẻ trong làng chế diễu là "đôi vợ chồng", cho nên chúng tôi không dám đi cạnh nhau. Cô bạn đi trước, tôi theo sau, cách nhau vài bước chân.

Người xem từ các làng ngồi chật kín bãi chiếu bóng, trước màn ảnh trắng tinh. Ai nấy ngồi trật tự trên bãi cỏ, không lộn xộn, không ồn ào. Dân làng tôi hễ xem phim là ngồi im thin thít. Háo hức, mấy khi mới có được một buổi xem phim. Ngồi bên cô bạn cùng xóm tôi cũng im thít, đợi đến giờ. 8 giờ tối, người thuyết minh phim cầm micro nói oang oang: "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, xin đồng bào ngồi xa màn ảnh, ngồi gần xem không rõ và chói mắt. Chúng tôi nhắc lại, xin đồng bào ngồi xa màn ảnh, ngồi gần xem không rõ và chói mắt". Tiếng máy kêu xè xè, hình ảnh bắt đầu xuất hiện và hàng ngàn người im lặng, dồn mắt lên màn hình.

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do
Bộ phim rất nổi tiếng ở Việt Nam trong thập niên 50 trên màn ảnh chiếu bóng lưu động

Tôi dán mắt lên màn bạc. Tôi đích mục sở thị, chị Hỉ Nhi xinh gái, anh Đại Xuân đẹp trai, cả hai đều là bần cố nông, đi ở cho tên địa chủ Hoàng Thế Nhân đại ác. Nhìn hai anh chị đẹp đôi này tôi chạnh nghĩ, ở làng quê bên Trung Quốc con trai, con gái xinh đáo để. Làng tôi chẳng có anh chị nào xinh được như chị Hỉ Nhi và anh Đại Xuân. Theo dõi diễn biến của bộ phim, càng lúc tôi càng thêm căm thù tên địa chủ Hoàng Thế Nhân áp bức, bóc lột, rắp tâm chiếm đoạt Hỉ Nhi, cản trở mối tình đẹp của Hỉ Nhi với Đại Xuân. Xem đến đoạn tên Hoàng Thế Nhân cưỡng bức Hỉ Nhi, bỗng trên đầu tôi một vật thể lạ - là cục gạch - bay vèo vèo về phía màn ảnh, màn ảnh rung mạnh, nhưng không bị thủng, ngay liền đó một tiếng hô to của một nam thanh niên: “Đả đảo tên địa chủ gian ác Hoàng Thế Nhân!”.

Cả bãi chiếu bóng hừng hực khí thế căm thù tên đại địa chủ gian ác và thương chị Hỉ Nhi. Đây đó có tiếng khóc của phụ nữ. Tôi thấy nhiều cô gái nâng vạt áo lên lau nước mắt. Bạn gái của tôi cũng "thút thít". Hỉ Nhi uất ức đến nỗi phải bỏ trốn lên núi, sống trong rừng hoang, tóc bạc trắng khiến ai nhìn cũng hoảng sợ, gọi là Bạch Mao Tiên Cô. Còn anh Đại Xuân không chịu nổi áp bức bất công cũng bỏ trốn, gia nhập Hồng quân. Tuy nhiên, đến đoạn cuối của bộ phim thì tất cả người xem chuyển từ uất ức, căm thù tên địa chủ sang vui sướng, hả hê trong lòng, khi Đại Xuân cưỡi ngựa cùng Hồng quân trở về giải phóng quê hương. Còn tên địa chủ Hoàng Thế Nhân bị trói tay, đem cho nông dân đấu tố.

Tôi thích cảnh Đại Xuân và Hỉ Nhi sửa soạn lễ cưới của mình. Nhất là khi Hỉ Nhi tay cắt chữ "Hỉ" để dán lên vách tường buồng cưới, miệng hát những lời yêu đương làm say đắm lòng người. Dẫu mới mười hai tuổi, nhưng tôi lịm người khi nghe những ca từ giàu cảm xúc và giọng ca cuốn hút của Hỉ Nhi…

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do
Một buổi chiếu bóng

Buổi chiếu bóng kết thúc lúc 10 giờ đêm. Mọi người hả lòng hả dạ ra về. Trên đường từ bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè về các làng phụ cận, râm ran lời bàn tán, bình phẩm về bộ phim. Ai cũng thương, cũng yêu, cũng thích nhân vật Hỉ Nhi. Nhiều người tưởng đây là thật chứ không phải là kịch, là phim. Nên họ thương thật, quý thật, yêu thật, nhất là các cô gái làng. Mấy đứa trẻ con mê chú Đại Xuân. Vì chú mặc quân phục Hồng quân, súng lục đeo bên hông, cưỡi ngựa về giải phóng quê hương, trông vừa oai vừa oách. Chúng ao ước, mai kia lớn lên chúng sẽ được đi bộ đội để cũng được "oách", được "oai", được cưỡi ngựa và đeo súng lục như chú Đại Xuân trong phim…

Đối với tôi, đây là một buổi xem phim giàu cảm xúc và nhiều ấn tượng. Tôi xúc động thực lòng, tôi tin thực lòng, tôi yêu thực lòng và tôi ghét thực lòng. Chính tuổi thơ vô tư, hồn nhiên và trong sáng ấy đã cho tôi cái "thực lòng" này. Tình yêu điện ảnh theo tôi đến khi trưởng thành. Thời kì làm việc tại Đại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, tôi tận dụng và chủ tâm lấy về những bộ phim hay của Ba Lan. Tôi tự ghi âm (vì không có kịch bản thoại) tự dịch và tự thuyết minh phim của Ba Lan rồi đem đi chiếu khắp nơi ở nội ngoại thành Hà Nội và Hà Tây. Những phim như Thế giới đàn bà (Khoa học viễn tưởng), Lối thoát khi xảy ra sự cố (Phim hài), Xuân đến rồi hỡi anh Trung sĩ; Thiếu tá kéo dài cuộc điều tra, Ba trăm ngàn đồng tiền mới... đã đến được với khán giả Việt khắp nơi qua những buổi chiếu như cho 1 số đơn vị quân đội, cho các đơn vị Công an, bộ nông nghiệp viên nghiên cứu nghệ thuật, hay cả xưởng phim số 4 Thụy Khuê và thậm chí còn đem cả đến chiếu phục vụ đồng chí Lê Duẩn tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu…

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do
Tác giả Lê Bá Thự tại buổi chiếu bóng ngoài trời ở Warszawa

Đầu tháng 6/2017, tôi sang Ba Lan dự Hội nghị. Một buổi chiều tối, dạo chơi trong công viên Pole Mokotowskie, ở trung tâm thủ đô Warszawa, tại đây, tôi bị bất ngờ, lấy làm ngạc nhiên và thú vị, khi bắt gặp bãi chiếu bóng ngoài trời. Người xem khá đông. Theo chương trình, tối nay họ sẽ xem bộ phim Đêm của đôi tình nhân. Hứng chí, tôi ngồi xuống ghế, nhìn lên màn ảnh để nhớ lại những ngày xem chiếu bóng ngoài trời ở quê nhà, khi tôi còn nhỏ. Việt Nam bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như thế này nữa. Đây là bãi cỏ rộng, sạch sẽ, thoáng đãng, rất "sinh thái", đủ ghế ngồi (ghế bố xếp) cho 300 người; nếu khán giả quá đông, những người còn lại thoải mái ngồi trên bãi cỏ để xem phim. Vào cửa tự do, miễn phí, ghế ngồi rất tiện dụng, có thể ngồi, thậm chí nửa nằm nửa ngồi, xem phim. Còn có cả loại ghế bố xếp, rộng gấp đôi, cho cặp đôi nam nữ. Hỏi ra tôi được biết, mùa hè năm 2017 cả thủ đô Warszawa có đến 23 bãi chiếu bóng ngoài trời, với 200 bộ phim hay phục vụ người xem. Thỉnh thoảng, người xem còn được các nhà hàng mời ăn bánh pizza miễn phí (chắc là để quảng cáo hàng). Xem phim không mất tiền, ăn pizza không mất tiền. Tuyệt. Bất thình lình tôi nảy ra ý tưởng: Giá mà Hà Nội khôi phục lại các bãi chiếu bóng ngoài trời thì tuyệt vời biết mấy!?

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do
Chuẩn bị cho một buổi chiếu bóng lưu động khu vực vùng sâu vùng xa ở Việt Nam hiện nay

Bây giờ, mỗi lần về quê tôi lại đi ngang qua "Bãi chiếu bóng Ngã Ba Chè" ngày nào. Tôi mường tượng: Dáng tôi thời thơ ấu ngồi xem chiếu bóng ngoài trời vẫn đang còn in hình trên bãi cỏ này. Tôi thấy tiếc, khi bây giờ không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như ngày xưa nữa, chiếu bóng ngoài trời chỉ còn trong ký ức mà thôi.

rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do Chiếu bóng Bình Định – Khởi sắc mùa Xuân
rap chieu bong nga ba che dien anh trong toi nay mam tu do 'Suối đầu nguồn': Câu chuyện tình lãng mạn của anh chàng chiếu bóng lưu động và cô gái dân bản

Lê Bá Thự