Rạp chiếu phim cho người già, tại sao không?

(TGĐA) - Cách không xa công viên Tapgol Park, nơi những người già thường đến chơi ở Seoul, người ta có thể nghe họ thảo luận với nhau về những bộ phim cũ vừa xem. Họ thuộc số khán giả trung thành của các rạp chiếu phim Hollywood kinh điển đang sống tốt tại Seoul và các thành phố khác của Hàn Quốc.

Khn_gi_tc_mui_tiu_xp_hng_vo_rp

Khán giả tóc muối tiêu xếp hàng vào rạp

Từ rạp tiên phong Hollywood Silver Cinema

Các rạp chiếu phim “bạc” (Silver) chuyên chiếu lại các bộ phim kinh điển đình đám một thời là cách để thu hút các lão ông lão bà mê phim thời kỳ vàng son Hollywood. Họ hy vọng tăng thêm doanh thu nhờ đánh đúng vào tâm lý “hoài niệm quá khứ” của những người lớn tuổi trong thời đại doanh thu phim chiếu rạp tại Mỹ ngày càng giảm sút, phải trông chờ vào nguồn thu từ bên ngoài nước Mỹ. Nhưng chuyện không chỉ xảy ra tại Mỹ, đất nước của các bộ phim kinh điển Hollywood mà cả tại quận Jung-gu ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cụ thể là tại một rạp chiếu phim nhỏ kiểu cũ có tên Hollywood Silver Cinema, nơi một lão ông 74 tuổi tên Jang phải đi bộ vài chục phút mới đến được để xem xuất chiếu 6 giờ 20 chiều. Khuôn mặt ông già sáng hẳn lên với nụ cười vui khi nghĩ đến việc sắp được xem những gì diễn ra trên màn bạc. “Tôi thích đi bộ đến rạp và xem những bộ phim hay như thế này”, ông nói một cách mãn nguyện khi thoáng nhìn vào poster của bộ phim kinh điển Mỹ The Hustler phát hành từ năm 1961.

Ton_cnh_rp_chiu_Hollywood_Silver_Cinema

Toàn cảnh rạp chiếu Hollywood Silver Cinema

Tại khu vực chờ đợi ngoài phòng vé có đôi vợ chồng luống tuổi khác đôi tay nắm chặt vào nhau. Rồi một phụ nữ tóc bạc đứng mua vé được bán bởi một nhân viên phòng vé có số tuổi ngang ngửa bà. Người bán người mua đều tươi cười như người thân lâu ngày gặp lại. Trong kỷ nguyên của các rạp chiếu phim 4-D, 5-D cực kỳ hiện đại và những cụm rạp phức hợp thì các rạp chiếu phim một màn hình cổ lỗ sỉ này là một “hiện tượng” gây bất ngờ. Tuy nhiên tỉ lệ vé bán của nó luôn cao nhất nước nhờ lực lượng khán giả rất trung thành. Họ không thích xem phim ở nhà trên truyền hình mà thích đến đây để tìm lại không khí của những ngày còn trẻ sau chiến tranh.

“Rạp chiếu phim của chúng tôi chỉ có 300 ghế ngồi nên rất ấm cúng. Bao giờ số ghế có khán giả cũng trên 80%, có khi hơn 90%” – bà Kim Eun-ju, tổng giám đốc nhà hát nói một cách hãnh diện. Rạp chiếu 4 ngày trong tuần, mỗi ngày 2 suất và suất buổi trưa bao giờ cũng đông khán giả hơn một chút, có lẽ cụ ông cụ bà không phải chăm sóc cháu vào lúc đó. “Từ khi thành lập đến nay, chưa có ngày nào chúng tôi bị lỗ” – bà Kim bộc bạch. Thành tích này là không thể tin được khi tính bình quân các nhà hát hiện đại tại Seoul với hệ thống âm thanh và máy chiếu tuyệt hảo chỉ bán được 20-30% vé. Đối với các bộ phim bom tấn và ăn khách, số vé cao nhất cũng chỉ đạt 70%. Rất hiếm khi nào lên đến 90%.

Nhng_b_phim_kinh_in_nh_Gone_with_the_Wind_vn_n_khch_ti_Hollywood_Silver_Cinema

Những bộ phim kinh điển như Gone with the Wind vẫn ăn khách tại Hollywood Silver Cinema

“Phim chúng tôi chọn đa số từ thập niên 1940 đến 1970 và được xếp hạng từ 1-5 về sự ăn khách trong thời vàng son của chúng” – Kim nói. Ví dụ Gone with the Wind (1939), Ben-Hur (1959), Dr. Zhivago (1965), Cinema Paradiso (1988). Phim cũ nhưng được phục chế rất tốt. “Chúng tôi chiếu lại theo trình tự thời gian. Có các bộ phim mới của Hàn Quốc cũng thu hút được giới khán giả lớn tuổi nhờ nội dung xoay quanh về họ như My Love, Don’t Cross That River (2014) hay Masquerade (2012). Trong những tháng đầu mới khai trương, rạp chỉ có trên dưới 100 khán giả. Nhưng khán giả tăng dần nhờ truyền miệng. Đến năm 2010, tổng số lượt khán giả đã là 100.000 và đến năm 2014 vọt đến con số ấn tượng 250.000” - Kim nói, và bà tin rằng, xu hướng này vẫn tiếp tục nhiều năm nữa.

Nhng_ngi_gi_gp_li_m_c_thi_th_u_qua_nhng_tc_phm_nh_Cinema_Paradiso

Những người già gặp lại mơ ước thời thơ ấu qua những tác phẩm như Cinema Paradiso

Sống nhờ nguồn tài trợ và quảng cáo

Cảm hứng từ thành công của Hollywood Silver Cinema, các rạp chiếu phim tương tự cũng mọc lên tại Seoul mà nổi bật có Myungbo Silver Theater và Cheongchun Cinema tại quận trung tâm Jung-gu. Tất cả đều xem khán giả có tuổi là nguồn thu chính. Nhiều thành phố khác không bỏ lỡ cơ hội, ví dụ Ansan (tỉnh Gyeonggi), Incheon và Daegu. Vậy thì điều gì đã đóng góp vào sự thành công của các rạp hát này? “Giá vé rẻ cộng thêm niềm vui và hạnh phúc mang lại cho những người như tôi”, cụ ông Lee Chae-young, 75 tuổi, một khán giả thường xuyên của Hollywood Silver Cinema trả lời, “Đến đây tôi được sống lại thời đại của mình, được thoải mái xem những bộ phim cũ và phim tình cảm mình ưa thích khi kỹ xảo điện ảnh chưa tác động đến nội dung phim”. Bà Kim lập ra hẳn một trang web liệt kê các bộ phim hay và thời điểm chiếu nó. Giá vé xem phim ở rạp Hollywood là 2.000 won (2 USD) đối với khán giả từ 55 tuổi trở lên. Khán giả dưới 55 tuổi phải trả 7.000 won, hơi thấp hơn 9.000-10.000 won tại các rạp hiện đại. Giá vé không hề thay đổi từ khi Hollywood Silver Cinema mở cửa. “Điều hành một rạp chiếu phim giá vé thấp sao cho có lời là việc không hề đơn giản”, Kim nói, “Tuy nhiên, tôi đã quyết định ngay từ đầu là không nên chú trọng giá vé mà hãy trông chờ vào các nguồn khác”. Để tránh thua lỗ, bà phải xin tài trợ từ các công ty lớn, từ chính phủ và quảng cáo. Các công ty lớn như SK Chemical và Yuhan-Kimberly đáp ứng rất nhiệt tình. Chính quyền thành phố Seoul City cũng thế. “Khi các nhà hảo tâm đến rạp chiếu phim họ bị ấn tượng sâu sắc khi quan sát khán giả và họ quyết định tài trợ rất nhanh. Họ hiểu rằng nếu không có sự hy sinh của thế hệ sinh ra sau Thế chiến 2, họ sẽ không có được như ngày hôm nay. Đây chính là cơ hội để họ đền ơn đáp nghĩa”, Kim nói.

Bng_gi_phc_v__n_c_ph_v_xem_phim_ti_Hollywood_Silver_Cinema

Bảng giá phục vụ đồ ăn, cà phê và xem phim tại Hollywood Silver Cinema

Giá vé rẻ là điều quan trọng nhưng niềm vui, khát khao giao tiếp và hoài niệm quá khứ của người già cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Rạp chiếu phim không chỉ là nơi để xem phim mà còn để những người già trò chuyện với nhau về đủ thứ trên đời. Nó giống như các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và công viên nhưng không khí thú vị hơn và ấm cúng hơn. Khi số người già trên 65 đang tăng nhanh tại Hàn Quốc và sẽ chiếm đến 20% dân số vào năm 2026 so với 12,6% hiện nay thì không gian trong nhà sẽ rất tù túng để giải trí và tiến hành các hoạt động văn hoá văn nghệ phù hợp với lứa tuổi già. Các rạp chiếu phim Hollywood kinh điển sẽ giúp giải quyết một phần nhu cầu, giúp họ bớt cô đơn hơn. Tại Seoul không hiếm gì cảnh các lão ông lão bà nhảy múa và phụ hoạ say sưa tại các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là khi họ nghe lại những giai điệu, xem lại các điệu nhảy của một thời. Điện ảnh cũng thế. Các rạp chiếu phim Hollywood cổ có góc cà phê dành cho các lão ông lão bà tâm sự trước hay sau khi xem phim. Họ thưởng thức mì gói với giá 3.000 won và cà phê giá 2.000 won. DJ phối nhạc chọn những ca khúc và nhạc hoà tấu của thời phim kinh điển. Rất dễ dàng nhìn thấy những cặp vợ chồng ngồi sát bên nhau để nhớ về một thời trai trẻ. Kim tiết lộ một điều thú vị khác: “Đã có một số khán giả có tuổi nên vợ nên chồng trong không gian này”.

Ai_bo_rp_chiu_ch_dnh_cho_gii_tr

Ai bảo rạp chiếu chỉ dành cho giới trẻ

Hollywood Silver Cinema khánh thành vào năm 2009 trên tầng 4 toà nhà Nakwon Arcade, nơi có nhà hát the Hollywood Theater rất hiện đại được trang bị nhiều món ăn chơi để thu hút khán giả trẻ thích phim Mỹ. Nhắm vào thành phần khán giả yêu phim “tóc muối tiêu” nhưng vẫn còn canh cánh trong lòng những hoài niệm về thời vàng son lãng mạn của phim chiếu rạp xưa, Kim khởi đầu sáng kiến biến rạp chiếu phim của bà thành nơi chuyên chiếu các bộ phim kinh điển và có nội dung dành cho người già.

Trung Nguyên