Stalingrad 3D: Chiến thắng của những trái tim, tâm hồn và đôi mắt

(TGĐA) - Hầu hết các bộ phim chiến tranh được thực hiện như là một cách thể hiện lòng tự hào dân tộc của đất nước đó. Stalingrad, tác phẩm điện ảnh đầu tiên của điện ảnh Nga được hoàn thành dưới định dạng 3D với kinh phí 30 triệu USD, xoay quanh câu chuyện tình lấy bối cảnh cuộc chiến mùa thu năm 1942 trong trận chiến bao vây cuối cùng của quân Đức, cũng không phải là một ngoại lệ. Cùng với diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên chính và một kịch bản hoàn hảo, Stalingrad đã đem đến cho khán giả câu chuyện tình yêu nảy sinh trong cuộc chiến nghẹt thở.

stalingrad1


Dựa theo câu chuyện nằm trong một chương của tác phẩm Life And Fate của Vasiliy Grossman, nhưng đề cập cụ thể đến di tích lịch sử có tên là Pavlov’s House – một căn hộ trong tòa nhà bên bờ sông Volga, nơi trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến trường kỳ của hồng quân Liên Xô – bộ phim kể về một nhóm những người lính Nga kiên cường chống lại số quân Đức lớn hơn rất nhiều. Trong căn hộ đó còn có một cô gái trẻ, ngây thơ, hiện diện bên cạnh sự hỗn loạn và tàn ác. Đó là một ngày tháng 9/1942, khi quân Đức kéo vào Stalingrad và tạm thời nắm quyền kiểm soát bờ sông Volga của nước Nga. Sau khi không vượt được qua sông, quân đội Xô Viết tạm thời được lệnh rút lui và chia thành các nhóm nhỏ sử dụng lối đánh tập kích. Đại úy Gromov (Fyodorov) phụ trách một nhóm 5 người lính tìm kiếm nơi trú ẩn trong các tòa nhà của dân thường vốn đã được lệnh phá hủy. Tại đây, họ tình cờ gặp cô gái trẻ 19 tuổi Katya (Smolnikova). Cô chấp nhận cho Hồng quân ở lại trong nhà mình và làm tất cả mọi đều như một cách góp sức nhỏ bé cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Trong khi đó, phía Đức, viên chỉ huy đối đầu với nhóm của Gromov là Kahn (Kretschmann), một sĩ quan Đức Quốc xã đang ngày càng trở nên chán nản với cuộc chiến vô nghĩa, đã gặp cô gái Masha (Studilina). Ban đầu, anh ta chỉ xem cô là người giải quyết nhu cầu sinh lý, nhưng sau lần đó, một tình yêu len lỏi đến giữa họ.

stalingrad2

Stalingrad cũng là tác phẩm đại diện cho điện ảnh tranh giải Oscar năm 2014 hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

Trước chiến tranh là tình yêu, trong chiến tranh cũng luôn có sự hiện diện của tình yêu và phía sau các cuộc giao chiến, điều còn lại cũng vẫn là tình yêu. Trong Stalingrad, nổi bật nhất vẫn là những câu chuyện tình yêu đẹp, dưới các góc độ khác nhau. Một trong những người lính Nga đang lẩn trốn trong tòa nhà đổ nát rơi vào tình yêu với cô gái đã trở thành vị cứu tinh của họ. Phía bên đối lập, một người lính Đức Quốc xã lại say mê cô gái Nga khi anh ta và đồng đội của mình tiến vào thành phố bị dội bom. Tuy nhiên, với hai mối tình đan cài, bộ phim vẫn không bị sa lầy bởi tình yêu nhờ những cảnh chiến tranh hoành tráng từ những màn đấu súng khốc liệt cho tới các cuộc không kích bằng máy bay trong suốt chiều dài của bộ phim. Điều hấp dẫn là các nhà làm phim đã xây dựng thành công câu chuyện tình yêu trong bối cảnh khốc liệt của cuộc chiến. Những người lính Nga kiên cường đã trải qua các thời khắc cam go nhất. Họ đã dùng súng và cả chiến đấu bằng tay – giao tranh theo kiểu đối mặt hiển nhiên sẽ bộc lộ hết sự tàn khốc của chiến tranh, khi mà con người gần như phải hành động với bản năng của phần con nhiều hơn là phần người… tất cả để chuẩn bị cho thời khắc mà 5 người lính mệt mỏi, đói và lạnh bất ngờ tìm thấy một cô gái Nga 19 tuổi đang sợ hãi co dúm người trong một góc căn hộ. Katya là thành viên duy nhất của gia đình còn sống sau sự chiếm đóng của quân Đức. Ở thời khắc ấy, cả nhóm vệ binh của Hồng quân lẫn thiếu nữ Nga liệu sẽ nghĩ được điều gì ngoài cảm giác của người lạc đường trong đêm tối bất ngờ thấy ánh đèn phía trước. Sợi dây liên kết giữa họ hình thành cũng là điều dễ hiểu và tuyệt vời hơn là nó đã chuyển tải một cách thuyết phục nỗi sợ hãi xen lẫn sự dũng cảm và tình yêu mà họ dành cho quê hương, đồng bào của mình đồng thời gây ấn tượng cho khán giả với tư cách là một con người bị đặt trong hoàn cảnh chiến tranh và hận thù.

stalingrad3

Cũng trong cuộc chiến đó, ở bên kia chiến tuyến, đại úy Kahn (còn có một tên khác là đại úy “thất bại”) khi anh ta không chỉ gặp thất bại với nhiệm vụ được giao mà còn gặp rắc rối với chỉ huy của mình vì lý do khác. Đó là trong lúc tìm cách thoát khỏi cuộc chiến vô nghĩa, anh ta lạc vào… giường ngủ của cô gái địa phương xinh đẹp Masha và bị bắt quả tang. Mới đầu giữa họ là ham muốn bản năng, nhưng sau đó là sự giao hòa về cảm xúc và tâm hồn. Khác với mối tình trong sáng của Katya và Gromov vì Katya không chỉ xinh đẹp, thánh thiện mà còn rất can đảm khi cô quyết định ở lại thành phố quê hương chứ không chạy trốn Đức quốc xã. Hơn thế còn tình nguyện che giấu Hồng quân dù biết rằng nếu làm thế, căn hộ của cô sẽ trở thành cái máy hút đạn từ phía quân thù. Cô là biểu tượng cho người dân thành phố Stalingrad kiên cường nói riêng và một tính cách Nga bao dung, vị tha nói chung. Đại úy Kahn cũng có một người phụ nữ của riêng mình, Masha - một cô gái tóc vàng trầm lặng, người bị anh gần như cưỡng ép tình cảm khi giữa họ không có ngôn ngữ chung. Nhưng sau đó, Kahn đem lòng yêu và anh đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cô khỏi nguy hiểm. Masha khiêm tốn và ngập ngừng trong tình yêu với người mà trong lòng cô hàm ơn vì đã bảo vệ mình. Câu chuyện tình yêu của họ tạo nên một sự đối trọng với những người của bên thắng cuộc, nhưng không vì thế mà không có màu hồng. Tình yêu vượt lên sự khốc liệt của chiến tranh, biến chiến trường thành chỗ để người với người yêu nhau hơn.

stalingrad4

Trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, dù là bên thắng cuộc và được thế giới ngợi ca như những người anh hùng của nhân loại nhưng Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay cũng phải trả cái giá đắt với khoảng 60 triệu người đã chết. Trong đó trận chiến Stalingrad đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,2 triệu người. Không phải ngẫu nhiên mà kịch bản phim đã dựng nên hình ảnh của người Đức “đối trọng tích cực” với những người lính Nga - là người anh hùng thực sự. Bởi 70 năm sau cuộc chiến, có lẽ đây là thời điểm để chôn những thù hận và hơn thế các nhà làm phim còn muốn khẳng định trong chiến tranh không có bên nào là thắng tuyệt đối hay thua thảm hại mà chỉ có tình yêu nở hoa, khiến cho con người trở nên nhân bản hơn. Đạo diễn Bondarchuk vốn là một diễn viên. Ông là con trai của diễn, đạo diễn Sergei Bondarchuk – người đã làm nên Chiến tranh và Hòa bình. Có thể Stalingrad không miêu tả sâu và kỹ cũng như phản ánh đầy đủ về chiến tranh như các tác phẩm kinh điển khác cùng đề tài là Come and See của Elem Klimov hay Twenty Days Without War của Aleksei German, nhưng các nhà làm phim đã sử dụng khôn ngoan thủ pháp nghệ thuật điện ảnh, kết hợp với loại hình 3D để làm nên một bộ phim thảm họa quy mô lớn. Nhìn một cách tổng thể, Bondarchuk làm tốt việc sử dụng hình thức tương phản rõ ràng giữa tình yêu và thảm họa chiến tranh khiến cho bất cứ ai xem phim cũng phải rung động.

stalingrad6

Trong tháng 10/2013, Stalingrad đã thu về khoảng 50 triệu USD và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất tại Nga. Stalingrad là một tác phẩm tiêu biểu cho sự thành công giữa khái niệm phim bom tấn và phim có hiệu ứng xã hội tích cực. Gần như toàn bộ ngân sách sử dụng làm phim là tiền tài trợ và đầu tư của chính phủ dưới sự hậu thuẫn của các công ty nhà nước. Vé xem phim cũng được phát miễn phí cho các cựu chiến binh tham gia Thế chiến II.

Thiên Thanh