Tình hình sáng tác phim truyện điện ảnh Việt Nam hiện nay

(TGĐA) - Trong hai năm qua, số lượng phim truyện điện ảnh Việt Nam tăng đáng kể nhưng chất lượng lại không tỷ lệ thuận với số đầu phim được sản xuất dường như vẫn là câu chuyện muôn năm... không cũ. Giải pháp nào có thể nâng cao chất lượng sáng tác, làm thế nào để các phim có chất lượng nghệ thuật tốt hơn? là câu hỏi chẳng bao giờ thừa đặt ra cho các nhà quản lý và các nghệ sỹ làm nghề. Trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết một năm hoạt động, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tình hình sáng tác phim truyện điện ảnh Việt Nam hiện nay, nhằm đánh giá thực trạng sáng tác điện ảnh (về mặt nội dung, nghệ thuật)... từ đó chỉ ra những biện pháp nâng cao chất lượng. Các nhận xét, tổng kết tập trung vào mảng phim truyện với 10 bộ phim được coi là nổi bật, đáng chú ý ở các khía cạnh khác nhau như Phim giành giải Cánh diều, giải thưởng Bông Sen Vàng, phim có nhiều ý kiến dư luận trái chiều, phim thương mại, nghệ thuật. Từ những ý kiến đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, tạp chí Thế giới điện ảnh tóm lược các kết luận như một cách khái quát chung về tình hình sáng tác phim truyện điện ảnh nước nhà ở thời điểm hiện tại.

Cnh_trong_phim_V_Anh_s_tr_li

Cảnh trong phim Và anh sẽ trở lại

Mảng phim truyện truyền thống: Nhiều vấn đề

Có thể nói rằng, với tỷ lệ 4/23 phim tham gia tranh giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 18 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, mảng phim truyện truyền thống, chủ yếu là các phim do nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất vẫn khiêm tốn về số lượng cho thấy điện ảnh tư nhân đã có nhiều bứt phá và trở thành một phần không thể thiếu của điện ảnh Việt Nam nói chung. Từ thực tế đó, đặt ra cho các hãng phim Nhà nước một sự thách thức không nhỏ trước tình hình cạnh tranh, hội nhập bên cạnh nhiệm vụ giữ vai trò là dòng chủ lưu của điện ảnh Việt Nam… Mặt khác, tuy chất lượng các phim đã khá hơn nhưng vẫn chỉ loanh quanh ở những đề tài đã cũ. Và một thực tế mà điện ảnh nước ta cần phải chấp nhận là để tìm ra được hạt nhân xuất sắc, nổi bật, có thể đại diện cho điện ảnh Việt Nam đi tham dự các LHP Quốc tế, dù ở tầm khu vực thôi dường như vẫn là công việc mò kim đáy bể mặc dù hàng năm vẫn có những giải thưởng được trao. Như thế để thấy rằng, bao nhiêu năm qua, yêu cầu cấp bách về cách thức nâng cao chất lượng phim, chất lượng sáng tác của điện ảnh nước nhà luôn là vấn đề lớn, đặt ra cho người quản lý và người làm nghề vô vàn thách thức.

Ví dụ cụ thể ở mảng đề tài này, đáng chú ý là bộ phim Những người viết huyền thoại, đồng giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 được tổ chức tại Quảng Ninh trong tháng 10 vừa qua. Phim cũng giành một số giải cá nhân quan trọng như biên kịch, diễn viên nam, nữ chính xuất sắc... Những người viết huyền thoại là phim chiến tranh – một đề tài gần như đã gắn bó với suốt chiều dài 60 năm hình thành, phát triển của điện ảnh Cách mạng Việt Nam nên dĩ nhiên phim thu hút sự chú ý của công chúng, đa số đều quan tâm tới việc phim có cách khai thác mới, có góc nhìn nào mới so với các tác phẩm trước đây hay không? Các thành viên của Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra một số nhược điểm của bộ phim cũng là hạn chế chung của phim truyện đề tài chiến tranh hiện nay. Tuy nhiên, bộ phim có được thành công đầu tiên chính là ở sự cố gắng của những người làm ra nó và có sự say đắm với đứa con tinh thần của mình bởi thực tế thì hiện có khá nhiều nhà làm phim ngại làm đề tài này. Thực tế thì đây vẫn là đề tài mà điện ảnh Việt Nam sẽ còn tiếp tục làm nữa. Đứng trước yêu cầu đó, các nhà hoạch định chính sách điện ảnh và các nghệ sỹ cần phải suy nghĩ xây dựng một chiến lược kịch bản điện ảnh lâu dài đồng thời xem đó là công việc quan trọng bậc nhất. Bởi, công nghệ có thể mua được, tiền, bằng cách này hay cách khác có thể huy động vốn nhưng kịch bản chỉ có thể phụ thuộc vào con người mà thôi.

_MG_9763

Phim của những người trẻ: Mới và mừng

Trong tình hình sáng tác điện ảnh hiện nay, giữa bao bộn bề, khó khăn về nguồn tài chính, nhân lực, vật lực nổi lên những “ngôi sao mai” khiến cho thế hệ cha anh cảm thấy một chút yên lòng và vui lòng. Đó là các nhà làm phim trẻ - tác giả của những bộ phim trong trẻo, xinh xắn như những bài thơ như Và Anh sẽ trở lại, Dành cho tháng 6. Đây là những tác phẩm của các đạo diễn vừa bước sang tuổi 20 nhưng họ đã làm được bộ phim “có tính dân tộc và giá trị văn hóa, nghệ thuật” (Và Anh sẽ trở lại), đã làm được bộ phim đầy ắp cảm xúc của trái tim, tươi trẻ như chính lứa tuổi của mình (Dành cho tháng sáu). Dù chưa thực sự xuất sắc, tay nghề còn non nhưng các nhà làm phim trẻ đã sớm bộc lộ cá tính của mình, thể hiện ở trong chính tác phẩm mà họ giới thiệu. Đây cũng là tín hiệu tốt lành nếu trong tương lai, điện ảnh Việt hình thành và duy trì dòng phim độc lập một cách có hệ thống, bài bản. Thậm chí, với cả những bộ phim do nhà nước đặt hàng với đề tài truyền thống, nếu các nhà làm phim tìm được phong cách thể hiện riêng thì họ cũng sẽ thành công. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các nhà làm phim trẻ thường gắn liền với tìm tòi, thể nghiệm cái mới và tất cả những thể nghiệm đó đều cần được tôn trọng, nhìn nhận và khích lệ. Đây cũng là một điểm mới trong bức tranh chung về tìn hình sáng tác điện ảnh nước ta hiện nay.

Mục tiêu lớn và lâu dài

Poster_phim_Dnh_cho_thng_su

Không khó để nhận thấy rằng điện ảnh Việt Nam đang ở vùng trũng trên bản đồ điện ảnh thế giới. Bởi so với tiêu chí mà nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nêu ra đối với một nền điện ảnh được đánh giá là mạnh như: Phải có phim xuất khẩu hoặc có phim đoạt giải thưởng tại các LHP Quốc tế và tỷ lệ rạp chiếu/100000 dân là bao nhiêu? thì điện ảnh Việt Nam đều... không hề có chút liên quan nào tới một trong 3 điều kể trên. Ngay cả việc dễ nhất có thể làm được là lọt vào các LHP Quốc tế quan trọng, chúng ta cũng không hy vọng gì. Như thế để thấy rằng, điện ảnh Việt Nam còn phải cố gắng nhiều, trên mọi khía cạnh. Hội đồng nghệ thuật cũng gợi ý về phía những người làm công tác sáng tác, cụ thể là các nhà biên kịch cần phải dũng cảm phá bỏ cấu trúc ai cũng giống ai, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp bằng cách xem nhiều tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh thế giới còn nếu cứ bàn mãi về những khó khăn trong quá trình làm phim, câu chuyện về kinh phí thì tất yếu điện ảnh sẽ vẫn đi theo con đường mòn đã cũ...

Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này của năm 2013, đã có 173 phim nước ngoài nhập về công chiếu tại Việt Nam trong khi điện ảnh trong nước chỉ sản xuất được 22 bộ phim – điều này đặt điện ảnh Việt Nam trước cuộc cạnh tranh lớn. Đề án Quy hoạch điện ảnh từ nay đến 2020, tầm nhìn 2030 cũng đặt ra nhiều mục tiêu mà điện ảnh nước nhà cần phấn đấu như: Nhà nước và nhân dân sẽ đầu tư xây dựng thêm các hệ thống rạp chiếu, nâng cấp, sửa chữa và xây mới rạp ở các địa phương tiến tới năm 2020 sẽ có hệ thống rạp của người Việt Nam quản lý. Và như vậy, phim Việt sẽ có chỗ để chiếu. Tuy nhiên, chất lượng phim vẫn là vấn đề vô cùng quan trọng để duy trì sự tồn tại của nền điện ảnh nước nhà cho dù là dòng phim chính thống hay phim thị trường, phim nghệ thuật, thử nghiệm hay phim tác giả...

Với chức năng nhiệm vụ của một Hội nghề nghiệp, sau một năm hoạt động, Hội điện ảnh Việt Nam, bằng những công việc cụ thể đã ngày càng khẳng định được vai trò là “nhà cố vấn nghệ thuật” đắc lực cho điện ảnh nước nhà. Hy vọng, các nhà làm phim Việt sẽ có thêm tự tin để nhìn thấy những điểm mạnh điểm yếu của mình và sẽ sát vai nhau, cùng nỗ lực hơn nữa trong mùa phim mới 2014.

P.V