TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh, Giám đốc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3: Để điện ảnh Việt Nam có những bước đi tương đồng với khu vực và thế

(TGĐA) - Bốn ngày nữa, LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 (HANIFF 2014) sẽ bắt đầu các chuỗi hoạt động trong một sự kiện kéo dài 5 ngày tại Hà Nội. Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh, Giám đốc LHP.

ba_Lan_Ngo

TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh

Xin bà cho biết đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho LHP đã đi đến giai đoạn nào? Đặc biệt, lễ khai mạc sẽ có gì mới mẻ và độc đáo?

Tới thời điểm này, các công việc chính của LHP như tuyển chọn, hoàn chỉnh hồ sơ và thỏa thuận bản quyền chiếu phim, xây dựng lịch chiếu phim... đều đã hoàn tất. Tại 5 cụm rạp sẽ có hơn 200 buổi trình chiếu 130 phim của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm các loại hình, thể loại trong suốt LHP. Mỗi phim chiếu 2 lần, riêng phim truyện Việt Nam chiếu 3 lần. Tất cả các phim Việt Nam tham gia LHP lần này đều có chương trình ra mắt đoàn làm phim, gặp gỡ khán giả. Với các phim nước ngoài, sẽ phụ thuộc vào sự có mặt của đoàn làm phim nhưng các phim dự thi đều có ra mắt đoàn làm phim. Lễ khai mạc sẽ làm gọn gàng khoảng 60 phút (vào 20h10 ngày 23/11/2014, truyền hình trực tiếp trên VTV1) với 2 phần là đón chào các nghệ sỹ trên thảm đỏ và lễ khai mạc trong khán phòng. Ban tổ chức cũng quyết định chọn bộ phim Sivas, vừa giành giải thưởng Đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Venice lần thứ 71, để chiếu khai mạc. Hai MC của chương trình là Hoa hậu Ngô Phương Lan và Biên tập viên Anh Tuấn.

Với một danh sách phim dày đặc (cả hạng mục Phim dự thi và phim công chiếu) đã được Ban tổ chức công bố, có thể thấy công tác sưu tầm và tuyển phim đã được tiến hành rất công phu. Bà có thể tiết lộ đôi điều về công việc tuy là hậu trường nhưng lại rất quan trọng này?

LHP Quốc tế Hà Nội dù còn rất mới nhưng chúng tôi luôn cố gắng duy trì. Bản thân tôi, khi tham gia các hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước, có sự tiếp xúc với những nhà hoạt động điện ảnh, những người chọn phim ở các LHP Quốc tế, đều giới thiệu về LHP của chúng ta. Nhờ đó, nguồn phim một phần do điện ảnh các nước tự gửi đến, một số phim được chúng tôi chọn thẳng từ các LHP thông qua các programmer (người phụ trách chương trình LHP) và từ các nhà làm phim các nước. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ tận tình của nhiều đồng nghiệp điện ảnh quốc tế mà cụ thể là các cố vấn của LHP. Tiêu chí chọn phim cũng rất rõ ràng. LHP giới thiệu những bộ phim hay của điện ảnh thế giới nói chung nhưng chú trọng vào các tác phẩm mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó chọn ra các bộ phim MớiHay. Và nếu đó là những tác phẩm lần đầu tiên tham dự LHP Quốc tế trong khu vực Đông Nam Á thì sẽ được chọn vào hạng mục Phim dự thi. Chính vì thế, giống như bất kỳ LHP Quốc tế nào, điều mà LHP Quốc tế Hà Nội quan tâm là tính mới của bộ phim, tính phát hiện trong ý tưởng và ngôn ngữ thể hiện của bộ phim.

MC_Anh_Tun_s_ng_hnh_cng_hoa_hu_Ng_Phng_Lan_vi_vai_tr_MC_ti_Haniff_nm_nay

MC Anh Tuấn sẽ đồng hành cùng Hoa hậu Ngô Phương Lan với vai trò MC tại Haniff năm nay

Khó khăn của LHP Quốc tế Hà Nội là tổ chức 2 năm/lần, không giống với các LHP Quốc tế thông thường, nên sau mỗi lần tổ chức, dù có thu được những thành công nhất định thì sau khoảng thời gian 2 năm, mọi thứ dường như lại phải khởi động từ đầu. Điều nữa là, với các LHP Quốc tế khác một người chuyên tổ chức LHP sẽ chỉ dành thời gian, công sức và được cấp kinh phí để đi chọn phim, chẳng hạn, có thể có từ 10 đến 20 chuyến đi mỗi năm tới các LHP trên thế giới để chọn phim. Nhưng chúng ta không có điều kiện làm điều đó nên chủ yếu trông chờ vào việc họ gửi phim. Hơn nữa, Cục điện ảnh cũng phải đảm nhiệm rất nhiều việc như quản lý nhà nước về điện ảnh, xây dựng các văn bản pháp quy cùng các cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển điện ảnh; tổ chức những hoạt động lớn của ngành; định hướng và phát triển sự nghiệp sáng tác; cấp phép phổ biến phim... Việc tổ chức LHP Quốc tế là công việc kiêm nhiệm nên khá bận rộn. Nhưng, dù khó khăn về nguồn lực, vật chất, kinh phí, chúng tôi luôn cảm thấy hào hứng và tự thấy bản thân phải nỗ lực để cho điện ảnh Việt Nam có những bước đi tương đồng với khu vực và thế giới. Rất may là ban tổ chức có sự hỗ trợ của hầu hết các hãng phim, doanh nghiệp điện ảnh và cả những cá nhân, doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Và thực sự thì tất cả mọi đề án, hoạt động là do Cục Điện ảnh tổ chức nhưng nhiều hạng mục công việc có sự phối hợp hoặc phân công cho các đơn vị khác. Năm nay, ban tổ chức không tìm được nguồn tài trợ vé máy bay nên đã hạn chế đến mức tối đa việc tài trợ cho khách quốc tế nhưng số lượng đại biểu nước ngoài đến tương đối đông, hơn 100 đại biểu, trong đó khá nhiều người tự túc kinh phí. Tất nhiên, tâm lý của khán giả và giới truyền thông thường thích những ngôi sao lớn tham dự LHP. Điều này rất khó, vì nếu muốn mời được họ thì cần rất nhiều tiền. Ngoài vé hạng C, phòng khách sạn đặc biệt, một đoàn “tùy tùng” khoảng 4-5 người đi theo thì nhiều ngôi sao yêu cầu một mức thù lao rất cao, cho nên nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp thì ban tổ chức không thể kham nổi. Nhưng tôi nghĩ, các LHP Quốc tế trên thế giới có nhiều mục tiêu. Nếu đó là một LHP uy tín, lâu đời và danh giá thì họ có đủ khả năng thu hút sự chú ý của các ngôi sao. Còn với các LHP nhỏ hơn, người ta quan tâm đến chất lượng tác phẩm dự thi và trình chiếu trong LHP ở các hạng mục. Cũng như vậy, LHP Quốc tế Hà Nội đặt mục tiêu là có một bộ tuyển chọn phim tham dự gồm những tác phẩm hay, tốt, có giá trị nghệ thuật và nhân văn. Bên cạnh đó, LHP cũng đang dần dần thu hút được một số ngôi sao trong khu vực mà khán giả chắc sẽ thích thú khi gặp họ.

Bà có nhận xét gì về hai bộ phim Việt Nam dự thi LHP Quốc tế Hà Nội lần này?

Đập cánh giữa không trung là phim độc lập của đạo diễn Hoàng Điệp, kịch bản được trao giải tại trại sáng tác Tài năng trẻ HANIFF 2012, đã được khẳng định ở một số LHP Quốc tế rồi. Tất nhiên, chúng tôi không chạy theo hiệu ứng của các LHP đó mà ngay từ hôm duyệt, Hội đồng duyệt và Cục Điện ảnh cũng đánh giá đây là bộ phim có chất lượng về mặt nghề nghiệp, có nét mới, có sự khám phá trong ngôn ngữ thể hiện. Bộ phim thứ 2, Những đứa con của làng, của hãng phim tư nhân Hồng Ngát Nam Phương Film nhưng được Nhà nước đặt hàng. Tôi nghĩ đây là điều tốt đối với sự phát triển của điện ảnh vì công tác đầu tư sản xuất phim giờ đây không chỉ là phân chia kế hoạch cho các hãng phim thuộc Bộ VH-TT-DL mà còn đặt hàng các hãng tư nhân trên tinh thần nâng cao chất lượng tác phẩm và mở rộng đối tượng đặt hàng. Dù cả hai phim chưa ra mắt khán giả, nhưng được giới chuyên môn trong nước và quốc tế khẳng định một cách tích cực.

B_phim_Sivas_ca_Th_Nh_K_c_chn_chiu_khai_mc_Haniff_2014

Bộ phim Sivas của Thổ Nhĩ Kỳ được chọn chiếu khai mạc Haniff 2014

Sau 3 kỳ tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội, mỗi lần chúng ta đều nhìn thấy vị thế của LHP được nâng lên một mức nhất định, nhưng trên hết và cần nhất vẫn là chất lượng phim Việt Nam. Hơn cả vai trò Giám đốc LHP, bà còn là nhà quản lý và hoạt động điện ảnh. Vậy bà kỳ vọng gì vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói chung qua LHP Quốc tế lần này?

Nếu như tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2012, chúng tôi đã rất khó khăn khi chọn phim Việt Nam để chiếu giới thiệu và dự thi LHP vì chất lượng phim chưa thực sự như mong muốn thì năm nay trong số hơn 50 phim sản xuất từ cuối 2012 (sau LHPQT HN II), Hội đồng đã rất thống nhất chọn được 18 phim. Như vậy, có thể nói bước tiến về số lượng và chất lượng phim như hiện nay là điều khiến tôi mừng nhất. Từ sự cọ xát công bằng với các nền điện ảnh trong khu vực và thế giới qua LHP Quốc tế, chúng ta mới có bài học, mới có sự kích thích trong sáng tạo, thậm chí là chạm đến tự ái của các nhà làm phim. Bởi, những người đang làm công việc sáng tác, sản xuất phim có mong muốn dự LHP Quốc tế thì phải cố gắng làm ra các tác phẩm hay hơn. Từ đó, chất lượng phim Việt Nam sẽ thay đổi. Tôi cho rằng, vai trò, tác động của LHP Quốc tế đến đời sống điện ảnh, sáng tác, hoạt động sản xuất phổ biến phim chính ở khía cạnh này - tác động trực tiếp đến những người làm nghề.

Xin cảm ơn bà!

Vân Thảo