Biên kịch Chu Thu Hằng: Đừng thấy phim ngôn tình ăn khách mà lao vào!

(TGĐA) - Tại LH Truyền hình toàn quốc 2016 vừa qua, nhà báo Chu Thu Hằng đã được trao giải Biên kịch xuất sắc với bộ phim Nguyệt thực. Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với chị.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
BK Chu Thu Hằng (ngoài cùng bên trái) tại LHTH Toàn quốc 2016

Lý do gì khiến chị, từ chỗ có ý tưởng đến quyết định hoàn thành kịch bản phim TH Nguyệt thực?

Ba năm trước, sau khi xem bộ phim Tình yêu không hẹn trước, chị Đinh Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) đã bay ra Hà Nội gặp tôi đặt vấn đề viết kịch bản phim truyền hình cho Thiên Ngân. Qua trao đổi với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Phó ban thư ký Đài truyền hình Việt Nam, phụ trách mảng phim xã hội hóa, chị Hương muốn tôi viết một kịch bản phim về đề tài nhà báo với kỳ vọng tôi thạo mảng đề tài này, có nhiều trải nghiệm sẽ tạo được sức sống cho bộ phim.Thời điểm đó, báo giấy đang đối mặt với những khó khăn lớn. Trên thế giới, nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times của Mỹ; The Independent của Anh... ngừng phát hành báo giấy, chuyển sang báo điện tử. Tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh giữa báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội ngày càng khốc liệt. Để thu hút độc giả, nhiều tờ báo đã "phá rào" vượt khỏi giới hạn của tôn chỉ mục đích, hướng sự khai thác vào các đề tài giật gân, câu khách và hậu trường showbiz chính là mảnh đất màu mỡ để các báo thị trường "càn quét”. Một phần, do đây là lĩnh vực giải trí nên chiếm được sự quan tâm của độc giả; phần khác một bộ phận ca sĩ, diễn viên, người mẫu... trong giới showbiz cũng sử dụng "chiêu trò" tạo scandal để nổi tiếng. Họ sẵn sàng biến mình thành "mồi" của các báo lá cải. Một bên cần sự nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi; một bên cần tin bài giật gân để có doanh thu, dẫn đến hệ quả nhiều người trở thành nạn nhân của báo chí lá cải; niềm tin của độc giả vào báo chí bị sụt giảm khi mà các thông tin báo chí đưa ra khiến độc giả "quay cuồng" không biết đâu mới là sự thật. Tôi đã viết kịch bản này trong 1 năm. Phía Thiên Ngân đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận với ê kíp làm báo thị trường mà họ đang quản lý. Hơn 20 năm làm báo, viết mảng điện ảnh - ca nhạc, mặc dù dính líu giới showbiz đến mức thành bè bạn, người nhà của nhiều nghệ sĩ, nhưng khi tiếp cận cách làm báo thị trường cùng các chiêu trò của một số nghệ sĩ trẻ hợp tác với các báo, tạp chí này… tôi vẫn bỡ ngỡ, bất ngờ. Sau đó, Thiên Ngân tập trung sản xuất mảng phim điện ảnh, kịch bản phim Nguyệt thực do Công ty THL sản xuất. Giám đốc công ty - chị Bùi Thu Hương vốn là người của Thiên Ngân - Galaxy, từng cộng tác nhiều năm với VTV trong lĩnh vực sản xuất các chương trình giải trí và phim trên truyền hình.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
"Nghề báo đã giúp tôi có thế mạnh về vốn sống hơn các nhà biên kịch trẻ"

Ngoài Nguyệt thực chị còn là tác giả kịch bản của một số phim TH như Tình yêu không hẹn trước, Hoa nở trái mùa, Lời ru mùa đông. Xin hỏi, nghề báo giúp được những gì cho chị trong lĩnh vực biên kịch?

Rất nhiều! Nói cách khác, nghề báo đã giúp tôi có thế mạnh về vốn sống hơn các nhà biên kịch trẻ được đào tạo chuyên nghiệp. Tại cuộc họp báo ra mắt phim Tình yêu không hẹn trước (kịch bản phim này tôi viết cùng em gái Chu Hồng Vân - phóng viên Báo Tuổi trẻ), đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ "thích kịch bản này vì ngồn ngộn chất liệu sống". Đạo diễn Mai Hồng Phong sau khi làm Lời ru mùa đông thì bảo: "Anh thích kịch bản của em, vì các nhân vật đều có chiều sâu, có đời sống, thân phận và họ được sống với công việc của mình, chứ không như nhiều kịch bản bây giờ các nhân vật khi lên phim bị tước hết công việc, nghề nghiệp, bối cảnh hoạt động... chỉ xoay quanh yêu đương, thù hận; tranh chấp; cãi vã....". Trên thực tế, những câu chuyện trong kịch bản của tôi đều là những chuyện có thật trong cuộc sống, những gì tôi đã trải nghiệm, chứng kiến từ bè bạn, đồng nghiệp, những người sống quanh mình. Tôi cố gắng xâu chuỗi, hư cấu để các sự kiện, các nhân vật trở thành điển hình mang mẫu số chung "nhân vật lạ quen biết". Mục đích là thế và cũng là kỳ vọng, tất nhiên, thành công luôn là ẩn số và phụ thuộc vào sự thẩm định, tiếp nhận và yêu mến của người xem. Cho đến nay tôi mới chỉ biên kịch 4 phim. May mắn là cả 4 phim đã phát sóng đều được khán giả yêu mến. Ngay như bộ phim "kén" khán giả nhất - Nguyệt thực cũng có một lượng người xem đáng kế. Tại giải VTV ấn tượng 2016, bộ phim này lọt vào top 3 phim ấn tượng nhất ở vòng chung kết. Tuy nhiên, 4 phim đó mới chỉ là bước đi chập chững của tôi với tư cách biên kịch. Là nhà báo viết phê bình điện ảnh hơn 20 năm, tôi biết kịch bản của tôi còn thiếu những gì; nhược điểm gì... Và tôi vẫn tích cực xem phim, cả phim Việt và phim ngoại để học tập, rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Làm báo, đi nhiều, gặp nhiều số phận, hoàn cảnh... tôi luôn quan sát, ghi chép, tập hợp từng mẫu nhân vật theo những file riêng. Hàng ngày tham gia mạng xã hội cũng là để tìm những "lời thoại" đời nhất của từng đối tượng, độ tuổi dùng cho mục đích viết kịch bản.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
Cảnh trong phim Nguyệt thực

Một câu hỏi đã cũ nhưng chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, thậm chí còn khiến các nhà làm phim lúc nào cũng đau đáu đó là: Gu thưởng thức của khán giả hiện nay là gì? Nói cách khác, đề tài nào sẽ được coi là ăn khách? Chị sẽ trả lời câu hỏi này hỏi này như thế nào sau một thời gian trải nghiệm việc có thêm chức danh Nhà biên kịch?

Nếu ai đó nghĩ làm phim truyền hình sẵn đầu ra, cứ phát sóng là có khán giả... thì họ đã nhầm. Khán giả phim truyền hình cũng khắt khe và khó chiều không kém khán giả xem phim chiếu rạp. Chỉ 1 cái ti vi, có cả trăm lựa chọn, cho nên những ẩn số như khán giả thường xem phim Việt là ai; Họ thích đề tài gì; thể loại nào.. thật sự là bài toán đau đầu với nhà sản xuất. Nếu cứ thấy phim kiểu ngôn tình, yêu đương ăn khách mà lao vào sản xuất thì có khi đến lúc phát hành lại "ngã ngựa". Vì lúc đó, rất có thể, phim hình sự, kinh dị lại khiến người xem phát sốt. Tuy nhiên, với một lượng khán giả lớn thường xuyên xem phim Việt là các bà, các mẹ, những người làm nội trợ và trẻ em... thì một cốt truyện hấp dẫn, gần gũi với đời thường, dàn dựng công phu, diễn viên hợp vai, diễn xuất ấn tượng... vẫn sẽ là giải pháp an toàn. Thêm một lưu ý, khán giả phía Bắc không thích phim nói giọng Nam và ngược lại. Với các phim thu đồng bộ, diễn viên mang tính "hợp chủng Bắc-Nam" càng khiến người xem khó chịu. Còn việc chọn hoa hậu, người mẫu, ca sĩ đóng phim mà diễn xuất hời hợt... là sự liều lĩnh giết chết bộ phim.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
Nhà báo Chu Thu Hằng tại LHTH Toàn quốc lần thứ 36 (2016)

Chị không chỉ am hiểu phim ảnh ở góc độ là người làm báo mà còn từng chấm giải thưởng phim ảnh. Theo chị, một bộ phim (Điện ảnh hay truyền hình cũng vậy) cần đạt được những tiêu chí gì thì được coi là một bộ phim hay?

Tôi đã nhiều năm tham gia các BGK Giải báo chí phê bình điện ảnh – Giải Cánh diều; Liên hoan Truyền hình toàn quốc nên có sự so sánh mặt bằng các phim trong 1 giải thưởng. Quan điểm cá nhân của tôi là: Một bộ phim hay phải có cốt truyện hấp dẫn, được kể một cách mạch lạc nhưng có sức ám ảnh bởi những điểm nhấn; thông điệp giản dị, rõ ràng; dàn dựng công phu; dàn diễn viên hợp vai, diễn xuất ấn tượng. Nếu là vai phụ có thoại cũng cần chọn người phù hợp, tránh tình trạng "chọn bừa" như kiểu "lấp chỗ trống" do tiết kiệm kinh phí; hoặc do vai quá ngắn không mời được diễn viên chuyên nghiệp, tạo ra những "hạt sạn" không đáng có ở nhiều phim.

Nhìn vào sự phát triển của điện ảnh truyền hình hôm nay, có thể nói bây giờ là thời đại vàng của các nhà biên kịch. Họ thậm chí còn được quyền lựa chọn Nhà sản xuất, Hãng phim để bán kịch bản. Chị có suy nghĩ gì về điều này?

Cá nhân tôi mới cộng tác với 2 đơn vị sản xuất phim là VFC và THL. Tôi là người hơi bảo thủ, không làm thì thôi nhưng một khi đã làm thì cố gắng hết sức để có phim tốt. Vì thế, tôi sẽ chỉ chọn những đơn vị mà tôi cảm thấy yên tâm về chất lượng phim ra, cho dù nhuận bút kịch bản thấp, có khi chỉ bằng một nửa những nơi đã đánh tiếng mời tôi.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
Chu Thu Hằng hiện là Phó TBT báo Văn Hóa

Trở lại với nghề chính của chị là nghề báo. Thật ra, việc chọn lựa và cuộc chiến giữa hai trường phái làm báo trong Nguyệt thực cũng là điều mà những người làm báo thời nay phải đau đầu, nhất là mảng giải trí khi mà số lượng views liên quan đến sự sống còn của một tờ báo. Cá nhân chị chọn con đường của Sơn hay của Hoàng (hai nhân vật trong phim)?

Tôi là nhà báo thuộc "thế hệ cũ". Khi tôi bắt đầu làm báo, trong làng báo đang có một đội ngũ nhà báo rất giỏi - được gọi là thế hệ vàng của báo chí. Họ đã nghỉ hưu, nhiều người không còn tham gia viết báo. Tôi học được ở họ rất nhiều. Ngày ấy, 10 người tham gia một sự kiện thì cả 10 đều ý thức ngay từ khi đặt chân đến sự kiện là phải viết khác 9 người kia. Chúng tôi không có thông cáo báo chí sẵn, không có mạng để "xào bài " của nhau nhưng ngay cả khi cùng phỏng vấn 1 nhân vật cũng có ý thức phải tìm câu hỏi khác, viết khác. Nhờ thế mà tự xác lập được cá tính riêng của mình. Bây giờ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về thông tin, tôi vẫn ý thức sức mạnh của báo chí nằm ở sự thật. Cho dù là viết về giới showbiz, viết về các sự kiện giải trí... thì cũng có trăm cách khai thác hấp dẫn chạm đến trái tim người đọc, chứ không phải giật cái tít giật gân, rẻ tiền, thu hút 1 lượng views lớn... thì mình thành nhà báo lớn. Nói ngắn gọn thì tôi gửi gắm thông điệp về nghề và tình yêu với báo chí của mình trong nhân vật Sơn và Thủy của Nguyệt thực.

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao
Nhà BK Chu Thu Hằng nhận giải Biên kịch xuất sắc tại LHTH TQ 2016

Sắp tới chị có kịch bản gì mới? Có thể bật mí đôi chút không?

Tôi đang có 2 dự án phim truyền hình. Kịch bản thứ nhất có tên Nước mắt không màu (35 tập) do THL - đơn vị sản xuất phim Nguyệt thực phối hợp với VTV sản xuất. Chúng tôi dự kiến bấm máy vào quý II năm 2017. Phim là câu chuyện tình yêu và quan niệm sống, quan niệm ứng xử với di tích của hai thế hệ trong một gia đình. Nói như thế có vẻ chính luận và không hấp dẫn nhưng thực tế thì đó sẽ là câu chuyện tình yêu đầy chất lãng mạn trên nền sắc thái của văn hóa truyền thống Việt. Kịch bản thứ 2 là Bí mật của mẹ (30 tập) do VFC sản xuất ở phía Nam. Nếu ai đã xem và thích Lời ru mùa đông chắc sẽ có cảm tình với bộ phim này vì nhân vật chính của phim là một bà mẹ và được viết cho một nghệ sĩ kịch nói rất nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh đóng.

Xin cảm ơn chị!

bien kich chu thu hang dung thay phim ngon tinh an khach ma lao vao

Phim truyền hình Việt 2016: Nỗ lực để giữ khán giả!

Vân Thảo