(TGĐA) - Vào những ngày giữa tháng ba, có lẽ không chỉ riêng đạo diễn Trần Ngọc Phong cùng ekip làm phim của mình mà cả Công ty cổ phần phim Giải phóng đều cùng sôi động, háo hức với dự án phim mới: Hợp đồng bán mình. Bởi, đã 5 năm trôi qua kể từ bộ phim Đường xuyên rừng, đây mới là phim tiếp theo công ty được nhà nước đặt hàng sản xuất một bộ phim truyện điện ảnh. Đạo diễn Trần Ngọc Phong – người cầm trịch Hợp đồng bán mình đã có những chia sẻ với Tạp chí Thế giới Điện ảnh về bộ phim này.
Khởi quay phim truyền hình Duyên nợ miền Tây |
|
Sau 4 năm thực hiện cổ phần hóa cùng một ban lãnh đạo mới, Công ty cổ phần phim Giải phóng mới có bộ phim đặt hàng đầu tiên. Là người được trao vinh dự và trọng trách cầm trịch Hợp đồng bán mình, nhận nhiệm vụ này, anh nghĩ gì?
Đây là bộ phim điện ảnh thứ 5 mà tôi được giao trong thời gian công tác tại Hãng phim Giải Phóng, những bộ phim điện ảnh trước đó là Trận đấu cuối cùng, Ba người đàn ông, Biển gọi, Không cân sức. Có lẽ tôi là đạo diễn già còn sót lại trong thế hệ đạo diễn mới của hãng phim Giải Phóng nên ban lãnh đạo đã tin tưởng giao cho tôi bộ phim “của hiếm” này. Đây là bộ phim được nhà nước đặt hàng mà đã mấy năm nay, từ khi cổ phần, chúng tôi mới được... có phần.
|
Áp lực rất lớn đè nặng lên vai tôi. Một đạo diễn vinh dự được làm phim bằng kinh phí của nhà nước giữa một thị trường sản xuất phim điện ảnh mà các hãng phim tư nhân đang trăm hoa đua nở và đang dần lấn lướt các bộ phim của các hãng nhà nước, nếu như không muốn nói là đè bẹp với một đội ngũ đạo diễn chuyên viên trẻ được học hành tử tế ở nước ngoài, với kinh phí khủng (so với Việt Nam). Biết điểm yếu của mình là… già nên tôi đã phải từng ngày làm “trẻ mình” bằng cách xem tất cả những gì những người trẻ đã làm, đã viết để học tập cụ thể qua những bộ phim trẻ và sau đó lồng vào chút kinh nghiệm của người già để làm nên một bộ phim tươi mới nhưng vẫn mang nét truyền thống Việt. Đó là tính nhân văn qua câu chuyện và tính nghệ thuật của bộ phim.
Làm được điều đó, thật khó lắm, nhưng tôi sẽ cố gắng và tin đây sẽ là một bộ phim tử tế, không đến nỗi già cỗi vì đơn giản, ekip làm việc cùng tôi đều là những người trẻ năng động cùng các diễn viên trẻ đẹp, đầy đam mê nghề nghiệp.
Hợp đồng bán mình, tôi được biết là một phim về đề tài tham nhũng nhưng cái tên lại rất… thị trường, rất gợi. Anh có thể chấm phá chút ít cho khán giả biết về bộ phim này được không?
|
Phim là câu chuyện nóng hổi về những bản hợp đồng hôn nhân, hợp đồng tình dục... đang nhan nhản trong xã hội. Biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã đưa ra một ý tưởng rất mới và một câu chuyện mang tính thời sự nhưng rất đặc trưng của một nhà văn có nhiều kịch bản nói về các góc khuất của xã hội. Câu chuyện một người đàn ông đại gia Việt kiều U60 dám bỏ ra 120 tỷ để cứu cha, một cô gái trẻ đang đối diện với cái chết và nợ nần với điều kiện cô gái ấy phải làm vợ ông ta trong 10 năm không được ly hôn. Bản hợp đồng hôn nhân mà cô gái ấy phải nhắm mắt ký vào đã biến cô trở thành một nàng Kiều thời @... Với số tiền đó ông ta có thể lấy cả hoa hậu thế giới, tại sao ông lại đổi lấy một cô gái bình thường đã hứa hôn? Người đàn ông đó là một đại gia? Một nhà từ thiện? Một tên mafia? Một kẻ buôn người? Tại sao người yêu cô gái lại bất lực trước cuộc mua bán trao đổi này? Tại sao ông bố tội nghiệp kia vẫn sống trong khi con ông ta coi như đã chết? Tại sao mọi người vẫn dửng dưng trước nỗi đau để nhận tiền bán mình của cô gái? Vậy tiền nhiều để làm gì?
Anh có thể giới thiệu qua về ekip thực hiện chính?
Phim do biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn chắp bút; Giám đốc hình ảnh Yzell Hbya và quay phim Tony Toàn Lê; Họa sỹ thiết kế Phan Huy Hiển và đảm nhận nhạc phim là nhạc sỹ Văn Tứ Quý; Giám đốc sản xuất Nguyễn Tiến Hưng cùng dàn diễn viên: Hoa hậu - diễn viên Phan Hoàng Kim, Minh Luân, Thùy Trang, Lâm Vissay, Hoa hậu Thủy Phạm, Mai Huỳnh, Huy Cường...
Bối cảnh phim sẽ diễn ra ở đâu? Có bối cảnh nào được dựng ngay tại phim trường lớn của hãng phim không?
|
Câu chuyện phim diễn ra ở một thành phố biển nên những bối cảnh chính sẽ được quay tại Thành phố Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, Thành phố Vũng Tàu và tất nhiên là cả ở Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng tại phim trường Hãng phim Giải Phóng sẽ được thiết kế cho một số nội cảnh của các công ty.
Đầu năm 2019, ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần phim Giải Phóng đề ra mục tiêu rằng, năm 2019 tập trung sản xuất phim, cố gắng lấy lại thương hiệu, nhất là phải hội nhập cùng thị trường phim trong nước, cụ thể là làm phim phải phục vụ khán giả… Và Hợp đồng bán mình chính là sản phẩm đặt viên gạch cho con đường đề ra đó. Anh có thấy áp lực không?
|
Như đã nói ở trên, làm phim bằng tiền nhà nước là một áp lực khá lớn trước cơn sóng của điện ảnh tư nhân với dòng phim giải trí, phục vụ theo sở thích của khán giả để đạt doanh thu phòng vé. Nhưng, chúng tôi không thể làm một bộ phim hài nhảm, một câu chuyện hời hợt cốt để khoe những cảnh nóng câu khách... Chúng tôi thật khó để dung hòa và đạt được cả tính giải trí và tính giáo dục. Song đã là người làm nghệ thuật, trước hết chúng tôi đã và sẽ làm hết sức mình cho tác phẩm. Và biết đâu, khi khán giả đã chán với hài nhảm hoặc câu khách, họ sẽ đến với dòng phim chính luận của chúng tôi? Đó là... mơ ước!
Xin cảm ơn anh!
“Để một bộ phim chính luận tâm lý xã hội có thể đến được với khán giả và được họ chấp nhận mua vé thì bản thân tôi và ê kíp trẻ sẽ có những ‘vũ khí bí mật’ của mình để tấn công vào mặt trận thị trường. Cụ thể thế nào thì chúng tôi còn phải bí mật nhưng cũng có thể tiết lộ ngoài 3 chữ S là: Sun - Sea - Sex (Mặt trời - Biển - Tình dục), chúng tôi còn có cảnh kinh dị nữa đấy” – Đạo diễn Trần Ngọc Phong cười chia sẻ. |
Khởi quay phim truyền hình Duyên nợ miền Tây (TGĐA Online) - Duyên nơ miền Tây do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực ... |
Vũ Liên