Đầu bếp đỉnh đón Tết ấm áp với mâm cỗ ba miền

(TGĐA Online) - Tập 13 Đầu bếp đỉnh không xoáy sâu vào người thắng, người thua mà chủ yếu nêu bật không khí ấm cúng của mâm cỗ ba miền Bắc, Trung, Nam và tình cảm gia đình mỗi mùa xuân về.

Tết cổ truyền là một nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, và mỗi vùng miền đều có những cách thể hiện khác nhau. Tập 13 Đầu bếp đỉnh sẽ thử thách các đầu bếp thực hiện mâm cỗ ba miền chào đón năm mới.

Mùa Tết - Mùa đoàn viên

Các thí sinh sẽ chia đội và bốc thăm thực hiện mâm cỗ các vùng miền, bao gồm: Đội miền Bắc: Hoàng Văn Dương và Trần Khắc Hoan nấu mâm cỗ miền Nam, đội miền Trung: Cẩm Thiên Long và Nguyễn Quốc Huy sẽ nấu mâm cỗ miền Bắc, đội miền Nam: Võ Hoàng Nhân, Cao Thành Tâm và Mai Ngọc Hải Tuyết sẽ nấu mâm cỗ miền Trung. Mỗi đội sẽ có một khó khăn riêng khi phải nấu mâm cỗ cỗ truyền khác với nơi mình sinh sống, và đây thử thách này cũng đòi hỏi cao độ kiến thức về văn hóa ẩm thực dân tộc nước nhà.

Doi_mien_Bac_-_Van_Duong_-_Khac_Hoan

Đội miền Bắc: Văn Dương - Khắc Hoan

Mặc dù là trận đấu một mất một còn, thế nhưng không khí ngày Tết đã bao trùm lên không gian nấu của các thí sinh. Vì thế mà cảm xúc về sự đoàn viên của gia đình đã dâng trào trong đội miền Nam, cụ thể là hai đầu bếp Cao Thành Tâm và Võ Hoàng Nhân. Hai anh đã bật khóc vì đã để cho cảm xúc lên đến đỉnh điểm và không kiềm chế được. Khi được hỏi về không khí ngày Tết ở nhà, “chàng trai chân quê” Thành Tâm chia sẻ: “Bố Tâm đang điều trị triệu chứng của tai biến,mẹ Tâm ở Mỹ hơn 1 năm rồi, Tâm cũng mong muốn gia đình Tâm được êm ấm như xưa”.

Song song đó, bếp trưởng Võ Hoàng Nhân cũng nghẹn lòng khi nhắc về gia đình, đặc biệt là người mẹ kính yêu của mình: “Nhân mất ba từ nhỏ, Nhân rất thương mẹ nhưng Nhân không có nói với mẹ, mình là con trai đôi khi cách thể hiện của Nhân cũng khác với nhiều bạn khác. Thời gian những ngày Tết mà không ở nhà với mẹ thì rất là nhớ mẹ, nhưng mà những ngày Tết mà nấu cái gì mà mẹ ăn ngon, thì đó cũng xem như là đáp hiếu, một lời nhắn nhủ với mẹ con cũng mong sao cho mẹ có nhiều sức khỏe nhất”.

Ngược lại đội miền Nam, hai thí sinh đội miền Bắc là Hoàng Văn Dương và Trần Khắc Hoan đã mang đến không khí Tết rất sôi nổi và hào hứng. Thú vị hơn, hai anh còn hát đối cùng giám khảo Thanh Bạch đã xóa tan không khí thi đấu căng thẳng thường thấy. Bếp trưởng Hoàng Văn Dương cho biết: “Dương là một người rất hài hước, hay cười hay nói, vì thế nên khi Dương gặp anh Thanh Bạch quả thật rất là vui và tuyệt vời”.

Doi_mien_Trung_-_Thien_Long_-_Quoc_Huy

Đội miền Trung: Thiên Long - Quốc Huy

Mâm cỗ cổ truyền Bắc – Trung – Nam, mỗi miền một hương sắc

Tuy xuất hiện những cảm xúc ngoài lề cuộc thi, nhìn chung phần thi đấu của các đội diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng khi đến vòng thẩm định của ban giám khảo, các thí sinh mới nhận ra mọi chuyện chưa hề đơn giản. Nhận nhiệm vụ thẩm định mâm cỗ miền Bắc, nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết nhận xét:“Một mâm cỗ truyền thống đúng ra là phải bốn bát canh, tám đĩa, đấy là mâm trung lưu. Còn thượng lưu thì phải sáu bát, mười hai đĩa. Một mâm cỗ truyền thông của người Việt thì không thể thiếu một bát nước mắm ở giữa mâm, nói lên sự đoàn tụ, sự gắn kết các thành phần. Hai bát canh các em để trong một mâm như thế này thì nhiều canh quá. Món chủ đạo của bọn em thiếu, phải có giò lụa, chả quế, hoặc là giò thủ. Điều thứ hai nữa là bát canh bóng của em, nếu như theo truyền thống thì không bao giờ có hành tươi. Ngoài ra các em còn thiếu gà thái lá chanh, màu của xôi gấc mơi chỉ có màu hồng, chưa đỏ thắm, xôi càng đỏ thì chủ nhà cảm thấy rất vui vì điều may trong năm mới đến nhiều. Cuối cùng, khi ăn tráng miệng của người Bắc thì sẽ không ăn món sinh tố, mà thay vào đó là ăn chè kho hoặc xôi cò, chè hoa cau hương bưởi”.

Tuy nhiên, mâm cỗ cổ truyền miền Trung lại nhận được nhiều khen ngợi từ nghệ nhân ẩm thực cung đình Hoàng Anh:“Mâm cỗ ở miền Trung thì phải có bánh chưng và bánh Tét. Cách ăn gà của miền Trung khác với miền Bắc, tất cả mọi thức ăn khi trình lên đều phải xẻ ra. Cô đánh giá sự sáng tạo của các em trong món tôm chua, các em đã sử dụng mắm tôm chua xay và bỏ thêm tỏi, ớt, nước dùng để tạo thành nước chấm rất sáng tạo. Tuy nhiên ở món “Xôi thịt hon”, các em đã nhầm lẫn một chút khi dùng hoa kim châm, hoa này chỉ phù hợp dùng để nấu các loại canh nhẹ nhàng, thanh mát mà thôi”.

Mam_co_co_truyen_mien_Bac_-_Doi_Quoc_Huy_-_Thien_Long

Mâm cỗ cổ truyền miền Bắc của đội miền Trung

Không thi đấu của miền Nam vốn thú vị và sôi động, và ngay cả phần thẩm định cũng không là ngoại lệ. Giám khảo khách mời Thanh Bạch và giám khảo Alain Nguyễn đã cùng nhau chỉ ra điểm khác biệt giữa món gà ngày Tết trong ẩm thực miền Nam và miền Bắc. Ở miền Bắc thường chế biến món gà theo phong cách gà chặt với lá chanh, còn ở miền Nam thường thực hiện món gà xé phay (gỏi gà) để phù hợp với khí hậu nóng quanh năm. Bên cạnh đó, giám khảo Thanh Bạch còn góp ý:“Các bạn làm món chả giò hơi bị lạt, các bạn phải cân bằng độ mặn và ngọt với nhau trong nước chấm thì nó sẽ hóa giải độ lạt. Canh khổ qua của các bạn thiếu cá thác lác, cũng may là các bạn xẻ dọc để nhồi thịt theo miền Bắc, còn nếu theo miền Nam thì thường hay xẻ đôi thì khi đó sẽ thoa một chút nước mắm thì miếng khổ qua nhồi thọt sẽ phồng lên rất ngon và đẹp”.

Kết thúc phần thi, đội chiến thắng thuộc về mâm cỗ cổ truyền miền Trung gồm 3 thí sinh miền Nam: Nhân, Tâm và Tuyết. Đội miền Trung gồm Long và Huy chưa hoàn thành tốt mâm cỗ cổ truyền miền Bắc và đầu bếp Huy phải là người gói dao ra về. Lần thứ hai chia tay chương trình, bếp trưởng khách sạn Michelia vẫn còn rất nhiều cảm xúc.

Đầu bếp đỉnh – Top Chef Vietnam, phát sóng 20h00 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.

Hồng Liên