Phim nhà nước đặt hàng: Quả ngọt sau những nghi ngờ!

(TGĐA) - Không phải là tác phẩm độc lập với “sân chơi” chủ yếu là các Liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới, Cuộc đời của Yến – bộ phim vừa giành Giải thưởng lớn ( Grand Festival Prize ) tại Liên hoan phim công chiếu Quốc tế lần đầu – Philippines 2016 ngày 3/7 vừa qua chính là sản phẩm 100% “made in Nhà nước đặt hàng”. Đây thực sự là một sự khẳng định lại cho dòng phim vốn là chủ đạo, là bộ mặt ra với quốc tế của điện ảnh Việt một thời dần đang mất đi sức ảnh hưởng, bị bủa vây trong chê bai, dè bỉu và cả định kiến. Ngược lại một năm trước đó, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – một bộ phim lần đầu kết hợp giữa nhà nước và tư nhân cũng làm nên hiện tượng phòng vé; và sau đó, “đánh chiếm” thành công ở nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ. Phim nhà nước đặt hàng, liệu đã đến lúc thay đổi lại cách nhìn?

Cảnh trong phim Cuộc đời của Yến

Cảnh trong phim Cuộc đời của Yến

Những năm tháng vàng son…

Nhiều người quan niệm rằng, phim nhà nước làm ra chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền, tập trung chủ yếu vào phục vụ những ngày lễ lạt, kỷ niệm; nội dung thì khô cứng và đề tài thì không chiến tranh, hậu chiến cũng là những câu chuyện giáo điều, xong thì cất kho, tốn tiền nhà nước…

Điều đó đúng và cũng sai. Điện ảnh Cách mạng Việt Nam sinh ra từ chiến tranh, với bộ phim Chung một dòng sông ra đời năm 1959 đúng là với mục đích tuyên truyền là hàng đầu. Nhưng những người làm nghệ thuật, dù còn mò mẫm sơ khai, dù còn khó khăn chồng chất vẫn không đánh mất cái “tôi” nghệ sỹ bên cạnh nhiệm vụ chiến sĩ. Họ, đã “quần nát” đề tài chiến tranh, những phận người sau hậu chiến và tiếp tục đồng hành cùng đất nước qua những tác phẩm như những người chép sử, người phản biện và cả người “cầm canh” nhắc cho những thế hệ sau về một thế hệ hào hùng đi trước, bằng lăng kính của nghệ thuật điện ảnh. Với họ, đó vừa là nhiệm vụ “ăn lương”, vừa là hiện thực mà người nghệ sỹ bất kỳ sống cùng thời điểm phải phản ánh. Những ghi chép đó của họ không chỉ chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả mà còn được nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế ghi nhận như Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Kim Đồng, Con chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội, Nổi gió, Bài ca ra trận, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Trở về, Tướng về hưu, Đời cát, Về nơi gió cát, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Mùa len trâu Điện ảnh Việt từ thời chiến tranh đã không hề xa lạ với những Liên hoan phim quốc tế như Moskva, Taskent, Karlovy Vary, Leipzic, LHP Á – Phi và sau khi thống nhất, các phim nhà nước đặt hàng còn tiếp tục góp mặt ở nhiều LHP khác như LHP Châu Á Thái Bình Dương, LHP Tân hiện thực ở Ý, LHPQT Bombay (Ấn Độ), LHP Châu Âu ở Nantes, Vesoul (Pháp), LHP ở Fibourg (Thụy Sĩ)… Những phim như Đời cát từng đoạt giải hay nhất tại LHP Chấu Á – Thái Bình Dương, phim Bao giờ cho đến tháng 10 của đạo diễn Đặng Nhật Minh còn được CNN của Mỹ bình chọn là 1 trong 18 phim Châu Á đáng xem… Phim Việt thời đó còn xuất hiện nhiều ở các nước Châu Mỹ la tinh, các thị trường khó vào như Nhật, Pháp, Anh, Italia, Đức. Nói không ngoa, thời chiến tranh, điện ảnh Việt có vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới hơn nhiều so với thời điểm bây giờ dù số lượng phim sản xuất ít hơn.

a Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ với Giải thưởng Lớn tại LHP công chiếu quốc tế lần đầu Philippines 2016 cho Cuộc đời của Yến

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ với Giải thưởng Lớn tại LHP công chiếu quốc tế lần đầu - Philippines 2016 cho Cuộc đời của Yến

Không chỉ chuyện tác phẩm tốt và chuyện “đem chuông đi gõ xứ người”, một số “khái niệm” mà giờ đang thịnh hành cũng từ dòng phim chủ đạo này mà ra. Làn sóng Việt Kiều về Việt Nam làm phim cũng chẳng phải câu chuyện chỉ dành cho các hãng phim tư nhân như bây giờ. Hồ Quang Minh, Việt Linh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh là những cái tên đầu tên về nước, nhận đặt hàng của nhà nước để làm ra những tác phẩm như Con thú tật nguyền, Thời xa vắng, Gánh xiếc rong, Mê Thảo – Thời xa vắng, Mùa len trâu Và tất nhiên, những phim ăn khách như Vị đắng tình yêu không phải là của tư nhân mà do hãng phim Giải phóng sản xuất. Tương tự đó là Gái nhảy – “bom tấn” doanh thu, bộ phim mở ra khái niệm hốt bạc cho một loạt các nhà đầu tư tư nhân nhảy vào thị trường phim sau đó. Và mùa phim Tết, cũng là do Tết này ai đến xông nhà của đạo diễn Trần Lực mở đầu trào lưu…

Và thậm chí, để định nghĩa lại cho những ai còn mù mờ: Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Tâm hồn mẹ…, tức là một số phim mang hơi hướng độc lập, lại chính là những phim nhà nước bỏ tiền, đầu tư.

a Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bom tấn doanh thu do nhà nước và tư nhân cùng sản xuất

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bom tấn doanh thu do nhà nước và tư nhân cùng sản xuất

Bình mới, rượu mới!

Không thể phủ nhận một điều rằng, bên cạnh những năm tháng vàng son, những dấu ấn khó phai mờ thì phim nhà nước đặt hàng có nhiều những tác phẩm đáng cất kho và những giai đoạn trì trệ, thực sự khiến khán giả mất niềm tin. Lý do, chúng ta đã mổ xẻ quá nhiều từ cơ chế đến con người, từ phương thức sản xuất tới tư duy, nói lại thành nhàm. Nhưng phải nhấn mạnh một điều, đó là chúng ta Không – dám – thay – đổi, kể cả khi xu thế (và cả là thời cơ) khi các hãng phim nhà nước buộc phải cổ phần.

Khi mà sự chủ động của các hãng phim tư nhân đối lập với sự thụ động từ các hãng phim nhà nước khiến cán cân lệnh tới chạm đáy thì cũng là lúc mà tôi cho rằng, sự cố đáng buồn - thất thoát 42 tỷ của ngành điện ảnh năm 2011 lại ứng với câu “trong cái rủi, có cái may”. Rủi thì ai cũng rõ, may là điện ảnh Việt cần cú hích mới. Rõ ràng, một người cầm trịch mới dũng cảm nắm quyền song song với tiến trình cổ phần hóa các hãng phim cùng hiệu lực từ luật điện ảnh đã mang lại cho điện ảnh Việt sự thay đổi rõ rệt với các dự án phim nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, để có quả ngọt như tiêu đề bài viết này, những quyết định đó cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ, thậm chí đàm tiếu.

Khi đã cổ phần, mọi hãng phim đều đứng ở vị trí ngang nhau và dự án, trao cho nhà thầu khả thi nhất. Những đứa con của làng là bước đi thử nghiệm đầu tiên và cũng vấp phải không ít điều e ngại. Các hãng phim – nghệ sỹ nhà nước không vui. Rõ rồi, vì trong quan niệm, họ chưa dứt ra hẳn suy nghĩ “nhà nước vẫn phải nuôi, đương nhiên dự án phim phải đẩy cho hãng phim của nhà nước làm”. Ngoài ra, hãng tư nhân nhận làm cũng chẳng phải ai xa lạ, hãng Hồng Ngát film là của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, người từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành điện ảnh nước nhà. Đương nhiên, áp lực là rất lớn và rèm pha cũng ít nhiều dù nhân lực, cũng toàn người nhà nước cả. Nhưng quả ngọt là, bộ phim thành công và ít nhiều cũng giành nhiều giải thưởng tại các LHP trong nước.

a Những đứa con của làng Bộ phim đầu tiên theo mô hình nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất

Những đứa con của làng - Bộ phim đầu tiên theo mô hình nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất

Thứ hai là việc dám trao phim cho người trẻ dù việc này “gây bão” ít nhiều trong giới làm nghề, từ ngầm tới công khai. Đó là trường hợp của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ với Và anh sẽ trở lại cũng như Cuộc đời của Yến gần đây. Sự chuyển giao thế hệ, thay đổi hẳn một tư duy làm nghề đã cũ kỹ, rụt rè hẳn sẽ không “có bão” nếu điện ảnh nhà nước có nhiều đạo diễn trẻ xứng đáng để giao phim. Nó cũng sẽ không “có bão” nếu Đinh Tuấn Vũ không phải là… con trai Cục trưởng. Ranh giới rất mong manh đó cuối cùng cũng có sự đền đáp. Cuộc đời của Yến, sau nhiều giải thưởng trong nước đã đem về sự thừa nhận từ một LHP Quốc tế - giải Giải thưởng lớn (Grand Festival Prize) tại Liên hoan phim công chiếu Quốc tế lần đầu – Philippines 2016 ngày 3/7 vừa qua. Đáng chú ý là nó vượt qua 5 ứng cử viên lớn khác là Love Above all things (Tây Ban Nha); Redha (Malaysia); Young love lost (Trung Quốc); Daughters of the three tailed banner (Philippines) và đặc biệt là By Accident (Pháp) – bộ phim từng được tờ Hollywood Reporter đánh giá cao.

Và cuối cùng, là việc xóa mờ ranh giới nhà nước và tư nhân; là việc đem lại diện mạo mới cho những định kiến về phim nhà nước không thể sinh lời, ăn khách với dự án hợp tác Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Rõ ràng, nếu còn định kiến, bạn phải thay đổi./

Thuận Nhân