“Sân chơi” truyền hình cho trẻ em: Lợi bất cập hại!

(TGĐA) - Sự “nở rộ” của các “sân chơi” – thực chất là các cuộc thi tài năng trên truyền hình đang mang đến cả những điều có lợi lẫn bất lợi cho trẻ em…

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí

Những “sân chơi” thú vị

Nhu cầu giải trí và giải tỏa bớt căng thẳng sau những giờ học tập của trẻ em là rất lớn và luôn thiếu những “sân chơi” chuyên nghiệp. Bởi vậy, việc ra đời của nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow trên màn ảnh nhỏ là cần thiết, đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí cho trẻ em. Vì đây là dạng sân chơi “tại nhà” khá thuận tiện nên rất được các bậc phụ huynh và các em ủng hộ nhiệt tình. Chỉ cần bấm remote lên là dễ dàng xem được một loạt chương trình truyền hình thực tế, gameshow có thị phần dành cho trẻ em ở mọi lứa tuổi phát sóng trên nhiều kênh của VTV, HTV, Vĩnh Long.

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Gương mặt thân quen nhí

Có thể kể đến một loạt các chương trình truyền hình thực tế đình đám như: Gương mặt thân quen nhí; Bước nhảy hoàn vũ nhí; Đồ rê mí; Giọng hát Việt nhí; Người hùng tí hon; Tìm kiếm tài năng MC nhí; Nhí tài năng; Vũ điệu tuổi xanh; Siêu nhí tranh tài; Thần tượng âm nhạc nhí; Thử tài siêu nhí; Người mẫu nhí; Vua đầu bếp nhí… Ngoài ra, trong một số chương trình truyền hình thực tế khác như Tìm kiếm tài năng Việt, Thách thức danh hài, Bạn có thực tài?... cũng cho phép không ít trẻ em tham gia trong vai trò thí sinh.

Về gameshow, cũng có thể điểm danh hàng loạt như Thế giới cổ tích; Con đã lớn khôn; Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Ước mơ của em; Vui cùng hoa lúa; Xúc xắc xúc xẻ; Ô cửa trái tim; Nhanh nào bé yêu; Hành trình xanh; Cố lên con nhé; Chung sức Kids; Con biết tuốt; Bố ơi, mình đi đâu thế? Cha con hợp sức… Những chương trình này luôn tràn ngập tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, và thực sự là “sân chơi” để các em thể hiện ước mơ, sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin, năng khiếu tiềm ẩn, sự sáng tạo đặc biệt là giáo dục về kỹ năng sống.

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Giọng hát Việt nhí

Các chương trình này có lợi thế là giúp trẻ em có năng khiếu được tạo điều kiện để thể hiện năng lực để phụ huynh biết hướng bồi dưỡng và phát huy sở trường. Bên cạnh đó, việc được đứng trên sân khấu lớn, được gặp gỡ những chuyên gia, được nhảy múa ca hát theo ý mình sẽ giúp trẻ vượt qua tự ti, nhút nhát và trở nên tự tin, hòa đồng hơn. Thông qua các chương trình truyền hình thực tế như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhíđã xuất hiện những tài năng trẻ em như Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Hồng Minh, Đức Vĩnh, Bảo An, bé Ben, KuTin, Thiên Khôi, Thiện Nhân, Hoàng Anh… rất “ăn khách” trong các TVC quảng cáo, đóng phim, ca hát trên các sân khấu lớn, hay có sản phẩm tạo được tiếng vang trong thế giới giải trí của trẻ em.

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Vua đầu bếp nhí

Lợi bất cập hại…

Như nhiều ngành hàng tiêu dùng cho trẻ em, các chương trình giải trí (tập trung vào các lĩnh vực ca múa nhạc - hài) dành cho đối tượng trẻ em (và gia đình) đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều đơn vị sản xuất. Với format đa dạng, hấp dẫn giống các chương trình dành cho người lớn, những chương trình này thu hút được lượng người xem rất cao, nên quảng cáo cũng đổ vào nhiều, theo đó, lợi nhuận thu về của nhà đầu tư cũng rất “khủng”. Tuy nhiên, đa phần các định dạng chương trình hiện nay đều được mua từ nước ngoài nên điều đáng lo ngại nhất là cách xây dựng tiết mục của Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Siêu nhí tranh tàiđều dùng các bài hát, tiết mục của người lớn để các em thể hiện.

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Người hùng tí hon

Thật đáng lo khi các em ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại phải gồng mình thể hiện những ca khúc tình yêu đôi lứa, khoác vào mình những trang phục, kiểu tóc, trang điểm già dặn. Còn trong Bước nhảy hoàn vũ nhí, không ít em đã phải “diện” trang phục cũng như thể hiện các động tác nhảy múa không phù hợp với lứa tuổi. Ở các chương trình khác, tình trạng “bắt” trẻ em hóa thân vào nhân vật bị “biến tướng”, hay trai giả gái không hiếm, như bé Như Ý đã biến nhân vật Tấm thành chua ngoa, cong cớn trong chương trình Siêu nhí tranh tài; hay cậu bé A Pù phải giả gái và uốn éo trong Người hùng tí hon; hoặc trong Siêu hài nhí - Chín con của Mười Khó, các bé từ 4 đến 12 tuổi phải thể hiện những vai diễn không đơn giản trong vở cải lương Bên cầu dệt lụa… Dù vẫn trầm trồ về khả năng thể hiện của các em nhưng khán giả cũng cảm thấy ngán ngẩm vì các tiết mục đã đánh mất đi sự hồn nhiên, thơ ngây của lứa tuổi.

Làm thế nào để có sự cân bằng giữa học và chơi ở các “sân chơi” dành cho trẻ em trên truyền hình vẫn là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và đông đảo khán giả. Có người cho rằng, nên khuyến khích phát triển các chương trình cung cấp kiến thức, dạy kỹ năng sống... Người khác thì đề nghị các nhà sản xuất chương trình nên có sự chọn lọc cả về nội dung và độ tuổi thí sinh. Đặc biệt, với các chương trình thi tài năng, ban tổ chức cần phối hợp với phụ huynh có sự tư vấn, định hướng hoặc tạo điều kiện cho các thí sinh đạt thành tích cao phát triển năng khiếu một cách bài bản và hiệu quả nhất. Các em cần được khuyến khích và đào tạo theo định hướng đường dài, nhưng không nên trưng dụng, sử dụng, vắt kiệt hay tung hô và biến chúng thành người “nổi tiếng” quá sớm.Điểm neo Tóm lại, nếu khai thác đúng cách, kết hợp được sự giải trí và tính giáo dục thì chắc chắn các cuộc thi trên truyền hình sẽ được khán giả yêu thích và ủng hộ lâu dài.

Câu chuyện “đổi đời” sau khi tham gia các cuộc thi như cậu bé nghèo hát đám cưới Hồ Văn Cường; cô bé dân ca Phương Mỹ Chi nhờ đi hát mà xây nhà lầu cho cha mẹ; Quán quân Giọng hát Việt nhí Quang Anh nhận học bổng tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; chú bé đánh trống Thiện Nhân kiếm tiền tỷ chỉ nhờ tham gia các cuộc thi tài năng nhí…, đã biến nhiều chương trình không còn chỉ là “sân chơi”, khi nhiều phụ huynh đưa con tham gia để mong được như thế… Mỗi cuộc thi thường tốn công sức đầu tư, tập luyện tiết mục biểu diễn kéo dài trong khoảng 3-6 tháng, nếu không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường thì cũng khiến các em không được tự do tận hưởng tuổi thơ như chúng bạn. Chưa hết, ở lứa tuổi thiếu nhi, các em cũng sẽ dễ vấp phải tâm lý ganh đua để giành giải thưởng, cộng với áp lực từ phía gia đình, người thân, nhà trường. Mới đây, gia đình của Ku Tin đã cho em dừng thi Thử tài siêu nhí là một ví dụ...

san choi truyen hinh cho tre em loi bat cap hai
Chương trình Thử tài siêu nhí

Khai thác quá sâu hoàn cảnh gia đình của các em để lấy lòng khán giả và được họ nhắn tin bình chọn đã và đang được nhiều chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em lạm dụng. Gần đây nhất, Hồ Văn Cường đăng quang Thần tượng âm nhạc nhí 2016 đã gây tranh cãi, khi không thiếu sự ác ý cho rằng em đạt giải chỉ nhờ vào hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh Hồ Văn Cường xuất thân từ gia đình nghèo, sớm mưu sinh và từng hát đám cưới để kiếm tiền… được xây dựng, tô đậm trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi… Một số thí sinh khác cũng từng bị “ném đá” vì bị khai thác một cách thái quá hoàn cảnh sống ngoài đời. Bên cạnh những hệ lụy trên, thì việc phát triển ồ ạt các chương trình thi thố tài năng na ná giống nhau đang gây nên sự nhàm chán, và có không ít thí sinh chạy show hết chương trình này sang chương trình kia. Vắt kiệt và càn quét cạn dần những gương mặt nhí có tài năng thiên bẩm là điều khó tránh khỏi.

Phúc Thiện