Được làm lại từ bộ phim Sunny của Hàn Quốc, Tháng năm rực rỡ là hành trình tìm lại những ký ức thanh xuân của Hiểu Phương (Hồng Ánh) và nhóm nữ quái Ngựa Hoang. Tình cờ gặp lại người bạn cũ Mỹ Dung (Thanh Hằng) và cũng là trưởng nhóm Ngựa Hoang, Hiểu Phương đau xót khi biết bạn đang mắc bệnh hiểm nghèo. Để thực tâm nguyện của bạn thân, Hiểu Phương quyết tâm tìm lại các thành viên của nhóm Ngựa Hoang.
|
Poster phim Tháng năm rực rỡ |
Hành trình đi tìm những người bạn cũ cũng chính là hành trình để Hiểu Phương trở về với những “tháng năm rực rỡ” của cuộc đời mình. Bằng cách này, phim sẽ kể hai câu chuyện song song về những cô nữ sinh trẻ tuổi tràn đầy hoài bão và những người phụ nữ trung niên đã nếm trải qua cay ngọt cuộc đời. Khi số phận và tính cách mỗi người đã thay đổi theo thời gian, liệu nhóm bạn nữ quái còn có thể cùng nhau thực hiện ước mơ dang dở khi xưa? Câu chuyện thời tuổi trẻ được đặt trong những năm 1970, còn câu chuyện hiện tại diễn ra vào năm 2000, khi Việt Nam chuẩn bị bước sang thế kỷ 21.
Tiếp đó là những tháng ngày rực rỡ và câu chuyện tình bạn của nhóm Ngựa Hoang tuổi 16 với thành viên mới Hiểu Phương, khiến bất cứ khán giả nào cũng phải mỉm cười khi nghĩ về tuổi trẻ của mình. Sau cùng, khi tất cả những hình ảnh tươi đẹp trở thành hồi ức và được thu vào một cuốn phim, ta lại thấy bồi hồi và xúc động như chính nhóm Ngựa Hoang lúc trưởng thành đang rưng rưng nhìn lại mình trong quá khứ.
Tháng năm rực rỡ quy tụ một dàn mỹ nhân tài năng của hai thế hệ. Hồng Ánh sẽ có sự trở lại trên màn ảnh rộng sau 2 năm vắng bóng, kể từ sau Em là bà nội của anh. Trong khi đó, Thanh Hằng tiếp tục mối duyên với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với vai diễn trưởng nhóm nữ quái Mỹ Dung. Đây cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của những gương mặt vốn rất quen thuộc với khán giả như Mỹ Duyên, Mỹ Uyên… Gương mặt sáng giá Hoàng Yến Chibi sẽ có vai chính đầu tiên khi hóa thân vào vai thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm - Hiểu Phương, trong khi Hoàng Oanh sẽ là phiên bản Mỹ Dung thời trẻ của Thanh Hằng. Phim còn có sự tham gia của những diễn viên trẻ đầy triển vọng như Jun Vũ, Thanh Tú, Trịnh Thảo, Minh Thảo… và sự trở lại của “cô bé dâu tây” Khổng Tú Quỳnh.
Sáu cô gái xinh đẹp của nhóm Ngựa Hoang có những biệt danh có một không hai. Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) thật thà thú nhận biệt danh “đồ nhà quê” là do phong cách thời trang “quê mùa” độc nhất vô nhị của cô ở trường, khi toàn mang những thứ chẳng ai mang. Trong khi đó, “đại ca” Mỹ Dung (Hoàng Oanh) lại khiến khán giả thán phục khi cho biết mình được làm “đại ca” là nhờ ngoại hình cao lớn và khả năng đánh nhau không ai bằng. Biệt danh “hoa khôi” của Tuyết Anh (Jun Vũ), Chi “mập” của Lan Chi (Trịnh Thảo) có phần dễ hiểu bởi ngoại hình xinh đẹp, hay khá “đầy đặn” của mỗi người. Bảo Châu (Khổng Tú Quỳnh) thì dường như tự đặt cho mình biệt danh “đại minh tinh” mà không cần ai công nhận. Còn Thùy Linh (Trịnh Thảo) tự tin khẳng định “nữ hoàng chửi thề” đích thị là danh hiệu dành cho mình cô với sở trường và sở thích chửi thề vượt xa mọi người. Sáu cá tính khác biệt nhưng họ vẫn thân thiết, gắn bó với nhau trong suốt tuổi thanh xuân rực rỡ. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết từng thành viên đều có những phân cảnh đặc biệt thú vị để thể hiện cá tính đặc trưng của mình.
Lựa chọn Đà Lạt làm bối cảnh cho câu chuyện thời trẻ của nhóm nữ quái Ngựa Hoang, phim hứa hẹn sẽ tái hiện một Đà Lạt xưa không những mộng mơ mà còn vô cùng rực rỡ. Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Đà Lạt có nhiều cảnh đẹp và vẫn còn giữ lại được những góc phố, địa danh đặc trưng từ xưa. Bởi vậy, anh đã quyết định đặt câu chuyện thời tuổi trẻ của nữ quái Ngựa Hoang ở thành phố này. Đạo diễn muốn khắc họa một Đà Lạt “rực rỡ”, đầy nhiệt huyết và năng lượng của tuổi trẻ chứ không đơn thuần chỉ “mộng mơ” như người ta vốn nghĩ về nó.
Để tái hiện lại thời kỳ rực rỡ đó, đoàn phim đã đặt các cảnh phim ở những địa danh nổi tiếng của Đà Lạt như khu Hòa Bình, dốc Tăng Bạt Hổ, cầu chữ Y trên hồ Xuân Hương… Bên cạnh đó, phim tái hiện những không gian văn hóa rất đặc trưng của Đà Lạt xưa. Đó là những ngôi trường nội trú Pháp với khuôn viên và lớp học mang dấu ấn phương Tây; hay những nơi chốn giải trí quen thuộc của người Đà Lạt xưa: một “night club” đông đúc, náo nhiệt, với không gian đầy khói thuốc trộn lẫn cùng giai điệu của những bản nhạc rock hoang dã và bi quan, rạp chiếu bóng nơi trình chiếu những bộ phim đưa người xem đến những miền mơ ước, những buổi tập hát, tập nhảy hay những giai điệu vương vấn sương lạnh bên bờ hồ...