TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam: Liên hoan phim Việt Nam tại Pháp sẽ được tổ chức vào tháng 7 hàng năm

(TGĐA) - Có thể nói, từ trước đến nay, những chương trình như tiêu điểm phim Việt Nam ở các Liên hoan phim (LHP) Quốc tế hoặc Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức nhiều lần và có những kết quả tốt trong việc đưa phim Việt giới thiệu đến các nước và các đồng nghiệp điện ảnh trên thế giới. Còn với một LHP thực sự mang tên là LHP Việt Nam lại được tổ chức ở nước ngoài, trong đó có nhiều chương trình phim dự thi, chương trình giới thiệu phim theo từng chủ đề với thông điệp riêng thì đây là lần đầu tiên. LHP Việt Nam lần đầu tiên ở Saint Malo tại Pháp là một trong những hoạt động quan trọng của năm Việt Nam ở Pháp, đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Pháp – Việt Nam. Trở về từ Pháp, TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng Thế giới điện ảnh về chuyến đi này.

TS_Ng_Phng_Lan_-_Cc_trng_Cc_in_nh

TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam

Điều đầu tiên, bà có thể cho biết lý do ra đời của Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần đầu tiên ở Saint Malo tại Pháp?

Để tổ chức được LHP Việt Nam tại Saint Malo cũng là một cơ duyên. Năm ngoái, Cục Điện ảnh có phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ý tổ chức một Tuần phim Việt Nam tại Venice. Trong số những vị khách đến tham dự có ông Chủ tịch của Công ty Việt Âu là người Pháp nhưng có một phần dòng máu Việt Nam ngỏ ý muốn được làm điều gì đó cho Việt Nam. Hôm đó, sau khi nghe tôi giới thiệu qua về điện ảnh Việt Nam và trò chuyện với khán giả Ý, ông cũng tính đến việc làm thế nào để trợ giúp Cục Điện ảnh tổ chức một sự kiện về điện ảnh Việt Nam ở Pháp nhưng sẽ đặc biệt hơn, phạm vi và quy mô sẽ lớn hơn sự kiện ở Ý. Tưởng rằng đó chỉ là một câu chuyện bình thường nhưng không ngờ ông ấy vẫn âm thầm, lặng lẽ theo đuổi ý định đó suốt từ tháng 7/2013. Đến tháng 10/2013, Cục điện ảnh có tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh thì ông ấy thông báo với tôi rằng đã làm xong được một phần việc, nghĩa là đã chọn được một công ty đứng ra làm tất cả các công việc, phối hợp với phía Việt Nam để tổ chức. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó cũng sẽ là một Tuần phim đơn giản nhưng không ngờ khi nhóm tổ chức LHP này sang dự LHP Quốc gia lần thứ 18 tại thành phố Hạ Long thì họ rất hào hứng. Họ theo sát tất cả các sự kiện của LHP một cách rất hào hứng. Chúng tôi cũng gặp gỡ bà Régine Petit – Chủ tịch Công ty truyền thông và giải trí Iriscomm (sau này là Chủ tịch LHP Việt Nam tại Pháp) là người hoạt động lâu và có tiếng trong ngành truyền thông. Bà cùng với các cộng sự của mình cũng tham gia hai hội thảo Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnhPhát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim tại LHP Việt Nam lần thứ 18. Họ đã có những phát biểu rất hay và nói nhiều đến việc người Pháp sẽ cùng với chúng ta làm sao để quảng bá hình ảnh của Việt Nam thông qua sự kiện như LHP Việt Nam ở Pháp. Trong suốt thời gian từ đó trở đi, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả rất cao của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (đặc biệt là ông đại sứ Jean-Noel Poirier), Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và một số công ty như Việt Âu, Kỷ nguyên sáng...

Như vậy, vai trò của các bên cụ thể như thế nào, thưa bà?

Cục Điện ảnh là cơ quan chuyên ngành nên chịu trách nhiệm xây dựng chủ đề và những thông điệp của LHP Việt Nam tại Pháp thông qua các chùm phim. Ngoài việc có một chương trình phim dự thi thì LHP còn giới thiệu một chùm phim của các đạo diễn Pháp hoặc đạo diễn gốc Việt tại Pháp về đề tài Việt Nam, trong đó có ba phim lớn sản xuất vào đầu những năm 90 là Đông Dương, Người tình, Điện Biên Phủ và hai phim của đạo diễn Trần Anh Hùng là Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng. Đặc biệt, năm 2014 nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi cũng muốn giới thiệu tại LHP hai bộ phim về đề tài này là Điện Biên Phủ (1990, đạo diễn Pierre Schoendoerffer) và Sống cùng lịch sử (2014, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) như một cuộc đối thoại, gặp gỡ thú vị của điện ảnh Pháp – Việt. Khi xây dựng chủ đề này, chúng tôi cũng phải cố gắng hoàn thành và tổ chức làm phụ đề cho bộ phim mới – Sống cùng lịch sử.

Khung nội dung của LHP được dựng là vậy và phía Pháp cũng hoàn toàn nhất trí. Riêng về phần tuyển chọn phim cho phim dự thi và các chương trình khác thì chúng tôi giới thiệu một số lượng phim tương đối lớn, trên cơ sở đó phía Pháp sẽ lựa chọn, đặc biệt là phim dự thi thì tôn trọng tuyệt đối quyền lựa chọn của phía bạn vì bà Régine Petit - Chủ tịch LHP là người đứng ra mời Ban giám khảo. Sau khi xem rất nhiều phim Việt Nam thì họ chọn ra 9 bộ phim dự thi gồm Bí mật thảm đỏ, Khát vọng Thăng Long, Lửa Phật, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Tâm hồn mẹ, Thiên mệnh anh hùng, Trăng nơi đáy giếng, Và Anh sẽ trở lại.

T_tri_qua_phi_Tin_s_Ng_Phng_Lan_b_Phm_Th_Tuyt_-_Gim_c_hng_phim_TLKHTW_din_vin_Vn_Trang_din_vin_nh_Ton_v_o_din_Phm_Nhu_Giang

Từ trái qua phải Tiến sỹ Ngô Phương Lan, bà Phạm Thị Tuyết - Giám đốc hãng phim TLKHTW, diễn viên Vân Trang, diễn viên Đình Toàn và đạo diễn Phạm Nhuệ Giang

Quả thực mới nhìn vào danh sách Ban giám khảo toàn những người nổi tiếng, ban đầu tôi cũng cảm thấy hơi băn khoăn không biết liệu phía bạn có mời được từng ấy nhân vật nổi tiếng không, vì thời điểm bạn công bố BGK trong cuộc họp báo về LHP này tại Paris đã là đầu tháng 4/2014. Chủ tịch Hội đồng giám khảo LHP là ông Régis Wargnier – đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch người Pháp giành giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1992 – phim Đông Dương và những người khác trong Ban giám khảo cũng đều là đạo diễn và diễn viên nổi tiếng, từng giành những giải thưởng lớn của Pháp, thậm chí cả giải Cesar. Và cuối cùng thì phía bạn cũng làm được điều này.

Đến Paris trong ngày đầu tiên để chuẩn bị cho LHP, bản thân tôi cũng bất ngờ nhưng thực sự cảm thấy hãnh diện vì trong từng nhà ga metro và trên nhiều đường phố đã có pano và cụm thông tin hình ảnh quảng bá cho LHP này khá quy mô. Và thực sự cũng hiếm có một sự kiện về điện ảnh Việt Nam tổ chức tại thành phố Saint Malo nhưng lại được quảng bá rầm rộ như thế tại khắp Thủ đô Paris. Tôi hiểu rằng để làm được ngần này thứ thì các bạn đã phải cảm tình, yêu và trân trọng Việt Nam nhiều như thế nào thì mới tổ chức được như thế.

Nhìn vào số lượng các phim tài liệu tranh giải chỉ có ba bộ phim tham dự. Bà có thể cho biết vì sao con số lại ít như thế?

Thực ra, ban đầu phía bạn quan tâm nhiều đến phim truyện điện ảnh là chính. Nhưng chúng tôi có đề nghị để ngay trong LHP Việt Nam lần đầu tiên tại Pháp này phải giới thiệu được cả phim tài liệu và phim hoạt hình. Vì vậy dẫn đến việc chọn một số phim tài liệu dự thi và một số chiếu ngoài dự thi. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng phía bạn cũng rất trọng thị, hợp tác. Kể cả phim hoạt hình BTC cũng làm công tác lồng tiếng Pháp và chọn những phim mới ở Việt Nam những năm gần đây để chiếu ở LHP.

Vậy điểm nhấn đậm nét ở LHP này chính là những chùm phim như bà nói, hay còn điều gì khác?

Nhìn chung rất khó nói cái gì là điểm nhấn vì nó dàn đều cho các sự kiện, ngoài việc chiếu phim, ban giám khảo làm việc chấm giải thì hai sự kiện khai mạc – bế mạc LHP cũng được phía bạn cũng làm tương đối là bài bản.

Một trọng tâm khác bạn cũng đặt ra và đã làm thành công, thậm chí là còn thành công hơn chúng ta mong muốn, đó là tổ chức hai hội thảo cũng gần giống với chủ đề hội thảo ở LHP Việt Nam lần thứ 18 về Hợp tác sản xuất và phát hành phim phimXúc tiến quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Mục tiêu các cuộc Hội thảo là thông qua các bộ phim, giới thiệu được nhiều điểm đến, về hình ảnh đất nước Việt Nam, để người nước ngoài, đặc biệt là người Pháp sẽ đến Việt Nam, để các đoàn làm phim Pháp sẽ đến Việt Nam làm phim; ngược lại, các nghệ sĩ Việt Nam thấy được giá trị văn hóa, vẻ đẹp của thành phố Saint Malo – nơi trước đây cũng có truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm. Chính vì thế, họ cũng rất khâm phục truyền thống chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.

Tại hai cuộc hội thảo đó nhìn chung có kết nối được quan điểm giữa đại biểu Việt Nam và nước ngoài không?

Tại hai cuộc hội thảo, tôi nhận thấy lúc nào cũng chật kín người. Đại biểu tham dự rất hào hứng, những người làm điện ảnh Pháp, đặc biệt là các nhà sản xuất hỏi rất nhiều và cũng trình bày nhiều dự định của họ. Tuy nhiên, tôi có cảm giác họ chưa biết nhiều về đất nước Việt Nam và thậm chí với những sự thay đổi trong những năm gần đây họ cũng chỉ biết một cách chừng mực qua báo chí. Và qua đây, họ mới được nghe những kinh nghiệm thực sự của người trong cuộc.

Trong bài phát biểu tại Lễ bế mạc LHP, tôi có nói rằng “Thực sự những người bạn cho dù rất thân thiết, thậm chí những người yêu nhau mà lâu không gặp cũng cảm thấy có những xa cách. Trước kia đã có một số phim lớn của Pháp làm tại Việt Nam, đã có thời gian hợp tác, dịch vụ điện ảnh Pháp – Việt rất sối động. Nhưng hơn 20 năm nay hợp tác làm phim Pháp – Việt lại quá trầm lắng. Chính vì thế sau khi gặp nhau rồi, cảm thấy hiểu và quan tâm đến nhau thì rất hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những dự án làm phim mới giữa Pháp và Việt Nam”.

Tôi rất vui vì ít nhất trong nguyện vọng của các nhà sản xuất, nhiều nhà phát hành và nghệ sĩ Pháp là muốn đến tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 vào tháng 11 tới. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ có một cuộc hội thảo về hợp tác, phát hành, sản xuất và phổ biến phim giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là giữa Việt Nam và Pháp. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng nội dung cho hội thảo đó. Chúng tôi cũng giới thiệu với họ rằng trong LHP sẽ có một Chợ dự án làm phim, ở đó sẽ trình bày các dự án làm phim và rất mong muốn nhiều nhà sản xuất quan tâm. Nếu họ chọn được các dự án làm phim từ đây để sản xuất tại Việt Nam thì tôi cho rằng đó cũng là kết quả tốt từ LHP Việt Nam tại Pháp đến LHP Quốc tế Hà Nội.

on_in_nh_Vit_Nam_ti_L_b_mc_LHP_Saint_Malo

Như vậy, LHP Việt Nam tại Pháp sẽ được tổ chức thường niên như thế nào?

Đây cũng là một điều rất thành công tại lần đầu tiên này, khi ông Thị trưởng Thành phố Saint Malo, ông Chủ tịch Cung Hội nghị Saint Malo và đặc biệt là bà Chủ tịch của LHP đã đề nghị phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức LHP Việt Nam tại Saint Malo vào tháng 7 hàng năm. Tôi cũng nói với phía Pháp rằng, Việt Nam rất mong muốn như thế, vì đây là cơ hội tốt cho các nhà làm phim Việt và cho sự hợp tác điện ảnh Việt – Pháp, nhưng cũng là “bài tập” rất khó mà chúng tôi phải cố gắng để hoàn thành ngay khi từ Saint Malo trở về Việt Nam.

Bởi vì, như bạn thấy, để tổ chức được LHP lần đầu, Cục Điện ảnh cùng các đơn vị tham gia tổ chức đã phải cố gắng rất nhiều mới có thể đưa được một số lượng phim lớn như vậy ra nước ngoài khi vấn đề kỹ thuật và kinh phí luôn là trở ngại đối với phim Việt Nam, hơn nữa, tất cả các phim tham dự Cục đều phải dịch và làm bản phụ đề tiếng Pháp. Vậy nên, để duy trì hàng năm, công việc và trách nhiệm của Cục Điện ảnh và của những người làm điện ảnh Việt Nam sẽ còn nặng nề hơn, vì chúng ta phải có nhiều phim, quan trọng hơn, phải có thêm nhiều phim hay. Nhưng tôi cho rằng đây cũng là một trong những cái đích thú vị để các nhà làm phim chúng ta cố gắng hàng năm.

Nhân đây, bà có thể cho biết thêm về tình hình công tác chuẩn bị cho LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ ba sắp tới?

Hiện, chúng tôi đang trong quá trình chọn phim. Bên cạnh việc duy trì format theo thông lệ, năm nay chúng tôi sẽ phát triển Trại sáng tác tài năng trẻ và xây dựng một Chợ dự án làm phim vì đó là những hoạt động có tính chất kích thích sự sáng tạo điện ảnh, cũng như kích thích điện ảnh chuyên nghiệp. Trong hai hoạt động này, nếu có nhân tố nào phát hiện ra từ trại sáng tác với những ý tưởng kịch bản tốt thì có thể phát triển lên thành dự án làm phim. Trong Chợ dự án làm phim sẽ có nhiều chuỗi những cuộc diễn đàn, bàn tròn, thảo luận về nghề nghiệp, là nơi các nhà làm phim, nhà sản xuất, các công ty, các hãng phim gặp nhau, trao đổi, từ đó hiện thực hóa được các dự án làm phim tốt. Năm nay, chúng tôi sẽ chọn điện ảnh Philippines làm chương trình tiêu điểm điện ảnh một quốc gia. Họ có khá nhiều phim độc lập kinh phí thấp, chỉ khoảng 50.000 USD nhưng đã nỗ lực đưa ra rạp, tiêu biểu là bộ phim độc lập Bị còng tay (Shackled) của Philippines đã giành giải cao nhất tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 (năm 2012). Mặt khác, năm 2013 tôi có dịp tham gia trong Ban giám khảo tại một LHP phim độc lập ở Philippines và đã xem được khá nhiều phim hay. Bên cạnh việc thể hiện được những ý tưởng của phim tác giả thì nó cũng tiếp cận dần với công chúng và cũng có một số lượng khán giả đáng mơ ước. Phim độc lập Philippines đang dần dần tiếp cận và hòa vào dòng phim chiếu rạp của Philippines. Chính vì thế, chúng tôi quyết định chọn chiếu một chương trình phim độc lập của Philippines tại LHP lần này. Tôi nghĩ điều đó phù hợp với việc kết nối các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương với nhau để biểu thị tiếng nói chung tại thời điểm này.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Kim Anh