(TGĐA) - Trong tập 88 Kính đa chiều, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng có những chia sẻ về hành trình theo đuổi bộ môn múa ballet suốt 8 năm trước khi trở thành giọng ca được nhiều người mến mộ.
Nguyễn Phi Hùng từng bị yêu cầu không được hát 'Nỗi lòng xa xứ' vì sợ công nhân bỏ việc | |
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng lên tiếng trước tin đồn về giới tính khi vẫn độc thân ở tuổi ngoài 45 |
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng vốn là nam ca sĩ nổi tiếng thể hiện được nhiều dòng nhạc từ quê hương sâu lắng đến những bài hát nhẹ nhàng tình cảm hay cả những ca khúc sôi động đầy năng lượng. Bên cạnh giọng hát trời phú, Nguyễn Phi Hùng còn ghi dấu trong lòng khán giả với nhiều vai diễn phim ảnh ấn tượng. Trước khi trở thành nghệ sĩ đa tài, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng từng có một khoảng thời gian theo đuổi sự nghiệp diễn viên ballet.
Đến với chương trình Kính đa chiều, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trải lòng về giai đoạn gắn bó nghề múa trong suốt 8 năm. Để trở thành một vũ công, Nguyễn Phi Hùng được gia đình gửi vào trường múa để học tập từ năm 12 tuổi. Nam ca sĩ hồi tưởng: “Lúc đó không phải muốn học là được vào liền mà phải mất một năm dự bị, để các thầy cô có thể kiểm nghiệm được chuyên môn của mình có thích nghi được với quá trình đào tạo dài hạn hay không? May mắn sau một năm thì tôi được trường nhận vào học và được hỗ trợ nhiều như học bổng, cuối tháng còn có lương và được nhà nước hỗ trợ tất cả”.
Những ngày đầu chạm ngõ nghệ thuật múa ballet, Nguyễn Phi Hùng miêu tả các buổi học như cực hình vì lúc nào cũng phải ép dẻo. Sau mỗi buổi tập, nam ca sĩ đều phải đi bước thấp bước cao vì cơ thể chưa thích nghi với các bài tập uốn dẻo. Đến mức, nam ca sĩ cảm thấy ám ảnh vì điều này. Chính vì sự khổ luyện này mà Nguyễn Phi Hùng của ngày đó cảm thấy lớp học ballet đầy khắc nghiệt và chưa thật sự thích múa. Vì không muốn trái lời cha mẹ, Nguyễn Phi Hùng không ngừng cố gắng rèn luyện. Nam ca sĩ bày tỏ: “Có thể gia đình thấy tôi có khả năng nào đó về nghệ thuật nên hướng tôi đi theo từ nhỏ”.
Thi thoảng, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cũng cảm thấy ghen tỵ khi thấy bạn bè có thể chơi đùa thoải mái trong khi anh phải ép bản thân vào khuôn khổ tập luyện mỗi ngày. Đến cả khi ngủ, Nguyễn Phi Hùng cũng tập xoạc chân ép dẻo và cảm thấy đau sau khi thức dậy mỗi sáng. “Lúc đó, thầy cô chưa cho tập tiết mục mà chỉ luyện ép dẻo thôi nên tôi thấy có hơi cực hình. Đôi khi đi tập nếu giơ đúng độ cao mà thầy mong muốn thì không sao. Ngược lại thì lúc nào cũng sẵn sàng cho tôi roi vọt hay có những vật nhọn phía dưới để tránh hạ chân xuống. Thật sự thì các thầy cũng dọa thôi, gây áp lực để tôi cố gắng hơn. Qua bộ môn ballet rồi thì tôi thấy không có gì làm khó tôi được. Vì ballet quá vất vả, ngày nào cũng được tắm mồ hôi, tập xong là mồ hôi vắt ra nước”, giọng ca Dáng em cho hay.
Theo chia sẻ của nam ca sĩ, diễn viên múa ballet càng nổi tiếng là người càng chịu nhiều đau thương. Đặc biệt đối với những vũ công nữ khi múa những bài thời gian dài, đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, chân lúc nào cũng đi giày mũi cứng và quấn băng. Sau buổi tập luyện hay biểu diễn, những ngôi sao múa ballet thường có thể bật móng hoặc để lại những vết bầm trên cơ thể.
Chủ nhân ca khúc Mưa tuyệt vọng nhận định: “Ngôi sao phải chịu được gian khổ, áp lực vì những động tác ballet đòi hỏi chính xác từng chút, không thể sơ sẩy như cách múa đương đại hay truyền thống. Ballet đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ từng milimet nên đẳng cấp của nghệ sĩ múa ballet thành công đôi khi phải trả giá rất nhiều sự đau đớn trên cơ thể”.
Để thực hiện những cú nhảy trên không, vũ công múa ballet phải khổ luyện rất nhiều. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bật mí anh cũng trầy trật, thậm chí chảy máu hay trật chân. Việc té ngã khi tập múa ballet là chuyện bình thường. Riêng vũ công nam thì không phải đi những đôi giày mũi cứng nên phần trọng tâm không đồ dồn vào mũi chân như vũ công nữ. Trái lại, vũ công nam phải tập luyện làm sao để nâng đỡ bạn diễn một cách nhẹ nhàng, dịu dàng nhất có thể. Để đạt được điều này, các diễn viên múa ballet phải tập luyện rất nhiều. Do đó, một diễn viên múa ballet yêu nghề là người không chỉ có nhiệt huyết mà còn có sự kiên trì, không sợ khổ đau.
Nhớ lại khoảng thời gian đi theo bộ môn múa ballet, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thổ lộ tai nạn trật chân thường xuyên xảy ra vì sơ sẩy, thiếu chuẩn bị hoặc do sàn trơn. “Trong một lớp học, lúc tuyển vào rất đông nhưng khi tốt nghiệp thì chỉ còn nửa lớp vì không phải ai cũng chịu được những vất vả, khó khăn của ngành múa. Nghề múa đòi hỏi vũ công hy sinh quá nhiều, về thể lực, sự tập trung. Tốt nghiệp nửa lớp là mừng rồi, còn làm nghề và trụ đến hôm nay chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi”, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng bộc bạch.
Có thể thấy, đằng sau những màn biểu diễn chuyên nghiệp đầy công phu là cả một quá trình rèn luyện gian khổ của vũ công. Để cống hiến cho nghệ thuật ballet, diễn viên múa đôi khi đánh đổi bằng cả sức khỏe vì những tai nạn rủi ro trong nghề. Dẫu Nguyễn Phi Hùng không còn gắn bó với ballet nhưng chính bộ môn này đã đưa anh đến với nghệ thuật, mở đường để anh trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng như hiện tại.
Kính đa chiều – chủ đề tiếp theo Cơ hội và thách thức cho ca sĩ hôm nay của host Lê Hoàng và ca sĩ Hoàng Yến Chibi sẽ được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 20/5 trên kênh VTV9.
Nguyễn Phi Hùng từng bị yêu cầu không được hát 'Nỗi lòng xa xứ' vì sợ công nhân bỏ việc (TGĐA) - Tập 14 Kỷ niệm thanh xuân sẽ là cuộc trò chuyện đầy ắp ... |
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng lên tiếng trước tin đồn về giới tính khi vẫn độc thân ở tuổi ngoài 45 (TGĐA) - Với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật từ âm nhạc ... |
Mi Ty