e magazine
Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?

07:26 | 06/07/2024

(TGĐA) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) mơ đến thành công như một Liên hoan phim bờ biển giống như LHPQT Busan là điều hoàn toàn có thể.
Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?

TỌA ĐÀM: CHIA SẺ KINH NGHIỆM KẾT NỐI CÁC LIÊN HOAN PHIM BỜ BIỂN, CƠ HỘI CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VÀ LIÊN HOAN PHIM CHÂU Á ĐÀ NẴNG (DANAFF)

Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Cannes tại Pháp hay LHPQT Busan của Hàn Quốc có lịch sử hình thành lâu đời và khẳng định được thành công, vị thế trong mạng lưới các Liên hoan phim quốc tế. Mô hình thành công này duy trì ảnh hưởng đối với nền công nghiệp điện ảnh, tạo nên thương hiệu cho địa phương, vùng và quốc gia; làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy du lịch, kinh tế, giao lưu văn hóa.

Thành công này phải kể đến sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền trung ương và chính quyền các thành phố trong quá trình tạo dựng, duy trì và phát triển các LHPQT.

DANAFF mời đến hội thảo Chủ tịch, Giám đốc, người đứng đầu các hạng mục của một số LHPQT uy tín được tổ chức tại các thành phố ven biển như Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), Liên hoan phim Cannes (Pháp), Liên hoan phim quốc tế Macao để trình bày các kinh nghiệm này với lãnh đạo của TP Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL, các tổ chức và cá nhân liên quan là khách mời của Liên hoan phim. Mục đích chính của hội thảo là, qua thực tiễn tổ chức thành công của các Liên hoan phim uy tín này, gợi ý và tư vấn của những người trong cuộc sẽ giúp chính quyền thành phố Đà Nẵng và Ban tổ chức DANAFF:

Xây dựng một chiến lược hợp tác hành động bài bản, lâu dài giữa chính quyền thành phố và DANAFF với mục tiêu biến DANAFF thành một LHPQT quan trọng trong khu vực, một thương hiệu văn hóa của thành phố cũng như của Việt Nam. Biến thành phố Đà Nẵng và DANAFF thành điểm kết nối các thành phố Liên hoan phim ven biển trong khu vực và thế giới.

Từ kinh nghiệm quốc tế tìm ra mô hình hợp tác công tư thích hợp về tài chính, tài trợ để đảm bảo cho DANAFF có thể hoạt động lâu dài, với quy mô lớn hơn và tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn trong tương lai.

Hội thảo cũng sẽ hướng bên cạnh vai trò của chính quyền trung ương và địa phương, đâu là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong nước và quốc tế có thể đồng hành với Liên hoan phim trong một mối hợp tác văn minh, lâu dài, đôi bên cùng có lợi.

Tọa đàm được dẫn dắt bởi đạo diễn Phan Đăng Di.

"Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là quan trọng!"

Ông Kim Dong-ho, cựu Chủ tịch, nhà sáng lập LHPQT Busan cho rằng, để tổ chức một Liên hoan phim thành công, cần những sự giúp đỡ không chỉ từ các nhà làm nghệ thuật, mà cần phải có tài chính, với mức kinh phí khoảng 3 triệu USD từ các địa phương.

Ước tính tổng chi phí của Liên hoan phim sẽ rơi vào khoảng 2,2 triệu USD, nhưng tất cả những gì BTC LHPQT Busan ban đầu được cấp chỉ có khoảng 300 ngàn USD.

Bây giờ mỗi năm, LHPQT Busan nhận được 6 triệu USD từ chính quyền địa phương, nhưng tổng chi phí của Liên hoan phim đã là 22 triệu USD. Cho nên ngay từ đầu, ông Kim Dong-ho cho rằng, luôn có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và trung ương, vì nguồn kinh phí từ chính quyền là cần thiết.

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Ông Kim Dong-ho - Cựu Chủ tịch, nhà sáng lập LHPQT Busan
Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Ông Park Kwang-su – Chủ tịch hiện thời LHPQT Busan

Ông Park Kwang-su – Chủ tịch LHPQT Busan nói rằng:

LHPQT Busan ban đầu không phải là một mô hình tuyệt vời, cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn và học được nhiều điều. LHPQT Busan bắt đầu với 5 người vào năm 1996 và phải tổ chức tại hai địa điểm cách xa nhau trong đó có bãi biển Haeundae sầm uất và thu hút đông đảo du khách, khán giả.

Sau khi xây dựng được một cụm rạp quy mô thì LHPQT Busan mới dừng chân cố định ở Haeundae. LHPQT Busan đến nay có quy mô kinh phí khoảng 10 triệu USD, với khoảng 200.000 vé được bán ra...

Nhớ lại vào năm 1996, kỳ liên hoan đầu tiên đã có khá nhiều vấn đề, tuy vậy, sau đó nhiều trường điện ảnh châu Á được thành lập tại Busan, đã góp phần xây dựng thành phố điện ảnh, tăng tính truyền thông về Liên hoan phim, các cơ sở vật chất, hậu kỳ về phim. Đây là thời kỳ các Liên hoan phim ở Hồng Kông và Singapore được chú ý nhất. Nên trước tiên, nếu muốn tổ chức Liên hoan phim, thì phải duy trì mối quan hệ tốt với các nhà sản xuất sở hữu bản quyền phim trong nước. Đó là thời điểm LHPQT Busan chưa có thể chế pháp lý được áp dụng.

Busan đã xây dựng nền móng khi xuất hiện các khoa, ngành liên quan đến điện ảnh, truyền thông đa phương tiện… Tuy nhiên, điều quan trọng phải có mục đích, tầm nhìn rõ ràng, phối hợp với chính quyền địa phương, chính quyền trung ương, đàm phán để đảm bảo các vấn đề liên quan, điển hình như kiểm duyệt không gây ảnh hưởng đến nội dung phim. Hiện tại Busan đã có khoảng 15 ngàn sinh viên học các ngành liên quan tới điện ảnh.

BTC LHPQT Busan nhận được sự đồng hành của chính quyền. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định di rời Học viện Điện ảnh Hàn Quốc đến Busan đồng thời ra quyết sách để xây dựng thương hiệu "Thành phố điện ảnh" cho Busan.

Điều đó làm cho lượng khán giả từ Seoul và những nơi khác đến Busan xem phim tăng nhanh. Hiện tại, lượng khán giả trung thành đến các rạp, liên hoan phim từ ngoài Busan và khán giả sinh sống tại Busan vẫn được duy trì.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố làm nên một thương hiệu LHP bền vững là phải có một lực lượng khán giả thông minh, có thể bảo vệ LHP, hoặc phải có cách để thu hút thật nhiều khán giả trẻ. Các LHP chỉ có thể phát triển khi có lực lượng khán giả tốt và những bộ phim hay.

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?

"Nên có tham vọng nhiều hơn"

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng
Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Bà Bà Lorna Tee - Tổng Thư ký mạng lưới điện ảnh châu Á, AFAN; đồng sáng lập và điều hành LHPQT Macao

Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng nói rằng, đây mới chỉ là lần thứ hai DANAFF được tổ chức, còn Liên hoan phim Busan đã 30 năm rồi nên DANAFF có rất nhiều điều cần phải học hỏi. Qua ý kiến của hai vị chuyên gia tới từ Hàn Quốc, với 15 ngàn sinh viên về lĩnh vực điện ảnh như Busan thì quả thực rất lớn so với Đà Nẵng, mặc dù cũng đã có số lượng các sinh viên không nhỏ theo học các ngành văn học nghệ thuật.

Hiện tại TP. Đà Nẵng vẫn đang chi ngân sách để tổ chức Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng nhưng không thể chi một cách dứt khoát bởi còn phụ thuộc vào các cơ chế xem nguồn tiền ấy sẽ bắt nguồn từ đâu. Bên cạnh đó, chính quyền Đà Nẵng cũng tính toán về việc có một không gian rộng lớn mang tính chất lễ hội giống như LHPQT Busan, để có nhiều hoạt động thu hút khán giả trong và ngoài nước.

Bà Bà Lorna Tee - Tổng Thư ký mạng lưới điện ảnh châu Á, AFAN; đồng sáng lập và điều hành LHPQT Macao– chia sẻ thêm ý kiến: Với một người tới từ Busan, bà thấy Liên hoan phim ở đó phát triển rất nhanh. Tuy nhiên bà cũng cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển ổn, phim Việt Nam được yêu thích bởi khán giả và đạt được nhiều thành tích tại Liên hoan phim quốc tế. Sự phát triển của Liên hoan phim phải phát triển song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp phim.

Tại Việt Nam, sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho Liên hoan phim ở Việt Nam được phát triển theo. Bà đánh giá ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Người Việt nên tìm kiếm thêm sự đa dạng trong cách làm điện ảnh. Trung Quốc dù có thị trường lớn, nhưng vấn đề kiểm duyệt quá gắt gao, đã khiến cho thị trường Trung Quốc kém phát triển.

Macao không có truyền thống làm phim nên với vai trò là người sáng lập LHPQT Macao, ban tổ chức đã phải làm việc với cơ quan chính phủ, làm việc với các khối tư nhân. Kết quả, ban tổ chức có 6 triệu USD, nửa từ chính phủ, nửa từ tư nhân.

Mong muốn đầu tiên của BTC LHPQT Macao, chính là Liên hoan phim không mong cần bán được vé mà chỉ mong thúc đẩy du lịch. Bà cùng các đồng sự đưa ra nhiều phương án hợp tác với đại học, khách sạn, ngân hàng, cũng như kết hợp điện ảnh và du lịch. Có thể giúp các khách sạn hay ngân hàng tìm đến những khách hàng tiềm năng là hơn 400 nhà làm phim và ngôi sao điện ảnh.

Để thực sự đưa Liên hoan phim được công nhận, cần có những bộ phim tốt, nhà sản xuất phim đến có các cuộc trao đổi, có các chương trình hấp dẫn đào tạo tài năng với tiêu chuẩn Mỹ hay châu Âu.

Ngoài ra, bà cũng đặt tham vọng đang tìm cách đưa 300 nhà báo trên thế giới đến đây, vì thị trường Macao nhỏ, muốn thu hút được nhiều sự quan tâm từ các đối tượng khác, phải có những nét thu hút riêng. Như ở Đà Nẵng, ngoài việc tham dự liên hoan phim, mọi người có thể ra biển chơi, ăn hải sản. Bà cho rằng, Macao và Đà Nẵng có nhiều điểm chung, có nhiều thứ để làm tại một liên hoan phim. Một điều quan trọng, là phải sẵn sàng để trao đổi, học hỏi. Bà mong liên hoan phim sắp tới sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền địa phương hơn

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?

.

"Hãy tạo ra concept riêng!"

Bà Aika Tachibana - Quản lý LHPQT Pan-Pacific Okinawa - cho hay, các trường đại học ở Nhật không có chuyên ngành về điện ảnh. Okinawa lại là đảo tách biệt nên việc phát triển điện ảnh là khó khăn. Okinawa có đặc trưng là tỉnh có nhiều vấn đề xã hội nên nếu đã tính phương án truyền thông các sự kiện thu hút nhiều người đến, người dân nhất là người trẻ phải có nhiều cử chỉ hành động đẹp, nếu không người tham gia sẽ thấy không hài lòng.

Do vậy nếu ban đầu đã chuẩn bị, không nên kỳ vọng quá nhiều khách tham gia, hãy làm hài lòng những người đến với chúng ta, chắc chắn họ sẽ quay lại lần hai.

Bên cạnh đó, nếu thu hút khán giả trong và ngoài nước phải tạo ra "từ khóa", với họ, từ khóa là khu vực Thái Bình Dương (Pacific).

Đặc biệt, giám đốc nghệ thuật của LHPQT Pan-Pacific Okinawa là người Đài Loan, anh tên là Huang Yin-Yu, làm việc tại Okinawa, từng làm phim tài liệu về văn hóa Đài Loan và Okinawa, hai nền văn hóa tương đối giống nhau. Những người sống Tokyo, bản thân là người từ Fukuoka thì thấy Okinawa khác với những nơi khác. Nhưng trong mắt vị đạo diễn người Đài Loan, Okinawa có nhiều tương đồng với văn hóa các quốc gia trong Thái Bình Dương.

"Vì vậy, Liên hoan phim của chúng tôi lấy concept đó là vùng văn hóa Thái Bình Dương, mời những phim châu Á, quốc đảo Thái Bình Dương để chiếu. Việt Nam hay Đà Nẵng có trong vùng văn hóa Thái Bình Dương, càng có nhiều cơ hội hợp tác khi có sự tương đồng, bởi LHPQT Pan-Pacific Okinawa và LHP Châu Á Đà Nẵng vừa mới chỉ tổ chức đến kỳ thứ hai" - Bà Aika Tachibana.

"Cố gắng thu hút càng nhiều người trẻ"

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Ông Georges Goldenstern - Nguyên giám đốc chương trình Cinefondation của LHPQT Cannes

Ông Georges Goldenstern - Nguyên giám đốc chương trình Cinefondation của LHPQT Cannes chia sẻ, Cannes có quỹ hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà làm phim ngắn làm phim trong hai năm. Quá trình tạo nên sự thu hút người trẻ, cần cho họ hiểu rằng sẽ được trải nghiệm tiếp cận các nền điện ảnh khác trên thế giới. Có nhiều nhà sản xuất ở Paris, nhiều trung tâm ở Pháp tài trợ nhà làm phim toàn cầu nên các nhà làm phim trẻ rất hay tới đây tìm kinh phí, xin kinh phí cho phim".

Có thể nói, các các nhà làm phim tìm kinh phí trên toàn cầu họ sẽ đến Liên hoan phim Cannes. Hay nếu là phim châu Á, thì tìm đến LHPQT Busan. Tuy nhiên, Cannes cũng có nhiều nhà làm phim đến từ các nơi khác như là Mỹ La Tinh.

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Bà Mariette Rissenbeek - Cựu Giám đốc Liên hoan phim Berlin

Bà Mariette Rissenbeek - Cựu Giám đốc Liên hoan phim Berlin đưa ra lời khuyên rằng: "Chúng tôi lập ra các khu vực, mỗi khu vực sẽ có những thế hệ khác nhau và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi mời 200 nhà làm phim đến tham dự, có chương trình hỗ trợ và mạng lưới khuyến khích sáng tạo, tạo động lực cho các người trẻ.

Nói đúng hơn, chúng tôi tạo ra một cộng đồng làm phim trẻ. Như vậy, thế giới mới biết tới Berlin như một Liên hoan phim có nhiều sự đa dang với nhiều chủ đề khác nhau. Mong rằng, Đà Nẵng cũng giống như Berlin, không chỉ có Liên hoan phim mà đó còn là thành phố của phim".

Xây dựng nhân lực, cùng hệ sinh thái vững chắc!

TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia trong và ngoài nước:

"Nói về việc đầu tư và các dự án dành cho tài năng trẻ thì các LHPQT Cannes hay Berlin rồi Busan vẫn là nơi đi đầu bởi các vị đã có nguồn từ quỹ và tài trợ dành cho các dự án làm phim. Để lập quỹ ở Việt Nam, thật sự rất khó, nên phải chăng khả thi vẫn là tiền tài trợ từ các tổ chức cá nhân. Mong rằng các vị có thể có gợi ý?

Trong thành phần ban tổ chức DANAFF có hai đạo diễn và nhà sản xuất là Phan Đăng Di và Trần Thị Bích Ngọc, cũng đã có kinh nghiệm khi xin tài trợ từ các quỹ quốc tế. Nhưng giờ đây khi đã có một Liên hoan phim như DANAFF, làm thế nào để các hoạt động không mang tính cá thể như vậy?".

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
TS Ngô Phương Lan bày tỏ mong muốn được nghe những lời khuyên thiết thực từ phía các chuyên gia trong nước và quốc tế

Ông Kim Dong-ho nói rằng, Đà Nẵng cần nhận nhiều hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác nhau, nhà nước hay chính quyền Đà Nẵng, các tổ chức liên quan đến phim, tư nhân. Mọi thứ vẫn nên hướng tới người trẻ, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để cho người trẻ phát triển:

"Như ở Busan, chúng tôi xây dựng trường học liên quan đến phim, đào tạo nhà làm phim và càng nhiều nhà làm phim quan tâm tới giáo dục và việc tiếp thu kiến thức. Xây dựng trường học, chuyên ngành liên quan đến phim, đầu tư giáo dục để có nguồn nhân lực điện ảnh".

Ông Georges Goldenster và bà Mariette Rissenbeek đưa ra câu trả lời: Thường thì nguồn tiền từ các doanh nghiệp, từ các cá nhân. Ở Pháp thì tiền hỗ trợ sẽ không phải đóng thuế, đó có thể là kinh nghiệm để Đà Nẵng xem xét áp dụng. Bên cạnh đó, bà Mariette chỉ ra, dĩ nhiên có nhà đầu tư quan tâm đến tài năng trẻ và đầu tư cho họ, muốn huy động nguồn vốn từ chính nền công nghiệp điện ảnh, thì các bên chính quyền địa phương, các nhà làm phim hay ban tổ chức của Liên hoan phim phải có một sự hỗ trợ vô cùng chặt chẽ.

PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu ra tình hình thực tế:

Cần vừa kiên quyết nhưng cũng mềm dẻo khi đặt ra vấn đề với chính quyền, nhưng tỷ lệ chính quyền địa phương hỗ trợ đồng ý sẽ cao hơn. Nên có sự khéo léo để đảm bảo những đứa con tinh thần để bảo vệ. Ngoài ra, nếu tìm thấy một đối tượng khán giả thông minh và không cực đoan có thể bảo vệ cho các bộ phim của chúng ta thì càng thêm thuận lợi.

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Theo bà Phương, thực tế vẫn còn đang tồn tại "nút thắt" liên quan tới luật đầu tư

Tuy nhiên, có một “nút thắt”, chính là luật đầu tư ở Việt Nam không có luật đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa và trong giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và với tầm nhìn đưa văn hóa ngang hàng kinh tế - chính trị - xã hội thì quan điểm của Đảng và nhà nước ta rất chính xác.

Tuy nhiên trên thực tế chính sách bao trùm ở Việt Nam tạo cơ hội cho lĩnh vực điện ảnh ở Việt Nam chưa có. Thế nên, bà mong mỏi tiếng nói đi thẳng vào chính sách để có những thay đổi trong luật đầu tư.

Chờ bao giờ luật thay đổi thì “cứu cánh” ở đây, chính là các địa phương. Đà Nẵng đang nằm trong đề án xây dựng thành phố sáng tạo của UNESCO và theo bà, nếu như có tầm nhìn dài hơn thì Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành Busan thứ hai. Nhưng nếu muốn có nguồn kinh phí ở địa phương, thì phải có chiến lược xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh và cần sự đầu tư của những “đế chế”, đó là những tập đoàn giàu mạnh.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có chung nhận định rằng, khi nói đến Cannes, nói đến Berlin và Busan, chúng ta đều biết đó là nơi quy tụ nhiều nhà sản xuất, đạo diễn, ngôi sao lớn:

"Chúng tôi làm Liên hoan phim châu Á, nhưng có thể sắp tới, chúng tôi sẽ có mong muốn làm ra một Liên hoan phim không chỉ kết nối toàn châu Á mà còn cả châu Âu. Với Việt Nam sẽ khó thể điều tiết chính sách từ nhà nước cho các hoạt động xã hội như thế này. Thế nên vẫn còn có những chính sách khác, đảm bảo hài hòa giữa các chính quyền địa phương, cùng các doanh nghiệp, không chỉ về thuế mà còn đạt được nhiều mục tiêu khác".

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Bà Lorna Tee đưa ra ý kiến, quan trọng nhất phải nhận được sự ủng hộ, cần xây dựng nhân lực có kiến thức giáo dục. Ở Đông Nam Á, xây dựng nhiều Studio, cơ sở vật chất không có nghĩa lý nếu không có người tận dụng nhân lực trẻ, sẵn sàng tiếp cận những thứ mới. Đầu tư thế hệ tiếp theo, xây dựng mạng lưới kết nối là những thứ mà Đà Nẵng có thể tham khảo.

Nền công nghiệp phim có thị trường sản phẩm, tạo điều kiện các nhà làm phim Đông Nam Á tụ họp tại Đà Nẵng. Tạo điều kiện xây dựng chương trình, hợp tác hữu dụng, tìm nhân lực trong ngành.

Bà cũng đưa ra gợi ý, Đà Nẵng là thành phố đẹp, nếu có thể, hãy tạo điều kiện cho các nhà làm phim, biên kịch ở lại 1 - 2 năm để công tác sản xuất, sáng tạo với mô hình tốt, chắc chắn sẽ có được các bộ phim hay và tạo nên bản sắc riêng cho thành phố Đà Nẵng.

Sẽ dần có những thay đổi, ngay từ DANAFF 2025?

TS Ngô Phương Lan nói rằng, DANAFF là Liên hoan phim đầu tiên tổ chức thường niên lần đầu ở Việt Nam, khó khăn nhiều hơn vì cần thời gian "tĩnh" để chuẩn bị.

Đà Nẵng đạt được tới những mô hình tầm cỡ như Busan hay Cannes còn rất lâu, khó khăn có nhưng không phải không có thuận lợi, nhất là Đà Nẵng có cơ hội tham gia mạng lưới sáng tạo của UNESCO và hi vọng rằng, Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng sẽ là điểm cộng.

Kinh phí tổ chức LHP Berline chính quyền chịu gần 1 nửa, kinh phí cho Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng rơi vào khoảng 1/3 - 1/4.

Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam thì "cực" hơn, các nguồn tài trợ thì không ổn định, các doanh nghiệp giải trí như BHD hay Galaxy cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hiện tại ước tính có 500 hãng phim có giấy phép hoạt động nhưng chỉ toàn là để đó, vì số lượng các phim chưa đến 50 phim/năm. Cũng rất may trong thời gian vừa rồi, hai phim Lật mặtMai đã nâng thị phần điện ảnh lên 40%.

Các vị khách đến với bàn tròn hôm nay với những ý kiến có thể giúp cho LHP Châu Á Đà Nẵng lần Hai được hỏi nhiều điều và đưa vào thực hành kỳ tiếp theo...

Tọa đàm kinh nghiệm kết nối các Liên hoan phim bờ biển: DANAFF mơ đến Busan thứ hai có khả dĩ?

Bài & Ảnh: Anh Vũ & Viết Khang & Phương Uyên

(DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo (DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo
Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển: Nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển: Nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế
Jeon So Min được chọn đóng 'Tuổi thanh xuân' vì là thần tượng của đạo diễn Jeon So Min được chọn đóng 'Tuổi thanh xuân' vì là thần tượng của đạo diễn