Hội thảo 'Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển': Chuyên gia quốc tế hiến kế để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiến

(TGĐA) - Sáng ngày 5/7/2024, tại Khách sạn Furama Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ngành Công nghiệp phim tụ họp để thảo luận chiến lược tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong sản xuất phim.

Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh': Mến mộ người nghệ sĩ tài hoa Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh': Mến mộ người nghệ sĩ tài hoa
(DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo (DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo

Trong nỗ lực phối hợp nhằm nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hàng đầu cho sản xuất phim, các chuyên gia hàng đầu trong ngành và các cơ quan địa phương sẽ tụ họp tại Hội thảo Hợp tác sản xuất phim: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF). Sự kiện quan trọng này, do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các thực tiễn quốc tế tốt nhất, và khám phá các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy ngành công nghiệp phim của Việt Nam tiến xa hơn.

Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ II phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong lời phát biểu mở đầu tại buổi hội thảo Hợp tác sản xuất phim: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển, TS Ngô Phương Lan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam tập trung phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Bà Ngô Phương Lan khẳng định rằng ngành công nghiệp điện ảnh không chỉ có tiềm năng lớn trong việc đóng góp vào nền kinh tế quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân.

Bà Ngô Phương Lan chia sẻ: "Một bộ phim được làm ra có công sức lao động của rất nhiều người, từ rất nhiều ngành nghề trong xã hội, đòi hỏi thời gian và nỗ lực của nhiều cá nhân và cả một tập thể đoàn làm phim. Để tạo ra một sản phẩm là một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình cho khán giả Việt Nam và toàn cầu, chúng ta cần học hỏi nhiều từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Hội thảo Hợp tác Sản xuất Phim chính là nơi để chúng ta lắng nghe và học tập, từ đó cùng nhau nâng cao chất lượng các bộ phim mang nhãn hiệu Việt Nam. Năm 2023, VFDA đã giới thiệu Bộ chỉ số Thu hút đoàn làm phim (gọi tắt là PAI - Production Attraction Index), nhằm truyền tải thông điệp từ các địa phương trên cả nước đến các nhà làm phim và mời gọi họ đến quay phim. Nhờ PAI, lời mời từ nhiều địa phương đã đến được với các nhà làm phim và bước đầu đã có những bộ phim được thực hiện như kết quả của chương trình này".

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jared Dougherty, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách Chính sách công và Đối ngoại của Sony Pictures Entertainment Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chia sẻ những thực tiễn quốc tế có thể áp dụng được ở Việt Nam. Các giải pháp của ông liên quan đến nhiều khía cạnh trong hoạt động làm phim, từ kinh nghiệm kêu gọi đầu tư tài chính cho bộ phim, đến việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ của các bộ phim.

Ông Jared Dougherty cho biết, ngành công nghiệp điện ảnh châu Á đang phát triển đa dạng, nhiều màu sắc, đầy sức sáng tạo. Riêng điện ảnh Việt Nam ngày càng được quốc tế đón nhận, và đang phát triển mạnh mẽ.

“Phim ảnh và văn hóa là những công cụ giúp các quốc gia vượt qua những thách thức của địa chính trị và thương mại; thúc đẩy sự kết nối giữa con người và con người, tăng cường sự hợp tác hiểu biết lẫn nhau", Ông Jared Dougherty chia sẻ.

Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển
Ông Jared Dougherty, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách Chính sách công và Đối ngoại của Sony Pictures Entertainment Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Chương trình hội thảo lần này đã được chuẩn bị một cách công phu với tiết mục kịch ngắn dẫn đề thảo luận: Thiên đường làm phim của nhà sản xuất Quỳnh Hà, đạo diễn Quốc Trung, và biên kịch từ Bột Creative Hub.

Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển
TIết mục kịch ngắn dẫn đề thảo luận - Thiên đường làm phim

Các diễn giả nhiều kinh nghiệm từ cả lĩnh vực điện ảnh trong nước và quốc tế tham gia thảo luận bao gồm ông Sirisak Koshpharashin, đại diện Liên đoàn Quốc gia của các Hiệp hội làm phim Thái Lan; bà Winnie Tsang, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty điện ảnh Golden Scene, Hong Kong, Trung Quốc; Đại sứ Phạm Quang Vinh; bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; ông Nguyễn Trinh Hoan, nhà sản xuất phim.

Hội thảo Hợp tác sản xuất phim - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp phát triển

Nói về lý do Thái Lan trở thành nơi ghi hình của nhiều tác phẩm quốc tế, ông Sirisak Koshpharashin - đại diện Liên đoàn Quốc gia các hiệp hội làm phim Thái - cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh hai nước có một số nét tương đồng, trong đó nổi bật là bối cảnh tự nhiên phù hợp với phim Hollywood và các nước.

Tuy nhiên, nhà làm phim quốc tế ưu tiên đến Thái Lan hơn so với các nước trong khu vực vì có nhiều ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chuẩn. Khi các nhà làm phim quốc tế đến quay phim, họ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh nước sở tại đến thế giới. "Việt Nam cần phải có các chính sách tạo điều kiện cho êkíp nước ngoài đến ghi hình, sớm nhất là trong năm tới", ông Koshpharashin nói.

Đại diện công ty sản xuất HKFilm - Nguyễn Trinh Hoan - nhận định nền điện ảnh trong nước cần thời gian dài để trở thành "thiên đường làm phim" như Thái Lan.

Hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của các đơn vị nước ngoài đã được nới rộng. Ví dụ, theo Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, nếu bộ phim chỉ quay một số phân cảnh có bối cảnh Việt, êkíp chỉ phải gửi Cục Điện ảnh kịch bản tóm tắt của dự án và nội dung chi tiết của các cảnh quay đó bằng tiếng Việt, thay vì toàn bộ kịch bản.

Tuy nhiên, ông Trinh Hoan nhận xét hiện môi trường làm phim trong nước chưa đủ hấp dẫn các nhà làm phim nước ngoài do chưa có chính sách hoàn thuế và ưu đãi thuế như các nước lân cận có cùng môi trường và bối cảnh tương tự. Ngoài ra, việc hợp tác sản xuất phim Việt gặp khó khăn với các dự án trong nước có sự đầu tư của nước ngoài, khi thời gian làm hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế) kéo dài, mất từ ba đến năm tháng.

Nhà sản xuất từng gặp tình trạng trên khi làm các phim như Em là bà nội của anh (2015), Cô hầu gái (2016), Yêu đi đừng sợ (2017). Chỉ sau khi thành lập CJ HK Entertainment - công ty liên doanh giữa CJ ENM Việt Nam và HKFilm - thì không cần hợp đồng BCC.

Hiện, ông Trinh Hoan có các dự án phim được sự quan tâm của các công ty nước ngoài, muốn đầu tư vào mục đích giúp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp và tốn thời gian nên cả hai phía phải xem xét lại khả năng hợp tác. "Điều này có thể làm các nhà sản xuất nước ngoài ngần ngại. Liệu các cơ quan chức năng có thể xem lại việc đơn giản hóa thủ tục này không?", ông Trinh Hoan nêu vấn đề.

Từ năm 2017, khi Thái Lan bắt đầu áp dụng rộng rãi các biện pháp thu hút nhà làm phim như hoàn thuế 15 - 20%, đến tháng 3/2023, có 49 dự án quốc tế quay ở Thái Lan, trong đó 33 dự án được hoàn tiền, 12 dự án đang thực hiện.

Nhiều tác phẩm được khán giả chú ý như Fast & Furious 9 (2019), Da 5 Bloods (2019), Ms. Marvel (2022), The Creator (2023). Hiện có ba tác phẩm quay tại đây sắp được ra mắt, gồm Alien: Romulus (công chiếu vào tháng 8), Jurassic World và phần ba series The White Lotus (2025).

Ông Koshpharashin cho biết từng kiên trì thuyết phục chính phủ Thái trong nhiều năm để các chính sách ủng hộ điện ảnh đi vào hoạt động. "Đừng nghĩ đến những thứ nhà nước phải chi trả, mà hãy nghĩ đến thành quả nhận được. 20% tiền thuế của nhà làm phim có thể quay trở lại qua con đường du lịch. Khi những tác phẩm quay tại Thái Lan được công chiếu toàn thế giới, khán giả sẽ tò mò đến đây tham quan, tác động tích cực đến nền kinh tế", ông nói.

Bà Winnie Tsang, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty điện ảnh Golden Scene (Hong Kong), cho biết chính phủ ở đây bắt đầu hỗ trợ các nhà làm phim quốc tế nhiều năm trước. Mỗi năm, họ tài trợ tám dự án, với kinh phí 1,1 triệu USD mỗi phim mà không cần êkíp phải hoàn trả chi phí nào. Bà Tsang cho rằng việc này giúp nâng cao chất lượng điện ảnh, thu hút các nhà làm phim quốc tế đến Hong Kong, đồng thời khuyến khích trao đổi văn hóa, hợp tác quốc tế.

Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế, khẳng định cam kết của các cơ quan và tổ chức trong việc hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh đất nước.

Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh': Mến mộ người nghệ sĩ tài hoa Tọa đàm 'Phong cách sáng tác của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh': Mến mộ người nghệ sĩ tài hoa
(DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo (DANAFF 2024) 'The New Boy': Một nước Úc 'khác' qua góc nhìn tôn giáo

P.V