Đôi điều về phim Noir (Phim đen)

Thời kỳ của phim Noir cổ điển Hollywood kéo dài từ đầu những năm 1940 đến cuối những năm 1950. Phim Noir trong thời kỳ này là những bộ phim đen trắng không mấy sôi nổi lãng mạn mà có xu hướng triết lý phức tạp, đòi hỏi người xem phải suy nghĩ nhiều hơn khi xem phim.

Phim Noir là một thuật ngữ điện ảnh có nguồn gốc từ một thuật ngữ tiếng Pháp, dịch theo nghĩa đen là “phim đen” (blackfilm). Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những bộ phim nói về những hành động tội ác trong thế giới ngầm của Hollywood, đặc biệt nhấn mạnh những hành động có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, những đam mê giới tính.


Với nhiều thủ pháp nghệ thuật kế thừa từ thời chủ nghĩa biểu hiện Đức, nội dung bộ phim thường đề cập đến những kiểu tội ác nảy sinh vào giai đoạn suy thoái của nước Mỹ nửa đầu thế kỷ trước với một hệ thống các nhân vật điển hình: thám tử, thủ phạm, người trợ lý, khách hàng giàu có...

Cảnh trong phim "The Maltese Falcon"


Nguồn gốc tên gọi

Khái niệm phim Noir (trong tiếng Pháp gọi là phim đen) lần đầu tiên được nhắc đến chính thức vào năm 1946 bởi một nhà phê bình phim tên là Nino Frank , một cái tên ít được nhắc đến ở Hollywood cũng như điện ảnh thế giới. Những nhà lịch sử điện ảnh và những nhà phê bình đã định ra một tiêu chuẩn cho phim Noir: thể hiện sự hồi tưởng nối tiếp với những diễn biến hiện tại phức tạp. Có thể nói, rất nhiều người làm phim Noir chuyên nghiệp đã tạo tra phong cách này một cách khá vô thức.

Vậy rốt cục thì phim Noir là gì?

“Có thể nói một cách đơn giản phim cái gọi là phim Noir thì giống như một giấc mơ, kỳ lạ, gợi tình, nước đôi, tàn ác...”.Đây là một trong nhiều định nghĩa mà những người chuyên môn cố gắng đưa ra. Định nghĩa này xuất hiện năm 1955 trong cuốn sách Panorama du film noir américain 1941–1953 ( “Toàn cảnh phim Noir Mỹ”) của hai nhà phê bình điện ảnh Pháp Raymond Borde và Etienne Chaumetons. Ở phim Noir người ta có thể tìm thấy bóng dáng của nhiều thể loại phim khác nhau. Những chi tiết siêu nhiên kỳ quái của phim kinh dị, những suy đoán trí tuệ của những bộ phim khoa học, những bài hát và điệu nhảy của phim ca nhạc. Tuy nhiên với tính đa dạng của phim Noir cũng như tầm ảnh hưởng của trường phái này, một số học giả có uy tín như Thomas Schatz đã coi nó là một phong cách chứ không phải một thể loại.

Cảnh trong phim "Out of the past"


Phong cách thể loại:

Chủ đề trong phim Noir có tính cố định tương đối cao, thường tập trung kể những câu chuyện ly kỳ, giật gân, hấp dẫn. Tuy nhiên, vì lý do kinh phí eo hẹp các bộ phim này không có những cảnh kỹ xảo hay dựng cảnh cầu kỳ mà thường tập trung vào việc khai thác cốt truyện, đối thoại thông minh, hài hước để nhằm tạo nên sức hấp dẫn của bộ phim. Kịch bản của phim Noir rất phức tạp với nhiều chi tiết, nút thắt mà mọi vấn đề chỉ được giải quyết khi bộ phim kết thúc. Phim có rất nhiều lời thoại, nhân vật thường thể hiện trí tuệ của mình qua những câu thoại trúc trắc và khiên khích.

Bối cảnh trong phim Noir cổ điển thường không mấy trau chuốt, các cảnh phim đa số được thực hiện trong điều kiện ánh sáng yếu nhằm ngụy trang cho phần bối cảnh được thiết kế sơ sài. Song điểm đặc biệt là chính thứ ánh sáng mờ ảo, u ám này lại tạo nên một không khí rất riêng biệt cho những bộ phim với những chi tiết tội ác bí hiểm.

Phim có nhiều cảnh quay cận khai thác những nét biến chuyển tinh tế trên khuôn mặt diễn viên. Diễn xuất của diễn viên có tính biểu tượng cao, cảm xúc nhân vật thường bị cường điệu hóa. Độ tương phản đen trắng của những cảnh quay ban ngày khá cao với những cảnh quay có bóng đổ rất ấn tượng. Những làn khói cũng là những chi tiết thường xuyên được thực hiện nhằm tạo nên khoảng không gian mờ ảo cho bộ phim: đó có thể là làn khói của những điếu thuốc trên môi nhân vật, làn khói từ họng súng vừa nhả đạn, khi từ những đám cháy, vụ nổ tai họa...

Nhân vật chính trong phim thường là những thám tử tư, giỏi suy đoán, khéo ăn nói và có duyên với phụ nữ. Họ thường phải lòng ngay chính người phụ nữ cần phải truy đuổi.

Có những người phụ nữ xinh đẹp xoay quanh nhân vật chính này. Trước hết là mẫu “Killer woman” – những phụ nữ chết người có sức quyến rũ mê hồn nhưng lại là người gây ra tai họa. Họ xinh đẹp và khiến nhiều người đàn ông say mê trong đó có cả nhân vật chính. Những cô gái này ăn mặc sang trọng và phì phèo những điếu thuốc lá. Cũng có những nhân vật nữ đáng yêu hơn, họ tốt bụng và dịu dàng, phân biệt với những người phụ nữ nguy hiểm kia bởi họ không hút thuốc. Họ có thể là vợ, bạn gái hiện tại hay trợ lý của nhân vật chính.

Có một số những nhân vật nam giới khác trong phim đóng vai trò là người bạn của thám tử hay là những người đàn ông giàu có và ngu ngốc, là miếng mồi ngon cho mẫu nhân vật “Killer woman”.

Cảnh trong phim "The killers"


Một số phim Noir cổ điển nổi tiếng

Phải nhắc đến khái niệm của “phim Noir cổ điển” là bởi sau này, cho dù thời kỳ hoàng kim của dòng phim này đã qua đi song những ảnh hưởng của nó với những tác giả hiện đại vãn rất rõ rệt. Một loạt những bộ phim sau này đều tiếp nhận những ảnh hưởng từ dòng phim Noir như Chinatown (1974), Blade Runner (1982), Seven (1995), LA Confidential (1997) , The Big Lebowski (1998)...và được coi là “phim Noir mới”
Tuy nhiên, những ai say mê điện ảnh và quan tâm đến dòng phim này thì không thể bỏ qua những tác phẩm sau:

The Maltese Falcon (1941): có lẽ phần nhiều là một phim giật gân hơn là một phim noir thực sự, bộ phim vẫn có rất nhiều yếu tố của phim noir, đáng chú ý nhất là viên thám tử tư gan góc và một hình mẫu femme fatale nguyên thuỷ. Đã được làm lại vài lần dưới những cái tên khác nhau, bản phim làm năm 1941 với Humphrey Bogart, đạo diễn John Huston, đã trở thành tiêu chuẩn. Dựa trên một cuốn sách của Dashiel Hammet, cốt truyện kể về một kẻ hai mang tìm kiếm bức tượng vô cùng quý giá.

Double Indemnity (1944): đạo diễn bởi Billy Wilder - một người nhập cư gốc Hungari/Ba Lan, có thể cho rằng đây chính là khởi điểm của phim noir trên màn ảnh. Được kể bằng phương pháp hồi tưởng, với phần tường thuật được thuyết minh và một kết thúc u sầu, thám tử Walter Neff của hãng bảo hiểm bị dụ dỗ sử dụng những hiểu biết của người trong cuộc mà mình biết để giết chồng của Phyllis Deitrichson xinh đẹp nhằm lấy số tiền bảo hiểm nhân thọ. Cho dù hiện giờ những bộ phim được làm sau đấy đã sử dụng lại hầu hết các chủ đề của nó, Double Indemnity vẫn là một bộ phim kinh điển. Barbara Stanwyck - femme fatale xinh đẹp không được xuất sắc lắm trong vai người đàn bà quyến rũ nguy hiểm.

The Big Sleep (1946): Humphrey Bogart và Lauren Bacall đóng trong một trong những bộ phim phức tạp nhất đã từng được quay. Người ta đồn rằng đạo diễn Howard Hawks đã gọi điện cho tác giả kịch bản Raymond Chandler để hỏi xem ai là thủ phạm của một trong những vụ giết người - và Chandler không biết! Tuy thế, kịch bản phim cũng khá hóm hỉnh khi kể về câu chuyện thám tử tư Phillip Marlowe đi tìm con gái nhà triệu phú.

The Postman Always Rings Twice (1946): một femme fatale ( Lana Turner ), một vụ án mạng và một đống tiền khổng lồ, dựa theo tiểu thuyết của James M Cain. Cốt truyện là một kiểu người-tình-ám-sát-chồng-của-người-đàn-bà điển hình, điểm thay đổi là lần thử đầu tiên của họ đã thất bại, nhưng làm cho cảnh sát nghi ngờ, thế là cặp đôi này lại phải hi vọng cho ông chồng ( người sở hữu một hệ thống trạm dịch vụ làm ăn rất phát đạt ) sống. Lần thử thứ hai đã đưa cặp đôi này ra toà và bị kết tội, và lúc đó, chúng ta nhận ra rằng bộ phim này được kể lại như một lời thú tội.

The Killers (1946): dựa trên một câu chuyện của Ernest Hemingway. Hai người đàn ông lần theo dấu vết "Swede" - con mồi của mình xuống tận trạm dịch vụ trong một thị trấn nhỏ, và hắn không hề kháng cự khi hai tên kia bắn chết hắn. Cảnh sát phải điều tra, và phát hiện ra câu chuyện về một cuộc trộm cắp toàn bộ số tiền lương của nhân viên một công ty, tính hai mặt và một femme fatale.

Out of the Past (1947): bộ phim đã đưa Robert Mitchum trở thành một ngôi sao. Còn có sự tham gia của Kirk Douglas và Jane Greer. Một thám tử tư được thuê để theo dấu vết bạn gái một tên găngxtơ, vì cô ta đã cuỗm mất 40.000$ và chuồn sang Mexico. Anh ta tìm thấy cô gái ấy, nhưng hai người lại yêu nhau và bị lôi kéo vào một vụ giết người khi cố gắng giữ bí mật chuyện tình của cả hai ( bao gồm cả việc anh ta xin việc tại một trạm dịch vụ ). Những nghi ngờ về lòng trung thực của cô nàng bắt đầu nảy sinh.

Force of Evil (1948): một bộ phim cứu nguy cho giới găngxtơ - luật sư. Lòng trắc ẩn đối với người em trai tầm thường đam mê cá cược của anh ta đã dẫn đến thảm hoạ cho tất cả những người có liên quan. Bộ phim này đã làm cho đạo diễn Abraham Polonsky bị những tên chống cộng ghi sổ đen hàng chục năm liền. Một kiệt tác theo chủ nghĩa biểu hiện được tương đối ít người biết đến.

The Third Man (1949): đạo diễn bởi Carol Reed, với diễn viên chính là Joseph Cotton, nhưng chính Orson Welles mới thực sự là điểm sáng trong cốt truyện nói về thế giới ngầm trong Chiến tranh lạnh này. Phần nhạc phim đã thêm yếu tố hài hước vào trong bộ phim thấm đẫm nỗi chịu đựng của con người. Cốt truyện được biến chuyển rất tuyệt từ đoạn giữa, với những cảnh phim kinh điển về thế giới ngầm. Bộ phim gây ảnh hưởng lớn đến mức mà tour du lịch Third Man đã được tổ chức quanh hệ thống cống rãnh ở Vienne - nơi người ta đã quay phần cao trào của bộ phim.

Mỹ Trang (tổng hợp)