Tokyo story - Vẻ đẹp nàng dâu

(TGĐA) - Câu chuyện Tokyo (Tokyo Story) là một trong số những phim hay nhất của điện ảnh thế giới và điện ảnh Nhật Bản. Với bộ phim này, tên tuổi của đạo diễn Yasujiro Ozu luôn được những người yêu điện ảnh nhắc đến với lòng kính trọng.

Tokyo_Story2

Bộ phim có cốt truyện tưởng như không còn gì đơn giản hơn. Một đôi vợ chồng già, Hirayama Shukichi và Hirayama Tomi, tuổi khoảng gần 70, từ Onomichi (gần thành phố Hirosima) đến Tokyo thăm con gái và con trai. Người con trai làm bác sỹ ở một khu vực ngoại ô, còn người con gái mở hiệu uốn tóc. Nhưng khi cha mẹ đến, vợ chồng của hai người con đó cùng những đứa cháu đều không ai muốn gần gũi ông bà. Chỉ có người con dâu, dù chồng chết đã 8 năm, lại chăm sóc ông bà chu đáo nhất. Khi trở về làng quê, bà mẹ bị cảm và mất.. Trong đám tang, gia đình cũng bộc lộ sự rạn nứt nhưng đồng thời cũng hiện lên vẻ đẹp của người con dâu.

tokyo2

Dưới sự đạo diễn tinh tế của Ozu, câu chuyện tự mở ra hết mâu thuẫn này đến mâu thuẫn khác. Những xung đột nhỏ nhoi, tinh tế. Phải là người quan sát tài ba lắm mới nhìn ra những biểu hiện đó. Đầu tiên là chuyện hai ông bà chuẩn bị va li. Bà quên cái gối, hỏi ông. Lời qua tiếng lại, hóa ra bà đã để trong túi. Khi đến nhà người con trai cả, cô con dâu đã thu dọn nhà cửa, nhưng đứa cháu trai đích tôn lại không đồng ý cho mẹ xếp lại bàn học của nó. Đứa cháu thứ hai cũng vậy. Cứ thấy ông bà là lại chạy trốn. Vợ chồng người con trai định đưa bố mẹ đi chơi, nhưng đến sát giờ, anh lại bận việc. Người con dâu định đưa bố mẹ chồng đi, nhưng anh chồng ngăn lại vì không có ai trông nhà. Trong khi đó, hai đứa cháu cứ trách bố mẹ lem lẻm. Cuối cùng họ quyết định nhờ người con dâu thứ góa chồng tên là Noriko đưa ông bà đi chơi. Noriko đành xin nghỉ việc cơ quan. Sau chuyến đi chơi, cô đưa bố mẹ chồng về thăm căn nhà đơn sơ của mình.

Setsuko_Hara__Chishu_Ryu__children_-_Tokyo_Story_1953_funeral

Tại đây, ông bà được gặp lại hình ảnh người con trai của mình đã hi sinh trong chiến tranh. Cô tiếp đãi bố mẹ bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng. Khi ông bà trở về nhà người con gái, vợ chồng cô này bèn gửi bố mẹ đến an dưỡng ở suối nước nóng. Tại đây, ngỡ ông bà khỏe ra, nhưng không ngờ nó ồn ào quá. Ồng bà đành phải về sớm. Nhưng hôm ấy cô con gái lại bận tiếp những đồng nghiệp tại nhà. Ông bà phải lang thang trên phố. Chiều tối, bà về nhà cô con dâu nghỉ lại. Còn ông đến thăm người bạn cũ. Họ rủ nhau đi uống rượu. Say khướt, ông bị cảnh sát đưa về nhà cô con gái cùng một người bạn rượu nữa. Cô con gái nhiếc móc bố chẳng ra sao. Còn bà thì may mắn hơn. Được cô con dâu đấm lưng, bóp vai. Bà khuyên con dâu đi bước nữa.

Tokyo_Story4

Trên đường về quê, ông bà ghé thăm người con trai ở Osaka. Bà bị cảm. Người con trai cấp tốc đưa mẹ vào bệnh viện cấp cứu, nhưng khi đến cơ quan, lại than phiền với đồng nghiệp. Khi về đến nhà, bà bị cảm và hôn mê. Vợ chồng người con trai cả và cô con gái từ Tokyo vội về. Họ mang theo cả bộ đồ tang vì đoán biết mẹ sẽ không qua khỏi. Người con trai thứ từ Osaka về chậm. Đám tang vừa xong, người con gái vội lấy bộ kimono của mẹ rồi tất cả cùng đi ngay. Chỉ còn lại người con dâu ở lại cùng bố chồng và người em gái út bên chồng. Cô này trách chị gái nhiều. Người con dâu chia sẻ với em chồng. Rồi đến lượt bố chồng khuyên người con dâu đi bước nữa. Trước khi cô ra về, ông tặng cô chiếc đồng hồ cũ của người vợ vừa ra đi. Bộ phim kết thúc bằng chuyến tàu chở người con dâu rời ga đến Tokyo. Khi tàu phóng ngang qua trường, nơi cô con gái út đang dạy học. Cô nhìn đồng hồ đeo tay, biết chị dâu đang từ giã mình.

tokyo-story

Bộ phim được làm từ năm 1953, khi nước Nhật vừa trải qua chiến tranh. Những vấn đề gia đình nhức nhối. Ozu kể chuyện với nhịp điệu không nhanh. Những xung đột bộc lộ bên trong nhân vật, tỏa ra ngoài khuôn hình. Ông không sử dụng những động tác máy phức tạp. Các cỡ cảnh ông dùng chỉ là ba cỡ toàn – trung - cận nhưng thay đổi hết sức nhịp nhàng, hợp lý khiến người xem không thấy mệt mỏi. Điểm nhìn của các nhân vật trong phim dường như đều thấp. Chúng phù hợp với bối cảnh không gian của những ngôi nhà chật và thấp kiểu Nhật. Kể cả những đoạn khi ông bà cùng cô con dâu đi thăm thủ đô. Điểm nhìn của họ cũng được quay từ trên cao xuống khi ông bà hỏi nhà con gái, con trai ở hướng nào. Các nhân vật diễn hết sức hồn nhiên, dung dị. Những lời thoại nhiều khi mang tính chất hài hước nhưng chứa chất đau đớn. Chẳng hạn, khi ông bà lang thang trên phố, ông nói với bà “giờ chúng ta là những kẻ vô gia cư rồi”. Hoặc khi ba ông già ngồi uống rượu với nhau, một ông nói “nếu con cái chết trước mình thì đó là nỗi buồn, nhưng nếu sống với chúng cũng chẳng sung sướng gì”.

Setsuko_Hara_-_Tokyo_Story_1953_still

Thăm dò ý kiến của tờ Sight and Sound đã từng cho thấy Tokyo Story đươc xếp vào một trong mười phim tuyệt vời nhất của mọi thời đại. John Walker, cựu biên tập của Halliwell's Film Guides, xếp Tokyo Story vào hàng đầu của danh sách 100 phim hay nhất. Ngoài ra phim còn lọt vào danh sách Phim của thế kỷ do Derek Malcolm biên soạn, đây là danh sách những phim có tầm ảnh hưởng về mặt nghệ thuật cũng như văn hóa, còn tờ tạp chí Time đưa Tokyo Story vào 100 phim hay nhất của họ. Roger Ebert cũng xếp phim vào những phim vĩ đại nhất của ông, còn Paul Schrader đưa Tokyo Story vào danh sách "vàng" trong chương mục các phim kinh điển.

Đạo diễn Ozu kể câu chuyện đầy bi kịch theo phong cách Nhật Bản. Nghĩa là những xung đột diễn ra không cần phải ồn ào, không cần đổ máu, không cần vũ khí nhưng lại có sức mạnh riêng. Đó là vẻ đẹp nội tâm của phong cách Ozu. Những hình ảnh nhẹ nhàng trôi qua, nhưng người xem cảm nhận nỗi buồn, niềm đau bên ngoài khuôn hình. Trong truyền thống gia đình Nhật Bản, giữa mẹ chồng và con dâu cũng thường xảy ra những xung đột như bất cứ cặp “mẹ chồng-nàng dâu” nào ở phương Đông.''Cái bụng xấu đẻ ra đứa cháu tốt'' (tục ngữ Nhật). Song Ozu nhìn vấn đề theo cách ngược lại. Cách nhìn đó hết sức thuyết phục bằng bộ phim tuyệt vời của mình.

Phụng Công