(TGĐA) - Có thể nói chưa bao giờ điện ảnh nhà nước lại rơi vào khoảng thời gian bế tắc, không “cựa quậy” nổi như hiện nay. Các hãng phim nhà nước sản xuất cầm chừng do không có tiền đầu tư sản xuất, anh em nghệ sỹ không có việc, đời sống khó khăn… rất nhiều nhân lực chủ chốt của các hãng phim nhà nước đã chọn con đường “làm thuê” cho các hãng tư nhân coi như một cách để vừa mưu sinh, vừa tồn tại được với nghề… Phó giám đốc hãng phim truyện Việt Nam - nhà quay phim Lý Thái Dũng đã trải lòng mình với Thế giới điện ảnh xoay quanh vấn đề này…
Quay phim Lý Thái Dũng
Nghe đồn anh cũng đang đầu quân đi làm phim điện ảnh, truyền hình và cả gameshow cho các hãng tư nhân. Phải chăng sân chơi nhà nước không đủ cho anh “tung hoành”?
Bạn có vẻ quá ưu ái tôi chăng khi hỏi tôi câu này? Thực ra là tôi cũng như tất cả các thành viên của Hãng đều phải tự thân vận động, ra ngoài làm phim kiếm sống để tồn tại vì hãng không đủ việc. Với cơ chế thị trường, các hãng phim tư nhân tự bỏ tiền đầu tư, sản phẩm của họ làm ra được đặt vào một môi trường khắc nghiệt, đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn bộ từ con người đến quá trình sản xuất bởi đó là tiền, là máu của họ. Không còn cách nào khác, họ phải tuân thủ quy luật đó mới có thể tồn tại được. Còn chúng tôi, tham gia làm phim với hãng tư nhân, ngoài lý do kiếm sống, còn được làm nghề, được trưởng thành và tôi luyện trong một môi trường làm việc khắc nghiệt nhưng chuyên nghiệp. Tôi vô cùng mừng khi tất cả những doanh nghiệp sản xuất phim ngoài quốc doanh đã thành công và trong đó có cả sự đóng góp của những con người như chúng tôi. Đồng thời chúng tôi cũng cảm ơn họ rất nhiều vì họ đã làm nên một đối trọng rất tốt. Nếu không có họ, điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển chậm hơn, nhờ họ những nghệ sỹ như chúng tôi có thêm nhiều cơ hội để được làm nghề.
Hiện nay, hầu hết các phim ra rạp đều là của hãng tư nhân, sau mỗi kỳ công chiếu đều bị chê kém về chất lượng nội dung lẫn nghệ thuật nhưng doanh thu phòng vé vẫn cao. Trong khi đó phim của hãng nhà nước được tiếng là phim nghệ thuật nhưng lại không có khán giả. Là người trong nghề, anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng đó là nhận xét sai vì mỗi sản phẩm điện ảnh làm ra có vòng đời rất ngắn. Nhà sản xuất phim chuyên nghiệp khi đầu tư làm một bộ phim, họ đã phải hướng tới một lực lượng, một thị hiếu, một thời điểm. Họ thừa biết phải bán sản phẩm của mình cho ai, phục vụ ai, do vậy họ tìm những vấn đề nóng nhất của xã hội, của đối tượng đó đang quan tâm và quan trọng nhất là nó hấp dẫn, không phạm luật… tức là bằng mọi cách thu được tiền về. Trong số các sản phẩm đó, may ra có một cái nào đó hội tụ được quá nhiều yếu tố thì được đánh giá là tốt, còn lại nó phải là sản phẩm bình dân thì mới thu được tiền. Không ai muốn đau đầu vào rạp xem một bộ phim đòi hỏi nhiều về chất lượng nghệ thuật. Và cả thế giới như vậy. Đừng đòi hỏi họ phải bỏ tiền ra để đi làm một tác phẩm tùy thích về nghệ thuật và sau đó không ai xem, điều đó đồng nghĩa với việc họ tự chui đầu vào thòng lọng.
Bản thân anh là một người quản lý với vai trò phó giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam. Tại sao anh không xoay theo hướng làm phim của các hãng tư nhân?
Hãng nhà nước không làm được như vậy bởi lý do cơ chế: không có tiền, vốn không ai cấp. 3 năm nay hãng không có một đồng của nhà nước đặt hàng và tài trợ. Hơn 100 con người sống lay lắt. Trong khi hãng tư nhân có khi chỉ cần có 3 người để vận hành bộ máy gọn gàng, không phải “nuôi” ai cả trong một môi trường chuyên nghiệp thì hãng nhà nước quá cồng kềnh với hơn 100 con người. Để hãng nhà nước bước ra thị trường không hề đơn giản do gánh nặng nhân sự, thiết bị nhà xưởng, quy định của nhà nước, chế độ kiểm duyệt…trừ khi nó được giải tán và xây lại từ đầu…
Với tình trạng hãng nhà nước không có phim để làm, cứ ngồi chờ…theo anh, liệu đội ngũ làm phim của hãng có tan rã?
Tan rã hay không thì tôi chưa dám nói nhưng quả thật bây giờ đang bế tắc.
Vậy lý do nào khiến anh ở lại với hãng phim truyện với một cơ chế và môi trường làm việc như hiện tại trong khi ở hãng tư nhân anh có nhiều thuận lợi hơn?
Tôi đã ở trong ngành điện ảnh hơn ¼ thế kỷ, đã làm rất nhiều phim từ khi ở hãng phim Tài liệu KHTW đến hãng phim truyện…Có rất nhiều người vì lý do mưu cầu cuộc sống, không tồn tại được họ đã xin ra ngoài làm hoặc về nghỉ chế độ. Còn tôi ở lại vì hai lý do: vì yêu ngành điện ảnh, yêu hãng phim truyện của nhiều thế hệ cha ông để lại không dễ gì từ bỏ dù nó còn khó khăn. Tôi vẫn hy vọng mình sẽ cùng hãng đi qua cơn khó khăn này, để rồi sẽ có được một lực lượng kế cận khi mình nghỉ.
Với những gì anh đã nêu thì có thể thấy hãng phim truyện đang gần như bế tắc bởi cơ chế, không ai đầu tư vào nhà xưởng thiết bị, con người… Vậy có quá lãng mạn không khi anh lại muốn ở lại cùng hãng để vượt qua khó khăn và trong 10 năm nữa khi anh nghỉ, liệu rằng hãng có qua được cơn bĩ cực này không?
Điều đó thì không ai biết được, chỉ có điều hiện nay tôi vẫn còn thời gian để có thể làm song song hai việc: Cộng tác với các hãng tư nhân và đảm đương vị trí công việc của mình ở Hãng. Tôi đang có quan hệ rất tốt với tất cả các hãng phim tư nhân, ngoài điều kiện tốt cho công việc cá nhân của một quay phim thì nó còn hỗ trợ rất tốt cho công việc của hãng là tôi có thể mang lại công ăn việc làm cho một bộ phận nhân viên kỹ thuật của tôi, mang về một số tiền từ việc cộng tác cho thuê hệ thống thiết bị cũ nát nhưng vẫn làm được để có thể kiếm được một khoản tiền duy trì sự lay lắt của hãng phim.
Cảnh trong phim Lời nguyền huyết ngải - quay phim Lý Thái Dũng
Nghe có vẻ bi đát hay buồn quá không khi phải dựa vào các hãng phim tư nhân để “nuôi” hãng phim nhà nước?
Tôi nghĩ rằng câu hỏi này phải để dành cho các cơ quan chức năng của nhà nước trả lời. Còn đương nhiên tất cả các nghệ sỹ là những người nhạy cảm, họ thấy bi đát và buồn từ lâu rồi. Với quá nhiều tất cả những bài báo với những lời kêu ca, oán trách, tôi không muốn kêu gì nữa.
Tôi chỉ muốn nói rằng trong điều kiện công nghệ truyền hình phát triển như vũ bão với cảm nhận nếu như một ngày bạn không bật tivi lên bạn sẽ cảm thấy khó chịu như việc không thể mất điện, mất nước quá một ngày…Nhưng bạn có thể không ra rạp xem phim một tháng là chuyện bình thường, rất nhiều người đồng tình như thế. Và không có phim Việt Nam thì họ xem phim nước ngoài. Vậy điện nước, xăng xe…tức thời quan trọng hơn điện ảnh. Nhưng thực sự kinh phí dành cho điện ảnh vô cùng nhỏ so với kinh phí của một đất nước. Đây là lỗi của cả một hệ thống trong đó có cả chúng tôi. Cái sứ mạng lịch sử của điện ảnh đã bị chậm đi do truyền hình phát triển như vũ bão. Chúng tôi chưa bao giờ được nhà nước tài trợ bằng 1/1000 của truyền hình.
Hiện nay đúng là ngành điện ảnh Việt Nam đang đuối dần nếu nhìn vào thực trạng của các hãng nhà nước và bản thân nhiều bạn trẻ hiện nay ra trường không chịu về hãng nhà nước vì lý do “không có việc, lương thấp về làm gì?” Theo anh điều này sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?
Tôi nghĩ là nó sẽ được giải tán và xây mới. Việc ai xây dựng lại thì tôi cũng không biết, lại phải chờ vào những cấp quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, nếu như có tiền, xây dựng lại một loạt cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị là điều không khó khăn. Cái khủng khiếp nhất ở đây là mấy chục năm qua ngành điện ảnh đã bị mai một cả một lực lượng khổng lồ về con người làm nghề, đào tạo lại đội ngũ đó không hề đơn giản, ít nhất phải mất 10 năm để xây dựng lại.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Phương Hà