"Nữ hoàng Bolero" Thanh Tuyền: Trời sinh tôi ra để hát!

(TGĐA) - Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát, định mệnh trong máu tôi rồi. "Nữ hoàng Bolero" Thanh Tuyền chia sẻ như vậy về con đường ca hát của mình...

nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat Hàng trăm khán giả đội mưa đi xem Thanh Tuyền hát
nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat Danh ca Thanh Tuyền: Trở về để lại ra đi

Ba đêm diễn ở phòng trà WE đánh dấu sự trở lại của bà trên sân khấu trong nước sau bốn năm vắng bóng. Bà sẽ hát khoảng bao nhiêu ca khúc trong mỗi đêm nhạc?

Tôi có thói quen không bao giờ đặt ra con số bài hát. Khi lên sân khấu, tôi hát theo yêu cầu của khán giả, theo cảm xúc của tôi. Có nhiều khi những bài đã tập thì tôi lại không hát, mà hát những bài được yêu cầu. Chủ yếu tôi hát những bài cũ, nhưng có một vài bài mới mà mấy chục năm chưa hát. Tôi có rất nhiều bài mà thời gian mỗi đêm diễn không nhiều nên phải theo yêu cầu của khán giả lúc đó.

Sau lần trở lại này, bà dự định sẽ thực hiện tour xuyên Việt ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ. Các ca khúc cho từng chương trình có khác nhau không?

Có lẽ dòng nhạc của tôi ăn sâu vào khán giả ở cả nước nên đi đến đâu hát cũng thấy đã lắm. Nhưng tôi cũng có một số thay đổi tùy theo địa phương. Mình phải dung hòa cho khán giả chứ không thể các chương trình đều giống nhau. Mỗi đêm diễn ở phòng trà tôi cũng hát những bài khác nhau mà.

nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat

Bà lựa chọn ca khúc hay có ai hỗ trợ biên tập chương trình?

Tôi là chính nhưng một cái đầu làm sao mà thành công được. Tôi cũng cần nhiều người cho tôi ý kiến. Theo kinh nghiệm đi hát nhiều năm của tôi thì khán giả thích nghe tôi hát những bản nhạc quen thuộc đã theo tôi mấy chục năm, mặc dù những bài đó nhiều người hát rồi. Nhiều người nói với tôi không nên hát các bài mới vì khán giả chờ đợi mỗi đêm diễn của tôi để họ được quay về với kỉ niệm. Khán giả muốn nghe lại những lời nhạc, bài hát đã nghe mấy chục năm trước. Tôi không thể nào mà không hát lại, dù tủ nhạc qua nhiều bài nhưng mình cũng phải theo tình cảm của khán giả.

Nghệ sĩ thường sống thiên về cảm xúc. Làm sao bà có thể giữ cảm xúc tròn đầy suốt mấy mươi năm đứng trên sân khấu hát vẫn trẻ trung, vẫn đầy lửa như vậy?

Tôi nghĩ trời sinh tôi ra để hát, định mệnh trong máu tôi rồi. Hễ nhạc nổi lên là cảm xúc đầy ắp trong tim. Tôi lớn rồi, không trẻ trung như các em trẻ nữa. Sân khấu đã cho mình quá nhiều điều, nhờ đó mà mình mới có được tình cảm của mọi người nên ca sĩ không bao giờ dám nói bỏ sân khấu. Nếu ơn trên còn cho tôi hát thì tôi vẫn tiếp tục cho đến khi không thể nữa thì thôi. Tôi đã được lời nhiều quá rồi. Mọi thứ với tôi bây giờ là cộng thêm. Chính vì điều đó nên tôi giữ gìn sức khỏe thật tốt và sống bằng cái tâm.

Mặc dù đi hát thường xuyên và nhiều năm trôi qua nhưng bà vẫn giữ được chất giọng rất tốt, có thể nói là không khác so với lúc mới nổi tiếng. Bà có thể tiết lộ bí quyết giữ giọng của mình?

Tôi chỉ biết trả lời vì đam mê quá nên lúc nào tôi cũng giữ giọng hát như là báu vật. Chẳng hạn trước mỗi buổi diễn, tôi luôn lo lắng mình sẽ bệnh bất ngờ, cho nên giữ gìn từ ăn uống, giấc ngủ. Mọi chuyện đều có thể bỏ qua hết để tập trung trên sân khấu. Tôi còn học hỏi nhiều lắm. Cái gì cũng học. Học ca sĩ Mỹ, Hoa, nhiều nước khác… Tôi đã có chất giọng rồi thì tôi xem những rung cảm của họ diễn như thế nào. Nhưng nói chung nếu chỉ học hỏi mà không yêu nghề thì cũng không đi đến đâu. Tôi hát một bài giống như là Thiền vậy chứ không phải chơi chơi. Khi hát tôi không cần biết khán giả ngồi dưới là những ai. Tôi chỉ đắm chìm trong từng lời ca. Sống phải có âm nhạc thì tôi mới sống được.

Bà hy vọng mình sẽ gặt hái được điều gì sau lần quay trở về quê hương?

Tôi chỉ muốn sau chuyến đi tour thì khán giả thương tôi hơn, cũng như tôi thương họ. Tôi không đặt ra mục tiêu gì cả. Khán giả lạ lắm, không thể diễn tả hết được. Họ thương mình từ ngày còn tóc xanh, cho đến bây giờ đã già lụm cụm. Phải dùng chữ “nặng tình” để nói về những tình cảm đó.

Bolero là đặc sản của Việt Nam

Gần đây bà có ra sản phẩm mới nào không?

Tôi chưa từng tự ra album cho mình. Ở nhà tôi bây giờ còn rất nhiều CD đã thu của các hãng trước đây. Tôi thường đưa nhà thờ bán làm từ thiện. Tôi cũng không làm album mới gì cả vì thấy không cần thiết.

Có những ca khúc đã hát gắn bó với bà mấy chục năm như Nỗi buồn hoa phượng, Đà Lạt chiều hoàng hôn, Ở hai đầu nỗi nhớ, Không bao giờ quên anh… Mỗi lần thể hiện lại các ca khúc này có mang lại cảm xúc mới mẻ cho bà không?

Mới mẻ nhất là có nhiều chất liệu hơn xưa. Mỗi một giai đoạn khác nhau. Người ta nói kinh nghiệm trên sân khấu, bản thân, cuộc đời. Nhiều bài của tôi nổi tiếng ngày xưa đã được các thế hệ ca sĩ trẻ tiếp tục hát. Nhưng khi tôi về nước thì những khán giả của tôi lại muốn đích thân tôi hát cho họ nghe. Tôi có nhiều bài mới hay lắm nhưng họ không muốn nghe. Họ chỉ thích nghe những ca khúc đã gắn với kỉ niệm một thời, những bài hát khiến họ thương giọng ca Thanh Tuyền.

Dòng nhạc Bolero đang hồi sinh mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc nước nhà. Bà có xem chương trình tìm kiếm những giọng ca mới? Bà có góp ý gì cho các bạn trẻ?

Những năm 1965 - 1966 cả miền Nam gọi tôi là “Nữ hoàng Bolero”. Nhưng lúc đó có nhiều người có thành kiến với dòng nhạc này, họ nói “nhạc sang”, “nhạc sến”. Thật sự thì làm gì có nhạc sang, nhạc sến. Mọi người thử tìm trong 7 nốt nhạc, có nốt nào là sến, nốt nào là sang đâu. Tại vì mọi người có thành kiến, rồi không hiểu. Tôi là ca sĩ thì bất cứ dòng nhạc nào cũng hát được hết, nhưng tôi có duyên với Bolero nhất. Bây giờ dòng nhạc này đang quay trở lại cho thấy sức sống lâu dài vì đi sâu vào tình cảm thực tế của mỗi người. Bolero rất thực tiễn, mỗi một bản nhạc nói thẳng về tình cảm của một người mà có nhiều người cùng tâm trạng. Tôi thấy nhiều em trẻ bây giờ hát rất hay nhưng cũng có nhiều em hát để mà hát. Bolero là dòng nhạc chân thật, bình dị, đòi hỏi tình cảm, đòi hỏi người hát phải để hồn vào đó, phải sống chết với bài hát thì mới hay được. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người hát dòng nhạc này thì tôi mong nó sẽ còn mãi mãi. Vì dòng nhạc này chỉ ở Việt Nam mới có.

Nhưng người ta nhận xét Bolero hơi bi lụy và sầu buồn, có phải như vậy không?

Sầu buồn là do mình thôi. Tôi hỏi thẳng nhé. Nghe Thanh Tuyền hát mọi người có thấy sầu buồn không? Không, đúng không? Bi lụy do người ta cố tình tạo ra, đang diễn đấy. Ca khúc buồn tự trong tim thôi chứ không cần phải diễn tả ra. Cùng hát một bản nhạc nhưng có người hát nhẹ nhàng, còn có người hát giống như sắp chết vậy đó, nghe rất mệt mỏi. Dòng nhạc này coi vậy chứ không phải dễ hát đâu, đòi hỏi khi hát phải để cái tâm. Khi hát bất cứ bài nào tôi cũng trút hết cảm xúc, làn hơi…

Người ta nhận xét khán giả của Bolero là khán giả bình dân. Ai cũng có thể ngân nga vài câu. Bà nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy, vì mỗi bài hát Bolero là cuộc đời của mỗi một người. Nhiều bài hát cất lời lên cứ như xé từng mảnh trái tim, động chạm thẳng vào cuộc đời nên nhiều người thích. Chẳng hạn bạn vừa bị người yêu bỏ thì có những câu hát đúng tâm trạng đó. Nhiều khi không biết tâm sự với ai thì bạn có thể nghe dòng nhạc này để trút nỗi niềm. Chính vì thế Bolero bền cho đến bây giờ.

Dòng nhạc Bolero dễ hát với mọi người nhưng khó hát hay. Bà làm thế nào nào để đạt đến đỉnh cao với danh xưng “Nữ hoàng Bolero” khó ai có thể vượt mặt?

Tôi cũng không biết thế nào. Đây là món quà Trời cho. Hồi xưa, lúc khởi đầu đi hát thì tôi không nghĩ mình sẽ hát dòng nhạc này, tôi chỉ hát những bài ca rất bình thường. Nhưng nhiều nhạc sĩ “đo ni đóng giày” cho chất giọng cao, tình cảm của tôi rồi sáng tác cho một, hai bài và sau đó rất nhiều như Nỗi buồn hoa phượng, Chiều buồn ngày xuân

Bây giờ nghệ sĩ cùng lứa với bà về nước làm giám khảo các chương trình, cuộc thi trong nước. Bà có xem không và nghĩ sao về điều này?

Tôi cũng xem. Có một số bạn cũng gặp tôi và mời làm giám khảo. Tôi muốn suy nghĩ thêm vì không muốn cảm giác nhìn người thắng - người thua. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh người thắng thì vui, người thua thì buồn. Chắc tùy duyên thôi. Tôi cũng chưa biết làm giám khảo thế nào nữa.

Thanh Tuyền thường bí mật làm từ thiện

Đợt này về nước bà có tiếp tục các hoạt động từ thiện thường xuyên của gia đình không?

Từ đó đến giờ tôi có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Mình mang nợ cuộc đời thì mình phải đi trả. Cuộc đời cho tôi quá nhiều rồi. Bây giờ hễ có thời gian là tôi và gia đình đều đi làm từ thiện. Mà chúng tôi làm từ những người mình có, chứ không kêu gọi, xin xỏ ai vì như thế là mắc nợ thêm. Tôi đi làm từ thiện để trả ơn cuộc đời vì mình quá sung sướng, may mắn. Không phải bây giờ về đây đi hát rồi tôi mới làm từ thiện. Hồi năm 1990 khi chưa được hát thì tôi đã về làm từ thiện rồi. Tôi đã từng ở trên cao và cũng từng lọt xuống dưới hố sâu rồi. Tôi đã thấm rồi thì tôi nghĩ đối với mình không có gì quan trọng hết. Bây giờ tôi phải, nói theo tâm linh vì tôi là Phật tử, thì tôi phải làm nhiều thứ trước khi không còn được ở trong kiếp người này nữa để nhẹ bớt vì thế gian này quá nhiều đau khổ. Tôi nghĩ các bạn trẻ rất may mắn vì được sinh ra trong thế kỉ mọi thứ đều văn minh. Tôi mong tương lai thế hệ trẻ sẽ tốt đẹp hơn.

Những hoạt động từ thiện của bà và gia đình có nhắm vào một đối tượng cụ thể không hay chỉ thấy cần giúp thì hỗ trợ thôi?

Từ xưa đến giờ tôi tự động đi kiếm và âm thầm giúp đỡ họ. Nhiều người không biết tôi giúp, không biết Thanh Tuyền giúp, chỉ biết có người tên Nguyễn Mai giúp đỡ thôi. Tôi làm từ thiện không phải vì danh tiếng, nói thẳng là như vậy.

Một ngày bình thường ở bên Mỹ của bà như thế nào?

Ngày thường tôi liên hệ với gia đình ở Đà Lạt, Sài Gòn để làm từ thiện, những lúc rảnh thì tôi sắp xếp đi giúp cho nhà thờ, chùa chiền. Ai cần gì thì tôi giúp. Cuối tuần, tôi mới đi hát. Tôi không để trống lúc nào hết, tôi quý từng ngày từng giờ. Ngay cả khi ngồi nói chuyện như thế này tôi cũng quý ngày hôm nay vì tôi không biết mình có còn hát được ngày mai không. Không phải tôi bi quan mà tôi thấy rõ cuộc đời này không thể nào biết trước được điều gì.

Mặc dù nhiều năm rồi nhưng phong cách thời trang của bà vẫn rất đẹp, thanh lịch, phù hợp lứa tuổi. Bà có dành nhiều thời gian để đầu tư mua sắm quần áo, trang phục hay không?

Từ “shopping” là điều mà tôi đã quên hơn mười năm nay rồi. Quần áo tôi mặc đơn giản lắm. Tôi không sắm nhiều, chỉ chừng mực thôi. Tôi đi qua nhiều nơi, thấy nhiều mảnh đời sống dưới địa ngục. Bây giờ tôi thay đổi nhiều lắm. Hễ ăn còn dư là tôi đều để dành chứ không đổ bỏ. Dù ngày mai không ăn nhưng tôi vẫn để dành lại. Tôi quý từng hột cơm, từng cái áo.

Ngày xưa bà tiêu xài nhiều lắm hay sao?

Nghệ sĩ mà. Nhưng bây giờ thì mọi thứ không cần thiết, không có gì quan trọng hết. Mỗi ngày sau khi tôi hát mà được khán giả thương là về nhà tôi được ngủ một giấc ngon. Tôi phục vụ được khán giả, người ta đến xem thì mình có thể đáp lại bằng từng hơi thở của mình thì hạnh phúc rồi.

Ngay cả bây giờ trong cuộc đời này, trong giới nghệ sĩ đâu phải ai cũng thương mình hết đâu nhưng tôi không quan tâm vì không ảnh hưởng tới mình. Tôi chỉ biết mình làm đúng. Tuổi của tôi bây giờ như vậy rồi. Tôi không làm gì sai. Dĩ nhiên không ai chắc chắn rằng mình không sai. Nhưng tôi làm gì cũng rất cẩn thận, 24/24, vì tôi lớn rồi, tôi không muốn cái gì sai cả.

Tuy nói không mua sắm nhiều nhưng bà luôn đầu tư ngoại hình như một cách thể hiện sự tôn trọng khán giả?

Đúng. Bước ra cửa là tôi chuẩn bị thật đẹp chứ. Tôi ăn mặc theo phương tiện, thời gian, địa điểm. Ví dụ đi tập thể thao, máy bay, tập nhạc... thì khác nhau. Mình tôn trọng khán giả chứ đâu thể bê bối, xuề xòa được. Dù mình lớn tuổi thì khán giả cũng phải nhìn mình đẹp theo kiểu lớn tuổi.

nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat

Tôi mừng vì con cái không theo nghề

Các con của bà ở Mỹ hiện nay thế nào rồi?

Con cái tôi đều thành tài. Tôi không phải lo gì. Ngược lại các con còn lo cho tôi nữa vì tôi thường đi diễn khắp nơi.

Con gái bà, Shayla cũng từng theo đuổi nghề hát được một thời gian nhưng cũng đã tạm dừng. Trong khi gia đình có truyền thống ca hát nhưng các con không có được thành công vang dội như mẹ, dì Sơn Tuyền. Bà có chạnh lòng không?

Nhạc của Sayla là nhạc Mỹ nhưng lúc em nó nổi là 18 tuổi, còn bây giờ là 40 tuổi rồi. Sau khi lập gia đình thì Shayla không theo con đường ca hát nữa. Tôi mừng khi các con không làm ca sĩ. Nghề hát là phải chịu thị phi đủ thứ hết nên tôi không muốn. Các con đều chọn nghề nghiệp đều đúng ý tôi. Làm nghệ sĩ phải do số phận định đoạt. Nhiều người hát hay nhưng chỉ hát được vài ba năm rồi biến mất vì không phải là cái nghiệp.

Nghệ thuật cải lương không còn phát triển nữa. Bà có lo lắng con dâu của bà, nghệ sĩ Ngọc Huyền gặp khó khăn không?

Tôi có chỉ cho Ngọc Huyền rất nhiều và bằng cớ là bây giờ Ngọc Huyền hát tân nhạc ra tân nhạc chứ không lai nữa. Bây giờ khán giả có thể thấy sự tiến bộ của Ngọc Huyền. Tôi vui vì có con dâu yêu nghề. Con bé yêu nghề, đam mê lắm. Ngọc Huyền có thể chết vì nghề nghiệp. Số tôi được mẹ chồng cưng lắm. Nên bây giờ có con dâu thì tôi cũng cưng y như vậy. Trong gia đình mà có con dâu làm nghệ thuật thì tôi cũng thấy hạnh phúc. Tôi muốn con dâu thật thành công. Chỉ là dạo này Ngọc Huyền làm việc nhiều quá. Tôi hơi lo.

Khi làm nghệ thuật thì sẽ có lúc ảnh hưởng đến công việc chăm sóc gia đình. Bà có tạo điều kiện cho con dâu không?

Con dâu tôi trên sân khấu là nghệ sĩ có tài, ở nhà là con dâu đảm đang, rất giỏi. Tôi rất may mắn vì điều này. Ngọc Huyền có ông bà sui lúc nào cũng sát cánh nên cũng đỡ đần nhiều. Chứ số tôi sinh ra là hát chứ không giữ con, giữ cháu gì hết.

Các cháu có gần gũi với bà không?

Các cháu ngoan lắm. Mặc dù các cháu ở xa nhưng hai đứa con của Ngọc Huyền có gen nghệ thuật nặng lắm, ca rất hay.

Từng cấm Sơn Tuyền đi hát

Với vai trò chị cả của 14 người em thì chị có phải cáng đáng lo cho gia đình nhiều không?

Tôi tên thật là Như Mai. Lúc đó Sài Gòn có rất nhiều ca sĩ tên Mai nên mọi người muốn đặt tên khác. Thầy Nguyễn Văn Đông nói rằng tôi ở Đà Lạt có suối, thác, thông reo nên đặt là Tuyền nghĩa là suối, Thanh là cao nguyên xanh. Từ đó có tên Thanh Tuyền.

Điều đó là bắt buộc rồi. Năm 17 tuổi, tôi về Sài Gòn. Lúc đó là mùa hè năm 1964. Đến năm 1965 thì tôi nổi luôn. Trong nghề hát, tôi là người may mắn nhất, sau một đêm ngủ dậy giống như một giấc mơ vậy. Tôi đi hát từ ngày còn nhỏ, cũng được gọi là thần đồng nhưng Đà Lạt chỉ là tỉnh lẻ thôi. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ một sớm một chiều mà nổi tiếng ở Sài Gòn. Bao nhiêu đó cũng khiến tôi phải nghĩ rằng mình sinh ra là để đi hát.

Ngày đầu tiên bà đi hát ở Sài Gòn như thế nào? Bà có nhớ những kỉ niệm khi mình may mắn nổi tiếng sau một đêm?

Thầy của tôi là Nguyễn Văn Đông đã viết hồi kí khá rõ rồi đấy. Hồi đó thầy đưa tôi về đất Sài Gòn này, khoảng bảy tháng sau thì chỗ mấy góc đường Sài Gòn đều treo hình của tôi. Thời đó chưa có truyền hình nên tôi có đi ăn bò kho, uống nước mía lề đường thì cũng không ai biết tôi nổi tiếng. Lúc tôi được biết đến thì tôi chưa hề biết phấn son, mọi thứ đến quá nhanh. Đến nỗi bây giờ nghe lại những đĩa thu hồi đó tôi thấy sao mà non nớt quá. Quá non như trái còn xanh. Nhưng vậy mà nổi tiếng. Mà nổi tiếng vậy thôi chứ khi phòng trà Quốc tế Bồng Lai mời đi hát, tôi không biết đánh son phấn thế nào. Thầy tôi phải giúp tôi trang điểm. Thầy chưa từng đánh son phấn cho người đàn bà mà lại đánh son cho tôi. Nghe những câu chuyện về cuộc đời tôi nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã tặng bài Nỗi buồn hoa phượng cho tôi. Thời đó, bài hát thu cho hãng đĩa Sóng Nhạc bán khắp miền Nam đắt khách kinh hồn.

NSND Lệ Thủy từng kể vào thời hoàng kim của các gánh hát có những lúc nhận tiền từng bao tải. Điều này có rơi vào trường hợp của bà không?

Tôi hát cho đoàn Kim Cương không có bao tải tiền đâu. Chỉ có mỗi tuần nhận được 1 kg đường, 1 bịch bột ngọt, 2 lon sữa. Tôi, Thái Châu, Họa Mi, Lệ Thu, Phương Hồng Quế hát xong là lãnh nhu yếu phẩm nhưng mà vui vì một bản nhạc mà tôi hát nguyên cả năm. 365 ngày, ngày nào cũng hát có một bản mở màn cho vở kịch thôi. Ví dụ kịch của đoàn Kim Cương làm bài Lá sầu riêng thì tôi hát Nổi lửa lên em. Qua năm sau hát Khúc tâm tình người Hà Tĩnh. Ngày nào tôi cũng đến hát đúng một bài rồi đi về. Hát mỗi đêm mà sao cũng có người coi hoài. Mà sao cũng kì ghê. Có một ca khúc với vở kịch đó mà khán giả cứ xem hoài không chán. Đó là năm 1976.

Lần này về nước có kỉ niệm gì khiến bà bồi hồi không?

Dù ở đâu thì Sài Gòn lúc nào cũng ở trong tim tôi. Lúc ở bên Mỹ, tôi vẫn nhớ Sài Gòn. Tôi nhớ nhất những ngôi nhà cũ đã ở ngày xưa ngay Hàng Xanh mà mỗi lần đi ngang không vào được.

Món ăn nào của Sài Gòn mà chị nhớ nhất?

Tôi nhà quê, bình dân lắm. Tôi không quan trọng, cầu kì ăn uống. Mình con nhà nghèo mà. Ăn thì cũng nhớ những món kỉ niệm. Có những kỉ niệm hồi trẻ không bao giờ quên, như lúc nào trong nhà cũng phải có ba khía, rau luộc nên bây giờ lúc nào dọn trên mâm của tôi cũng có món này.

Lúc còn đi học, bà đối diện với sự nổi tiếng thế nào?

Khi đang học Đệ Tứ ở trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt thì tôi chuyển về Sài Gòn học Lê Văn Duyệt, một trong bốn trường nữ thời bấy giờ. Lúc đó, tôi đi học không ai biết vì tôi tên khác, Như Mai. Trong văn nghệ khi nổi tiếng thì tôi lại càng không muốn ai biết đến mình. Tôi chỉ muốn đi học cho tốt thôi. Người bạn ngồi kế bên còn không biết tôi đi hát nữa. Tôi không muốn người ta biết mình là ca sĩ. Năm 1967 bắt đầu có đài truyền hình đen trắng thì khán giả bắt đầu biết mình, còn trước đó thì không biết. Đến khi báo chí bắt đầu đăng hình tôi lên bìa là tôi đã học xong rồi.

Khi nổi tiếng, bà có “chảnh” không?

Mấy chục năm nay tôi chưa hề thấy mình “xuống”, bởi vì tôi chưa bao giờ thấy mình “lên”. Tính tôi trước sau như một với những người làm việc chung, bạn bè. Tôi không biết “chảnh”, mà muốn làm cũng không được, nhất là đến giờ, sau bao nhiêu thăng trầm rồi. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thi, con của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt cho tôi biệt danh là “nữ ca sĩ không xuống tông”, tức là tôi trước giờ vẫn vậy. Ngay cả lúc lên cao tận cùng thì tôi vẫn vậy.

nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat Hàng trăm khán giả đội mưa đi xem Thanh Tuyền hát

(TGĐA) - Tối ngày 4 và 5/11, dù thời tiết không thuận lợi do ảnh ...

nu hoang bolero thanh tuyen troi sinh toi ra de hat Danh ca Thanh Tuyền: Trở về để lại ra đi

(TGĐA) - Tuy khoé mắt đã ẩn hiện vài dấu chân chim, nhưng trông chị ...

Vũ Liên