Andrew Stanton: "Mọi con đường rộng mở, nếu bạn kiên nhẫn và có tài"

(TGĐA) - Khác với các đạo diễn phim truyện, tên tuổi của các nhà làm phim hoạt hình hiếm khi được khán giả đại chúng biết đến. Đạo diễn Mỹ Andrew Stanton là một ngoại lệ may mắn. Tên ông trở nên quen thuộc năm 2003, khi bộ phim hoạt hình Đi tìm Nemo (Finding Nemo) xuất hiện khiến cả khán giả người lớn lẫn trẻ em một tiếng rưỡi đồng hồ vừa cười vừa khóc khi theo dõi cuộc sống của những chú cá con. Sau đó, vào năm 2008, họ còn cười to hơn khi Stanton giữ khán giả ngồi trước màn ảnh rộng nửa giờ, bắt họ dõi theo cuộc sống hàng ngày của anh chàng robot cô độc làm nghề lao công… Và mới đây, khi phim Đi tìm Dory (Finding Dory) công chiếu, tên tuổi của ông càng được nhiều khán giả nhớ tới. Nhân dịp Andrew Stanton đến thăm Moskva và có cuộc tọa đàm về quá trình làm phim Đi tìm Dory, ông cũng có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kino-teatr.ru. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

andrew stanton quotmoi con duong rong mo neu ban kien nhan va co taiquot

Cảnh trong phim Finding Dory

Người ta thường nói rằng trong những bộ phim của hãng Pixar và phim của ông, cái chủ yếu không phải là những bối cảnh sang trọng và sự đổi mới kỹ thuật, mà là cốt truyện hay. Theo quan niệm của ông, thế nào là “cốt truyện hay”. Đối với ông những cốt truyện nào được coi là xuất sắc?
Đó là một sự pha trộn kỳ lạ. Hai bộ phim yêu thích của tôi là Lawrence of Arabia và Amadeus. Còn cuốn sách yêu thích của tôi là Chùm nho nổi giận của John Ernst Steinbeck. Tôi nghĩ rằng điểm chung đối với tất cả các câu chuyện xuất sắc – không quan trọng chúng dài hay phức tạp như thế nào - là việc chúng luôn luôn chỉ kể về một điều. Và chúng được bố cục một cách chặt chẽ: không thể thêm bớt gì trong đó. Khi bạn đọc hay xem – bạn bị lôi cuốn, bạn quên đi bạn đang ở đâu, thời gian như dừng lại, và bỗng nhiên cuốn sách kết thúc hay ánh sáng bật lên và bạn muốn trở về nơi đó. Theo quan niệm của tôi, một câu chuyện hay là như vậy.

andrew stanton quotmoi con duong rong mo neu ban kien nhan va co taiquot

Đạo diễn Andrew Stanton

Khi bắt tay vào làm phim, ông đã biết nó sẽ như thế nào chưa? Ông sẽ kể về điều gì?

Tôi không bao giờ biết chắc chắn và rõ ràng tôi muốn nói điều gì, nhưng tôi biết rằng trong câu chuyện của tôi có một cái gì đấy đích thực. Điều này cũng giống như khi bạn làm quen với một con người, bạn chưa thực sự biết anh ta, nhưng anh ta gây cho bạn một ấn tượng tốt. Với câu chuyện cũng vậy. Bạn cảm thấy: “Ở đây có một cái gì đấy, và mình muốn biết về “cái gì đấy” nhiều hơn”. Trong trường hợp Đi tìm Dory, phải mất nhiều thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian, trước khi tôi biết được nhiều hơn về câu chuyện này, hiểu được rằng nó nói về sự tiếp nhận bản thân. Đoạn kết của bộ phim, Dory tìm được sự bình yên và hài hòa bên trong. Ở những cảnh phim cuối cùng, chúng ta thấy Dory ở bên một tảng đá ngầm: nó đang chiêm ngưỡng cảnh đẹp và cảm thấy rất thoải mái. Nhưng làm thế nào tìm được sự hài hòa bên trong? Để có điều đó, với nó tìm thấy bố mẹ chưa đủ. Nó cần phải hiểu nó là ai. Và khi nhận thức ra điều đó, tôi nghĩ: “Trời ơi, mình mới 50 tuổi. Mình thử tìm hiểu mình là ai, tiếp nhận bản thân. Bởi vì mình không thay đổi được nữa, và cần học cách hài lòng về bản thân như vốn có”. Bạn biết không, có lẽ đây là điểm chung mà bộ não của tôi, trong một thời điểm nào đó, nhận thức được và muốn nói.

andrew stanton quotmoi con duong rong mo neu ban kien nhan va co taiquot

Logo xưởng phim hoạt hình Pixar nổi tiếng

Nghĩa là, Dory đã tìm thấy chính mình?

Vâng, hoàn toàn đúng. Đó cũng là nội hàm của tên phim. Đây không chỉ nói về việc những người bạn đi tìm và tìm thấy Dory trong đại dương, trong bể cá, mà là về việc nó đã đi tìm và tìm thấy mình.

Ông làm bộ phim này rất lâu, và theo tôi hiểu thì một số cảnh không có trong phương án ban đầu của kịch bản. Theo tôi, một trong những cảnh xuất sắc nhất của bộ phim là khi Dory chu du một mình và tìm kiếm cái gì đó. Và nó nhớ rằng nó tìm cái gì đó, nhưng không biết tìm cái gì, rồi bám theo những con cá khác hỏi chúng có biết nó tìm gì không… Cảnh này được viết như thế nào?

Bạn biết không, buồn cười nhất là câu chuyện này đã có trong đầu tôi từ rất lâu, từ năm 1999, khi Dory xuất hiện như một nhân vật. Tôi luôn luôn hình dung rằng nó suốt đời đi lang thang như vậy. Nếu như bạn xem lại Đi tìm Nemo, bạn sẽ thấy… Dory không than phiền về sự cô độc và không nói gì về mình, nhưng bỗng nhiên vào cuối phim, nó nói: “Đừng bỏ đi, xin bạn, khi tôi nhìn thấy bạn, tôi…như ở nhà”. Tưởng như điều ấy không có gì quan trọng, nhưng tất cả chúng ta đều đón nhận một bước ngoặt như vậy. Có lẽ, bởi vì bằng bản năng chúng ta cảm thấy: nếu bạn một mình trong đại dương và trí nhớ của bạn có vấn đề thì chưa chắc bạn hạnh phúc thực sự.

Bản tính Dory rất vui vẻ - đó là bộ áo giáp của nó, cách thức tồn tại của nó, cách nó tăng cơ hội có thêm bạn bè. Nếu gặp ai đó, có thể, họ sẽ không bỏ tôi, nếu tôi thân thiện như vậy, nếu tôi sẵn sàng giúp đỡ… có thể, họ sẽ ở lại với tôi. Đó là tấm lá chắn. Và tôi luôn luôn biết như vậy. Nhưng, thật buồn cười, tôi không bao giờ nói về điều đó. Tôi cho rằng nó là đương nhiên. Thế rồi hai năm trước khi bộ phim ra đời, nếu tôi không nhầm, nhóm làm phim của tôi xây dựng nhân vật, họ nghĩ ra những lời đối đáp cho Dory, và Dory trở nên ngốc nghếch, cục mịch như vậy… Lúc bấy giờ xuất hiện cảnh bạn nói trên.

andrew stanton quotmoi con duong rong mo neu ban kien nhan va co taiquot

Andrew Stanton (phải) tại xưởng phim Pixar

Ông gọi Dory là nhân vật bi kịch. Và từ này gợi cho tôi ý nghĩ rằngcó thể nhìn thấy trong bộ phim một số ám chỉ về văn học cổ đại Hy Lạp: ví dụ như Odyssey hay Edip làm vuaĐây chỉ là các nguyên mẫu hay là một sự trích dẫn có ý thức?
Tôi không biết. Tôi không ngạc nhiên, nếu như ở đây có những hình tượng nguyên mẫu nào đó, có thể thực sự là Edip…Bạn biết không, tôi tin rằng các câu chuyện cổ được ra đời từ những tâm trạng nhất định của con người. Đây là nguồn chính. Và nếu một câu chuyện nào đó kể một cách trung thực về những gì diễn ra bên trong
chúng ta, thì nó thường trùng hợp với câu chuyện từ quá khứ hay với câu chuyện trong tương lai. Đó là mối liên hệ tự nhiên, bởi vì tất cả đều diễn ra trong thế giới nội tâm của con người.

Hãng Pixar làm tất cả các bộ phim trong nhiều năm. Và ông xây dựng kịch bản 3,4 hoặc 5 năm. Điều đó có thực sự cần thiết không? Liệu có thể viết một kịch bản hay và làm bộ phim hay nhanh hơn không?
Tôi những muốn thế… bắt đầu từ năm 1992, chúng tôi thử làm nhanh hơn. Nhưng không thành công. Theo tôi, dù sao, để có được một kịch bản thực sự hay cần phải mất 3-4 năm. Đôi khi, tác giả ngồi viết một mình trong phòng làm việc, và sau đó đem bán. Và có cảm giác là bộ phim được sản xuất nhanh, nhưng dù sao cũng có ai đó dành một khoảng thời gian như vậy để sáng tác câu chuyện.

Ở hãng Pixar quá trình này có vẻ dài, bởi vì chúng tôi bắt đầu từ trang giấy trắng và một cách công khai, chúng tôi phạm những sai sót mà tác giả thường phạm phải khi làm việc một mình. Tôi nghĩ rằng chúng tôi chỉ đưa ra một cái thang tạm thời thống nhất đối với quá trình xây dựng câu chuyện. Tôi rất muốn tin điều đó.

Ông nói rằng tài năng nói chung không có ý nghĩa. Quan trọng là lao động, sự cần cù, trung thực…Hay tài năng dù sao vẫn cần?

(Cười) Tài năng, tất nhiên, cần thiết. Nhưng thiếu lao động, sự cần cù, chăm chỉ, thiếu sự làm việc nghiêm túc, tài năng không mang lại nhiều kết quả. Nếu bạn có sự kiên nhẫn – đây là từ yêu thích của tôi - đồng thời bạn có tài… thì mọi con đường rộng mở trước mắt bạn.

Mỗi một bộ phim hoạt hình của hãng Pixar là một bước đột phá. Làm cách nào ông tránh được lối mòn và sự nhàm chán?
Có rất nhiều người xuất chúng làm việc cho Pixar. Họ rất tài năng, thông minh, vui nhộn, và luôn luôn vươn tới sự hoàn mỹ. Vì thế không cần chờ đợi sự phê phán ở đâu xa. Bạn bị phê phán hàng ngày, hàng giờ. Nếu có vấn đề gì đấy, các đồng nghiệp cùng làm việc với bạn sẽ nói: “Ồ, cái này có rồi”. Và bạn: “Tôi sẽ làm lại”. Đôi khi quả là điều đó làm bạn bực mình.

Trần Hậu

(Theo http://www.kino-teatr.ru)