Những 'nút thắt, điểm nghẽn' cần tháo gỡ để điện ảnh phát triển

(TGĐA) - Tại Hội nghị gặp mặt giữa đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và văn nghệ sĩ cả nước vào chiều 30/12/2024 tại Hà Nội, được vinh dự thay mặt những người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình cả nước trong một “tổ chức quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã mạnh dạn nêu lên một số “điểm nghẽn, nút thắt” trong cơ chế chính sách của Nhà nước đối với công nghiệp điện ảnh - một ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn, đã và đang rất cần được quan tâm “tháo gỡ” hiện nay.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Cánh diều 2024 hứa hẹn sẽ đặc biệt và ấn tượng hơn! PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Cánh diều 2024 hứa hẹn sẽ đặc biệt và ấn tượng hơn!
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Nâng tầm giải thưởng Cánh diều trước muôn vàn khó khăn! PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Nâng tầm giải thưởng Cánh diều trước muôn vàn khó khăn!
Những 'nút thắt, điểm nghẽn' cần tháo gỡ để điện ảnh phát triển
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc.

Điểm nghẽn thứ nhất, mong được tháo gỡ

Hiện nay, do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư chưa cho phép lĩnh vực văn hóa được áp dụng hình thức đầu tư này khiến việc kết hợp đầu tư ngân sách với nguồn tư nhân cho sản xuất, phổ biến phim không thực hiện được. Điểm nghẽn này có thể dễ dàng được tháo gỡ bởi một Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025. Việc kết hợp 2 nguồn vốn công – tư theo quy định của pháp luật sẽ góp phần tăng cường năng lực sản xuất phim; đặc biệt cho những dự án phim ngoài dòng giải trí, thương mại.

Điểm nghẽn thứ hai, mong được tháo gỡ

Việc chiếu phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình... được sản xuất bởi ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đặt hàng đang có sự đứt gãy phổ biến tác phẩm do không có quy định pháp luật chỉ ra cụ thể cơ quan, tổ chức nào được đại diện cho Nhà nước trực tiếp nắm quyền chủ sở hữu phim để có thể triển khai hoạt động phổ biến, phát hành phim.

Thêm nữa, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý tài sản công quy định tất cả doanh thu từ khai thác sản phẩm có đầu tư công đều nộp ngân sách khiến các rạp chiếu tư nhân chẳng “mặn mà” phát hành phim Nhà nước, trong khi hệ thống rạp chiếu “quốc doanh” trước đây đảm nhiệm tốt vai trò đưa phim đến khán giả nay đã gần như hoàn toàn tan rã (cả nước chỉ còn Trung tâm chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội đang hoạt động).

Bởi vậy tình trạng phim sử dụng ngân sách sản xuất xong chỉ chiếu một vài buổi vào các dịp lễ và kỷ niệm rồi cất kho vẫn là vấn nạn lãng phí trầm kha và đang làm giảm hiệu quả đầu tư Nhà nước cho điện ảnh. Trong khi đó, truyền hình chưa trở thành đầu ra cho điện ảnh.

Đây đang là những “điểm nghẽn” cản trở việc phổ biến phim Nhà nước đến với công chúng, khán giả. Do đó, chính phủ sớm ban hành văn bản pháp quy điều chỉnh hài hòa mối quan hệ hợp tác giữa điện ảnh và truyền hình; theo đó truyền hình trở thành đầu ra hiệu quả cho Điện ảnh - nhất là đối với các phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước. Để đảm bảo hiệu quả “phục vụ nhiệm vụ chính trị” của phim sản xuất bằng nguồn ngân sách; nên cho áp dụng hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) thay hình thức hợp đồng BTO hiện hành (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) để tạo điều kiện các cơ sở, đơn vị làm phim được quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm phin ảnh làm ra để có doanh khai thác trước khi bàn giao phim về chủ đầu tư (Nhà nước) để lưu quản, giao lưu tác phẩm, nghiên cứu, học tập… lâu dài.

Điểm nghẽn thứ ba: Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia chưa vận hành được

Hoạt động điện ảnh hiện đang diễn ra chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm thực hiện “nhiệm vụ chính trị” trọng tâm và khu vực tư nhân với dòng phim đơn thuần giải trí, thương mại. Bên cạnh đó còn có một dòng sáng tác mang tính tác giả, thể nghiệm của các nhà làm phim độc lập, người làm phim trẻ. Với nhiệm vụ hỗ trợ sáng tác trẻ, phim đầu tay, phim nghệ thuật, phim tác giả… nhằm khuyến khích tài năng điện ảnh và tạo nên những tác phẩm giàu năng lực hội nhập để góp phần đưa điện ảnh Việt Nam đến với thế giới; Qũy hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia sau một quá trình được xem xét, cân nhắc kỹ và đã được Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2022 thông qua. Nhưng, tiếc thay, đến nay Quỹ vẫn chưa thể vận hành.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; theo đó các lĩnh vực sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế tăng gấp đôi so với trước đây và lên tới 10%. Nên chăng khi Nhà nước đã và sẽ có nguồn lực dồi dào hơn để có thể trích ra một phần cho Quỹ điện ảnh triển khai hoạt động.

Điểm nghẽn thứ tư: Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa đủ hấp lực thu hút những nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam

Hiện nay Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (đặc biệt với sáng kiến chỉ số PAI thu hút đoàn làm phim nước ngoài) cùng Hội Điện ảnh Việt Nam và chính quyền nhiều tỉnh thành, địa phương đã tổ chức những hoạt động thiết thực để quảng bá du lịch gắn với điện ảnh, để Việt Nam sớm là điểm đến của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn những đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam nhằm góp phần kích cầu du lịch, phát triển kinh tế thì chính sách ưu đãi về thuế và cải tiến các thủ tục của Nhà nước là quan trọng nhất. Một thí dụ đơn cử tại Thái Lan, Chính phủ Thái đã ưu đãi giảm thuế từ 20 – 30 % cho các đoàn phim từ nước ngoài đến làm phim. Nhờ thế số lượt các đoàn phim quốc tế tăng lên không ngừng. Năm 2017 có 49 dự án. Năm 2024 có tới 214 dự án làm phim giúp Thái Lan thu hàng trăm triệu đô la.

Những 'nút thắt, điểm nghẽn' cần tháo gỡ để điện ảnh phát triển
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu tại Hội nghị

Điểm nghẽn thứ năm: Liên quan đến vấn đề của một đơn vị sản xuất điện ảnh, nhưng ảnh hưởng đến đường lối văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng, hiệu lực thực thi của chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như niềm tin của giới văn nghệ sĩ vào tương lai

Đó là tình hình sau cổ phần hóa với chỉ một dư vị đắng chát của Hãng phim truyện Việt Nam - một đơn vị từng là cánh chim đầu đàn của Điện ảnh Cánh mạng với bao thành tích huy hoàng; nhưng nay hoang tàn, đổ nát và đại bộ phận nghệ sĩ, người lao động thì đã 8 năm nay không việc làm, không lương, không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Những bức xúc, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của anh chị em đã nhiều lần được đề đạt tới Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cấp có thẩm quyền. Rồi công tác thanh tra cũng đã diễn ra cùngquyết định sau thanh tra của Chính phủ trong đó có yêu cầu bộ chủ quản sớm giải quyết tình trạng sau cổ phần hóa của Công ty CP Hãng Phim truyện Việt Nam được ban hành… Nhưng đến nay tất cả vẫn là im lặng kéo dài khiến bao giá trị kinh tế có thể khai thác từ địa chỉ này bị lãng phí, bao năng lực sáng tạo quý giá của người làm phim mai một cùng năm tháng…

Vừa qua, tập thể nghệ sĩ, người lao động tại đơn vị lại tiếp tục có Đơn kiến nghị gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Tổng Thanh tra Chính phủ mong sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng bế tắc hiện nay để anh chị em có công ăn, việc làm, có cơ hội tiếp tục phát triển nghề nghiệp và cống hiến. Và cũng để nhà đầu tư hiện nắm quyền sở hữu đơn vị có lối ra phù hợp với quy định của pháp luật.

Từ thực tế trên, xin đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy Điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, cụ thể là:

Thứ nhất, nên sớm cho áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong khâu sản xuất và phổ biến phát hành phim để kịp thời bổ sung nguồn lực cho điện ảnh; đồng thời cho phép các cơ sở sản xuất được quyền phát hành, phổ biến tác phẩm làm ra để kịp thời đưa phim đến khán giả và cải tiến nguồn thu cho cả Nhà nước và các đơn vị trực tiếp làm ra sản phẩm.

Thứ hai, đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đặc biệt là xây mới các trung tâm chiếu phim hiện đại ở cả 3 miền, hệ thống nhà văn hóa - điện ảnh và tăng cường công tác chiếu bóng lưu động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, phát triển du lịch gắn với điện ảnh; trong đó chú trọng tạo dựng các trường quay, bối cảnh quay phim thành các điểm du lịch kết hợp với các khu sinh thái điện ảnh.

Thứ tư, để phim sử dụng ngân sách có sức thu hút khán giả của rạp chiếu thương mại (hiện tới 80 - 90 % là người trẻ), cần chú trọng đầu tư khâu quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường phổ cập kiến thức điện ảnh vào nhà trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo điện ảnh để góp phần "ươm mầm tài năng" và dần hình thành nên những thế hệ khán giả mới có kiến thức và thói quen thụ hưởng nghệ thuật, phim ảnh đúng đắn.

Thứ sáu, tạo cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc gia nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ các tài năng điện ảnh, các dự án làm phim có triển vọng làm nên những phẩm lớn có thể đại diện xứng đáng cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Vấn đề cuối xin được kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động văn học nghệ thuật và các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trong giai đoạn mới. Trong thể chế kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay; các tổ chức văn học nghệ thuật đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phát triển ổn định do nhiều lĩnh vực chuyên ngành không có tiềm năng “xã hội hóa” để có nguồn lực bổ sung cho hoạt động, công tác hội. Bởi vậy; để các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương là nơi tập hợp và phát huy tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kính mong Chính phủ tiếp tục thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật bằng cơ chế, chính sách cụ thể để các hội duy trì hoạt động đề cho từng bước tiến đến chủ động về điều kiện hoạt động theo hướng mở rộng tự do cá nhân người sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội và mục đích nghề nghiệp đúng đắn.

Câu chuyện tình yêu kinh điển 'Bí mật không thể nói' sẽ trở lại màn ảnh rộng trong năm 2025 Câu chuyện tình yêu kinh điển 'Bí mật không thể nói' sẽ trở lại màn ảnh rộng trong năm 2025
'Nụ hôn bạc tỷ' liên tục cháy vé, đường đua phim Tết càng lúc càng gay cấn 'Nụ hôn bạc tỷ' liên tục cháy vé, đường đua phim Tết càng lúc càng gay cấn

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam