Tháng 5, nắng và gió khô đầu hè khiến cho hoa phượng nở rực rỡ. Thành phố Điện Biên Phủ chan hòa ánh nắng cùng những bước chân tấp nập của du khách thập phương về thăm những địa danh nổi tiếng, từng được nhắc đến trong trận chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 65 năm.
Những cứ điểm Him Lan, đồi A1, C1, hầm Đờ-cát Tơ-ri và đặc biệt là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng cách trung tâm thành phố gần 20km… là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ mà hầu như bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc tên. Đặt chân đến những nơi này, ai cũng cảm nhận được không khí hào hùng của quân và dân ta trên mặt trận 56 ngày đêm.
|
Đường hào của quân Pháp trên đồi A1 |
Trên đồi A1, các cứ điểm ghi dấu cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, đường hào của quân Pháp, hố bom khổng lồ nằm dưới tán phượng đỏ rực dường như vẫn đang vang lên khúc bi tráng. Dừng chân tại tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của núi phía xa, cánh đồng Mường Thanh phía dưới, ta như cảm nhận được nhiều hơn sự hi sinh vĩ đại của thế hệ cha anh, đã đổ bao máu xương để Tổ quốc được như ngày hôm nay.
|
Hố bom khổng lồ trên đỉnh đồi A1 |
|
Hoa phượng nở đỏ rực trên đồi A1 |
Tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm giác ấy trở nên mạnh hơn, xen lẫn xúc động và tự hào khi tận mắt nhìn những tài liệu, hiện vật, ảnh, mô hình khái quát rõ nét cuộc kháng chiến 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Các mô hình gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bàn bạc, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Bộ đội hò kéo pháo; Các chiến sĩ sinh hoạt và chiến đấu trong hầm hào ở chiến trường; Đồng bào dân tộc gùi lương thực nuôi bộ đội trong chiến dịch… khiến cho du khách thực sự được sống trong không khí của một trong những cuộc chiến vĩ đại nhất trong lịch sử.
|
Bộ đội cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ-cát Tơ-ri ngày 7 tháng 5 năm 1954 |
|
Chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bàn bạc, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 |
|
Đồng bào dân tộc gùi lương thực nuôi bộ đội trong chiến dịch |
|
Góc trưng bày tại Bảo tàng |
|
Một góc trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ |
Về với Mường Phăng, trong không gian tĩnh mịch, dưới tán rừng cổ thụ, dọc theo con suối nhỏ, khu di tích nằm dưới chân núi Pú Đồn bao gồm toàn bộ các công trình của Sở chỉ huy được kết nối liên hoàn với hầm hào, lán trại. Nơi này có lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Lán làm việc của Trưởng Ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy… Tất cả gần như đều được bảo tồn nguyên vẹn, nên vẫn giữa được vẻ hoang sơ, mang đậm dấu ấn chiến thắng của chiến dịch lịch sử hơn 60 năm về trước.
|
Đường hầm tại Sở chỉ huy trong khu căn cứ Mường Phăng |
|
Đường vào thăm di tích Sở chỉ huy |
|
Sở chỉ huy nằm dưới chân núi Pú Đồn |
Điện Biên hôm nay, cùng với những di tích ghi dấu một thời gian khổ và hào hùng của cha ông ta là sự yên bình, dịu dàng của thiên nhiên, đất trời Tây Bắc. Những ngôi nhà sàn ẩn mình dưới chân núi, thấp thoáng bước chân nhịp nhàng của cô gái Thái, những khu chợ người Mông với các sản vật nhà trồng, hoặc tự tay làm gồm: Một chút rau, dăm ba củ mài, vài lọ chằm chéo, hay vài chiếc hoa chuối rừng… đều là những nét đẹp quyến rũ của Điện Biên mà nếu đã đến một lần, ta sẽ luôn muốn được trở lại.