1965 – Câu chuyện về một huyền thoại

(TGĐA Online) - Khởi nguồn, như một câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Quang Diệu – một trong những chính khách danh tiếng bậc nhất thời hiện đại. Nhưng 1965, bộ phim sẽ ra mắt vào tháng 7 tới, đúng ngày kỷ niệm 50 năm Singapore tuyên bố độc lập sẽ phát triển trở thành một dòng chảy lớn hơn. Phim là thời gian cả đất nước Singapore phải trải qua cuộc bạo loạn sắc tộc và bên cạnh Lý Quang Diệu – thuyền trưởng của con tàu độc lập ấy sẽ đan xen hình ảnh của nhiều nhân vật khác cũng có ảnh hưởng trong việc tạo dựng nên một cường quốc giàu mạnh và văn minh bậc nhất Châu Á này.

Cnh_trong_phim_1965_-_2

Cảnh trong phim 1965

Kịch bản như một phác họa lịch sử

1965 là bộ phim gây hiệu ứng mạnh nhất trong dòng chảy lịch sử điện ảnh đương đại Singapore trong khoảng từ 5 năm trở lại đây. Bộ phim được đầu tư 2.800.000 SGD (gần 50 tỷ VNĐ) và sẽ được phát hành chính thức trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Singapore vào tháng 7 năm 2015 tới đây.

Nói về 1965, truyền thông tại quốc đảo sư tử dành cho nhiều mĩ từ như: “Một bộ phim bom tấn mới” hay “Một biểu tượng có sức lay động nhất về Lý Quang Diệu”… Ngay từ năm 2010, khi chính thức lên tiếng thông báo về việc tìm kiếm diễn viên và sản xuất bộ phim, 1965 đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như đồn đoán của giới truyền thông không chỉ của Singapore mà còn lan rộng sang cả các quốc gia lân cận như Malaysia hay Trung Quốc. Người ta dành hi vọng đây sẽ là tác phẩm phản ánh chân thực nhất con đường biến chuyển từ một làng chài tiêu điều, nghèo khó “lột xác, hóa rồng” thành một trong những cường quốc nổi tiếng nhất thế giới, đặc biệt là vị lãnh tụ - thuyền trưởng huyền thoại Lý Quang Diệu dưới ống kính của nghệ thuật thứ bảy.

Cc_din_vin_1965_trong_ngy_ra_mt_d_n_phim

Các diễn viên 1965 trong ngày ra mắt dự án phim

Có thể khẳng định, 1965 là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đưa chân dung của nhà lãnh đạo thiên tài Lý Quang Diệu lên màn bạc. Phim xoay quanh mốc thời gian lịch sử vừa mong manh lại vừa thiêng liêng với người dân Singapore. Sẽ có những khoảnh khắc không bao giờ quên được phục dựng một cách hoành tráng dưới góc máy quay phim như giờ phút Lý Quang Diệu đọc tuyên ngôn độc lập cho quốc gia cũng như hé lộ những chi tiết về đời sống chính trị đầy màu sắc và cuộc sống gia đình hạnh phúc, đáng giá phía sau của một nguyên thủ lỗi lạc. Giám đốc điều hành sản xuất của 1965 là Daniel Yun đã chia sẻ: “Khi chúng tôi quyết định thực hiện dự án này, chúng tôi vừa phấn khích, tự hào lại vừa đầy hồi hộp, lo lắng. Kịch bản phải sửa đi, sửa lại rất nhiều lần vì liên quan đến nhiều chính trị gia của Singapore đặc biệt một huyền thoại sống như Lý Quang Diệu không phải có thể dễ dàng tô vẽ. Chúng tôi muốn cho công chúng thấy một Singapore đã phải trải qua những năm tháng như thế nào để có được ngày hôm nay và Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo tài năng kiệt xuất nhưng giản dị và gần gũi đến thế nào? Có lẽ vì vậy mà cả ê kíp đã phải làm việc liên tục và rất căng thẳng trong vòng 5 năm để hoàn thiện kịch bản cũng như tìm kiếm được diễn viên thích hợp nhất. Cuối cùng, 1965 cũng đã hoàn thành và chúng tôi chờ đợi sự đánh giá của công chúng không chỉ ở Singapore mà còn cả với khán giả quốc tế”.

Nam_ti_t_Lim_Kay_Tong_trong_vai_c_th_tng_L_Quang_Diu

Nam tài tử Lim Kay Tong - người thủ vai cố Thủ tướng Lý Quang Diệu

Lim Kay Tong – một hóa thân giàu cảm xúc

Trước khi Daniel Yun quyết định chọn nam diễn viên Lim Kay Tong là người sẽ hóa thân thành Lý Quang Diệu, đã có nhiều ý kiến cho rằng khả năng Lương Triều Vỹ sẽ là cái tên được “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, ngay lập tức Daniel đã bác bỏ tin đồn này và khẳng định “Tôi nghĩ, người hóa thân thành nhà lãnh đạo của chúng tôi nên là một người dân Singapore và có khả năng nói tiếng Anh tốt, lưu loát chứ không nên là một người Trung Quốc, dù họ có nổi tiếng đến thế nào. Ý kiến này của ông đã nhận được hoàn toàn sự ủng hộ của quan chức điện ảnh và người hâm mộ tại Singapore. Trong thời điểm đó, Lim Kay Tong vẫn chưa phải là diễn viên được lựa chọn ngay mà anh còn phải vượt qua một số đối thủ đáng gờm khác. Tuy nhiên, chính sự cầu thị, khả năng học hỏi và mong muốn “dốc hết sức mình cho một vai diễn để đời” mà Lim Kay Tong đã chinh phục được toàn bộ ê kip làm phim của 1965.

Cnh_trong_phim_1965

Cảnh trong phim 1945

Nói về Lim Kay Tong thì có lẽ truyền thông và khán giả Việt Nam vẫn còn khá xa lạ với anh. Tuy nhiên, tại đảo quốc Sư Tử, anh lại là một nghệ sĩ gạo cội, nhiều kinh nghiệm, từng thể hiện nhiều vai diễn đa dạng và rất thành công trên cả truyền hình cũng như màn ảnh rộng. Khi tham gia “chạy đua” cho vai diễn Lý Quang Diệu trong 1965, Lim Kay Tong đã phải dành gần 5 năm chỉ để nghiên cứu kịch bản, đọc sách và tìm tài liệu về Lý Quang Diệu. Anh cũng phải ghi âm và xem đi xem lại hình ảnh các cuộc phỏng vấn, các buổi nói chuyện, diễn thuyết của nhà lãnh đạo huyền thoại ở trong và ngoài nước. Anh chia sẻ: “Thực sự tôi hạnh phúc khi mình được truyền tải Lý Quang Diệu trên màn ảnh. Đây là vai diễn có sức nặng và khiến tôi mất ăn mất ngủ trong thời gian dài nhất. Ở thời điểm thập niên 60, có hai sự kiện luôn khiến tôi ám ảnh mãi mãi đó là thủ tướng Mỹ - John F Kennedy bị ám sát và bài phát biểu tuyên bố độc lập của Lý Quang Diệu. Ông là một nhân vật mang tính quyết định trong câu chuyện của 1965 vì chính ông là người đã định hình lịch sử. Đọc về ông, hóa thân thành ông đã thay đổi suy nghĩ trong con người tôi rất nhiều. Tôi thấy cuộc đời ông giống như một trang sách mở và tôi hãnh diện vì được tái hiện nó”.

Nam_ti_t_Lim_Kay_Tong_-_ngi_th_vai_c_Th_tng_Singapore_L_Quang_Diu

Cho đến nay, 1965 đã hoàn thành và đạo diễn, nhà sản xuất của bộ phim rất hài lòng và đánh giá cao về diễn xuất của Lim Kay Tong. Anh là diễn viên thể hiện được thần thái của Lý Quang Diệu tốt nhất kể cả ở những phân đoạn tuổi 40 hay 80 của cố thủ tướng Singapore. Trong khi thực hiện bộ phim, thỉnh thoảng họ cũng tìm hiểu về phản ứng của Lý Quang Diệu nhưng cuối cùng Daniel Yun phải lên tiếng: “Chúng tôi không thấy phản hồi nào từ phía thủ tướng. Có lẽ ông đợi đến khi bộ phim được trình chiếu mới đưa ra nhận xét của mình. Còn Lim Kay Tong, trước khi thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời, thì hóm hỉnh nói với các báo: “Tôi hi vọng cựu thủ tướng sẽ không nhấc điện thoại gọi cho tôi và nói tôi chỉ là một kẻ giỏi bắt chước chứ không thể hiện được con người thật của ông”. Nhưng đáng tiếc, cuốn phim cuộc đời chưa kịp ra mắt thì Lý Quang Diệu đã từ biệt cõi trần vào tháng 3 vừa qua. Đây được coi là mất mát lớn nhất với dân tộc Singapore và với thế giới, chúng ta mất một chính trị gia, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng mạnh nhất trong suốt hai thế kỷ.

Lý Quang Diệu là người có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nghệ thuật ở Singapore. Ông đã đưa ra rất nhiều định hướng và chính sách hay để phát triển nền văn hóa đa dạng tại đảo quốc này. Bên cạnh đó “nhân vật lịch sử đương đại mang bóng dáng thần thoại này” cũng là nguồn cảm hứng vô tận để các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo và khắc họa. Mọi điều về ông đã trở thành di sản và di sản này vẫn đang được các thế hệ nghệ sĩ tại Singapore khai thác làm chất liệu cho những tác phẩm “xanh màu nhân bản” của mình.

Hương Giang