A Separation - Người hùng bị hắt hủi ở quê hương

(TGĐA) - Khi trả lời báo chí quốc tế về giải Oscar danh giá dành cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, đạo diễn Asghar Farhadi – cha đẻ của A Separation đã thẳng thắn nói: “Tôi nghĩ rằng thế giới cần nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Tôi muốn cung cấp cho người xem những câu hỏi, chỉ khi đó bộ phim mới thực sự được bắt đầu và có thể khiến họ quan tâm. Hãy suy nghĩ về IRAN đó là điều tôi hướng tới trong bộ phim này…”

Thông tin chung về bộ phim:

Đạo diễn: Asghar Fahadi

Biên kịch: Asghar Fahadi

Diễn viên: Peyman Moadi, Leila Hatami, Sareh Bayat, Shahab Hosseini…

Năm sản xuất: 2011

Điểm trên IMDB: 8,6

Canh_trong_A_Separation

Một cảnh trong phim A Separation

Làn gió Trung Đông ở Oscar

Câu chuyện trong A Separation chỉ gói gọn trong bối cảnh một gia đình trẻ, trung lưu của xã hội Iran hiện đại. Với những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa các thành viên trong gia đình với nhau và mâu thuẫn với những người thuộc tầng lớp dưới…Bộ phim là cái nhìn toàn diện và sâu sắc về giá trị của đạo đức, sự phân tầng giai cấp, định kiến, tôn giáo…trong sự xô lệch của một nền văn hóa Hồi giáo đang trên đà mai một.

Giữa một rừng bom tấn với kinh phí thực hiện khổng lồ, kỹ xảo đẹp mắt, hoành tráng và dàn ngôi sao nổi tiếng… được mang ra trưng bày nhằm che chắn cho sự nhàn nhạt, thiếu hụt về nội dung thì A Separation được coi là một món độc và lạ trong bữa cỗ Oscar 2012 vừa qua. Làn gió Trung Đông mộc mạc, không trau truốt, bóng bẩy với cách kể chuyện tối giản, kiệm lời và sự nhập cuộc thật sự những thủ pháp đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh đã mang tới cho công chúng và giới mộ đạo nghệ thuật thứ bảy một tác phẩm xứng đáng để ca tụng. A Separation là đại diện cho văn minh Hồi giáo trong giai đoạn giao tranh của nhiều luồng văn hóa khác nhau và là sự khẳng định hiệu quả tài năng người đạo diễn trong thời đại điện ảnh đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi công nghệ “làm màu”, phù phép bởi những hiệu ứng bên ngoài.

Poster_A_Separation

Poster phim A Separation

Với nội dung, bối cảnh tưởng chừng hết sức đơn giản, chật hẹp chủ yếu diễn ra trong không gian một gia đình nhưng qua bàn tay Fahadi nó đã biến thành những rạn nứt, đứt gãy văn hóa nghiêm trọng của xã hội. Chạm vào cả vấn đề lớn lao, nhạy cảm nhất của các quốc gia đạo Hồi đó là xung đột tôn giáo, bộ phim là một cuốn tài liệu điểm mặt đọc tên đầy đủ những chứng tật của đời sống đô thị Iran. Có thể bắt gặp ở A Separation mọi thang âm cảm xúc của con người với những hỉ, nộ, ái, ố được chiếc máy quay tỉ mỉ, kỹ lưỡng bám sát và miêu tả đến từng ngóc ngách sâu thẳm, tận cùng. Những phẫn nộ được kể theo chiều tịnh tiến và khiến khán giả đôi khi ức chế, ngột ngạt đến nghẹt thở. Sự di động của máy quay theo phong cách tài liệu là chủ ý ngấm ngầm của đạo diễn để phơi bày, nắm bắt mọi phản ứng tự nhiên của con người khi bị dồn đẩy vào những hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt.

Dao_dien_Asghar_Farhadi_va_giai_oscar_cho_Phim_ni_tieng_nuoc_ngoai_xuat_sac_nhat

Đạo diễn Asghar Farhadi và giải Oscar cho Phim nổi tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

Những gương mặt khác nhau của đời sống, của bản thân mỗi con người được chụp, chiếu khéo léo đến độ tinh xảo. Fahadi giống một bác sĩ tâm lý khi xoáy sâu vào những thái cực và sự biểu lộ bản chất của mỗi nhân vật trong từng trường đoạn đối thoại và xung đột. Sự dồn nén cao trào khi Nader bị cáo buộc tội giết người (làm sảy thai người giúp việc) là một sự diễn giải đầy ẩn ý, thâm thúy của tác giả về giá trị thật - giả, lương tri và sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Ông không đưa ra bất cứ một lời giải thích hay câu trả lời nào thông qua những phát ngôn bằng hình ảnh của mình mà chỉ dùng nó như một đòn bẩy để người xem có dịp trải nghiệm và đưa ra lý lẽ, ý kiến riêng của mình. Dây chuyền phản ứng và những hành động, lời nói giữa hai phe nguyên đơn và bị cáo khiến người ta đôi khi bị rơi vào cái bẫy do đạo diễn gài đặt. Nhưng thực tế, sự gài đặt ấy có lý khi mà cuộc đời thực cũng đang rơi vào khủng hoảng giữa lẽ phải với sự hèn hạ, giả dối, ngoại hình hay giai cấp không quyết định được bản chất bên trong. Rõ ràng thông qua phiên tòa và cuộc đối đầu nảy lửa giữa hai phe nhân vật người xem được tường tỏ giá trị của lời thề và đức tin. Không khó hiểu khi Fahadi đã cố tình đưa chi tiết cuốn kinh Co-ran vào trong tác phẩm của mình. Bởi đó một biểu tượng tín ngưỡng thiêng liêng của quốc gia Hồi giáo đồng thời cũng là minh triết soi rọi tâm hồn của những người dân nơi đây. Khi lòng tham trỗi dậy, sự hèn hạ thắng thế và hoàn cảnh thu phục lòng người, người ta sẵn sàng thề nguyền trên tôn giáo quốc gia để mong mỏi tìm chút hi vọng cuối cùng.

Canh_trong_phim_A_Separation

Một bộ phim đa tầng với tính chất chính trị rõ ràng nhưng không khô khan hay bị lên gân bởi sự nặng nề khi truyền tải các thông điệp. Một cái nhìn toàn diện của một người nghệ sĩ có vốn kiến thức và sự hiểu biết “chân tơ kẽ tóc” đối với các vấn đề của dân tộc, quê hương. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong A Separation không chỉ giới hạn trong xã hội Iran mà còn là câu hỏi lớn với các quốc gia khác và nhân loại. Làn gió Trung Đông đã thổi tới khắp toàn cầu và chứng minh sự “điển hình riêng” nằm trong khối nhức nhối chung mà loài người đang phải đối mặt.

Người hùng đất khách bị hắt hủi ở quê nhà

Từ khi chính thức ra mắt cho tới khi được đề cử tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại lễ trao giải Oscar 2012 A Separation đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi trên báo chí nước ngoài. Tờ Hollywood Reporter ra ngày 17.2.1011 viết: “Bộ phim giúp các nhà làm phim Iran thể hiện bản thân vượt qua sự giới hạn kiểm duyệt. Nó thành công khi bóc tách và tập trung phơi bày mọi khía cạnh của xã hội Iran.”

Với một kịch bản được viết rất chắc tay, lô- gic, diễn xuất tuyệt vời, tự nhiên của dàn diễn viên và sự tiết chế tối đa các yếu tố phụ trợ như âm nhạc hay trang phục, ánh sáng… A Separation mang hơi hướng tài liệu với những góc quay rộng ở phần ngoại cảnh, sự di chuyển liên tục của ống kính trên khuôn hình. Đặc biệt với phần nội cảnh trong ngôi nhà của Nader người xem dễ nhận thấy sự bám sát của máy quay trong từng hành động và trạng thái tâm lý của nhân vật. Với việc coi máy quay như một người đồng hành kể chuyện sự khách quan trong thái độ của người làm phim đã được tối đa hóa. Mặc dù với kinh phí ít ỏi, kỹ thuật làm phim “đặc sệt” của những nền điện ảnh nhỏ và sự kiểm duyệt gay gắt từ các cơ quan quản lý quốc gia nhưng A Separation vẫn giành chiến thắng ngoạn mục tại nhiều Liên hoan phim lớn trên thế giới và đặc biệt là giải oscar ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài. A Separation trở thành người hùng của nền điện ảnh Hồi giáo luôn bị ràng buộc bởi nhiều quy phạm này.

A_Separation

Thế nhưng, có một nghịch lý đang xảy ra đó là dù được người nước ngoài, chủ yếu là báo chí phương Tây gọi là bảo bối quốc gia nhưng A Separation lại không được chính quyền chào đón trong ngày chu du nước ngoài trở về. Bộ phận chính quyền bảo thủ đã gạt bộ phim sang bên lề và cũng phủ nhận luôn những thành quả, nỗ lực mà đạo diễn Fahadi cùng đoàn làm phim của mình đã gặt hái được. Sự “trù dập” lên đến đỉnh điểm khi ngày 12/03 đáng lẽ sẽ có một bữa tiệc để chào mừng chiến thắng của A Separation trước các cơ quan thông tấn báo chí của Iran nhưng nó đã bị ra lệnh cấm và còn bị chính quyền nước này lên án gay gắt vì đạo diễn đã đề cập đến tình trạng bất ổn của quốc gia mình đang sống thông qua hình ảnh một cặp vợ chồng tan vỡ cho công chúng cả thế giới biết. Điều đó đã khiến họ cảm thấy bất bình và ra lệnh giới hạn sự phổ biến của bộ phim cho người dân nơi đây. Bức xúc trước lời cáo buộc này đạo diễn của bộ phim đã đáp trả: “Tôi chỉ muốn người ta chú ý đến thành tích nghệ thuật của Iran và một nền văn hóa dồi dào đang bị mây mù chính trị che phủ”. Thái độ cương quyết không khoan nhượng của đạo diễn đã được đông đảo bạn bè nghệ sĩ và những người làm điện ảnh tại nước này hưởng ứng. Điều đó cho thấy sự cương quyết của một nghệ sĩ lớn có tâm huyết và tài năng tại nơi mà giá trị của các nhà làm phim - những người cố gắng vực dậy một nền điện ảnh nghèo khó trong quá khứ luôn vấp phải sự thù địch từ chính quyền cực đoan.

Sự hắt hủi, ghẻ lạnh của chính quyền Iran một mặt cũng thể hiện sự lo sợ của họ trước sức mạnh tố cáo của điện ảnh. Với một tác phẩm mà màu sắc chính trị thấm đẫm như A Separation với những góc khuất tăm tối của xã hội được phơi bày một cách có chủ ý và lồng ghép đa tầng các yếu tố văn hóa hay tôn giáo vào đó dễ khiến những quan chức cấp cao vốn nhạy cảm ở nước này rơi vào thế “bị động” về khả năng quản lý. Sự lo sợ trước thực tế bất ổn của quốc gia bị các nước phương Tây nhòm ngó thông qua sự phản chiếu của điện ảnh có thể là nguyên nhân khiến các cấp chính quyền Iran ban thuốc độc giết chết sự tồn tại của các tác phẩm điện ảnh có giá trị tố cáo. Tuy nhiên, trước thực tế bị đàn áp mạnh mẽ của giới chính trị các nghệ sĩ nước này vẫn bền gan làm phim và cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo, mang bản sắc quốc gia và cá tính sáng tạo cá nhân. Và Fahadi với A Separation là minh chứng rõ nét cho lý thuyết “cái khó bó cái khôn” ấy.

Sắp tới Fahadi tiếp tục thực hiện một tác phẩm điện ảnh nữa cũng lấy bối cảnh tại Iran và ông cũng khẳng định nó tiếp tục là một cuốn sách dày viết lại những nhức nhối của cuộc sống nơi đây. Sự thành công của bộ phim này chính là động lực tiếp thêm năng lượng cho ông trên con đường làm phim chông gai phía trước ở ngay tại quê hương mình.

Hương Giang