Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Làm phim không chỉ cho 2 tháng mùa vụ!

(TGĐA) - Những người viết huyền thoại, bộ phim thứ hai lấy đề tài chiến trận của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không chỉ gây chú ý bởi loạt hình chụp hậu trường đẹp, công phu mà còn vì những thông tin sản xuất hứa hẹn sự chuyên nghiệp, kỹ càng ở mọi khâu. Phóng viên TGĐA đã có dịp gặp gỡ đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khi anh đang trong quá trình thực hiện phần hậu kỳ của bộ phim sẽ ra mắt khán giả vào đầu mùa hè năm sau này.

Là bộ phim chiến tranh thứ hai của anh. Người trưởng thành sau chiến tranh như anh lại có hứng thú với đề tài này?

Tôi sinh trưởng trong gia đình lính, có nhiều người bị thương, hi sinh sau hai cuộc chiến. Dù ký ức đó đã khép lại, nhưng hiện nay, chiến tranh đang xảy ra trên khắp thế giới. Tôi làm phim này không cổ súy chiến tranh mà để cho người ta nhìn thấy chiến tranh thực sự thế nào. Đôi khi ta phải tránh tất cả những điều có thể gây ra chiến tranh nhưng cũng có khi phải đối diện với nó để thể hiện bản lĩnh của dân tộc mình. Vào thời điểm này, nhiều vấn đề nhạy cảm về biên giới lãnh hải là một mối quan tâm chung của người Việt khắp năm châu. Khi chúng ta đang ở đây, cà phê thư giãn, trải nghiệm đời sống giải trí hiện đại, thì những người lính đảo với khẩu AK đang đối mặt cùng những nguy hiểm từng ngày ngoài kia với một lũ bành trướng mới cuồng chiến lượn quanh khiêu khích, điều đó đáng để suy ngẫm lắm chứ.

Dao_dien_Bui_Tuan_Dung

Với phim này, tôi muốn người xem thấy đã mắt với không khí chiến tranh đầy ắp. Đây không phải là bộ phim melo đẫm nước mắt trong một cảm xúc tức thời, tôi cũng không đi sâu vào nỗi đau cá nhân mà muốn những ám ảnh lớn của cảm xúc anh hùng bi tráng, ngõ hầu sống lại một thời hào hùng của dân tộc. Tóm lại, Những người viết huyền thoại là một phim bi hùng.

Điều gì ở kịch bản khiến anh tự tin theo đuổi dự án này?

Kịch bản được chăm chút kỹ càng, có tiết tấu nhanh, hạn chế đối thoại giao đãi. Bạn biết không, một người ở giữa cuộc chiến không thể cố gắng nói tròn vành rõ chữ như khi tập kịch. Kịch bản phim cũng không cố gắng miêu tả chi tiết về chiến công của người anh hùng. Đây không phải là bộ phim chân dung lãnh tụ, nhưng là một phim hư cấu trên những tình tiết có thật, những chuyện mà nhiều người biết rõ về một vị tướng hậu cần huyền thoại. Để tránh tình trạng phim cúng cụ và xếp kho giống như nhiều phim kiểu này, tôi không miêu tả việc xây dựng đường ống dẫn dầu như một phim tài liệu mà đi sâu khai thác về những khía cạnh con người của những huyền thoại. Phim sẽ khắc họa hình ảnh nhân vật chính qua thủ pháp xây dựng “chân dung kép”.

CHARACTOR_2

Anh có thể nói rõ hơn về điều này…?

Chuyện của tướng thì thường gắn với họp hành, chiến lược, chính trị… khó mà có thể hấp dẫn khán giả. Phim cần phải có một hình tượng tinh thần của ông trẻ trung với sức mạnh và bản lĩnh để cân đối tính hấp dẫn đầy kĩ thuật của kịch bản. Không thể dùng hồi tưởng, tôi không thể đưa tướng Thiện về thời trai trẻ của ông trong chiến dịch Điện Biên nhưng phải có một nhân vật thể hiện phong thái tinh thần của vị tướng này khi còn trẻ. Và tôi đã chọn nhân vật anh giao liên Nghĩa. Hai nhân vật bổ sung cho nhau, đi song hành cùng nhau, phản chiếu nhau. Một người làm việc của tướng, hoạch định chiến lược, già dặn và quyết đoán trong tư duy. Một là người hùng cơ bắp, biểu tượng cho tinh thần tuổi trẻ của tướng Đinh Đức Thiện: anh hùng, quyết đoán, mạnh mẽ. Làm phim về chân dung nhân vật quan trọng nhất là thần thái, là tư tưởng và việc làm mà nhân vật đó tạo ra chứ không phải cố tạo ra hình nộm di động cho giống với nhân vật được xây dựng. Đối với tôi, nếu đơn thuần vẽ chân dung qua việc đi đứng, ăn nói, vẻ ngoài, dáng đi cũng là hình thức bề ngoài.

Ngoài phần bi tráng, chắc sẽ có những khoảnh khắc lãng mạn khác của bộ phim. Anh chia sẻ gì về điều này?

Có nhiều cách để thể hiện cuộc chiến tranh và ở bộ phim này, tôi cố gắng để ghi dấu ấn những nhân vật ông Đinh Đức Thiện gặp trên con đường đi thực tế chiến trường bằng những nét tính cách ấn tượng. Họ có thể chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc nhưng đều phải tạo được dấu ấn, sự khác biệt và thể hiện được tính huyền thoại, đáng để kính phục. Điều này đồng nhất với chủ đề chính của phim: những người làm nên huyền thoại. Trong phim, có hai mối tình của anh giao liên Nghĩa (Quốc Thái) và cô văn công Hà (Tăng Bảo Quyên), anh Đức, con trai ông Đinh Đức Thiện - chị Mai, mối tình của hai người sinh viên trước khi vào chiến trường…, là những nét thơ khác nhau trong cuộc chiến khốc liệt.

VUOT_SUOI_1

Anh có tin mình thuyết phục được những người trẻ thực dụng hiện nay đồng cảm với tinh thần của bộ phim?

Người ta không chọn cách để trở thành anh hùng. Ở mỗi một thời điểm, mỗi hoàn cảnh thì có những người được chọn để viết lên câu chuyện của thời đại mình. Đối với một cuộc chiến tranh vệ quốc, tinh thần Tổ quốc được đề cao. Người ta không chỉ sống vì miếng cơm manh áo mà sẵn sàng hi sinh mồ hôi, công sức và cả máu của mình nữa. Tôi không muốn đề cập tới điều gì cao siêu nhưng khi vợ con, bố mẹ, anh chị em mình đứng trước hiểm nguy, những giá trị khác về mặt vật chất chẳng còn quan trọng nữa. Khi tính mạng của những người thân yêu ruột thịt bị đe dọa thì họ sẵn sàng hi sinh thôi. Đó là lý do vì sao người ta gọi tổ quốc là Đất mẹ.

Kỹ xảo đóng vai trò như thế nào trong phim?

Tôi luôn cố gắng thực hiện phần hiệu quả ở hiện trường. Những người viết huyền thoại là thể loại phim chiến tranh, phần kỹ xảo sẽ dày đặc nhưng tuyệt đối không phô diễn mà chỉ hỗ trợ cho nội dung phim.

CSC_0202

Điều khó nhất khi anh thực hiện dự án này?

Là làm sao tôi có thể vận hành bộ máy công chức nhà nước làm việc hiệu quả theo kiểu của một đoàn phim tư nhân. Với hệ số lương 650 ngàn, không đủ đổ xăng và uống cà phê, đội ngũ anh em nghệ sĩ và kĩ thuật viên Hãng phim truyện đã làm việc thực sự xả thân. Tôi đã phải gọi họ là “crazy film crew”. Chúng tôi đã thể hiện khá chuyên nghiệp, mỗi thành viên trong đoàn như một người chiến sỹ, cống hiến và lao động hết sức mình, dù trước đó họ có thể chưa có khái niệm gì về chiến trận.

Anh có chuẩn bị gì cho việc phát hành, sẽ dùng công ty tư nhân phát hành cho một bộ phim của nhà nước chứ?

Một phim tốt và có những yếu tố hấp dẫn số đông khán giả thì phát hành đường nào cũng được, vì tôi thấy nhà phát hành tư nhân cũng có thể phát hành thất bại. Hơn nữa, tôi không tập trung vào doanh thu ngắn hạn mà tin rằng, phim sẽ được trình chiếu trong nhiều năm và đạt được những giá trị dài lâu hơn là một hai tháng mùa vụ trước mắt.

Khởi quay: tháng 07-2012

Phát hành (dự kiến): tháng 4-2013

Thể loại: Phim chiến tranh

Hãng sản xuất: Hãng Phim Truyện Việt Nam

Đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng

Diễn viên chính: Hoàng Hải - Quốc Thái - Tăng Bảo Quyên

Cốt truyện: Một câu chuyện xúc động về những huyền thoại sống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Một phim được dựng trên những sử liệu thật về vị tướng Hậu cần huyền thoại Đinh Đức Thiện và đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mỹ Trang