Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: “Cuộc sống của tôi sẽ bi thảm nếu chỉ ngồi chờ làm phim nhựa”

(TGĐA) - Thành danh ở Hãng phim truyện Việt Nam với rất nhiều bộ phim như Đời cát, Cây bạch đàn vô danh, Người đàn bà mộng du… nhưng cuối cùng đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đã phải “dứt áo” đi làm thuê cho các Hãng tư nhân. Hãy nghe những tâm sự chân thành từ một người trong cuộc khi quyết định trở thành người làm thuê…

o_din_Nguyn_Thanh_vn

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

một trong số những đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam đang đi “đánh thuê” bên ngoài, anh có thể cho biết nguyên do của sự ra đi này?

Theo tôi, lý do đầu tiên là vì cơm áo gạo tiền. Ít ai có thể hình dung được mức lương của chúng tôi ở Hãng chỉ khoảng vài ba triệu đồng/tháng, tức là dưới mức trung bình của xã hội hiện nay. Trong khi đó, mỗi năm bình quân sản xuất được khoảng 1 phim. Còn trong hai năm trở lại đây (2011 – 2012) không có đầu phim vào. Những phim đang trong giai đoạn hoàn thiện đều là chỉ tiêu của năm trước tồn lại. Vậy thì theo bạn, hai năm qua anh em trong hãng sống bằng gì? Do vậy buộc chúng tôi phải tìm cách mưu sinh vừa để đảm bảo đời sống cho gia đình mình và vừa đảm bảo duy trì được nghề nghiệp của mình.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đó cũng khiến nhiều người phải đặt lại vấn đề rằng liệu các hãng nhà nước có nên tồn tại lay lắt như thế này? Trong khi một năm chẳng thực hiện được dự án nào mà vẫn phải nuôi gần 150 con người. Với phép tính đó không khỏi khiến mọi người đặt dấu hỏi cho sự tồn vong của hãng. Trách nhiệm ở đây thuộc về quản lý nhà nước.

Canh_trong_phim_Nhng_ng_b_c_thn

Cảnh trong phim Những ông bố độc thân

Theo anh cách điều hành quản lý của nhà nước có khúc mắc ở đâu?

Xuất phát từ chủ trương xã hội hóa điện ảnh. Khi xã hội hóa, các Hãng phim tư nhân được phép sử dụng nhân lực của các Hãng nhà nước vốn được đào tạo rất bài bản và phải mất rất nhiều năm mới làm nên tên tuổi. Bộ máy điều hành của Hãng phim tư nhân chỉ cần khoảng dưới 10 người, còn lực lượng chính để làm việc là nhân lực chủ chốt tại các Hãng nhà nước. Vô hình chung, họ đang nắm lợi thế rất lớn. Trong khi đó, Hãng nhà nước không có đầu phim, không có tiềm lực về tiền, chủ yếu dựa vào tài trợ nhà nước. Khi nguồn tài trợ đó bị cắt đi thì đồng nghĩa với việc anh em không sống được, chứ không nói là sống lay lắt.

Cá nhân anh nghĩ liệu chúng ta có nên duy trì các Hãng phim nhà nước hay không trước một thực tế hiện nay kinh tế khó khăn, nhiều nơi không thể trả tiền lương và phải nợ lương nhân viên?

Ở Hãng tôi tuy không nợ lương anh em nhưng thực tế khi mức lương tối thiểu được nhà nước quy định cho doanh nghiệp đã là 1.050.000 đồng/ tháng nhân với hệ số thì chúng tôi, bao nhiêu năm nay, vẫn chỉ ở mức 650.000 đồng, bất kể nhà nước vẫn tăng lương đều đặn. Bởi vậy mới nảy sinh trường hợp có những anh chị về hưu sớm thì được hưởng lương còn cao hơn người đang đi làm. Như vậy, trên thực tế Hãng phim truyện Việt Nam vẫn đang tồn tại nhưng mặt bằng lương chi trả cho nhân viên thấp gần bằng một nửa quy định của xã hội.

Rõ ràng các Hãng phim nhà nước luôn được ưu ái nhưng cũng bị đặt vào tình trạng cạnh tranh khá khốc liệt, thường được giao các đề tài tuyên truyền, chính trị hoặc kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước mà các hãng khác khó có thể thực hiện. Chẳng hạn, Mùi cỏ cháy hay Điện Biên Phủ… chắc chắn không có Hãng tư nhân nào làm được thì lúc đó lại cần Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng. Nhưng không phải lúc nào cũng là thời điểm cần có phim như thế vì vậy, trong khi chờ đợi, Hãng phải tự bơi. Theo tôi, vấn đề hiện nay là phải cân đối việc đó.

Cần làm gì để cứu Hãng phim nhà nước? Thực sự cũng đáng đặt câu hỏi liệu có nên để nó tồn tại hay không. Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ có thể nói như vậy.

Canh_trong_phim_Leu_chong

Cảnh trong phim Lều chõng

Trong thời gian rảnh rỗi “ngồi chơi xơi nước” thì anh em trong Hãng phải nhảy ra ngoài làm thêm, âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc ăn lương nhà nước nhưng lại làm phim tư nhân kể ra cũng hơi kỳ, anh có nghĩ vậy không?

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến việc quản lý con người. Tôi cho rằng việc các Hãng phim tư nhân lấy người từ các Hãng phim nhà nước cũng như chuyện thuê mướn cầu thủ và việc trả tiền cho Câu lạc bộ là tất nhiên. Do vậy, anh muốn quản lý con người thì anh phải nuôi sống được họ dù là ở mức nào đó, chứ như tình trạng hiện nay của hãng chúng tôi thì đời sống của anh em văn nghệ sỹ đang đi vào ngõ cụt. Hãng đang ở vào thế yếu trong việc đưa ra một chính sách quản lý nhân lực.

Hai năm nay, sau vụ thất thoát 42 tỷ của ngành điện ảnh, nhà nước dừng mọi dự án tài trợ, mặc dù Hãng đã có 1, 2 kịch bản được duyệt nhưng vì vụ việc đó nên họ điều chỉnh lại và chờ đợi một thông tư mới mà cả năm nay không bao giờ đến. Nếu cứ chờ như thế thì hơn 100 con người ở Hãng không có việc làm và đương nhiên anh em phải đi làm thêm bên ngoài. Nhưng khi Hãng giao việc, chúng tôi luôn sẵn sàng.

Ở Hãng phim nhà nước, từ tiền lương cho đến tiền nhuận bút nếu có dự án, cũng đều thấp hơn rất nhiều so với tư nhân. Nhuận bút một bộ phim nhựa của Hãng vẫn duy trì ở mức cách đây khoảng 20, 30 năm. Rõ ràng, điều này không còn phù hợp với hiện tại nhưng lãnh đạo bảo Bộ Tài chính quy định như vậy, tỉ lệ % nhuận bút cho thành phần sáng tác là không thay đổi trong vòng vài chục năm và không ai có ý định thay đổi.

Ở đây tôi muốn nói đến việc sử dụng đúng sức lao động và đúng chế độ được hưởng thì gần như ráo mồ hôi là hết tiền, quãng tái sản xuất là không có. Sau khi hoàn thành một bộ phim, ai cũng nháo nhác và lập tức phải lao ngay vào tìm một dự án mới.

Làm với tư nhân, chúng ta nhìn thấy rõ những thuận lợi về chế độ, chính sách và ít nhất là được thỏa thuận để tương xứng với sức lao động mình bỏ ra, chứ không có sự áp đặt.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng làm phim với tư nhân thì đạo diễn cũng phải chịu không ít áp lực?

Cá nhân tôi, hầu như chưa gặp phải sự can thiệp quá sâu về mặt nghề nghiệp từ các Hãng phim tư nhân. Cũng có một số anh em nói rằng làm với tư nhân thì phải phụ thuộc vào những yêu cầu của họ… có thể áp lực phải dùng diễn viên này, phải kết thúc phim như thế kia, hoặc phải quảng cáo cho cái này cái khác… nhưng với cá nhân tôi thì tôi không bị áp lực đó. Có chăng tùy từng phim, nhà sản xuất muốn đưa quảng cáo này vào phim nhưng cũng rất lịch lãm và dễ chịu. Tất nhiên, tôi cũng không chắc chắn rằng những người khác cũng như tôi.

Anh bắt đầu đi đánh thuê từ bao giờ?

Từ năm 2005, với phim Một thời đã sống hợp tác cùng TFS. Tiếp đó là Tuổi yêu với Sao Thế giới, Lều chõng với TFS, Cocktail cho tình yêu với Đông A, Những ông bố độc thân với M&T…Khi nhận kịch bản Một thời đã sống của anh Nguyễn Anh Dũng (cũng là nhân sự của hãng phim truyện Việt Nam), tôi thấy đó là một kịch bản tốt, có tiếng nói riêng đối với lĩnh vực phim truyền hình. Sau đó là việc được hưởng một số tiền lớn hơn rất nhiều với những gì mà trước đây tôi đã làm phim nhựa. Thực sự nếu tôi chỉ tiếp tục chờ đợi và làm phim nhựa thì chắc chắn cuộc sống sẽ bi thảm.

Xin cám ơn anh!

Kim Anh