Đạo diễn Thierry Michel: Phim tài liệu Việt Nam vẫn thiếu những kịch tính hấp dẫn

(TGĐA) - Lần thứ 4 đạo diễn người Bỉ Thierry Michel sang Việt Nam để hướng dẫn khóa đào tạo về làm phim tài liệu dành cho các nhà làm phim chuyên nghiệp, bao gồm cả các đạo diễn và quay phim trẻ. Thế giới Điện ảnh đã có cuộc gặp gỡ với vị đạo diễn nổi tiếng này để cùng nghe ông chia sẻ về các vấn đề của phim tài liệu.

IMG_0048

Đạo diễn Thierry Michel

Thierry Michel sinh năm 1952 tại Bỉ, hoạt động truyền hình và điện ảnh từ năm 1973. Ông vừa là nhà làm phim, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, đồng thời là đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng trên thế giới. Ông đã đạo diễn hai phim truyện dài và khoảng trên 20 phim tài liệu. Ông đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn ở các Liên hoan phim quốc tế với các bộ phim Những đứa trẻ ở Rio, Donka, Chụp X-quang tại một bệnh viện ở châu Phi, Iran dưới tấm mạng che mặt, Mobutu - Vua của ZaireSông Công-gô - Vượt qua bóng tối… Một số bộ phim của ông cũng đã trở thành tác phẩm best-seller và được sự mến mộ của người xem. Trong đó, hai phim tài liệu Mobutu - Vua của ZaireSông Congo đã được chiếu trong rạp ở 12 quốc gia. Hiện nay, ông còn tham gia giảng dạy về điện ảnh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Lần thứ 4 sang Việt Nam giảng dạy, ông mang tới cái gì để truyền đạt cho các học viên của mình lần này, thưa ông?

Lần này, tôi đã mang đến Việt Nam những bộ phim nổi tiếng trên thế giới như của Nga, Mỹ, Mehico, châu Phi, Trung Quốc, Campuchia… Đó là số phim tôi đã sưu tập và tuyển chọn với rất nhiều thể loại để làm tư liệu giảng dạy. Với sự đa dạng, phong phú về chủ đề và phong cách làm phim của các đạo diễn trên thế giới, tôi hy vọng sẽ giúp cho mỗi học viên cập nhật về những xu hướng và sự đổi mới của phim tài liệu ở châu Á và trên thế giới, đồng thời giúp họ viết và xây dựng kịch bản để có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất và các kênh truyền hình của châu Âu. Chúng tôi cũng đã có những buổi thảo luận và phân tích tìm ra những điểm mạnh – yếu của phim tài liệu Việt Nam với mục đích hội nhập thế giới qua những bộ phim của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, của Varan, DocLab...

Điều quan trọng nhất ở khóa học này, tôi muốn nhấn mạnh rằng ở châu Âu việc sản xuất phim tài liệu là phải có sự liên kết chặt chẽ giữa đạo diễn và các nhà sản xuất, nhà phát hành cùng các kênh truyền hình để tạo thành một guồng máy. Trong đó liên quan tới cả vấn đề ngân sách và gu của từng kênh truyền hình. Đó chính là hệ thống truyền thông trên thế giới hiện nay. Ở đây, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để các học viên của mình có thể tìm nguồn vốn từ các quỹ nào đó và làm phim theo các chuẩn mực quốc tế.

Với sự chuẩn bị của mình, hẳn ông đã nghiên cứu nhiều về phim tài liệu Việt Nam. Đâu điểm mạnh – yếu, theo góc nhìn của ông?

Khi xem một số phim tài liệu Việt Nam thì tôi thấy không có gì lo lắng về mặt kỹ thuật vì các phim được quay rất tốt. Nhưng điểm yếu và thiếu của điện ảnh tài liệu Việt Nam là các bộ phim dù đã chọn được nhân vật nhưng vẫn đưa vào quá nhiều lời bình. Ở đây, tôi cảm thấy lời bình như dẫn dắt bộ phim chứ không phải bộ phim dẫn dắt lời bình, có nghĩa là họ chưa biết cách xây dựng kịch tính của câu chuyện. Đáng lẽ thay bằng việc chỉ ra cho khán giả xem những hành động của nhân vật thì thường các đạo diễn lại yêu cầu các nhân vật nói về việc mình sẽ làm hoặc là chính người đạo diễn viết lời bình và nói về những điều đó trong phim. Như vậy sẽ mất đi tính hiệu quả và kịch tính của phim tài liệu. Tôi nghĩ việc xây dựng kịch tính trong phim cũng là một điểm yếu.

Tôi muốn lấy ví dụ trong bộ phim Đỉnh trời, đáy vực mà tôi và các bạn học viên cùng xem và phân tích. Tôi đã rất trông chờ vào một cú shock nào đó ở cuộc gặp gỡ giữa người cựu tù nhân và tay cai tù khét tiếng gian ác đã từng một thời tra tấn người cựu tù nhân này. Nhưng cuối cùng điều đó không thực hiện được và cảm xúc chờ đợi đã bị mất đi. Đó là điều đáng tiếc của bộ phim. Với những bộ phim như thế này, tôi thấy thiếu sự hiện diện về mặt nghệ thuật của người đạo diễn, có nghĩa là phong cách và cách thức thể hiện chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, cũng có những dự án phim khá tốt, ngay từ đầu đã có quan điểm rõ ràng và phong cách riêng như trường hợp một đoạn phim giới thiệu về câu chuyện hoàn toàn mang tính riêng tư về người ông trong gia đình.

IMG_0104

Lớp học của thầy Thierry Michel tại Hãng phim TL&KHTU

Qua những bộ phim đã được xem, tôi thấy có ba trường phái. Trường phái thứ nhất là dạng phim được làm theo phong cách truyền thống mà tiêu biểu là những phim của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Trường phái thứ hai là phong cách của Xưởng Atelier Varan (Pháp) tại Việt Nam, tức là làm phim tài liệu theo kiểu điện ảnh trực tiếp – thu âm thanh hình ảnh đồng bộ, trực tiếp và không sử dụng lời bình, mà ở đây tôi đã có dịp xem hai bộ phim Giấc mơ là công nhân (đạo diễn trẻ Trần Phương Thảo) nói về thế giới của những người công nhân và Luôn ở bên con (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải) nói về những bệnh nhân nhỏ tuổi khoa ung thư của bệnh viện Nhi Trung ương. Và trường phái thứ ba là của Doclab (Trung tâm Thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video, Hà Nội) với những bộ phim đầu tay của những bạn trẻ yêu thích phim tài liệu. Tôi nghĩ đối với phim của Doclab chưa hẳn đã có những bộ phim thành công nhưng mang lại cho tôi nhiều thú vị. Bởi vì tôi thấy nó tựa như những bộ phim tác giả, phim nghệ thuật. Ở đó, người làm phim đang cố tìm một ngôn ngữ điện ảnh riêng thể hiện cá tính của từng đạo diễn.

Khi làm phim tài liệu, ông thấy hứng thú nhất và chán ngấy nhất với khâu nào?

Tôi nghĩ khâu hấp dẫn nhất, thích thú nhất là giai đoạn quay phim. Tất nhiên giai đoạn khảo sát, đi điều tra cũng đã rất thú vị nhưng đến giai đoạn quay mình mới có cảm giác đang ghi lại tất cả những hình ảnh và âm thanh của cuộc sống, mình đang sống trong những mối quan hệ thực sự mạnh mẽ với các nhân vật của mình.

Còn giai đoạn chán nhất đối với tôi là giai đoạn tìm tiền, bởi giai đoạn này có thể kéo dài vài ba tháng hoặc cả năm trời, thậm chí đôi khi sau hai năm vẫn hoàn toàn chẳng có gì và phải hủy dự án. Đây là giai đoạn thực sự vất vả vì hiện nay có quá nhiều dự án và nhiều đạo diễn phim tài liệu. Vì vậy việc tuyển chọn cũng rất nặng nề và phức tạp để chọn được dự án mà các đối tác có thể đầu tư tiền. Tôi có thể đưa ra một ví dụ như kênh truyền hình tư nhân Canal Plus của Pháp trung bình một năm họ đầu tư để sản xuất 35 bộ phim tài liệu và tất nhiên những phim đó sẽ được chiếu trên kênh của họ. Thế nhưng mỗi năm họ nhận được 1200 kịch bản, vậy thì cuộc cạnh tranh đó thực sự khốc liệt như thế nào và sẽ có biết bao dự án bị từ chối.

Còn khó khăn nhất cũng như một thử thách để vượt qua là giai đoạn dựng phim. Vì khi đó chúng ta có quá nhiều chất liệu và làm thế nào để chọn lọc về mặt hình ảnh và âm thanh để xây dựng những kịch tính cho câu chuyện. Đối với tôi, quay phim có thể là giai đoạn mệt mỏi về mặt thân xác, nhưng giai đoạn căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất về mặt trí não chính là khâu dựng phim. Bởi lúc này đòi hỏi bạn phải có sự tập trung cao độ và phát huy tối đa sự sáng tạo.

Nhận định của ông về trào lưu điện ảnh tài liệu trên thế giới như thế nào?

Việc sản xuất phim tài liệu ở Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung rất khác. Bên nước chúng tôi có rất nhiều nhà sản xuất và phim cũng đa dạng về đề tài. Nhưng vì Bỉ là một nước nhỏ nên các nhà làm phim của Bỉ thường đi đến rất nhiều nơi khác trên thế giới để làm phim tài liệu. Ví dụ như cá nhân tôi cũng có rất nhiều những phim về châu Mỹ la tinh, châu Phi, châu Á… Đó cũng là điều khác biệt so với phim tài liệu Việt Nam hiện nay vì dường như các nhà làm phim tài liệu Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim trong nước.

Poster_phim_Congo_river_cua_dao_dien_Thierry_Michel

Poster phim Sông Công-gô - Vượt qua bóng tối

Tôi quan điểm điện ảnh tài liệu là ghi lại những hình ảnh, đi theo những con người, những thân phận để kể lại câu chuyện một cách chân thực nhất, gần với hiện thực nhất. Đây cũng là điều tôi cố gắng truyền tải cho các bạn học viên của mình. Điều quan trọng theo tôi khi kể một câu chuyện trong phim tài liệu về một thân phận nào đó thì chúng ta có thể thấy được một phần bản sắc của dân tộc đó. Phim tài liệu chính là cầu nối để người xem có thể đi tới những nền văn hóa khác một cách nhanh nhất. Đó thực sự là một điều thú vị.

Tôi thực sự cảm thấy rất thú vị và hấp dẫn khi một ngày nào đó được xem một phim tài liệu do đạo diễn người Việt Nam thực hiện về nước Bỉ. Chúng tôi luôn luôn thích có một cái nhìn mới từ bên ngoài.

Nhân tiện nói chuyện về nước Bỉ, khán giả bên đó được tiếp cận phim tài liệu qua hình thức nào, thưa ông?

Phần lớn tất cả các phim tài liệu đều được chiếu trên truyền hình và đối với những tác phẩm điện ảnh tài liệu lớn sẽ được chiếu ở ngoài rạp. Ngoài ra, khán giả cũng có thể xem phim tài liệu qua các đĩa DVD. Còn đối với những phim dài có tầm quan trọng thì không giới hạn về thời lượng, có thể lên tới một tiếng rưỡi đến hai giờ đồng hồ. Thực tế, tôi có thể nói rằng phần lớn những công ty sản xuất phim ở nước tôi nói riêng và các nước châu Âu nói chung thì số lượng phim tài liệu dài còn được sản xuất nhiều hơn số lượng các phim truyện dài.

Như đã nói phía trên, ở nước ngoài thực tế các kênh truyền hình cũng đầu tư rất nhiều kinh phí để sản xuất phim tài liệu. Ngoài ra, hàng năm Nhà nước sẽ rót ngân sách cho một số tổ chức văn hóa để phân bổ cho việc làm phim tài liệu và đặc biệt không có bất kỳ một sự kiểm duyệt nào từ phía Nhà nước với những phim được sản xuất. Khi đó sẽ có một ban giám khảo gồm các thành viên là các đạo diễn, các nhà phê bình điện ảnh, các nhà sản xuất, các nhà biên kịch… Nói chung, họ đều là những thành phần có chuyên môn trong lĩnh vực phim tài liệu và ban giám khảo này sẽ luân phiên thay đổi trong 1, 2 năm.

Poster_phim_Iran_duoi_tam_mang_che_mat

Poster phim Iran dưới tấm mạng che mặt

Được biết bộ phim Sông Công-gô của ông sản xuất năm 2006 đã thu hút hơn 54 nghìn lượt người xem đến rạp – một con số lớn hơn rất nhiều số lượng người xem của bất kỳ một bộ phim truyện nào cũng ra rạp vào năm đó. Vậy, ông có thể chia sẻ bí quyết để thực hiện một bộ phim tài liệu hấp dẫn?

Bạn biết đấy, để thực hiện một bộ phim thì công sức là của cả một tập thể. Ở đây, tôi muốn nói tài năng chỉ là một phần, mà cần phải có cả sự nhiệt huyết, cơ hội và cả yếu tố may mắn.

Khi làm phim bao giờ tôi cũng muốn kể một câu chuyện thật sâu sắc, mãnh liệt và phải tìm bằng được những nhân vật cho các câu chuyện đó. Tôi phải cố gắng để xây dựng một sự tin tưởng giữa người đạo diễn và các nhân vật của mình, để họ có thể kể cho tôi nghe những điều thầm kín nhất. Câu chuyện của tôi phải là một câu chuyện hay, có sức nặng và các nhân vật của tôi phải rất đẹp. Cái đẹp ở đây không phải về mặt hình thể mà trên khuôn hình người xem phải cảm thấy họ hấp dẫn và thực sự bị thu hút bởi câu chuyện họ. Sau đó, khi chúng ta đã có chủ đề, có nhân vật thì điều quan trọng tiếp theo là phải xây dựng kịch bản như thế nào để có những kịch tính hấp dẫn. Suy cho cùng, kết cấu của bộ phim tài liệu cũng không khác một phim truyện, tức là phải kể được câu chuyện với nhiều kịch tính, xung đột hấp dẫn.

IMG_0649

Một buổi học với thầy Thierry Michel tại Hãng phim TL&KHTU

Tôi thấy hài lòng ở khóa này vì có rất nhiều bạn trẻ ham học, với nhiều tò mò thích khám phá về phim tài liệu. Nói một cách ẩn dụ và thi ca thì vài ngày ở Việt Nam vừa qua tôi đã được các bạn mời đến để gieo hạt trên mảnh đất thực sự màu mỡ này. Tất cả những dự án của các bạn học viên giới thiệu cho tôi chính là những hạt mầm tốt và trong tương lai nó sẽ nở thành những bông hoa đẹp và quyến rũ.

Để làm bất kể một bộ phim tài liệu nào thì ngoài công việc của một người đạo diễn, tôi cũng phải đảm đương rất nhiều công việc khác như của một nhà sử học, một nhà xã hội học, một nhà thơ, một nhà biên kịch… Tôi nghĩ rằng trong sáng tạo nghệ thuật thì mỗi đạo diễn sẽ có những cách làm khác nhau và người xem cũng có những cảm nhận không giống nhau.

Xin cảm ơn ông!

Trần Kim Anh