Đời cát – Những nỗi đau nhân ái

Sau chiến tranh, điêu tàn trải phủ khắp làng Cát, len sâu vào từng ngõ ngách, từng căn lều tranh và từng thân phận con người…Đồng thời điêu tàn cũng dấy lên niềm kiêu hãnh bất tận về lòng trung ái của các nạn nhân chiến tranh. Âm hưởng nhân đạo thấm đẫm tình thân thương bình dị, trỗi lên từ những hy sinh mất mát song luôn cháy bỏng khát vọng được sống và được hạnh phúc của những thân phận thiện lành gặp dang dở, què quặt, nghèo khó, trái ngang… Hình thù chiến tranh ẩn lặn, quẩn quanh đâu đó trong nỗi suy tư, lời nói cũng như từng bước chân nặng nhọc của mỗi nhân vật. Câu chuyện phim chất đầy nhân ái nhuốm đậm sắc thái tâm hồn Việt. Và đằng sau nó, là mối căm hờn sâu thẳm chiến tranh- phản kháng đến khản giọng, đến tận tim gan! Đồng thời tận lòng đề cao giá trị quý báu của lòng nhân đạo, của đức bao dung; vẽ nên một góc chân dung chất phác và sống động mà cuộc chiến bảo vệ non sông đất mẹ đã trải qua. Bộ phim mạnh mẽ gợi lên tầm vĩ đại thực chất, mà cuộc sống bình dị của những con người chân mộc đã hun đúc nên.

(TGĐA) - Đời cát – phải chăng là một ngụ ý về những phận đời nhỏ nhoi nhưng bất tận, luôn bị xáo trộn, biến dời ; song bao giờ cũng trong suốt và gắn bó? Chuyển thể từ truyện “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương; các tác giả phim đã dựng nên một tác phẩm điện ảnh có tiếng nói và giá trị riêng, khá độc đáo và sâu sắc.

Hng_nh_Lan_H_Mai_Hoa_trong_phim_i_ct

Hồng Ánh, Lan Hà, Mai Hoa trong phim Đời cát

Đơn giản hết mực trong cấu trúc truyện phim, sáu nhân vật hiện ra như những xác thân riêng biệt, nhưng luôn “kết chùm” nhau. Trong đó, Thoa và Tâm là hai hình ảnh trung tâm; trong lúc Cảnh, Huy và Hảo là những bóng hình quan trọng; cạnh họ là bé Giang- một vai trò xúc tác không thể thiếu. Thoa, mẫu phụ nữ can trường, lấy chồng và chịu xa chồng biền biệt 20 năm, kiên cường hy sinh tuổi thanh xuân, bám trụ và chiến đấu tại quê nhà. Tâm, cô gái chịu thương chịu khó, lấy và có con với người chồng đã có vợ đang cách biệt dai dẳng nơi miền Nam cách biệt. Cảnh, thoát ly chiến đấu, do đất nước bị chia cắt lâu dài, phải xa lìa quê hương cùng người vợ mới cưới, tái hôn với cô gái khác và phải chịu cảnh lưỡng lự về sau. Huy, chiến sĩ du kích bám trụ quê nhà, là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh, bản thân bị mất một chân, vợ con bị vùi trong hố bom và vĩnh viễn xa rời anh. Hảo, cô gái yêu đời, tràn đầy sức sống, song phải chịu cảnh hẩm hiu khi bị chiến tranh cướp mất đôi chân. Và Giang, cô bé gái thơ ngây, ngoan hiền, sản phẩm tình yêu của Cảnh cùng Tâm… Bấy nhiêu gương mặt, bấy nhiêu cảnh đời và lời nguyền đã cô đúc nên hình tượng thanh cao, thấm đẫm tình đời của người phụ nữ Việt Nam. Chi phối và thúc đẩy câu chuyện phim là những cặp quan hệ đan chéo và song hành giữa các nhân vật: trước hết là mối quan hệ chồng vợ của bộ ba Cảnh- Thoa và Cảnh- Tâm. Khi cuộc hội ngộ bất ngờ diễn ra giữa bộ ba này, dòng chảy xung đột tràn lên đỉnh điểm, cả về tâm lý lẫn hành động. Thoa tiếp nhận Tâm trong trạng thái hầu như hoàn toàn thoải mái, chẳng khác gì đối với người thân lâu ngày gặp lại. Tâm đến với Thoa, dù thoáng chút bỡ ngỡ, cũng có vẻ hết sức tự nhiên. Hiện trạng này cho thấy tác giả đã cố ý áp đặt tâm lý và hành động đối với nhân vật. Thái độ quá dễ dãi, không gợn một dấu hiệu đấu tranh nội tâm nào của Thoa là thiếu thực tế. Cho dù biện pháp xử lý này có thể minh chứng tấm lòng hồn hậu nhân ái của Thoa, song với quy luật tâm lý, hiệu quả chân thực không khỏi bị giảm sút, ảnh hưởng tới chiều sâu cảm xúc. Tác giả đã vận dụng nhiều chi tiết có hồn khơi xới tâm tư và tình cảm sâu kín giữa ba nhân vật chủ chốt này. Khi mới gặp lại nhau sau 20 năm cách biệt, Cảnh gặng hỏi Thoa trong bữa ăn rằng có giận anh không khi anh đã lấy thêm vợ. Câu trả lời của Thoa là một tâm trạng trĩu nặng gây xúc động: “Chỉ tủi thân chứ không giận!”. Giờ đây khi tuổi xuân đã đi qua, tuy không còn xốc nổi, Thoa vẫn một mực yêu thương chồng: chăm sóc bữa ăn, chịu để chồng cởi áo cho mình trong ngập ngừng, lạ lẫm… Trong chuyến thăm mộ gia đình, họ thắp hương cho từng người thân, trong đó có cô Út hy sinh anh dũng lúc 19 tuổi, được đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng, cùng cả một tên ác ôn đã từng gây nhiều tội ác. Nén hương ấy như một động thái hòa hợp dân tộc mà tác giả khéo léo dựng lên. Khi Tâm hiện diện cạnh Cảnh và Thoa, tình thế trở nên nhạy cảm một cách âm thầm. Đêm ngủ đầu tiên và tiếp sau đó, Thoa rủ Tâm ngủ chung với mình “để tâm sự”. Cử chỉ tế nhị này bộc lộ tâm trạng của người vợ lớn: vừa chấp nhận vừa muốn ngăn chặn người vợ nhỏ. Mô típ oái ăm này trong quan hệ các cặp vợ chồng đã xuất hiện rải rác trong một số phim nước ngoài, đều tạo nên cảm xúc ý nhị sâu sắc, tùy thuộc vào nguồn gốc văn hóa của mỗi nước. Ở bộ phim này, tình huống trớ trêu trong quan hệ gia đình và xã hội đã được tác giả xử lý khá tinh tế, phù hợp phong tục, bản sắc Việt. Tại trường đoạn kết thúc câu chuyện phim, tác giả đã tập trung xử lý rốt ráo, hợp lý các vướng mắc được dồn đẩy đến đỉnh điểm, bộc lộ phẩm chất quý báu, sự hy sinh vô tư cao cả của cả ba nhân vật trung tâm. Trong đó, Tâm đinh ninh sẽ phải rời xa chồng; Thoa vốn biết sẽ được sống cùng chồng, nhưng trong giây phút bước ngoặc đã tự đổi ý tạo điều kiện cho chồng đi cùng vợ sau. Và Cảnh, trong thế lưỡng nan, đã quyết định ở lại với người vợ cũ, tuy trái tim anh đang hướng về người vợ sau và hoàn toàn có điều kiện thực hiện điều mong muốn đó. Chuỗi xung đột nội tâm đầy biến động cùng hành động không theo logic tâm lý thông thường của các nhân vật đã được tập trung đặc tả, tạo sức lôi cuốn bên trong tràn đầy cảm xúc bất ngờ.

Diễn xuất của các diễn viên khá đồng đều. Mỗi vai diễn đều mang dấu hiệu riêng về hoàn cảnh tâm lý, song tất cả đều làm tròn vai trò của mình và phối hợp ăn nhịp với nhau. Hồng Ánh vai người vợ nhỏ, theo đuổi lối diễn tiết chế, thể hiện phong cách diễn xuất nhất quán. Mai Hoa trong vai người vợ lớn, thể hiện chính xác và sâu sắc diễn biến tâm lý trong hoàn cảnh đặc trưng của nhân vật. Đơn Dương làm trọn vai trò người chồng chung, song chưa thật sự nổi bật. Công Ninh có lối diễn mộc mạc, trực diện, phù hợp với ngoại hình. Trần Thị Bé,tuy lần đầu tiếp xúc với ống kính, đã vào vai Hảo quá đỗi tự nhiên, như sống và cảm cùng nhân vật, để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem. Lan Hà vượt qua ranh giới của diễn xuất nghiệp dư, vào vai bé Giang một cách tự tin, thể hiện chín chắn tâm trạng của một bé gái trong hoàn cảnh đặc biệt của gia đình.

Poster_Phim_i_ct


Hệ thống sự kiện và chi tiết trong phim không hề to tát, đặc hiệu, mà vụn nhỏ, quen thuộc đời thường; đồng hợp với tính chất ôn tĩnh của hệ thống xung đột tâm trạng và hoàn cảnh được tác giả chủ dụng. Tần suất và cường độ xung đột được cố ý nới dãn, làm cho chùng lại, chỉ còn âm ỉ râm ran trong các cử chỉ luôn dè dặt của nhân vật, cùng với tiết tấu nhu hòa, tạo nên một phong cách biểu hiện đậm sắc thái nghiền ngẫm, khách quan, thiên về xúc cảm. Tuy nhiên, bởi quá nhỏ nhẹ và có xu hướng “ẩn mình” trong thủ pháp thuật kể, phong cách biểu đạt đã không bộc lộ được hết những đặc điểm cá tính riêng biệt mà tác phẩm đòi hỏi.

canh_trong_phim_Doi_cat

Cảnh trong phim Đời cát

Đồng “tông” với nội dung câu chuyện, hình ảnh được cấu tạo dung dị, khơi gợi, xoáy sâu vào gốc nguồn tâm lý của nhân vật. Nghệ thuật tạo hình, nhờ đó, tạo được hiệu quả chân thực, khắc họa một cách sắc nét hình tượng tác phẩm. Song le, do sử dụng động tác máy không đủ linh hoạt trong những tình huống biến động, ít chú trọng thay đổi khuôn hình trong những trường hợp đột biến tâm lý nhân vật, khiến hình ảnh ở một số trường đoạn phần nào rơi vào đơn điệu, hiếm khả năng gây “sốc” cần thiết.

Đời cát dường như có khả năng tạo ra một” cái bóng “lớn cạnh nó, như một thế giới riêng mà trong đó, hình tượng về lòng nhân ái, tính bao dung cùng đức hy sinh được cô đặc trĩu nặng, đồng thời rộng lớn mông mênh. Bộ phim đề cập trực diện chiến tranh, song ở đây, chiến tranh hoàn toàn vắng bóng! Hình thái chiến tranh tan hòa vào từng nỗi đau, hoàn cảnh và nếp sống của nhân vật. Đây là thành công bước đầu của dòng phim đề tài hậu chiến mà một số tác phẩm đã đạt được, trong đó có Đời cát. Trong đó, câu chuyện hậu chiến luôn chở nặng những hậu quả chiến tranh: những mất mát, chia lìa, đớn đau – cả thảng thốt bất thần lẫn âm ỉ triền miên. Ở đây, các tác giả không “gặm nhấm” những nỗi đau không thể cứu vãn, mà sục sâu vào những cảnh đời bất hạnh, làm sáng lên sức mạnh của tình người, của ý chí sống; mở ra con đường đi tới ngày mai. Giá trị hiện thực và tác động xã hội của tác phẩm, từ đây đã được nhân lên. Bên cạnh đó, Đời cát là một giọng điệu thuần Việt, từ tư duy đến biểu hiện. Do vậy, tiếng nói riêng của nó dễ dàng tương ứng cùng tiếng nói chung của người xem xa gần…Trên cơ sở đã tạo ra được khối chất liệu đậm đặc hồn văn cùng bầu không khí tràn ngập ý hướng như vậy, nếu bộ phim được chăm chút hơn nữa cho khâu tạo hình-- từ dàn cảnh đến kỹ thuật thu hình cùng âm thanh; tin chắc rằng thành tựu mà bộ phim đạt được không chỉ dừng lại ở mức đã có.

- Xí nghiệp Phim truyện VN sản xuất năm 1999

- Biên kịch: Nguyễn Quang Lập

- Đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân

- Quay phim: Nguyễn Đức Việt

- Âm nhạc: Phó Đức Phương

-Diễn viên: Hồng Ánh vai Tâm

Mai Hoa vai Thoa

Đơn Dương vai Cảnh

Công Ninh vai Huy

Lan Hà vai bé Giang

Trần Thị Bé vai Hảo

Giải thưởng:

- Giải nhất LHP Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 45 tại Hà Nội

- Giải Bông sen vàng tại LHP Việt nam lần thứ 13 (năm 2001)

- Giải xuất sắc nhất của LHP Việt nam lần thứ 13 dành cho:

+ Biên kịch Nguyễn Quang Lập

+ Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

+ Nữ diễn viên chính Hồng Ánh

+ Nữ diễn viên phụ Lan Hà

Nội dung:

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất. Sau 20 năm thoát ly chiến đấu, nay Cảnh từ biệt vợ con ở miền Trung trở về miền Nam thăm người vợ cũ. Sau phút ấm áp muộn màng, Thoa- người vợ cũ ấy lặng thầm xót đau khi biết chồng mình đã có vợ con trong thời gian biền biệt xa cách, do đất nước bị chia cắt hai miền. Hai người chung sống trong niềm hạnh phúc bần thần đầy mới m. Bỗng một hôm, bé Giang – con gái của Cảnh với Tâm- người vợ sau của anh; xuất hiện đột ngột trước mặt Thoa. Giang đã trốn mẹ, một mình lặn lội đến đây tìm cha. Thoa, ngay từ phút đầu đã trải lòng, coi Giang như con đẻ của mình. Và moi người sống hòa hợp dưới mái nhà tranh đơn sơ. Rồi lại một hôm, đến lượt chính Tâm đột ngột xuất hiện trước mặt Thoa và Cảnh. Tâm nóng ruột đi tìm con gái. Cuộc hội ngộ của hai người đàn bà với người chồng chung diễn ra trong cảnh huống và tâm trạng vô cùng tế nhị . Đến ngày hai mẹ con Tâm trở về quê, Cảnh cùng Thoa đưa tiễn họ ra tàu. Tại đây, Thoa vô tình bắt gặp cảnh chia tay đầy nước mắt giữa chồng mình với Tâm. Thoa quyết định tự mua thêm vé và đẩy chồng lên tàu để anh cùng về với vợ con. Nhưng rồi, Cảnh đã nhảy xuống tàu để trở lại với Thoa-- người vợ luống tuổi đã một đời hy sinh,đơn độc …

Trần Luân Kim