John Williams – “Bảo bối nhạc phim” ở Hollywood

(TGĐA) - Suốt cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc và điện ảnh, thành công của John Williams gắn liền với những bộ phim nổi tiếng của Hollywood mà chỉ cần nêu tên, đã khiến hàng triệu người ngưỡng mộ.

john williams bao boi nhac phim o hollywood

Phù thủy âm thanh

John Towner Williams sinh ra tại vùng Flushing Queens, thành phố New York vào ngày 8 /2/1932. Cha của ông, một nhạc công chơi trống trong ban nhạc jazz và là một trong những thành viên chính thức của nhóm nhạc Raymond Scott Quintet . Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của John cùng với hai anh trai Jerry và Don và chị gái Joan. Từ khi lên 7, John đã học piano và ông cũng học chơi kèn Trombon, trompet và clarinet. Năm 1948, gia đình John chuyển đến Los Angeles. Năm 1950, sau khi tốt nghiệp trường trung học nằm ở phía bắc Hollywood cũng là nơi ông đã chơi và soạn nhạc cho ban nhạc của trường, John Williams đã học piano và học sáng tác tại trường đại học California, Los Angeles và nghệ sĩ Bobby Van Eps là người trực tiếp dạy ông chơi piano. Ông đã sáng tác tác phẩm đầu tiên của mình, một bản giao hưởng với piano khi đang là một sinh viên 19 tuổi và sau đó là bộ năm bản nhạc chưa bao giờ được hoàn thành và trình diễn.

Năm 1952, Williams gia nhập quân đội và công tác tại đơn vị không lực Hoa Kỳ. Tại đây, ông được giao trách nhiệm về việc sắp xếp các chương trình nhạc cho những hoạt động âm nhạc của đơn vị. Sau khi giải ngũ năm 1954, ông dành một năm học piano tại học viện âm nhạc Julliard dưới sự dẫn dắt của một giáo viên tên là Rosina Lhevinne. Trong suốt khoảng thời gian ở New York, ông đã làm việc ở rất nhiều hộp đêm với vai trò là một nghệ sĩ dương cầm. Sau đó, ông trở thành người đệm đàn và chỉ huy dàn nhạc cho ca sĩ Vic Damone, chơi cho nhà soạn nhạc Alfred Newman tại hãng Twentieth Century-Fox và được sắp xếp trong vai trò một nghệ sĩ dương cầm cho dàn nhạc giao hưởng Columbia Pictures ở Hollywood do nghệ sĩ Morris Stoloff chỉ huy, nơi bố ông đã từng là thành viên. Tài năng chỉ huy dàn nhạc của ông sớm được các nhà soạn nhạc phát hiện và khuyến khích. Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục các khóa học về âm nhạc ở Hollywood với nghệ sĩ Arthur Olaf Anderson và nhà soạn nhạc người Italia, Mario Castelnuovo-Tedesco.

Bắt đầu nổi lên trên màn ảnh với Because They're Young năm 1960, sự nghiệp của Williams với vai trò là một nhà soạn nhạc cho phim đã có đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Nhờ tài năng của mình, ông đã soạn nhạc cho các nhóm nhạc jazz, các nhóm nhảy và các khúc đồng diễn cho dàn nhạc giao hưởng. Cuối những năm 50, Williams lấn sang truyền hình. Ông xuất hiện với vai trò là một nghệ sĩ piano cho một nhóm nhạc jazz của Johny Staccato đồng thời soạn nhạc và chỉ huy những show diễn như "M-Squad", "Wagon Train" và "Chrysler Theatre". Một chuỗi những bản nhạc phim do John sáng tác cho các phim The Towering Inferno, Earthquake, The Poseidon Adventure, Black SundayThe Fur cho thấy được đóng góp quan trọng của âm nhạc đối với thành công của những bộ phim. Sự công nhận đến từ những đề cử giải thưởng của Viện Hàn Lâm (hơn 35 lần) cho những bản nhạc John đã viết và cải biên, trong đó có một số ca khúc viết những năm 60 của thế kỷ 20 đã chứng thực rõ hơn về điều đó.

john williams bao boi nhac phim o hollywood

Những năm 80, 90 đến năm 2000, Williams liên tiếp cho ra đời nhiều bản nhạc tuyệt vời. Williams bắt đầu chỉ huy các dàn nhạc để ghi đĩa cho các tác phẩm của ông (ngoại trừ một số bản nhạc mới) và suốt những năm ấy ông đảm nhận chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng của các thành phố như Atlanta, Dallas, Pittsburgh và Los Angeles. Năm 1980, ban quản lý dàn nhạc Boston thông báo đã ký hợp đồng 3 năm với John Williams và ông trở thành người chỉ huy thứ 19 của dàn nhạc lừng danh Boston Pops. Mặc dù mọi người phải công nhận rằng không ai có thể hoàn toàn thay thế được nghệ sĩ đáng kính Arthur Fiedler nhưng việc lựa chọn Williams vẫn được hưởng ứng nhiệt tình.

Bên cạnh đóng góp cho các phim truyền hình, Williams cũng đóng vai trò là một nhà soạn nhạc truyền thống. Ông được ủy quyền viết các bản nhạc với mục đích khác nhau, với các bản Prelude and Fugue (1965), Essay for Strings năm 1966 và Symphony No. 1được viết cùng thời gian đó, kỉ niệm cho quãng thời gian dài ở Hollywood ông cộng tác với nghệ sĩ André Previn; A Sinfonietta for Wind Instruments (1968), A Nostalgic Jazz Odyssey (1972), Jubilee 350 Fanfare được soạn để kỉ niệm 350 năm ngày thành lập thành phố Boston năm 1980, America, the Dream Goes On (1982 với hai nhà thơ trữ tình Alan và Marilyn Bergman), Esplanade Overture (1983), Liberty Fanfare được soạn để kỉ niệm 100 năm ngày khánh thành tượng Nữ thần tự do (1986); Hymn to New England (1987), We're Lookin' Good! trong thế vận hội Olympic mùa hè năm 1987,To Lenny! To Lenny! mừng sinh nhật lần thứ 70 của nghệ sĩ Leonard Bernstein (1988), Celebrate Discovery kỉ niệm 500 năm Colombo tìm ra Châu Mỹ năm 1990, Sound the Bells mừng lễ cưới của công chúa Masako, Nhật Bản (1993) và Variations on Happy Birthday năm 1995 trong buổi hòa nhạc tại Tanglewood mừng sinh nhật của ba nghệ sĩ (Seji Ozawa –sinh nhật lần thứ 60, Itzhak Perlman – sinh nhật lần thứ 50 and Yo-Yo Ma- sinh nhật lần thứ 40).

Williams đã viết các bản nhạc dành cho các loại nhạc cụ khác nhau. Bản côngxectô thứ bảy của ông được viết dành cho nhạc cụ sáo (1969), cho violong (1976, dành cho người vợ xấu số của ông – Barbara Ruick), cho kèn tuba (kỉ niệm 100 năm ra đời dàn nhạc giao hưởng Boston Pops năm 1985), cho kèn clarinet (tặng Michele Zukovsky –nghệ sĩ chơi kèn clarinet của hội yêu âm nhạc ở Los Angeles năm 1991), cho đàn xêlô (dành tặng nghệ sĩ Yo-Yo Ma năm 1994), cho kèn fagôt (lấy cảm hứng từ những tác phẩm thơ ca của Robert Graves và được viết năm 1995 kỉ niệm 150 năm thành lập hội yêu kèn fagôt ở New York và dành cho kèn trumpet (kỉ niệm 100 năm ngày thành lập dàn nhạc giao hưởng Cleveland Orchestra năm 1996). Williams đã ba lần viết nhạc cho thế vận hội Olympic. Đó là Olympic Fanfare năm 1984; Olympic Spirit năm 1988 và Summon the Heroes cho thế vận hội Olympic tại Atlanta năm 1996 và Call of the Champions cho thế vận hội tại thành phố Salt Lake năm 2002. Ông cũng viết bốn bản nhạc hiệu cho đài NBC, đáng chú ý nhất là The Mission Theme cho chương trình NBC Nightly News.

Người viết nhạc cho phim bom tấn

John Williams vẫn giữ các các mối quan hệ lâu dài ở Hollywood. Ông vẫn trung thành với các đạo diễn như Steven Spielberg (ông đã làm nhạc phim cho hầu hết các phim của đạo diễn Spielberg ngoại trừ một số ít bộ phim truyện) và đạo diễn Oliver Stone. Ông cũng là bậc thầy về âm nhạc cho các sequel hay còn gọi là phần tiếp theo của các bộ phim bom tấn. Ông đã soạn nhạc cho phim với số lượng nhiều hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào trong lịch sử Hollywood, bao gồm các sequel của Jaws, Star Wars, Raiders of the Lost Ark, Home Alone, Jurassic Park Harry Potter. Chính vì xu hướng này, Williams cũng trở thành bậc thầy về nhạc hiệu từ bộ phim trước đây thành những tác phẩm mới và thêm sự kết hợp vào tổ khúc ấn tượng của nhạc hiện đại và nhạc cổ. Nhiệm vụ khó nhất mà ông phải đối mặt đó là tiếp tục phim Star Wars với 6 phần phim khác mà ông đã phải đấu tranh với hàng tá các bản nhạc để kết nối lại trong mỗi phần mới.

john williams bao boi nhac phim o hollywood

Một số người luôn nhớ đến Williams khi cùng lắc lư theo những điệu nhạc jazz của thập niên 60 (How to Steal a Million, John Goldfarb, Please Come Home, A Guide for the Married Man), hay ngưỡng mộ bậc thầy dành chiến thắng giải Oscar với những thiên anh hùng ca trong thập niên 70 (The Towering Inferno, Jaws, The Fury). Mặc dù hầu hết mọi người đều nhớ đến ông với những bản nhạc cổ điển của thập niên 70 và 80 (Close Encounters of the Third Kind, Raiders of the Lost Ark, E.T.), nhưng ít ai biết rằng một số tác phẩm hay nhất của Williams dành cho những phim nhỏ hơn và đôi khi không mấy tiếng tăm. Ví dụ, trong khi mọi người phát cuồng vì Home Alone năm 1990, Williams đã cho ra đời một trong những bản nhạc có sức ảm ảnh và có ảnh hưởng nhất đến sự nghiệp của ông: Presumed Innocent. Chưa bao giờ Williams có được cảm nhận về nỗi thất vọng và sự sợ hãi đến như thế. Một năm sau, fans của Williams rất vui mừng khi trong trailer cho phim Hook của đạo diễn Steven Spielberg có âm nhạc của John Williams. Sự phô trương ầm ĩ này, bao gồm cả việc phát hành đĩa CD đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ với Williams tài hoa. Hook có những khúc nhạc nền thú vị hơn và đơn giản hơn hầu hết các bản nhạc khác của Williams. Năm 1992, trong thời gian James Horner đang khuấy động cộng đồng âm nhạc phim với nhạc dân tộc của người Ailen thì Williams đã tạo ra một bản thiên anh hùng ca trong Far and Away.

Williams đã viết Jurassic ParkSchindler's List năm 1993 và cả hai đều trở thành bom tấn thương mại hàng đầu. Sau sự tán thưởng mà ông nhận được từ những tác phẩm âm nhạc (bao gồm cả các giải thưởng của Viện Hàn Lâm), ông bắt đầu… cạn ý tưởng. Phải mất một năm, ông không viết được một bản nhạc nào và sau đó trở lại với ba bản nhạc ít được chú ý trong phim Sabrina, NixonSleepers. Năm 1997, bộ ba tác phẩm Star Wars tái phát hành tại các rạp chiếu, ông đã mang đến những bản nhạc đầy ấn tượng trong The Lost World, Seven Years in Tibet Amistad. Và một năm sau đó, Saving Private Ryan đã chứng minh khả năng thần kỳ của Williams.

Ngoài những “bản nhạc bom tấn” cho bộ phim Star Wars và bắt đầu seris phim Harry Potter, nhà soạn nhạc đại tài còn kết hợp ca khúc và âm nhạc cho một bộ phim hay khác - A.I. Artificial Intelligence năm 2001 và dành tặng một bản nhạc bày tỏ lòng kính trọng đến Bernard Herrmann trong Minority Report vào năm kế tiếp.

Một tính cách đặc biệt

John Williams thường xuất hiện với hình ảnh quen thuộc của một người được đề cử giải Oscar tại các lễ trao giải thường niên của Viện Hàn Lâm với bộ râu quai nón và mái tóc bạc trắng. Sauk hi Barbara, vợ ông, chết vì căn bệnh sốt huyết não năm 1974, Williams đi bước nữa vào ngày 9/6/1980 với Samathan Winslow, một nữ nhiếp ảnh gia – chuyên viên trang trí nội thất mà ông đã quen biết 5 năm ở Hollywood. Mặc dù có nhà ở Boston, ông vẫn thường xuyên đến Nam California vì lòng đam mê với nhạc phim và bởi vì ở đó còn có hai con trai của ông là Joseph và Mark đang theo đuổi sự nghiệp âm nhạc riêng của họ. Ngoài ra, con gái của ông, Jennifer, là bác sĩ và bố mẹ của ông cũng sống ở đó. Sau khi giải nghệ khỏi dàn nhạc Boston Pops, ông quay lại California để được sống gần gia đình hơn. Ông rất thích chơi golf, tennis và chơi nhạc thính phòng với các bạn của mình.

john williams bao boi nhac phim o hollywood

Đạo diễn Steven Spielberg và nhà soạn nhạc John Williams - Một trong những cặp bài trùng của Hollywood

Nhân cách của Williams được nhiều người khâm phục nhưng ngược lại cũng làm nhiều người không ưa. Trong buổi hòa nhạc, với cả dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng nhất thế giới Boston Pops và ở tour diễn, tài năng chỉ huy của ông đã làm khán giả say đắm ngay tức thì. Thế nhưng các vị giáo sư khác lại cho rằng cái tôi của Williams quá lớn, có lẽ là do thành công lớn của ông trên thế giới. Một cuộc phỏng vấn năm 1997 về lễ trao giải Oscar (và đề cử của ông với phim Amistad), ông bày tỏ rằng mình không liên quan tới rất nhiều giải Oscar mà ông đã để tuột vào tay các nhà soạn nhạc khác trong suốt những năm qua. Nhưng, không kể tới danh tiếng và nhân phẩm, John Williams đã cho ra đời những bản nhạc phim đủ sức làm thay đổi con đường lịch sử âm nhạc trong điện ảnh..

Ông đã đưa ra lời khuyên dành cho các nhà soạn nhạc trẻ: “Về mặt chuyên môn, việc phát triển một sự nghiệp vững chắc được coi là lời khuyên tốt nhất mà bất kì ai cũng có thể đưa ra. Học theo chuẩn tốt nhất của âm nhạc phương Tây. Một cách làm việc quen thuộc với đối âm là những gì nên có ở một nhà soạn nhạc. Đọc là một việc hết sức quan trọng để lấy cảm hứng và sáng tạo âm nhạc. Âm nhạc được tìm thấy nhiều trong các vần thơ và thông qua việc yên tĩnh thưởng ngoạn thiên nhiên hơn là tự học một mình. Một sự đào tạo cơ bản vững chắc có thể giúp bạn có sự nghiệp rất đáng ngưỡng mộ.”

Nói về quá trình làm nhạc cho bộ phim Attack of the Clones, phần 2 của bom tấn Star Wars, Williams chia sẻ: “Lần thứ năm này giống hệt như lần đầu vậy. Chúng tôi ngồi đó với một mẩu giấy trắng và hy vọng rằng chúng tôi sẽ có được nguồn cảm hứng, năng lượng và may mắn như những gì chúng tôi đã có ở phần trước. Vì vậy tôi nghĩ mỗi lần là một thách thức giống nhau và chúng tôi cố gắng đối mặt với thách thức đó theo cách tốt nhất chúng tôi có thể làm. Và đó là điều đã khiến chúng tôi cực kì yêu thích công việc của mình”.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, dù một số ít nhà phê bình khó tính cho rằng những ngày tháng hoàng kim của John Williams trong Star WarsIndiana Jones đã phần nào bị phai mờ nhưng Hollywood vẫn luôn ngưỡng mộ ông. Và không phụ lòng khán giả, John Williams vẫn tiếp tục cho ra đời những bản nhạc hay.

Rất nhiều điều chúng ta làm cuối cùng cũng chỉ là phù du và nhanh chóng bị lãng quên, đôi khi bởi chính chúng ta, vì vậy điều đáng hài lòng là chúng ta phải làm gì đó để được mọi người nhớ tới lâu hơn

Lần đầu tiên tôi quay lại cuối buổi biểu diễn, nhờ ánh đèn mà tôi có thể thấymột rừng người. Lúc đó, từ duy nhất tôi có thể thốt lên là: Ôi lạy chúa! Như thể là một đám đông băng qua đại dương vậy… Không có cách nào để diễn tả cảm giác khi đứng trước hàng trăm nghìn người như thế. Chỉ có Giáo Hoàng may ra mới có thể kể cho bạn cảm giác lúc đó như thế nào.

Một số đề cử âm nhạc của John Williams

* Đề cử nhạc phim hay nhất

Memoirs of a Geisha (2005)

Hồng Nhật