Lady in the lake và Life of Pi: Cách kể chuyện đặc trưng của Hollywood

(TGĐA) - Không những liên tục tìm những đề tài mới lạ, các nhà làm phim ở Hollywood còn tỏ ra rất linh hoạt trong việc tìm kiếm cách thức chuyển tải câu chuyện phim đến với người xem. Thế giới Điện ảnh giới thiệu bài viết của tác giả Trần Công Đức về một trong những cách kể chuyện đặc trưng của các nhà làm phim Hollywood. Đó là P hương thức trần thuật hạn chế thông tin và điểm nhìn người kể chuyện . Tít bài do Thế giới điện ảnh đặt.

Poster phim Lady in the lake 1947

Poster phim Lady in the lake 1947

Tác phẩm điện ảnh Lady in the lake (1947) của đạo diễn Robert Montogemy thuộc thể loại phim trinh thám. Không gian hành động trong phim diễn ra tại thị trấn Bay City. Nhân vật chính, thám tử Marlowe, đóng vai trò là người điều tra phá án, đồng thời là một vị khách lạ tại Bay City. Ngay buổi đầu anh ta đã được các cảnh sát viên sở tại “dằn mặt”: “Chúng tôi không phải dạng đặc biệt để các anh xuống đây lấy tin, chúng tôi sẽ không tử tế nếu các anh đụng chạm đến công dân của chúng tôi”. Trong suốt bộ phim, lực lượng cảnh sát hầu như không tham gia vào công việc phá án, không cung cấp thông tin, chỉ còn có hai tuyến: nhân vật phá án và kẻ tội phạm. Nội dung phim đề cập đến những kiểu tội ác nảy sinh vào giai đoạn suy thoái của nước Mỹ nửa đầu thế kỷ trước, với hai tuyến nhân vật điển hình: thám tử và thủ phạm, chính vì thế Lady in the lake còn được liệt vào thể loại phim noir. Đạo diễn Christopher Nolan đã nói: “Phim noir là một trong những thể loại phim sử dụng kỹ thuật điểm nhìn của nhân vật như là một nhân tố rất quan trọng trong phương thức kể chuyện” (Bordwell, 2006, 74). Đây cũng chính là đặc điểm then chốt trong trần thuật của Lady in the lake.

Lady in the lake thuộc thể loại trinh thám nên kịch bản bao gồm đầy đủ cả hai yếu tố nguyên nhân và kết quả, từ đó giúp cho người xem hình dung ra được một câu chuyện trọn vẹn. Đây cũng là chức năng chính của phong cách trần thuật trong phim. Tuy nhiên, kết cấu phim có vẻ như đi theo hướng ngược lại: kết quả-nguyên nhân: mở đầu phim bắt đầu bằng câu nói của Marlowe rằng kẻ sát nhân đã thú tội. Đó là kết quả, nhưng người xem vẫn chưa biết được nguyên nhân từ đâu, và đặc biệt hung thủ đó thực sự là ai. Trong suốt phim, các chứng cứ dần được khám phá và mạch truyện dẫn người xem đến câu trả lời thỏa đáng. Đó là cảnh Marlowe bắt đầu nghi ngờ Mr. Lavery sau khi phát hiện các bức điện có ghi tên của ông ta ở Chrystal Kingby. Như vậy, ý nghĩa của phương thức trần thuật với góc nhìn chủ đạo của nhân vật chính giúp người xem cảm nhận sự phát triển mô hình cốt truyện trong phim theo hai khía cạnh: mục tiêu định hướng (cốt truyện dựa trên một sự tìm kiếm sự thật về những gì đã xảy ra) và sự thay đổi trong tiếp nhận của Marlowe khi anh ta liên tục có được những thông tin mới mẻ qua trò chuyện và khám phá những điều bí ẩn.

Cảnh trong phim Life of Pi

Cảnh trong phim Life of Pi

Trong phim, điểm nhìn của nhân vật chính, Marlowe, cũng chính là điểm nhìn người kể chuyện, một lối kể chuyện thông qua việc thuật lại sự việc, tình tiết cho những người khác và thông qua hành động của chính bản thân anh ta. Kỹ thuật quay cảnh theo hướng nhìn của nhân vật được đạo diễn Robert Montogemy tận dụng triệt để. Điểm đặc biệt của kỹ thuật này là máy quay đóng vai trò như cặp mắt của nhân vật chính Marlowe. Từ đó đạo diễn luôn đặt người xem vào hoàn cảnh của Marlowe và giúp họ theo dõi sát sao từng hành vi, cử chỉ của anh ta. Vì thế giới trong con mắt nhân vật cũng nằm trong chính con mắt của người xem, do đó mức độ hiểu biết về thông tin trong phim của họ bị giới hạn, luôn phụ thuộc vào cảm xúc và suy nghĩ của anh ta. Đây có thể coi là phương thức trần thuật với góc nhìn thứ nhất, chủ đạo có tác dụng đáng kể là khiến cho người xem như hòa mình vào bản thân nhân vật chính. Chẳng hạn như khi Marlowe mất bình tĩnh và đánh Mr. Lavery, người xem có cảm giác mình như là người trong cuộc. Dường như mọi thông tin phim đưa ra đều thể hiện thông qua điểm nhìn của nhân vật này. Đây là một ví dụ của phương thức trần thuật hạn chế thông tin, phù hợp với thể loại trinh thám, bởi nó tạo ra sự hồi hộp, căng thẳng và ngạc nhiên hơn hẳn so với lối trần thuật toàn thức.

Phương thức trần thuật hạn chế thống tin thông qua điểm nhìn của người kể chuyện – một kiểu kết cấu truyện đặc biệt còn bắt gặp ở loại phim “một mình vượt thử thách”, chẳng hạn như Life of Pi. Ở phim này, khác với phim trinh thám, hình sự, hấp dẫn người xem không phải bằng quá trình và cách thức phá án, buộc người xem phụ thuộc vào điểm nhìn nhân vật chính, mà khán giả khi xem phim, chú ý tới “diễn ngôn hành động” của bộ phim (vì trong phim chỉ có một nhân vật, không chuyện trò được với ai, chủ yếu hành động, tìm mọi cách để vượt qua cái chết), rõi theo điểm nhìn bên ngoài của nhân vật (thường được quay cận cảnh), mường tượng điểm nhìn bên trong của nó, từ đó tự do tưởng tượng ra các loại tình tiết về cuộc vượt biển có một không hai này – tức chuyển điểm nhìn nhân vật sang điểm nhìn của bản thân. Khác với phim Lady in the lake, người xem bị lệ thuộc vào những thông tin “mù mờ” do người kể chuyện cung cấp, tâm trí họ cảm thấy mơ hồ cho dù trải qua một loạt những sự kiện trong phim và chỉ khi nhân vật Marlowe tiết lộ ra các chứng cứ mang tính thuyết phục họ mới thoát khỏi tình trạng này, trong Life of Pi, mọi sự rất rõ ràng: đây là một câu chuyện do nạn nhân duy nhất sống sót trên chuyến tàu vượt biển kể lại. Chính vì Pi là người kể chuyện duy nhất nên nội dung câu chuyện, các tình tiết, điểm nhìn bên ngoài, bên trong của người kể chuyện có thể biến đổi tùy ý (tình tiết “đầu bếp ăn thịt người” trên con tàu và dự định của Pi cho cái chết của bố mẹ - do được gợi ý để tăng tính hấp dẫn của câu chuyện, được thay bằng tình tiết “tuyệt vời hơn", “nhân đạo” và “hợp lí”hơn (người không ăn thịt, không giết đến cả một con kiến, không thể giết người kể cả với lí do chính đáng): con hổ Parke cùng lũ ngựa vằn, linh cẩu, tinh tinh nhảy xuống xuồng cứu hộ và bọn này lần lượt bị Parke ăn thịt). Và người xem, trong khi tập trung theo rõi chuỗi hành động của Pi nhằm cứu bản thân và con hổ - người bạn đường duy nhất khỏi bị đại dương hung dữ nuốt chửng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần tiên của đại dương khi nó hiền hòa, của đảo cây như trong chuyện cổ tích, thông qua điểm nhìn của nhân vật chính, cảm nhận được điểm nhìn bên trong của nhân vật, thế giới tinh thần, đức tin của anh, cái lí do khiến anh vượt thoát khỏi mọi hiểm (“hãy để điều này đến với Thượng đế"). Khác với Lady in the lake, điểm nhìn người kể chuyện thông qua những thông tin mang đậm dấu ấn của chủ quan mà anh ta kể lại cho những người khác, trong Life of Pi trần thuật chủ yếu được diễn đạt bằng “diễn ngôn hành động” (vì phải một mình tìm mọi cách cứu lấy mạng sống và chẳng có ai để mà chuyện trò) thông qua kỹ xảo đặc biệt của điểm nhìn điện ảnh. Điểm nhìn thể hiện qua con mắt của Pi; cảnh anh đứng đối diện với con hổ, tay cầm chiếc lao đâm cá để phòng vệ khỏi đến lượt mình bị ăn thịt, tạo ra không khí căng thẳng cho cả nhân vật lẫn người xem. Ngoài ra, bề mặt đại dương rộng lớn qua điểm nhìn tựa như một bức màn vải huyền diệu, mô tả ký ức bay bổng của người kể chuyện. Ký ức đó hoàn toàn bị bao trùm bởi một khối thống nhất: đại dương, chiếc xuồng và bầu trời. Trong đó, âm thanh của con sóng và cơn bão trên biển, tiếng gầm gừ của con hổ, thậm chí tiếng thở lo lắng trước đại dượng hay tiếng gào thét vọng vang bầu trời của Pi trên con xuồng đều tượng trưng cho âm điệu kể chuyện của nhân vật này, thay vì xuất phát từ giọng nói của anh ta (voice - over) như những phim tự sự khác. Hiệu ứng hình ảnh và diễn xuất tuyệt vời của diễn viên khiến điểm nhìn bên ngoài của nhân vật dễ dàng di chuyển vào điểm nhìn bên trong và người xem cảm nhận điều này một cách tự nhiên đầy xúc động. Điều này, trong chừng mực nhất định, cho thấy sự tương đồng giữa Life of Pi với Lady in the lake. Ở bộ phim sau, mặc dù kịch bản tập trung vào lối hành động bên ngoài của các nhân vật xung quanh Marlowe, hơn là độc thoại nội tâm của họ, song qua điểm nhìn đa diện của người kể chuyện khiến người xem vẫn cảm nhận được nhữngxúc cảm mang tính chủ thể của những nhân vật này từ lời kể của Marlowe.

Những bộ phim với kiểu trần thuật hạn chế thông tin, tập trung vào điểm nhìn duy nhất của người kể chuyện đòi hỏi tay nghề cao của người viết kịch bản, của đạo diễn và đặc biệt của diễn viên. Bởi chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên bộ phim sẽ sụp đổ ngay lập tức. Trong Life of Pi những cảnh hoành tráng của đại dương trong cơn bão điên cuồng, hay những thước phim tuyệt đẹp mô tả con thuyền cứu hộ như một chấm trắng nhỏ nhoi trên mặt biển xanh bao la, trên thực tế được thực hiện trong một bể nước nhân tạo nhờ sự hỗ trợ của kĩ thuật ki phông xanh đòi hỏi trí tưởng tượng vô cùng phong phú cùng tài năng diễn xuất của diễn viên, khi chỉ bằng hành động bên ngoài, cùng những biểu cảm khuôn mặt và những âm thanh phi lời nói, anh đã thể hiện một thế giới bên trong còn lớn hơn đại dương, bởi nó là số Pi vô tận. Cũng chính điều này bộ phim đã chuyền tải thành công thông điệp triết lí nghệ thuật của đạo diễn Lí An.

Với tất cả những đặc điểm nêu trên của kiểu trần thuật với điểm nhìn hạn chế thông tin của người kể chuyện, có thể nói, hai bộ phim Lady in the lakeLife of Pi đã gặt hái những thành công lớn, bởi tính độc đáo của kịch bản, lối diễn xuất, cách thức quay và dựng phim. Bằng điều này hai bộ phim đã làm phong phú thêm phong cách kể chuyện vừa đặc trưng, vừa đa dạng của điện ảnh Hollywood.

Trần Công Đức