Liên hoan phim độc lập Cinemalaya lần thứ 9 - Manila, Philippines (27/7/2013 - 05/8/2013)

(TGĐA) - Là liên hoan dành cho phim độc lập được sản xuất với ngân sách hạn hẹp nhưng liên hoan phim Cinemalaya lần thứ 9 đã thành công xuất sắc, đặc biệt thu hút được đông đảo khán giả với đại đa số là tầng lớp thanh thiếu niên.

Tin_s_Ng_Phng_Lan_-_Cc_trng_Cc_in_nh_v_cc_o_din_thnh_vin_Ban_gim_kho_LHP_Cinemalaya_2013

Tiến sỹ Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh và các đạo diễn, thành viên Ban giám khảo LHP Cinemalaya 2013

Vài nét về Liên hoan phim độc lập Cinemalaya

Phim tham dự :

Phim dự thi:

Liên hoan phim Cinemalaya năm nay gồm hai phần dự thi chính là New Breed (Hạt giống Điện ảnh) và Director Showcase (Giới thiệu phim của các đạo diễn nổi tiếng).

“Hạt giống Điện ảnh” (10 phim ngắn và 10 phim truyện) là phần thi hoàn toàn dành cho những đạo diễn dòng phim độc lập. Phần lớn trong số họ đều là những nhà làm phim trẻ tuổi. Đạo diễn trẻ nhất là Aiess Athina Alonso – 19 tuổi dự thi với tác phẩm Last Strike ở thể loại phim ngắn. Cô cũng từng là học viên tại HANIFF Campus năm 2012. Điều dễ nhận thấy là chủ đề những bộ phim trong phần này đều phản ánh tương đối chân thực cuộc sống và nhận mạnh vào những gì giới trẻ quan tâm. Thể loại khá đa dạng từ phim kinh dị, hài đến tâm lý, tình cảm. Tuy được làm với kinh phí thấp nhưng không vì thế mà những bộ phim này kém chất lượng. Có thể kể đến tác phầm Quá cảnh (Transit) của đạo diễn Hannah, đã xuất sắc giành giải thưởng Phim hay nhất cùng khá nhiều giải phụ khác.

“Giới thiệu phim của các đạo diễn nổi tiếng” (05 phim truyện) là phần mới xuất hiện tại liên hoan phim Cinemalaya vài năm gần đây. Những đạo diễn tham gia phần này đều là những nhà làm phim đã phần nào có tên tuổi và dấu ấn trong ngành điện ảnh. Họ được biết đến với tên gọi “những đạo diễn dòng phim mainstream – hay còn gọi là phim thương mại”. Việc xuất hiện những đạo diễn dòng phim thương mại tại một liên hoan phim độc lập cho thấy sức hút mạnh mẽ của dòng phim độc lập tại Philippines hiện nay. Sự thành công của những bộ phim độc lập nói riêng và Cinemalaya nói chung đã thôi thúc các đạo diễn dòng phim thương mại muốn chủ động tham gia.

Điểm khác biệt ở phần phim dự thi tại Cinemalaya là tất cả các bộ phim được lựa chọn đều có phần tài trợ kinh phí của Cinemaya trong đó. Hàng năm, Cinemalay bắt đầu nhận đăng ký từ khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8. Các nhà làm phim sẽ phải gửi đến cho Ban Tổ chức kịch bản của bộ phim họ dự định sản xuất. Sau vòng loại hồ sơ, Ban Tổ chức sẽ có buổi phỏng vấn với các đạo diễn để có được cái nhìn rõ ràng hơn về ý tưởng làm phim của họ cũng như những vấn đề khác như kinh phí sản xuất, chọn diễn viên… Cuối cùng, từ hàng ngàn bản đăng ký, Ban Tổ chức chỉ chọn ra 15 kịch bản xuất sắc nhất và cấp cho mỗi đạo diễn 500.000 peso để làm phim trong thời gian 3 đến 4 tháng trước khi liên hoan phim năm sau diễn ra. Có thể thấy đây là cách đầu tư quay vòng khá hiệu quả của Cinemaya. Họ cấp một phần kinh phí để sản xuất những bộ phim dự thi trong Liên hoan phim. Với tư cách là một nhà đầu tư cho bộ phim, Cinemalaya được nhận một số quyền và ưu tiên khi bộ phim được phát hành hoặc được dự thi tại những liên hoan phim khác. Bên cạnh đó, cách đầu tư kinh phí này cũng là động lực giúp các nhà làm phim độc lập tham dự liên hoan phim vì như ta đã biết thì những nhà làm phim độc lập thường xuyên phải xoay sở với bài toán kinh phí eo hẹp.

Phim chiếu giới thiệu:

Cũng như một số liên hoan phim khác, xen kẽ các bộ phim dự thi, Cinemalaya cũng trình chiếu giới thiệu những bộ phim khác. Ví dụ như những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Philippines, những tác phẩm của các đạo diễn gạo cội, những tác phẩm giành giải cao tại các liên hoan phim mùa trước,…

Công tác bán vé:

Liên hoan phim Cinemalaya cũng tổ chức bán vé cho khán giả. Giá vé cụ thể như sau:

- Giá vé thường: 150 peso ~ 3,75 USD/ phim (giảm giá 50% cho học sinh, sinh viên; giảm 20% cho cán bộ nhà nước và quân đội)

- Giá vé xem tất cả các suất chiếu trong 1 ngày: 500 peso ~ 12,5 USD

- Giá vé xem tất cả Phim Dự thi trong liên hoan phim: 2000 peso ~ 50 USD (Khán giả sẽ được chỗ ngồi ưu tiên và quà lưu niệm của Ban Tổ chức)

- Giá vé xem tất cả phim trong liên hoan phim: 3000 peso ~ 75 USD(Khán giả sẽ được chỗ ngồi ưu tiên và quà lưu niệm của Ban Tổ chức)

Mỗi phim dự thi được chiếu 10 lần tại các địa điểm chiếu khác nhau nên khán giả có thể dễ dàng chọn được bộ phim mình muốn xem. Một lý do khiến cho khán giả đến rạp đông là bởi lịch chiếu phim đã được fix trước khi liên hoan phim diễn ra một thời gian dài. Lịch chiếu được cập nhật cùng với thông tin về các bộ phim trên website của liên hoan phim hoặc các trang mạng xã hội giúp khán giả có thể tìm hiểu bộ phim mình quan tâm và sắp xếp đến rạp xem phim thuận tiện hơn.

IMG_3029

Khán giả:

Có thể nhận xét khán giả là điểm thành công nổi trội của Cinemalaya. Tuy phải bỏ tiền vào rạp xem phim nhưng vẫn có rất đông khán giả xếp hàng mua vé, đặc biệt là những suất chiếu từ chiều đến tối. Phần lớn khán giả là tầng lớp thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, trong những buổi giao lưu với đoàn làm phim, khán giả luôn thể hiện sự hứng thú qua việc đặt khá nhiều câu hỏi về bộ phim. Đặc biệt, cuối bất kỳ suất chiếu nào, khi bộ phim kết thúc, dù số lượng khán giả trong rạp đông hay thưa thớt nhưng họ vẫn đồng loạt vỗ tay tán dương cho bộ phim. Có thể nhận thấy sự tôn trọng và yêu thích của khán giả Philippines dành cho dòng phim độc lập và liên hoan phim Cinemalaya.

Các hội thảo trong khuôn khổ liên hoan phim:

Nội dung chính của các hội thảo:

Hội thảo của Cinemalaya năm nay bao gồm những buổi thuyết trình và thảo luận về những khía cạnh khác nhau của phim độc lập. Mục tiêu của hội thảo là giúp những nhà làm phim học hỏi lẫn nhau, đánh giá những thành quả của họ và đứng ở vị trí của họ để nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại đối với việc làm phim độc lập.

Chủ đề đầu tiên đề cập đến những ý kiến khác nhau của các nhà làm phim về những vấn đề như ngôn ngữ điện ảnh, casting và kinh phí. Ngôn ngữ điện ảnh là một giá trị riêng, giúp phân biệt rõ ràng giữa dòng phim độc lập và phim thương mại.Tuy nhiên, những nhà làm phim độc lập cũng không tuân theo chỉ duy nhất một thứ ngôn ngữ điện ảnh. Trong diễn đàn này, những nhà làm phim sẽ thảo luận chi tiết về chủ đề ngôn ngữ điện ảnh và phong cách làm phim.

Phim độc lập có thể hội tụ được từ những ngôi sao, diễn viên chuyên nghiệp đến diễn viên nghiệp dư. Ngày càng có nhiều diễn viên nổi tiếng tham gia diễn xuất trong các bộ phim độc lập. Ví dụ như bà Vilma Santos – người được mệnh danh là star-for-all-season đã đảm nhiệm vai chính trong phim “Diễn viên quần chúng” (Extra). Mặt khác, cũng có những nhà làm phim độc lập có hứng thú với những diễn viên nghiệp dư. Diễn đàn này nhấn mạnh những vấn đề quan trọng trong casting và nghệ thuật kể chuyện qua diễn xuất.

Hầu hết các phim độc lập đều chỉ được sản xuất với kinh phí khoảng 3 triệu peso (tương đương 75.000 USD), thậm chí là còn thấp hơn. Diễn đàn đề cập đến tác động của nguồn ngân sách hạn hẹp tới việc sản xuất 1 bộ phim. Những nhà làm phim cũng bày tỏ rằng ngân sách luôn là bài toán khó khiến họ phải đau đầu tìm hướng giải quyết. Vì lý do này mà thậm chí nhiều nhà làm phim phải chuyển từ làm 1 bộ phim truyện dài thành phim ngắn, ví dụ điển hình là phim ngắn hay nhất tại Cinemalaya năm nay – Xa cách (Houseband’s wife) của Paolo O’hara có kịch bản gốc là phim truyện nhưng vì thiếu kinh phí nên đạo diễn phải biên tập lại thành phim ngắn. Như đã đề cập ở phần phim dự thi, việc Cinemalay đầu tư một phần kinh phí sản xuất cho những bộ phim dự thi đã động viên khích lệ những đạo diễn tham gia vào sân chơi này. Cách làm này đã giúp đỡ những nhà làm phim độc lập phần nào trong việc xoay sở với bài toán ngân sách hạn hẹp.

IMG_2979

Về quảng cáo cho các bộ phim độc lâp, điều dễ nhận thấy là với nguồn kinh phí hạn hẹp, các nhà làm phim không thể bỏ một số tiền lớn để quảng bá cho các bộ phim. Họ chia sẻ, nhiều trường hợp, cái giá họ được đề nghị để quảng bá phim họ qua truyền hình gần ngang ngửa với số tiền họ bỏ ra để sản xuất bộ phim. Do vậy, họ phải xoay sở những phương án khác để quảng bá cho phim của mình. Cách đầu tiên là sử dụng triệt để sức mạnh của internet và các trang mạng xã hội như facebook, twitter,…Cách này không những tiết kiệm mà còn có thể tiếp cận giới trẻ - bộ phận chính tiêu dùng các sản phẩm điện ảnh. Cách thứ hai là đưa bộ phim đến khán giả thông qua chính các liên hoan phim như Cinemalaya. Ngoài ra, các nhà làm phim cũng chủ động tìm kiếm cơ hội đưa phim tham dự các liên hoan phim lớn nhỏ của những nước trong khu vực. Cách thứ ba mà các nhà làm phim chia sẻ là tổ chức những buổi nói chuyện và giao lưu với học sinh, sinh viên tại các trường đại học, qua đó quảng bá và giới thiệu những tác phẩm mới của họ đến công chúng. Cách làm này không những giúp quảng cáo những bộ phim mà còn thu hút được sự quan tâm, chú ý của giới trẻ với dòng phim độc lập .

Về phát hành phim, trước tiên, khi mà bài toán ngân sách ít ỏi lặp lại, các nhà làm phim không thể chi quá nhiều cho việc phát hành phim. Bà Joji Alonso, nhà sản xuất của Bị còng tay (Shackled - phim đã tham dự LHPQT Hà Nội II (HANIFF) và xuất sắc giành giải cao nhất) và 5 bộ phim khác chia sẻ đã mất tới 11 triệu peso để sản xuất và phát hành cho 1 bộ phim kinh dị trong khi lợi nhuận thu về không đáng là bao. Bà cũng nhấn mạnh việc lựa chọn nhà phát hành phim. Những nhà phát hành dồi dào về tài chính không có nghĩa là những nhà phát hành phim hiệu quả. Bên cạnh đó, bà chia sẻ rằng trong nhiều trường hợp, bạn bỏ số tiền lớn ra sản xuất và phát hành một bộ phim nhưng bạn buộc phải đợi một thời gian để thu về lợi nhuận. Ví dụ như bộ phim Bị còng tay (Shackled) được sản xuất từ năm 2011 nhưng tới năm 2013 bà mới bắt đầu thu được lợi nhuận khi có những nhà phát hành muốn phát hành bộ phim này. Sau đó, bà lại tiếp tục dùng lợi nhuận này để quay vòng và sản xuất những bộ phim tiếp theo.

Diễn giả trong diễn đàn này là 2 đạo diễn, 1 đạo diễn trẻ ở dòng phim độc lập và 1 đạo diễn gạo cội ở dòng phim thương mại. Những nhà làm phim cũng đưa ra những điểm khác biệt giữa phim độc lập và phim thương mại. Điểm phân biệt đầu tiên là ngân sách. Trong khi phần lớn những phim thương mại có kinh phí sản xuất khổng lồ thì như ta đã đề cập ở trên, phim độc lập thường có ngân sách ít. Tuy nhiên đạo diễn trẻ của dòng phim độc lập Jade Castro chia sẻ rằng không hẳn tất cả những bộ phim độc lập đều có ngân sách ít, có những bộ phim được làm với kinh phí ngang ngửa với phim thương mại. Theo anh, điểm khác nhau cơ bản giữa 2 dòng phim nằm ở chữ “độc lập”. Những đạo diễn phim thương mại chịu nhiều sự chi phối của nhà sản xuất, nhà tài trợ từ việc lên kịch bản đến việc chọn diễn viên, bối cảnh. Vô hình chung, ý tưởng ban đầu của đạo diễn và biên kịch bị sửa đổi. Đạo diễn dòng phim thương mại Erik Matti chia sẻ nhiều trường hợp ông đã từ chối hợp tác vì chịu quá nhiều ràng buộc với nhà sản xuất và nhà tài trợ. Trong khi ngược lại, những đạo diễn phim độc lập phần lớn đều tìm nhà sản xuất là chính những người bạn của họ, những người có hứng thú với kịch bản họ đưa ra. Những đạo diễn phim độc lập ít phải chịu sự chi phối của nhà sản xuất. Vì thế họ độc lập làm phim và thể hiện chính xác ý tưởng của mình. Chính điều này khiến những đạo diễn trẻ chọn dòng phim độc lập để thể hiện mình bởi với họ đây mới chính là làm phim với niềm đam mê.

IMG_3025

Ngoài ra trong diễn đàn, các đạo diễn cũng đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim độc lập khiến cho những nhà làm phim thương mại cũng phải quan tâm đến sân chơi này. Ví dụ như việc xuất hiện phần thi “Giới thiệu phim của các đạo diễn nổi tiếng” tại Cinemalaya vài năm trở lại đây hay việc tham gia diễn xuất của những ngôi sao phim thương mại nổi tiếng như Vilma Santos trong Diễn viên quần chúng (Extra) và Eugene Domingo trong Làm mẹ (Instant mommy).

Khán giả tại các diễn đàn

Các diễn đàn diễn ra trong 2 ngày đều có rất đông khán giả tham gia, đa số là sinh viên và cả những đạo diễn. Giá vé tham dự diễn đàn là 300 peso ~ 7,5 USD/ 1 ngày và 500 peso ~ 12.5 USD/2 ngày. Có những diễn đàn không còn một ghế trống. Một phần là do những chủ đề của diễn đàn rất thức thời và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Khán giả cũng nhiệt tình và hào hứng đặt câu hỏi cho các diễn giả. Những nhà tổ chức chia sẻ, để có được thành công này, họ đã trải qua một thời gian dài, dần dần đưa điện ảnh nói chung và phim độc lập nói riêng vào trường học. Từ đó họ xây dựng được một “nét văn hóa” làm phim và xem phim trong giới trẻ. Điều đó giải thích tại sao liên hoan phim lại có thể thu hút đông đảo thanh thiếu niên đến vậy. Rất nhiều người trong số họ chia sẻ muốn tham gia các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm làm phim từ các bậc tiền bối.

Có thể nhận thấy tuy liên hoan phim Cinemalay chỉ dành cho phim độc lập với kinh phí tổ chức hạn chế nhưng Ban Tổ chức đã tối ưu hóa mọi khả năng sẵn có để tạo nên một sự kiện điện ảnh chất lượng. Những kinh nghiệm học hỏi được từ liên hoan phim Cinemalaya chắc chắn sẽ giúp ích trong công tác tổ chức liên hoan phim nói riêng và các sự kiện điện ảnh nói chung tại Việt Nam.

Vũ Hồng Anh