Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 4 (8/6-18/6/2012): Đi mãi thành đường

(TGĐA) - Với hơn 4.000 lượt khán giả đến xem phim trong mười ngày diễn ra LHP tại Hà Nội là khoảng thời gian họ được trải nghiệm trong những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng ngày càng đông các khán giả trong và ngoài nước đến với phim tài liệu. Có thể nói, công cuộc kết nối phim tài liệu Việt Nam và châu Âu trong một kỳ LHP đã tạo nên một ý tưởng tuyệt vời.

Nét mới của Liên hoan phim năm nay

Nét mới đầu tiên, đó là so với các kỳ Liên hoan phim (LHP) trước, LHP tài liệu quốc tế lần thứ 4 đã được mở rộng phạm vi hoạt động tới Đà Nẵng. Đây cũng là lần đầu tiên, khán giả của thành phố biển này được tiếp cận gần hơn với phim tài liệu. Nhìn chung, LHP năm nay có thể nói là gia tăng cả về chất và lượng, đề tài phong phú và cuốn hút hơn. Thành công của 3 kỳ Liên hoan phim trước cũng đã thu hút thêm ba quốc gia châu Âu lần đầu tham gia sự kiện này là Anh, Áo và Tây Ban Nha. Đạo diễn Andrew Standen-Raz của bộ phim Vinyl - câu chuyện của thế giới nhạc Undergrond ở Viên đến từ Áo đã tâm sự trong buổi chiếu khai mạc LHP “Cùng thời điểm này Vinyl cũng được ra mắt tại một quốc gia khác trong một sự kiện điện ảnh khá đặc biệt. Nhưng tôi đã chọn Việt Nam là điểm đến với một sự hứng thú đặc biệt. Tôi muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, về nền điện ảnh tài liệu Việt Nam và chia sẻ với các đồng nghiệp những kinh nghiệm làm phim của mình. Tôi quan niệm, mỗi dự án phim là kết quả của một quá trình trải nghiệm. Vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian thâm nhập thực tế, cảm nhận cuộc sống với những thay đổi xung quanh để thể hiện những gì mình tiếp nhận từ cuộc sống lên phim ảnh”.

L_ct_bng_khnh_thnh_khai_mc_LHP

Lễ cắt băng khánh thành khai mạc LHP

Đêm của nhà làm phim trẻ Việt Nam cũng là một điểm mới trong khuôn khổ LHP lần này với mong muốn trở thành tiêu điểm để khởi dựng mạng lưới và trao đổi cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Qua 14 phim ngắn của các tác giả đến từ TPD, DocLad, Hard Rails across a gentle River, Varan với đề tài chủ yếu về cuộc sống hiện đại và hướng đến đối tượng khán giả trẻ, ít nhiều người xem cũng đã thấy những quan điểm nghệ thuật cá nhân thông qua các tác phẩm mang tính thử nghiệm về kỹ thuật quay và dựng phim. Đây thực sự là cơ hội quý để các nhà làm phim trẻ được tiếp cận gần hơn với công chúng.

Phim tài liệu là cửa sổ nhìn ra thế giới

Vẫn lấy thông điệp “Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh” của đạo diễn người Chile Patricio Guzman để nhấn mạnh tầm quan trọng và sự phát triển của phim tài liệu, đồng thời tạo dựng thương hiệu về một ngày hội của phim tài liệu ở Việt Nam. Năm nay, Việt Nam chọn 9 phim để trình chiếu xen kẽ cùng với phim của 9 quốc gia châu Âu gồm Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Bỉ. Cuộc “đối thoại” của 18 bộ phim lần này cũng phần nào giúp người xem khám phá thêm nhiều mảng màu của đời sống hôm nay. Hai bộ phim được chọn chiếu buổi khai mạc LHP là Chuyện làng Then (đạo diễn Trần Phi - Hoàng Dũng) và Vinyl - câu chuyện của thế giới nhạc Undergrond ở Viên.

Poster_phim_Vinyl_-_cu_chuyn_ca_th_gii_nhc_Undergrond_o_Vin

Poster phim Vinyl - câu chuyện của thế giới nhạc Undergrond ở Viên

Với gần 600 lượt khán giả tham dự kín hai phòng chiếu buổi khai mạc có thể thấy sự nồng nhiệt của khán giả dành cho các tác phẩm tài liệu. Bộ phim của Áo mở ra cho người xem hai thế giới song hành của nhạc điện tử và nhạc thử nghiệm ở Viên. Nó còn là tuyên ngôn tình yêu cho những bản thu đĩa than, một phép ẩn dụ cho một tình yêu dù nó không hoàn hảo và có những vết trầy xước. Tình yêu đó gần giống như mối quan hệ giữa người nhạc sĩ và thành phố của mình. Cũng chọn câu chuyện về âm nhạc, Chuyện làng Then lại là lời tự sự của người chơi nhạc, người làm văn nghệ trong thời hiện tại và thị trường. Đối với người dân làng Then, tiếng đàn giúp cho con người quên đi những cám dỗ đời thường, sống nghĩa tình, lạc quan và trách nhiệm hơn. Âm nhạc đối với họ là cái gì đó rất thân quen, gần gũi như mảnh ruộng, vườn rau. Nó chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

B_Phm_Th_Tuyt_-_Gim_c_Hng_phim_TLvaKHTU_pht_biu_ti_bui_khai_mc_LHP

Bà Phạm Thị Tuyết - Giám đốc Hãng phim TL&KHTU phát biểu tại buổi khai mạc LHP

Theo đó, cũng ở mảng đề tài xã hội còn có Thầy mo làm y tế (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn) đặt cạnh câu chuyện trong sêri phim tài liệu của Pháp có tên Trong đôi mắt bạn. Bộ phim Bài học vỡ lòng (đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh và Mạc Văn Chung) và Tình yêu của người máy (phim của Đan Mạch) nói về mối tương quan giữa rô-bốt và con người.

i_biu_v_khn_gi_ti_tham_d_LHP

Đại biểu và khán giả tới tham dự LHP

Ở mảng đề tài chân dung, phim Giáo sư Đào Duy Anh (đạo diễn Nguyễn Như Vũ) đề cập tới người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội ở Việt Nam sẽ được tiếp nối với bộ phim Anh Elgar – Người đàn ông sau chiếc mặt nạ với những chi tiết bất ngờ và nhiều khía cạnh mới về một nghệ sĩ huyền thoại. Đề tài môi trường là bộ phim Tiếng gọi từ bầy linh trưởng (đạo diễn Phạm Bình) song song với Bài học đầu đời – phim của Ba Lan – kể về một sinh viên ngành Hải Dương học có trách nhiệm chăm sóc một con hải cẩu sơ sinh và dạy nó thích nghi với cuộc sống hoang dã.


Với các đề tài tương ứng khác, Lời nguyện cầu (đạo diễn Nguyễn Văn Hướng) sánh vai với Khung cảnh bên trong (phim của Thụy Sĩ) trong việc giới thiệu các công trình kiến trúc lớn như nhà thờ đá Phát Diệm (Việt Nam) và công trình xây dựng Trung tâm Đào tạo tại EPFL (Trường Đại học Kỹ thuật Liên bang tại Lausanne – Thụy Sĩ). Ký sự đồng quê (đạo diễn Phùng Ty) gần gũi với bộ phim Đức Làm nhiều, vui nhiều về đề tài công nghiệp. Trở lại với những ký ức chiến tranh là cuộc đối thoại giữa Đỉnh trời, đáy vực (đạo diễn Bùi Thị Phương Thảo) và Những đứa trẻ không hình bóng (phim Bỉ). Đề tài khám phá là cuộc gặp gỡ của Cuộc đời sau trang sách (đạo diễn Phan Huyền Thư) và bộ phim Tây Ban Nha Maria và tôi.

Phim_Chuyen_lang_Then

Phim Chuyện làng Then


Đi mãi thành đường. Lời tâm sự của đạo diễn Andrew Standen-Raz đến từ Áo, làn gió mới từ những người làm phim trẻ, số lượng người tới xem những tác phẩm phim tài liệu và những ý kiến xúc động của những người làm nghề lão thành như đã khẳng định thêm điều đó.

Trần Anh