Mấy ý kiến về lịch sử điện ảnh nước ta trong kháng chiến chống Pháp

(TGĐA) - Trong kháng chiến chống Pháp, những công việc làm phim được các nghệ sỹ làm ở khu 8, khu 9 hay trên rừng núi Việt Bắc, đều là những bước đệm, là quá trình chuẩn bị để Điện ảnh Cách mạng Việt Nam có ngày khai sinh như hôm nay chúng ta kỷ niệm.

1- Sự phân chia lịch sử điện ảnh

o_din_Khng_M_ang_lm_vic_ti_Bng_bin

Đạo diễn Khương Mễ đang làm việc tại Bưng Biền

Đối với lịch sử điện ảnh của một quốc gia, các nhà điện ảnh thế giới đã phân chia thành hai loại lịch sử điện ảnh. Loại thứ nhất là lịch sử điện ảnh của những quốc gia đã tự mình sản xuất những bộ phim đầu tiên trong thời bình minh của điện ảnh. Những quốc gia đó là Pháp, Nga , Mỹ và Italia. Còn loại lịch sử điện ảnh thứ hai là lịch sử điện ảnh của những nước còn ghi lại được buổi chiếu phim đầu tiên tại nước mình. Việt Nam mình thuộc nhóm nước thứ hai. Nhưng tất cả các nước đều thống nhất lấy ngày sinh của điện ảnh là ngày 28 tháng Mười Hai năm 1895 và nơi sinh là Paris, Pháp. Song trước đó, điện ảnh đã trải qua bao nỗi thăng trầm. Từ việc các kỹ sư phát minh ra điện, máy chụp ảnh, máy quay phim và có nhiều người đã làm phim trước cả anh em Luimere, nhưng tất cả đó là những bước chuẩn bị cho sự ra đời của điện ảnh sau này. Cũng như một đứa trẻ, trước khi được sinh ra, nó phải được thụ thai và người mẹ phải chăm sóc thai trong suốt chín tháng trời.

Nền điện ảnh Viêt Nam cũng vậy. Khi chúng ta lấy ngày 15 tháng Ba năm 1953 là ngày Điện ảnh là để kỷ niệm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và Nhiếp ảnh Việt Nam. Còn trước đó, ngay từ năm 1898, vào tháng Mười, những bộ phim đầu tiên đã được chiếu tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Và ngay từ năm 1924, việc sản xuất phim tại nước ta đã được Công ty Phim và chiếu bóng Đông Dương tiến hành. Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, những công việc làm phim được các nghệ sỹ làm ở khu 8, khu 9 hay trên rừng núi Việt Bắc, đều là những bước đệm, là quá trình chuẩn bị để điện ảnh cách mạng Việt Nam có ngày khai sinh như hôm nay chúng ta kỷ niệm.

2- Những trường đoạn không thể nào quên

Đó là nền điện ảnh của những người yêu nghề kinh ngạc. Ở phía Nam, những nghệ sỹ như Mai Lộc, Khương Mễ… đã tự bỏ tiền mua các dụng cụ làm phim, tự quay phim, in tráng phim và chiếu phim trong những hoàn cảnh gây sửng sốt cho bất kỳ ai. Nhờ có vốn tiếng Pháp, họ tự học cách làm phim qua những cuốn sách dạy làm phim bằng tiếng Pháp. Và họ cũng tự bỏ tiền để nhờ mua những máy móc, dụng cụ làm phim từ bên Pháp, từ Sài Gòn. Và họ đến với nghệ thuật bằng sự say mê khám phá cái mới. Họ đi vào điện ảnh bằng trái tim trong trẻo nhiệt huyết. Và bầu máu tinh khôi ấy lại được gặp lý tưởng cao cả của dân tộc. Đó là khát vọng giải phóng, khát vọng độc lập. Nên trong chiến khu, dù bao khó khăn, những trái tim thông minh đã sáng tạo nhiều cách làm phim vô cùng độc đáo. Nghệ sỹ Khương Mễ kể: “Không có phòng lạnh (laboratire climatise’), anh em có sáng kiến đóng một cái hộp bằng gỗ đựng chậu thuốc và guồng quấn phim, rồi ướp nước đá xung quanh chậu thuốc để hạ nhiệt độ xuống 18 độ C (tiêu chuẩn đảm bảo phim không chảy, hình ảnh mịn màng). Dùng ghe để cơ động tránh địch ruồng bố căn cứ, để mỗi lần tráng phim có thể đưa dụng cụ tráng ra vùng địch hậu lấy nước ngọt và mua nước đá ướp lạnh thùng tráng (thùng điều hòa nhiệt độ). Chiếc ghe này cũng là buồng tối lưu động để sản xuất ảnh khi phải rời địa điểm mà chưa kịp dựng phòng tối trên bờ.Ngoài ra họ còn có sáng kiến in phim bằng máy quay phim. (Theo ‘’Điện ảnh Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp –Khương Mễ trong tập Điện ảnh bưng biền - Điện ảnh Cách mạng - NXB TP HCM,1988 – tập 2). Kết quả là hàng chục bộ phim tài liệu ra đời, mang đến cho đồng bào bao niềm vui và niềm tin chiến thắng.

Quay_phim_Nguyn_Th_on_ti_chin_khu_Vit_Bc_nm_1951

Ở miền Bắc, sau ngày toàn quốc kháng chiến, những người làm điện ảnh lên núi rừng Việt Bắc. Như những người lính, họ hành quân trên những con đường rừng nguy hiểm, lội suôií, trèo đèo với hàng chục ki-lô máy quay, máy chiếu trên lưng. Họ vừa chiếu phim vừa làm phim. Hãy nghe nghệ sỹ Mai Lộc kể chuyện ông đã quay trận quân ta đánh đồn Pú Chạng (Nghĩa Lộ): “Khánh Dư mở ba lô đưa tôi chiếc máy quay phim. Chúng tôi lội qua ngọi Thia, theo chân bộ đội cấp tốc chiếm lĩnh ngọn đồi đối diện đồn địch. Máy quay phim cầm tay, tôi nhảy xuống chiến hào ngoằn ngoèo men theo cây rừng và nắng chiếu đổ xiên xuống để lộ trước mặt đồn Pú Chạng. Địch chưa hay biết. Tôi tìn chỗ lý tưởng để bấm máy thì cùng đúng lúc phát súng lệnh vừa nổ, tiếp theo đủ các loại súng lớn, súng liên thanh, súng cối, dồn dập như bão lửa đổ xuống đồn địch. Tôi thu vào ống kính tất cả. Địch bắn trả dữ dội. Máy bay địch dội bom chặn đường tiến của bộ đội đang lao thẳng lên đồi. Nhưng muộn rồi. Bộ đội đã đánh bộc phá mở toang cửa đồn, thọc sâu vào trung tâm. Tôi cũng đã quen với chiến trường. Tiến súng đã có sức mạnh hấp dẫn tôi lao tới. Khánh Dư theo sát tôi’’. Ở một hướng khác là mặt trận đồng bằng sông Hồng, ông Mai Lộc kể tiếp: “Tôi phân công anh Quang Huy cố gắng nằm phục kích ở một xã cạnh đường xe lửa và đường nhựa số 5 song song từ Hà Nội đi Hải Phòng… Và anh Quang Huy đã quay được một cảnh bất hủ trận đánh mìn tàu hỏa trên đường số 5. (Theo Ánh sáng trong rừng Việt Bắc-Mai Lộc-sdd). Trên núi rừng Việt Bắc, đạo diễn Phan Nghiêm cũng làm được những bộ phim đầy tính thời sự như Chiến dịch Cao-Lạng, Trao trả tù binh tại Thất KhêTrong 3 năm (1948-1954), những chiến sỹ-nghệ sỹ đã quay được hơn 20 bộ phim phóng sự. Đặc biệt, kỹ sư Phan Nghiêm còn chế tạo ra chiếc máy in phim 16 mm có tên là Tự Cường từ một chiếc máy cũ.

Nh_lm_phim_-_K_s_Phan_Nghim

Nhà làm phim - Kỹ sư Phan Nghiêm

3- Làm phim truyện về những người làm phim ngày đó

Có lẽ, để ghi lại công lao của những người xây dựng đầu tiên nền điện ảnh Cách mạng, không gì thiết thực hơn là chúng ta nên làm một vài bộ phim truyện về những con người của thuở ban đầu đó. Mỗi phim khoảng 90 phút thôi. Làm khoảng ba phim. Một phim về Bưng Biền. Phim khác về Việt Bắc. Phim thứ 3 dựa vào hồi ký của ông Đinh Quang An về Điện ảnh Đồi Cọ từ Việt Bắc về Hà Nội thế nào. Đó là cách có ích nhất để tuyên truyền tình yêu điện ảnh trong quần chúng. Vừa rồi tôi có xembộ phim Argo của Mỹ. Họ chỉ dựa vào một kịch bản không được làm phim mà giải cứu được 6 con tin người Mỹ ở Iran năm 1979. Tôi cũng nhớ đến đạo diễn trẻ người Pháp Samuen Aubin đã làm phim tài liệu dài hơn 60 phút Phòng tối của Khương Mễ ( La chambre noire de Khuong Me) về con đường nghệ thuật của một nhân vật điện ảnh kỳ lạ của Việt Nam và thế giới. “Một cuộc đời xa lạ đối với tôi nhưng lại nói với tôi biết bao điều” - (Lời S.Aubin).

4- Mua lại những bộ phim tài liệu của nước ngoài

o_din_Roman_Carmen_lm_phim_ti_Vit_Nam

Đạo diễn Roman Carmen làm phim tại Việt Nam

Lịch sử điện ảnh Việt Nam còn ghi lại những đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay những bộ phim tài liệu trong và sau kháng chiến chốn Pháp. Cũng cần nhắc lại chuyện cũ về bộ phim Việt Nam trên đường tháng lợi (1955) của đạo diễn Liên xô Roman Carmen . Bộ phim này được chiếu ở nước ta rất nhiều lần và sau đó được lưu trữ tại Viện Tư liệu phim. Mấy anh truyền hình, sinh sau đẻ muộn, không biết lịch sử điện ảnh, sang Nga mua, rồi về chiếu trên TV, hãnh diện ghi bên dưới’’ Bản quyền của THVN (!). Hai năm trước, tại Hà Nội, tôi có dịp gặp chị Dinh Dong, một Hoa kiều, nghiên cứu phim ở Mỹ. Tôi hỏi chị làm thế nào chị có tư liệu điện ảnh Trung Quốc trước Cách mạng? Chị trả lời, rằng chị vào các trang website của tát cả các viện lưu trữ phim của các nước, tìm những phim của Trung Quốc, dù có độ dài vài phút, rồi chị làm dự án, xin trợ cấp sang nước đó, xem phim hoặc sao chép lại. Kinh phí do trường chị cấp. Chính những nhà nghiên cứu phim ở Đại lục cũng sử dụng công trình của chị để giảng dạy. Ở nước ta, ngoài bộ phim trên của R. Carmen, còn có nhiều phim do nước ngoài làm nhưng chúng ta không có như Việt Nam kháng chiến (1951), do Trung Quốc làm; Rừng già Việt Nam (1957), Chợ miền xuôi (1959), Trên những dòng sông Việt Nam (1959) do Tiệp Khắc làm; Cây tre Việt Nam (1955), Những bức thư từ Việt Nam (1958) do Ba Lan làm; Việt Nam Tổ quốc tôi (1960) do Liên Xô làm; Bông sen tự do (1960) do Bungari làm… Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần có kế hoạch truy tìm hoặc mua lại những bộ phim này. Bởi một thực tế rất đáng buồn là những tư liệu về điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1959 của chúng ta hầu như không còn gì. Một nền điện ảnh nghiêm túc không thể chỉ nghiên cứu điện ảnh cách mạng mà cần phải nghiên cứu một cách đầy đủ từ cội rễ của mình, không nên để tình trạng đứt đoạn kéo dài.

Đoàn Tuấn