Nếu nhà nước không đầu tư thì điện ảnh còn lại gì?

(TGĐA) - Hàng ngày, nếu đi ngang qua những rạp phim, chúng ta thấy nhiều áp-phích chăng đầy các tên phim nước ngoài bắt mắt. Thậm chí có một số phim đang chiếu ở Mỹ cũng song hành tại Việt Nam. Và một số người không khỏi tự hào, rằng nền điện ảnh của chúng ta đang hội nhập với quốc tế.

Canh_trong_phim_Nhung_nguoi_viet_huyen_thoai

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại

Nhưng thực tế đó chỉ là bề ngoài hào nhoáng. Nếu đi vào sâu bên trong câu chuyện, chúng ta sẽ khám phá nhiều điều không vui. Những phim đó do ai nhập? Xin thưa, đa phần là các công ty điện ảnh Hàn Quốc nhập. Chúng ta chỉ là người chiếu phim thuê cho họ mà thôi. Chiếu phim thuê là thế nào? Là mình lấy phim họ nhập, chiếu ở rạp của mình, được tiền thì phải nộp lại cho họ theo tỷ lệ mà họ quy định. Như vậy, tiền khán giả bỏ ra thì phần nhiều lại rơi vào túi người nước ngoài. Có người hỏi: Tại sao mình không nhập phim? FAFIM Việt Nam đâu? Câu trả lời là: Từ lâu, dường như FAFIM đã biến khỏi thị trường phim Việt Nam. Họ đâu còn khả năng nhập phim nữa. Chỉ nhập vài phim video, phát hành kiểu cho thuê băng đĩa gia đình. Nhưng bây giờ có nhiều công ty tư nhân hoạt động như thế. Họ mạnh và nhanh hơn. Họ còn nhập nhiều phim nước ngoài, lồng tiếng Việt, tự bán cho các dài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Vai trò của FAFIM dần thu hẹp. Và khi Nhà nước không còn độc quyền trong việc nhập phim thì các công ty nước ngoài và hãng phim tư nhân đã chiếm lĩnh khu vực đầy lợi nhuận này. Lợi nhuận nhiều thế nào? Chắc hiếm có nước nào mà Luật Điện ảnh cho nhập phim thoải mái như nước ta. Ngay bên cạnh ta là Trung Quốc, một nước lớn như vậy mà khi gia nhập WTO, họ chỉ cho nhập mỗi năm khoảng 10-12 phim. Mãi đến gần đây, trước sức ép của Mỹ, họ mới cho nhập khoảng 20 phim/ năm. Và chỉ có một đầu mối nhập phim duy nhất trực thuộc Nhà nước. Còn ở ta, theo thống kê, năm 2012 vừa qua, nước ta nhập khoảng gần 130 phim nước ngoài. Và rất nhiều công ty được phép nhập phim, cả trong nước lẫn ngoài nước. Hãy thử tính. Một năm có 52 tuần thì trung bình mỗi tuần có khoảng 2,5 phim mới nhập vào nước ta. Trong khi đó, mỗi năm chúng ta làm được bao nhiêu phim? Theo thống kê tại LHP lần thứ 18 thì, trong hai năm gần đây, tư nhân sản xuất được khoảng 20 phim, Nhà nước làm được 3-4 phim. Như vậy quá ít. Chúng ta có thể mua tàu ngầm nước ngoài để tuần tra bảo vệ bờ biển nước ta; chúng ta có thể mua máy bay nước ngoài để chuyên chở hành khách nước ta, nhưng chúng ta quyết không để cho người nước ngoài làm phim hộ người Việt Nam được. Câu chuyện Việt Nam phải do người Việt Nam kể, phải do chính những người sinh ra và lớn lên trên đất nước này kể mới được. Ngay cả những Việt kiều dù kéo về nước làm phim thì họ cũng chỉ kể những câu chuyện phim kiểu Việt kiều (nửa ta nửa tây) chứ họ không thể kể những câu chuyện mang tâm hồn đất nước Việt, con người Việt! Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư và cần phải đầu tư mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa cho những người yêu đất nước này, yêu dân tộc này làm phim về xử sở, quê hương mình. Mỗi năm chúng tôi cần không nhiều. Khoảng 100 tỷ cho khoảng 10 phim. Nếu lấy con số này so với những con số khác, không đáng là bao. Nhưng sức mạnh những bộ phim này khi mang ra thế giới, hàng trăm phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, nhắc đến nó, tức là nhắc đến Việt Nam, thì nó có sức mạnh như trăm nghìn lời quảng cáo! Nhưng để làm được điều này, Nhà nước cần phải nhìn thấy vấn đề trước mắt. Đó là các rạp chiếu phim của chúng ta đang rất ít. Và từ đó nảy sinh vấn đề mới là; phim Nhà nước không có chỗ chiếu. Đó là câu chuyện thứ nhất.

Trung_tm_chiu_phim_Quc_gia

Câu chuyện thứ hai về rạp chiếu. Đầu ra của phim là rạp chiếu. Bây giờ, rạp chiếu không thể như trước. Ngày trước, rạp chiếu chỉ cần một khu nhà nằm trên mặt phố, có chỗ gửi xe đạp hay xe máy là ổn. Nhưng bây giờ, những rạp chiếu kiểu đó, dù nâng cấp, cũng không thể đáp ứng nhu cầu người xem. Như rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên chẳng hạn. Chỗ để xe máy còn thiếu. Người xem vào rạp cảm thấy quá chật hẹp. Người ta thấy cần một không gian rộng thoáng hơn. Có chỗ ngồi tâm sự. Có chỗ chụp ảnh bên áp-phích phim. Có chỗ ngồi uống ly cà phê, ăn vài món điểm tâm. Thậm chí chỗ đi vệ sinh cũng phải ngát hương…Và họ không thích xem phim này thì có thể chọn phim khác. Nghĩa là cần phải có cụm rạp chiếu. Trong cùng một thời điểm có thể chiếu nhiều phim khác nhau, nhiều thể loại, cho nhiều lứa tuổi. Những kiểu cụm rạp thế này, ở Hà Nội chỉ có Trung tâm chiếu phim quốc gia là đạt tiêu chuẩn. Còn ở thành phố HCM thì chưa, nếu có lại nằm trong tay nước ngoài và tư nhân như hệ thống rạp của Lotte, BHD, Galaxy…Phim Nhà nước muốn vào những rạp này phải được các chủ rạp đồng ý. Và họ thường xếp phim nhà nước chiếu vào những giờ trái khoáy, ngày vắng khách. Và sau đó, họ đề nghị đưa phim ra vì không có người xem. Vì vậy, Chiếc lược Điện ảnh đến năm 2020 đề ra là phải xây nhiều cụm rạp ở các đô thị lớn như TP HCM, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác là một đòi hỏi cấp bách của các địa phương và là nhu cầu không thể thiếu của người dân thành phố, thị xã… Công việc này một mình ngành điện ảnh không thể làm được. Cần phải có sự kết hợp và thống nhất chủ trương từ Trung ương đến địa phương và các Bộ, ngành. Như Bộ Tài nguyên-môi trường và địa phương phải cấp đất ở những vị trí thuận lợi. Bộ Xây dựng cần tham gia thiết kế. Bộ Tài chính phải tìm nguồn tiền v.v…Tất cả các Bộ, ngành cần hiểu rằng, mỗi địa phương có rạp chiếu phim tử tế sẽ bớt nhiều tội phạm, đời sống lớp trẻ văn minh hơn và địa phương đó sẽ đẹp hơn trong cái nhìn của công chúng thay vì nhiều vũ trường, sòng bạc. Và khi có phim chiếu thường xuyên, việc xem phim là nhu cầu văn hóa, giao lưu của khán giả thì chúng ta sẽ tính đến việc doanh thu. Nhưng ngay lúc này, việc doanh thu của các hãng phim Nhà nước cũng là vấn đề cần phải làm. Đó là câu chuyện thứ hai.

Câu chuyện thứ ba là vấn đề doanh thu. Không biết từ bao giờ, giới truyền thông cứ kêu rằng, phim Nhà nước thì lỗ vốn trong khi phim tư nhân lại thu về hàng chục tỷ. Cần phải chỉ ra việc làm phim của Nhà nước và tư nhân có mục đích hoàn toàn khác nhau. Phim Nhà nước chủ yếu để tuyên truyền, quảng bá những vấn đề của đất nước, của dân tộc, còn phim tư nhân thì làm ra chỉ có mục đích để kiếm tiền. Và họ kiếm tiền bằng bất cứ giá nào, kể cả những cảnh sex, cảnh bạo lực một cách vô lý. Vì vậy, giới truyền thông không nên kết tội phim nhà nước đạt doanh thu kém. Đã xay thóc thì đừng bế em! Tuy phim Nhà nước có thể không đạt doanh thu cao ở các rạp thành phố, nhưng nó lại làm nhiệm vụ quan trọng hơn. Đó là việc hơn 300 đội chiếu bóng lưu động đã mang những bộ phim này đến chiếu ở những vùng sâu vùng xa, chiếu cho những đơn vị bộ đội, công an ngoài biên giới, hải đảo. Nếu lấy vài tỷ doanh thu của các phim tư nhân mà so với những vai trò và ý nghĩa của những bộ phim Nhà nước đã làm được thì vài tỷ kia đâu có đáng gì ! Đó là những giá trị văn hóa và tinh thần mà không ai có thể thống kê nổi.

Với tham vọng lớn đến năm 2030, điện ảnh việt Nam cần có vị trí vững chắc trong khu vực. Chiến lược phục hồi và đầu tư cho ngành điện ảnh cần sớm được Chính phủ phê duyệt và có kế hoạch hành động. Trong những năm chiến tranh, điện ảnh không những làm tốt công việc động viên quần chúng ra trận và lao động mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền hình ảnh con người Việt Nam kiên cường, dũng cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Mỗi bộ phim ra đời đều có sự ủng hộ và hậu thuẫn của triệu triệu người xem. Điện ảnh đã từng và đã trở thành tư tưởng, tinh thần dân tộc. Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ điện ảnh phát triển mạnh mẽ, khi thế giới xích lại gần nhau, khi toàn cầu hóa đang là xu thế có thể xóa nhòa bản sắc dân tộc, thì việc chấn hưng và phục sinh cho ngành điện ảnh là một yêu cầu cấp bách và chính đáng. Điện ảnh là ngành tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhưng, dù có tốn nhưng lợi ích nó mang lại cho đất nước là vô giá!