Nghệ sĩ phản ứng trước sự xâm phạm tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam

(TGĐA) – Một cuộc họp báo khẩn cấp đã được diễn ra vào chiều qua ngày 2/11 tại nhà Thủy phi cơ (nhà Thủy tạ) thuộc quyền sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam (HPTVN) và nay đang được dùng làm nhà truyền thống của Hãng để các nghệ sĩ bày tỏ sự bức xúc trước sự việc Ban quản lý (BQL) Hồ Tây đã tự ý xây dựng bến neo đậu xuồng cứu hộ tại đây.


Làn sóng phản ứng các giá trị văn hóa đang dần bị coi khinh

Trước sự việc từ ngày 14 – 17/11/2012, BQL Hồ Tây đã tự ý cho người đổ đất, đóng cọc để xây dựng bến neo đậu xuồng cứu hộ tại khu nhà Thủy phi cơ, là tài sản của Hãng PTVN hiện đang được Nhà nước giao quản lý và sử dụng từ nhiều năm nay khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh vô cùng bức xúc. Bởi nơi đây đã chứng kiến các sự kiện lịch sử của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam, là nơi Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đã đến chỉ đạo và động viên các nghệ sĩ điện ảnh thực hiện các bộ phim về các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc như Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông 46, Hà Nội 12 ngày đêm

HPTxp1

Tại sao lại có sự ngang nhiên, tự ý xâm phạm tài sản như vậy, chúng ta cùng nhìn lại toàn bộ sự việc. Trong công văn số 172/HPTVN ký ngày 19/8/2003 của Hãng PTVN gửi UBND Thành phố Hà Nội và Sở địa chính nhà đất Thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung và giải trình nguồn gốc sử dụng đất của Hãng có khẳng định Hãng PTVN đã bàn giao xong toàn bộ phần giải phóng mặt bằng (GPMB) đã xây xong kè và đường ven hồ Tây đi qua địa giới của Hãng và nhận đủ tiền đền bù hỗ trợ GPMB (Số 04-GPMB-TK tháng7/2003). Trong đó, Hãng cũng chỉ rõ nhà Thủy phi cơ có diện tích khoảng 150m2 vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của Hãng không nằm trong chỉ giới GPMB. Điều này đã được khẳng định trong các biên bản liên ngành về GPMB làm kè đường và biên bản bàn giao mặt bằng để xây dựng hạ tầng cơ sở (HTKT) xung quanh hồ Tây đoạn từ Làng Văn hóa Việt Nhật đến vườn hoa Lý Tự Trọng (số 239/BB-BQL ngày 25/9/2002), cụ thể là khu nhà Thủy tạ không có trong danh mục phải phá dỡ để bàn giao mặt bằng và hiện tại vẫn thuộc quản lý của Hãng.

Theo đó, ngày 11/9/2003, trong văn bản phúc đáp số 209/BQL của Ban quản lý xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây trả lời Hãng PTVN về việc trên có khẳng định: Theo quyết định thu hồi đất và phương án đền bù được phê duyệt, nhà Thủy tạ (tức Thủy phi cơ) của Hãng PTVN không nằm trong chỉ giới GPMB thành phố giao cho BQLDA xây dựng HTKT xung quanh Hồ Tây. Như vậy, nhà Thủy phi cơ cũng thuộc tài sản của Hãng PTVN và hàng năm Hãng vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.

Tuy nhiên, theo quyết định số 4556/QĐ-UBND ngày 23/12/2010, UBND quận Tây Hồ bất ngờ ra quyết định thu hồi bổ sung khu đất nhà Thủy phi cơ để tiếp tục thực hiện dự án xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây với số tiền đền bù hỗ trợ là 92.595.000 đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây là dự án đã hoàn thành và kết thúc, vậy giờ đây quyết định thu bồi thường để làm gì?

HPTxp3

Sau khi, UBND quận Tây Hồ ra quyết định số 1398/QĐ-CT ngày 29/4/2011 về việc Hãng PTVN không trả đất đúng thời hạn, theo quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Hãng PTVN cũng đã gửi công văn phúc đáp số 94/CV-Ptr ngày 6/5/2011 và nhấn mạnh UBND quận Tây Hồ không thể nói Hãng PTVN vi phạm hành chính như trên. Bởi với các văn bản đã ký và thực hiện, Hãng PTVN đã bàn giao đầy đủ 1.586m2 đất (mà thực tế là 1.692m2) cho BQL xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây vào ngày 25/9/2002 trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan chức năng và cũng ký vào biên bản bàn giao mặt bằng để xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây. Như vậy, Hãng PTVN đã bàn giao đất đúng hạn theo quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chưa kể đã giao cho BQL dự án vượt quá 106m2 đất so với quy định của thành phố. Đồng thời, Hãng PTVN vẫn tiếp tục nhấn mạnh nhà Thủy phi cơ không nằm trong chỉ giới GPMB thành phố giao cho BQL để xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây, tức là khu đất này không nằm trong diện tích 1.586m2 đất thuộc chỉ giới thu hồi mà Hãng phải bàn giao.

Cũng trong công văn số 1980/BVHTTDL – KHTC gửi UBND Thành phố Hà Nội của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký ngày 22/6/2011 đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận cho phép Hãng PTVN tiếp tục quản lý và sử dụng hạng mục nhà Thủy phi cơ, đồng thời chỉ đạo UBND quận Tây Hồ thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất của thành phố đã khẳng định Hãng PTVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ VHTT&DL, Hãng được giao quản lý và sử dụng địa chỉ số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội từ năm 1958 đến nay. Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng cùng một hạng mục công trình là nhà Thủy phi cơ do Hãng PTVN quản lý và sử dụng nhưng UBND quận Tây Hồ đã có hai ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Việc Hãng PTVN không bàn giao hạng mục công trình nhà Thủy phi cơ vì không nằm trong chỉ giới GPMB thành phố giao cho BQL xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây là đúng.

Tuy nhiên, trong năm qua, UBND quận Tây Hồ đã hai lần gửi thông báo (số 134/TB-UBND ngày 20/6/2012 và số 262/TB-UBND ngày 13/11/2012) đến Hãng PTVN đề nghị Hãng có trách nhiệm thực hiện việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao hạng mục nhà Thủy phi cơ cho UBND quận Tây Hồ. Và Hãng PTVN cũng đã hai lần phúc đáp công văn (số 149/CV-Ptr ngày 21/6/2012 và số 272/CV-Ptr ngày 14/11/2012) trả lời rằng: Vì toàn bộ đất đai, tài sản gắn liền trên đất của đơn vị đều thuộc sở hữu của Nhà nước, mà cụ thể là Bộ VN,TT&DL và Cục Công sản – Bộ Tài chính quản lý. Do đó, Hãng không có đủ thẩm quyền và khả năng để giải quyết sự việc này và có đề nghị UBND quận Tây Hồ làm việc với các cơ quan cấp trên.

HPTxp2

Trong khi đơn khiếu nại của Hãng PTVN đang được Bộ VHTT&DL và các cơ quan chức năng xem xét về sự việc này thì những ngày giữa tháng 11 vừa qua, BQL dự án xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây đã tự ý cho người đóng cọc, đổ bao cát lấp xung quanh khu vực nhà Thủy phi cơ. Chính sự vô lý này đã tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội của các nghệ sỹ điện ảnh. Đây là một việc làm không rõ ràng về cơ sở pháp lý có liên quan đến các vấn đề môi trường cảnh quan, an ninh trật tự xã hội và đặc biệt là xâm hại nghiêm trọng đến tài sản, đến các giá trị văn hóa truyền thống của Hãng PTVN.

Các nghệ sĩ bức xúc phải nhóm họp kêu cứu

Chủ trì buổi họp báo chiều qua, NSND Nguyễn Thanh Vân – Phó Giám đốc Hãng PTVN nghẹn ngào chia sẻ “Các bạn hãy hình dung Hãng PTVN hiện nay như một con cá to lững lờ ngoài cửa sông chuẩn bị đổ ra biển lớn. Di sản của Hãng đang có nguy cơ bị tước đoạt. Tôi mong muốn cất lên một lời thánh ca cứu dỗi cho Hãng PTVN hiện nay”. Ông cũng xác định rõ việc làm trái phép này liên quan đến vấn đề cảnh quan môi trường hồ Tây và sự xâm phạm đến tài sản, di sản của Hãng.

Nói như NSND Hải Ninh thì ông chính là chứng nhân của mảnh đất này - số 4 Thụy Khuê và ông rất muốn đề nghị lên các cấp có thẩm quyền để biến nơi đây thành một di sản, một di tích lịch sử quốc gia bởi chính nơi này đã sản sinh ra một nền điện ảnh dân tộc. Còn nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thì khẳng định đây chính là bàn thờ của Hãng PTVN. Cùng với NSND Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm còn rất nhiều các nghệ sĩ như NSND Như Quỳnh, NSƯT Minh Châu, NSƯT Ngọc Lan, NSƯT Mai Châu, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, quay phim Vũ Huy; nguyên Giám đốc các thời Nguyễn Kim Cương, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn Lê Đức Tiến… đã phải lên tiếng phản đối sự việc này và tất cả đồng lòng phải quyết tâm bằng mọi cách bảo vệ khu đất này.

HPTxp6

NSND Như Quỳnh tại buổi họp báo chiều ngày 2/12

Đau lòng trước sự việc các nghệ sĩ phải nhóm họp kêu cứu, nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục thực sự không hiểu tại sao Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Thành phố lại không hề có ý kiến với một chuyện hệ trọng như vậy. Ông cũng đặt ra câu hỏi “Từ đây lên tới UBND Thành phố thì bao nhiêu cây số. Tôi thấy tình trạng này là coi khinh các giá trị văn hóa, cả một nền điện ảnh đang bị xâm phạm. Tại sao các nghệ sĩ lại phải mếu máo thế này. Ở đây, không phải chúng ta đang bảo vệ trụ sở của Hãng PTVN mà đang bảo vệ di sản văn hóa của đất nước. Nếu chúng ta không làm đến nơi đến chốn thì là vô trách nhiệm. Lẽ ra UBND quận Tây Hồ và UBND Thành phố Hà Nội phải tự hào vì có một di tích lịch sử đáng để tự hào. Câu hỏi đặt ra là nếu giải tỏa nhà Thủy phi cơ này thì chúng ta được cái gì và mất cái gì?”. Ông tiếp tục nhấn mạnh câu chuyện này không phải của riêng chúng ta với UBND quận Tây Hồ mà với cả Bộ VHTT&DL và những cấp ngành khác có liên quan.

Gần đây nhất, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 22/11/2012 tại trụ sở BQL dự án, số 2 Thụy Khuê có các thành phần tham dự gồm các đại diện của Hãng PTVN, BQL dự án xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây, công an phường Thụy Khuê và UBND phường Thụy Khuê về việc tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Hãng PTVN (theo giấy mời số 21/GM-BQL ngày 20/11/2012 của BQL dự án xây dựng HTKT xung quanh hồ Tây gửi tới Hãng PTVN). Theo đó, Hãng PTVN vẫn tiếp tục đưa ra những văn bản hợp pháp và có yêu cầu đơn vị thi công phải dừng ngay việc đóng cọc, đổ bao cát xung quanh khu vực nhà Thủy phi cơ.

HPTxp4

Được biết, công văn gần nhất số 282/CV-Ptr ngày 26/11/2012 đã được Hãng PTVN gửi lên Bộ VHTT&DL để ra quyết định thu hồi hạng mục nhà Thủy phi cơ do đơn vị quản lý và đề nghị Bộ có ngay những biện pháp can thiệp kịp thời với các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội trong việc này, nhằm tránh gây những bức xúc trong anh em nghệ sĩ. Tuy nhiên, cho đến cuối buổi chiều ngày hôm qua Hãng vẫn chưa nhận được công văn trả lời của Bộ.

Trao đổi tại buổi họp báo chiều qua, NSND Nguyễn Thanh Vân cũng cho biết toàn bộ hồ sơ, băng hình ghi ý kiến cũng như bản kiến nghị ý kiến của các nghệ sĩ điện ảnh lão thành sẽ được Hãng gửi lên Chủ tịch nước, Tổng Bí thư ngay trong những ngày đầu tuần này.

Tạp chí TGĐA sẽ tiếp tục những thông tin mới nhất về vụ việc này ở những bài sau.


Kim Anh