Nhà tiên tri: Câu chuyện về ánh sáng trong rừng thẳm

(TGĐA) - Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Vương Đức cùng đoàn làm phim đã đưa người xem trở lại với không khí của những tháng năm trong rừng Việt Bắc của Chính phủ kháng chiến. Một Chính phủ vô cùng non trẻ, vừa thành lập chưa đầy một tuổi đã phải nhận lấy sứ mệnh lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lăng lần thứ hai tàn bạo của thực dân Pháp. Làm sao khắc họa chân dung của một lãnh tụ - linh hồn của cuộc kháng chiến, điểm tựa cho mỗi trái tim và là ánh sáng , niềm tin cho mỗi bước đi đầy gian lao và vĩ đại.

Đứng trước kho tư liệu khổng lồ, giải quyết làm sao thỏa đáng dung lượng thời gian dài đến gần chín năm là bài toán không hề đơn giản. Rất nhiều hình ảnh ấn tượng, rất nhiều chi tiết vừa thú vị vừa quý giá, những người làm phim phải lựa chọn và chắt lọc. Đặc biệt, làm sao đáp ứng điều mong đợi của hầu như mỗi khán giả đều có trong tâm trí mình những hình ảnh không quên về Bác Hồ và những đồng chí của mình ở “Thủ đô gió ngàn”? Những người làm phim chuyên nghiệp, với sự trải nghiệm của mình đã chọn thể loại phim Truyện – Tài liệu để kể câu chuyện rất rộng lớn này. Và họ đã thành công.

Nhatientriphebinh

Thành công như thế nào? Trước hết, người xem nên chia sẻ với quan điểm của những nhà điện ảnh. Vì bộ phim làm theo thể loại phim truyện và tài liệu xen lẫn nên mạch truyện trở nên không cần thiết. Điều quan trọng là những hình ảnh. Và mỗi hình ảnh kể một câu chuyện nhỏ của mình. Và đặc biêt, điều mà mỗi hình ảnh để lại trong tâm trí người xem là những cảm xúc về hình ảnh đó. Có thể một vài hình ảnh còn chưa rõ, nhưng một chuỗi những hình ảnh sẽ làm nên ấn tượng cho người xem. Đó gọi là cảm xúc sau khuôn hình. Kỹ thuật này được các danh họa xưa và những nhà làm phim kinh điển phương Đông (tiêu biểu là Ozu Yasujiro) sử dụng hiệu quả. Bàn về điều này, ông Lâm Ngữ Đường, một chuyên gia về văn hóa Trung Hoa của Unesco đã viết: “Các họa sỹ Trung Hoa muốn mô tả không phải cái thực tại mà ấn tượng của họ về thực tại. Căn bản chủ trương ấn tượng của họ là nguyên tắc ý tồn bút tiên, họa tân ý tại (trước khi đặt bút đã có ý rồi, vẽ xong thì ý ở đó). Bởi vậy, không phải thực tại mà quan điểm của họa sỹ về thực tại, mới là ý chính của bức họa”. Vì nhà biên kịch dựa vào câu chuyện Giấc ngủ mười năm của Bác làm cở sở cho câu chuyện nên bộ phim đã chọn được những cảnh ấn tượng của giấc mơ của một người dân tộc thiểu số mơ về ánh sáng trong rừng sâu.

Nhatientriphebinh_1

Đạo diễn Vương Đức vốn có duyên với phong cách dàn dựng những cảnh núi rừng qua những phim trước đây của anh. Lần này, rừng núi trong phim không hoang dại và nghiệt ngã mà đầy lãng mạn, đầy chất thơ. Những khung hình thiên nhiên bi tráng, hùng vĩ anh dùng để chuyển đoạn gợi cho người xem những cảm xúc rất đẹp về không khí của cuộc kháng chiến. Phong cảnh núi rừng trùng điệp, những hang đá vững chắc, những màu xanh bí ẩn và thần kỳ, và nhất là những cảnh ban đêm trong rừng đã cho thấy cái tình đặc biệt của một người yêu màu sắc thiên nhiên. Cách dàn dựng khá công phu mà không lộ bàn tay sắp xếp khiến người xem cảm thấy những khuôn hình trôi đi mượt mà. Song cũng phải nói rằng, do chọn cách kể mang tính ấn tượng mà không theo mạch chuyện thông thường nên việc tạo nhịp điệu cũng như không khí cho bộ phim còn hơi chậm. Đây cũng có thể là cá tính của đạo diễn. Dù sao chăng nữa, anh đã làm được những gì mình mong muốn.

Nhatientriphebinh_2

Với những khuôn hình dung dị nhiều nhạc điệu, nhiều tính thi ca, ống kính của nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đã vẽ nên một bản trường ca về núi rừng Việt Bắc mà nhân vật chính là Người đi dép cao su. Tự bối cảnh đã là thơ, tự tiếng chim, tiếng suối, tiếng lá rừng đã là nhạc, song linh hồn của chất thơ, chất nhạc đó chính là thi sỹ vĩ đại của cuộc kháng chiến. Có thể nói, các nhà biên kịch, đạo diễn và quay phim đều hết lòng yêu câu chuyện đường rừng, yêu mến nhân vật chính của bài thơ rừng núi. Mỗi người yêu theo cách của mình. Vũ Quốc Tuấn chăm chút từng bước đi, từng dáng ngồi, từng thế đứng, từng nét nằm của người vào vai lãnh tụ. Những khung hình trung và cận của anh như vừa đủ để vẽ nên một nhân vật vừa mang tính huyền thoại, vừa mang tính cụ thể. Đủ độ gần và đủ độ xa.

Nhatientriphebinh_3

Cuối cùng, tôi muốn trân trọng dành những lời tốt đẹp về diễn viễn Bùi Bài Bình. Anh đã vào một vai đầy sức nặng với những thách thức rất lớn. Nhưng từng động tác diễn xuất của anh đã khắc họa một nhân vật rất thân thương trong trái tim người xem. Hãy thử hình dung chân dung một con người từng hơn 30 năm lăn lộn khắp địa cầu để xây dựng nên chân dung một đất nước, một nhân dân, khi cầm được trong tay nhưng bị phản bội, cướp đi, con người ấy bất đắc dĩ phải tiến hành cuộc chiến với phong cách của một nhà hiền triết phương Đông, anh đã nghĩ gì? Bộ quần áo nâu sồng của một một người lính từ nhân dân mà ra, ánh mắt của một văn nhân phải xung trận, phong thái ung dung của một con người biết trước những gì sẽ đến, tấm lòng thương cảm của vị Bồ Tát cúi xuống và hòa mình cùng bao kiếp nhân sinh, anh đã hoàn thành một cách cao đẹp sứ mệnh không ai thay thế được của mình. Đây là hình ảnh Hồ Chí Minh, chân đất nhất, bùn đất nhất, quần chúng nhất, tỏa sáng nhất, văn võ song toàn nhất mà điện ảnh đóng góp cho vấn đề khắc họa chân dung lãnh tụ trên màn ảnh.

Nhatientriphebinh_4

Các nhà làm phim đã yêu câu chuyện và yêu nhân vật của mình một cách hết sức chân thành. Từ chỗ yêu, họ đã cảm thông được với những đường nét quen thuộc và mới mẻ, với những sắc màu đậm, nhạt, với những khoảng sáng và tối của bức tranh. Viết đến đây, tôi muốn trích câu của Tô Đông Pha, một thi sỹ và họa sỹ, nói về cách xem tranh: “Nếu người nào phê bình họa phẩm theo tiêu chuẩn tả chân, thì kiến thức người ấy giống với kiến thức trẻ con mà thôi”. Một nhà nghiên cứu hậu thế bình luận: “Nhưng bỏ tả chân đi thì còn gì? Rút cuộc, mục đích của nghệ thuật là gì? Thưa, là nghệ sỹ cho ta thấy tinh thần của cảnh vật và khơi lên trong lòng ta một tâm trạng chia sẻ để đáp ứng. Đó là mục đích và lý tưởng tối cao của nghệ thuật”.

Đoàn Tuấn