Những dòng phim cùng chảy

(TGĐA) - Trong thể loại phim, các chuyên gia điện ảnh đã phân chia phim thành những thể loại như phim chiến tranh, phim trinh thám, phim lãng mạn v.v… Cách phân chia này phụ thuộc vào nội dung và cách thể hiện của những người làm phim. Ở nhiều quốc gia, thể loại phim lại được nhìn nhận tùy vào nguồn kinh phí làm phim như phim tư nhân, phim nhà nước đặt hàng… Mỗi thể loại phục vụ những lớp công chúng khác nhau. Đó là điều hết sức bình thường mà ngỡ như, ai cũng nhận thức được.

Cn_phi_gi_hi_th_dn_tc_t_nhng_b_phim_giu_tnh_nhn_vn_v_m__bn_sc_nh_Ma_len_tru

Cần phải giữ hơi thở dân tộc từ những bộ phim giàu tính nhân văn và đậm đà bản sắc như Mùa len trâu

Ở nhiều thành phố nước ngoài, đời sống điện ảnh vô cùng phong phú. Nếu bạn ở tuổi thiếu niên, sẽ có những rạp chuyên chiếu phim dành cho bạn. Những rạp đó mang những tên rất gợi cảm như rạp Cầu Vồng, rạp Ước Mơ… Nếu bạn chưa có gia đình, những bộ phim lãng mạn sẽ mời gọi bạn đến những rạp mang những cái tên đầy quyến rũ như rạp Gặp Gỡ, rạp Hẹn Hò… Nếu bạn là người mê những bộ phim kinh điển của thế giới, sẽ có một rạp chiếu dành cho bạn. Những rạp này thường mang tên như Ảo Ảnh, Hồi Tưởng… Họ chỉ chiếu những bộ phim cực hay của quá khứ theo tên tuổi của những đạo diễn, diễn viên hoặc tên của những trào lưu như Làn Sóng Mới, Tân Hiện Thực v.v…

D_ot_gii_Cannes_nhng_khng_phi_ai_cng_thch_v_hiu_The_Tree_Of_Life_mun_ni_g

Dù đoạt giải Cannes nhưng không phải ai cũng thích và hiểu The Tree Of Life muốn nói gì

Nếu bạn mê điện ảnh nước ngoài, sẽ có những rạp chỉ chuyên chiếu những phim của riêng từng nước như Tây Ban Nha, Ý hay Pháp v.v… Nếu bạn là người hâm mộ phim Mỹ, sẽ có những rạp đáp ứng ngay thị hiếu của bạn. Những rạp này lại phân ra những rạp nhỏ hơn, chuyên chiếu phim gangster, phim hài hay phim hành động. Thậm chí có rạp quanh năm chỉ chiếu một phim dành cho những ai chung thân yêu phim này, có thể coi đến hàng chục lần không chán như Cuốn theo chiều gió chẳng hạn. Và còn cho những rạp chuyên chiếu phim hoạt hình của Mỹ hay Nhật Bản. Và người ta còn quan tâm đến cả những loại khán giả không thích phim truyện mà chỉ yêu phim tài liệu. Những người này sẽ đến rạp chuyên chiếu loại phim này, suốt ngày, sang cả tối. Người viết bài này đã có lần mua vé vào rạp chiếu phim tài liệu chỉ để kiếm một chỗ ngủ ngon lành giữa buổi trưa mệt mỏi. Không ngờ trong rạp cũng có nhiều người cùng cảnh ngộ và khôn ngoan như mình.

Nhng_bom_tn_nh_Ngi_nhn_ph_sng_ton_th_gii_ch_mi_mt_mc_ch_duy_nht_-_doanh_thu

Những bom tấn như Người nhện phủ sóng toàn thế giới chỉ với một mục đích duy nhất - doanh thu

Thực tế đó cho thấy, người ta không bao giờ “quan trọng hóa” hay “lý tưởng hóa” việc làm phim cũng như người xem phim. Mỗi bộ phim chỉ như một mặt hàng nào đó, phục vụ cho những người chủ yếu mà bộ phim hướng tới. Và mỗi khán giả, tùy theo lứa tuổi và trải nghiệm, cũng chỉ thường xem những loại phim mà mình yêu thích. Mỗi bộ phim thường cũng có số phận của mình. Có bộ phim phát hành vào dịp này, ít người xem. Nhưng vẫn bộ phim đó, phát hành vào dịp khác, lại rất đông khán giả. Chẳng có ai giải thích chính xác điều này. Các chuyên gia điện ảnh Mỹ gọi đó là “sự bí ẩn của công chúng”. Chính sự bí ẩn này đã lôi cuốn các nhà làm phim mang sứ mệnh chinh phục. Tôi rất sợ cách lập luận theo lối mặc định của một số người tỏ ra am hiểu. Rằng anh “đã là thế này thì anh phải thế kia!”. Nhà toán học Vũ Đình Hòa có lần phát biểu, rằng anh đoạt Huy chương vàng toán học Olympic và sau đó chỉ làm một thầy giáo dạy toán như muôn ngàn nhà giáo khác. Nhưng có người lại cứ đòi hỏi anh phải trở thành nhà bác học này hay ông chuyên gia nọ. Và họ không bao giờ chấp nhận anh ở vị trí mà anh hằng mong muốn. Một bộ phim cũng vậy. Những nhà “phê bình” đòi hỏi bộ phim phải đóng bao nhiêu nhiệm vụ, nào tuyên truyền, nào thương mại, nào giải trí v.v… Nếu một mặt nào chưa hoàn thành là họ kết tội cho phim đủ điều! Và những nhà “phê bình” này có “cái đức” là chưa xem phim đã “phán như thánh tướng”! Thế mới tài!

Veer_-_b_phim_n__nm_2010_nhm_tn_vinh_ngi_anh_hng_dn_tc

Veer - bộ phim Ấn Độ năm 2010 nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc

Trong một thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa thì việc giữ gìn cái riêng của từng quốc gia, từng dân tộc ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Toàn cầu hóa có khả năng xóa nhòa mọi ranh giới văn hóa, chủng tộc. Trong một cuốn sách gần đây, nhà làm phim người Pháp, Jean Claud Carierre, một nhà văn hóa, đã phải kêu lên rằng, hàng chục nước ở châu Phi đã không còn tồn tại những người kể chuyện dân gian, và hầu như không còn quốc gia nào tồn tại nền điện ảnh của mình! Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã có chiến lược bảo vệ bản sắc văn hóa của mình với nguồn tài chính dồi dào. Nhà nước đặt hàng cho các hãng phim, sản xuất những bộ phim mang gương mặt dân tộc mình, văn hóa nước mình, vừa để phục vụ miễn phí công chúng trong nước vừa mang ra nước ngoài. Những bộ phim đặt hàng này, nhà nước không đặt yêu cầu doanh thu lên hàng đầu mà quan trọng hơn, làm nhiệm vụ tuyên truyền là chủ yếu. Nhưng nếu có doanh thu cao thì càng tốt. Chẳng hạn, năm 2010, Ấn Độ đã sản xuất bộ phim Bản anh hùng ca (Veer) với kinh phí khoảng hơn 170 tỷ (VND) để tuyên truyền hình ảnh người anh hùng dân tộc tên Veer, đầu thế kỷ XX, đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống quân xâm lược Anh. Bộ phim đã khích lệ lòng yêu nước của người dân Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đang hàng ngày đối mặt với những cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Trong khi đó, hàng chục các hãng phim tư nhân vẫn sản xuất những bộ phim mang màu sắc Bollywood với các ca khúc trữ tình và những điệu vũ quyến rũ.

Cnh_ng_hoang_-_mt_tuyt_phm_ra_i_trong_dng_chy_in_nh_cch_mng_Vit_Nam

Cánh đồng hoang - một tuyệt phẩm ra đời trong dòng chảy điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh sinh ra trong chiến tranh, làm nhiệm vụ tuyên truyền là chủ yếu. Đó là cội nguồn của nền điện ảnh Cách mạng. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, dòng chảy này vẫn trung thành với cội nguồn của mình và trở thành dòng phim chính thống, dòng phim chủ đạo của đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có những dòng phim nhỏ khác mang tính thương mại hoặc giải trí, phục vụ một lớp khán giả nhất định. Nếu đất nước ta giàu có hơn, tôi tin, sẽ có rất nhiều dòng phim khác ra đời như phim viễn tưởng, phim thần tượng v.v… Và tất cả các dòng phim cùng chảy, mang theo những tình cảm của những khán giả yêu thích của mình. Và có thể, theo thời gian, những loại khán giả này cũng dần đổi chỗ cho nhau.

Trong một thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa thì việc giữ gìn cái riêng của từng quốc gia, từng dân tộc ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Toàn cầu hóa có khả năng xóa nhòa mọi ranh giới văn hóa, chủng tộc…

Phụng Công