Phim Việt hóa - Chỉ dở hơn mà thôi

(TGĐA) - Trong việc kinh doanh, sự mạo hiểm là một yếu tố cần thiết. Nhưng kinh doanh văn hóa, sự mạo hiểm cũng có thể là chị em song sinh với sự liều lĩnh. Điều này được thể hiện qua việc một số hãng phim Nhà nước và tư nhân đã mua kịch bản phim truyền hình nước ngoài để “Việt hóa” thành phim Việt. Quanh chuyện này, đã nhiều người nói. Song vấn đề cơ bản của việc Việt hóa do ai quyết định? Có phải nhà sản xuất? Không phải. Hay do đạo diễn, diễn viên? Không phải. Cái chính là khâu biên kịch.

CCVV2

Mạo hiểm hay liều lĩnh?

Trong việc kinh doanh, sự mạo hiểm là một yếu tố cần thiết. Nhưng kinh doanh văn hóa, sự mạo hiểm cũng có thể là chị em song sinh với sự liều lĩnh. Điều này được thể hiện qua việc một số hãng phim Nhà nước và tư nhân đã mua kịch bản phim truyền hình nước ngoài để “Việt hóa” thành phim Việt. Quanh chuyện này, đã nhiều người nói. Song vấn đề cơ bản của việc Việt hóa do ai quyết định? Có phải nhà sản xuất? Không phải. Hay do đạo diễn, diễn viên? Không phải. Cái chính là khâu biên kịch.

Nhưng thử hỏi, những người làm công việc Việt hóa kịch bản này là ai? Hầu hết là những sinh viên mới ra trường, họ đâu có hiểu việc Việt hóa - chỉ đơn giản là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia – đòi hỏi những yêu cầu gì.

Nhớ lại chuyện cũ. Hơn 20 năm trước, giữa Việt Nam và Nga có dự án đào tạo những người Việt dịch văn học Nga. Để chuẩn bị cho công việc này, phía Việt Nam đã tiến hành thi tuyển những người khá tiếng Nga ở một số trường đại học khoa học xã hội. Tuyển được rồi, những người này lại được gửi vào trường đại học ngoại ngữ, khoa Nga để chuyên học tiếng Nga một năm. Sau đó, họ được sang Nga. Song đến Nga, họ lại phải học dự bị tiếng Nga tại trường Đại học Tổng hợp mang tên M.V Lomonosov một năm nữa. Cuối cùng mới chính thức được tuyển vào khoa dịch thuật văn học Nga tại học viện văn học mang tên Gorki, học dịch văn học trong suốt 5 năm trời.

LHTY1

Phim Lẵng hoa tình yêu

Tại sao người Nga phải dày công đào tạo một người Việt về dịch thuật như vậy? Bởi họ quan niệm, muốn dịch tốt, phải cảm nhận được mọi hương vị bốn mùa, đất đai,không khí, tính khí, âm điệu lời ăn tiếng nói của con người Nga trên mọi vùng đất. Có được như vậy, anh mới có khả năng chuyển tải phần nào tinh thần của văn bản gốc.

Về phía người Nga cũng vậy, họ đào tạo những người dịch văn học Pháp hoặc Mỹ, đều phải cử người đi học tiếp và sống ở nước ngoài đó ít nhất là 10 năm. Và trong quá trình công tác sau này, những dịch giả đó còn qua lại nước ngoài nhiều lần nữa để tạo nên một bản dịch văn học có chất lượng.

Còn chúng ta thì sao? Như trên tôi đã nói, các Hãng phim tư nhân làm lại phim nước ngoài quả là một sự liều lĩnh. Họ mua kịch bản nguyên gốc, thuê người dịch ra tiếng Việt. Những người dịch này đa số chưa được một lần ra nước ngoài. Chỉ dựa trên những lời thoại thì làm sao truyền tải được hồn vía của kịch bản gốc? Công đoạn tiếp theo, sau khi có bản dịch, nhà sản xuất lại thuê những nhà biên kịch trẻ Việt hóa thành kịch bản Việt. Những nhà biên kịch này, của đáng tội, chân không đến đất, cật không đến giời. Ngay đời sống của người Việt Nam họ còn không hiểu nổi chứ nói gì đến đời sống Hàn hay Trung mà biến đổi hay Việt hóa? Đó là sự hời hợt của hai bước đầu tiên.

Khi kịch bản này đưa đến đạo diễn. Kinh phí thấp, dàn dựng qua loa, trang phục cẩu thả, bối cảnh được đâu hay đó v.v… đâu có gì mà hay nữa? Đó là chưa kể đến quay phim, diễn viên, dựng phim v.v… Tất cả đều giống nhau ở sự hời hợt, cẩu thả. Không hiểu các hãng phim các đạo diễn, diễn viên làm phim như thế để làm gì? Để kiếm tiền chăng? Dù có nhiều lý do để biện hộ thế nào đi chăng nữa, thì những bộ phim Việt hóa ấy, chẳng khác gì những thứ trái cây nước ngoài bị tẩm thuốc bảo quản thực vật đang ngấm ngầm gây đủ các loại bệnh cho hàng triệu người Việt chúng ta.

Không sớm thì muộn, sẽ thất bại

Có một lần, tôi được dự cuộc gặp gỡ giữa những người làm công tác văn hóa Hàn Quốc với một số nhà làm phim Việt Nam. Khi tôi giới thiệu hai người, một biên kịch trẻ và một đạo diễn tầm tuổi ngoài 50, đó là những người đã Việt hóa một số kịch bản phim Hàn Quốc, vị Hàn Quốc kia chỉ bắt tay xã giao và gật đầu cười cũng xã giao. Khi tôi giới thiệu một cậu sinh viên mới có tác phẩm đầu tay là một phim ngắn, người Hàn Quốc tỏ ý muốn xem và hỏi cậu ta rất nhiều về ý tưởng, cách dàn dựng, quay ở đâu, tại sao làm phim v.v… Vị Hàn Quốc kia là cán bộ sứ quán Hàn tại Hà Nội. Không phải ông ta không khích lệ việc tuyên truyền văn hóa Hàn tại Việt Nam, mà trong trái tim mình, ông ta tôn trọng người sáng tạo hơn người copy. Nữ biên kịch trẻ kia hình như cũng cảm nhận được việc làm vô vị của mình, hơn một năm sau, đã bỏ cái nghề viết lại kịch bản.

CCVV1

Phim Chung cư những người vui vẻ

Qua theo dõi một số công ty có sở thích làm phim từ kịch bản mua sẵn, tôi nhận thấy, chưa có công ty nào ăn nên làm ra từ loại sản phẩm này. Cũng chưa có đạo diễn nào thành danh từ cách làm này. Càng không có nhà biên kịch hay nhà quay phim nào yêu mến cái nghề “làm phim nhái” kiểu này. Nhắc đến giữa đám bạn bè, họ cảm thấy ngượng. Dù sao cũng còn chút lòng tự trọng của kẻ sỹ. Nhiều người nói, đó là kiểu “văn hóa nước lợ”. Một số người so sánh kiểu làm phim này giống như kiểu viết “thư pháp” chữ Việt đang rầm rộ hiện nay. Mỗi chữ Hán là một bức tranh đa nghĩa. Nó ăn sâu vào đời sống, từ gương mặt, dáng đi, dáng nằm, cách vắt chân đến cách xây nhà, dựng cửa v.v… Trải qua hàng ngàn năm với nhiều cách viết mời hình thành nên thư pháp chứ đâu phải cứ uốn éo nét bút là thành.

Sao các Hãng phim tư nhân này không nhìn gương thất bại của VFC. Họ đã mua cả kịch bản dài hàng trăm tập Chung cư những người vui vẻ rồi về thay tên đổi họ, xây dựng cả một trường quay lớn bên Hưng Yên, rồi lại huy động bao danh hài, thành lập cả ê kíp làm phim từ tổng đạo diễn đến bảo vệ, nấu cơm v.v… Kết quả cuối cùng là sao? Thất bại không kèn không trống, phải bỏ dở đó thôi. Hãng nhà nước lắm tiền, binh hùng tướng mạnh còn thất bại, thử hỏi Hãng phim tư nhân, đi con đường này, kéo dài được mấy năm?

Kinh nghiệm Hollywood

Người Mỹ cũng mua lại nhiều phim nước ngoài để về làm lại. Họ gọi đó là remake. Song việc làm lại của họ có những quy chuẩn. Thứ nhất, về cấu trúc. Các phim Châu Âu thường không chặt chẽ về cấu trúc. Người Mỹ làm lại, đặt nó vào cấu trúc ba hồi cổ điển, đến phút này, đoạn này phải có biến cố gì, trò gì… là đúng y tắp lự. Thứ hai, họ có hệ thống ngôi sao đầy hấp dẫn. Tư tưởng kịch bản, ý đồ đạo diễn thế nào… tất cả đều được truyền tải qua phong cách diễn của các ngôi sao. Khán giả không một giây rời mắt khỏi diễn viên trên màn ảnh. Thứ ba, họ tạo ra một cái kết thúc có hậu. Người Mỹ hiểu khán giả thích kịch tính thắng – thua. Anh phải mang lại cho khán giả niềm tin vào cuộc sống. Và cuối cùng, tất cả đều được làm để giải trí, mang lại niềm vui cho khán giả. Người xem có niềm vui, họ sẽ làm tốt nhiều việc khác.

LHTY2

Phim Lẵng hoa tình yêu

Tôi nhớ lại một câu chuyện có thật. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, khi nhà văn Nga Macxim Gorky đến thăm nước Mỹ. Ông thấy nước Mỹ có rất nhiều nơi vui chơi, giải trí. Ông đặt câu hỏi: Chả nhẽ người Mỹ buồn đến thế sao? Lập luận của Gorky thật có lý. Người ta buồn nên mới phải có nhiều chỗ vui chơi. Nhưng suy cho cùng, không phải thế. Nước Mỹ có nền công nghiệp giải trí khổng lồ và hoàn hảo. Các phim nước ngoài họ mua, dù tư tưởng cao siêu đến đâu, khi làm lại, đều không mang nhãn hiệu “Mỹ hóa” hay “Hollywood hóa” mà chỉ mang cái tên “giải trí hóa” mà thôi. Và giải trí kiểu Mỹ vẫn mang một chút “triết học nhẹ nhàng” nào đấy.

Đoàn Tuấn