Phù thành mê sự: Cái đẹp đau đớn của sự thật

(TGĐA) - Sau nhiều năm làm phim với lệnh cấm treo lơ lửng trên đầu, Lâu Diệp trở lại với Phù thành mê sự (Mystery), bộ phim ít nhiều có những điều chỉnh trong cách làm phim để đến được gần với khán giả hơn. Đây là bộ phim duy nhất của đạo diễn tài năng họ Lâu có mặt trong hệ thống phát hành chính thống, xuất hiện ở các rạp chiếu lớn tại Bắc Kinh, Nam Tân, Thượng Hải, Hồng Kông. Dù còn tiếng khen - chê nhưng Phù thành mê sự đạt được khá nhiều giải thưởng trong hệ thống LHP Hoa ngữ. Trong Lễ trao giải thưởng điện ảnh châu Á, phim đoạt giải thưởng quan trọng cho phim hay nhất và đạt giải Kịch bản xuất sắc cũng như Diễn viên mới xuất sắc cho nữ diễn viên Tề Khê. Tại LHP Bắc Kinh, phim cũng dành giải thưởng quan trọng nhất và cũng là phim Hoa ngữ duy nhất nhận được lời mời đến tham dự LHP Cannes năm 2012 vừa qua.

Một tác phẩm tiêu biểu của thế hệ thứ 6

Lâu Diệp là một đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ đạo diễn thứ 6, những con người tài năng đa dạng, phong cách làm phim mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng lận đận nhiều với hệ thống phát hành, kiểm duyệt. Trong các bộ phim của mình, ông thường tự viết kịch bản, tham gia quay phim và đôi khi còn tham gia diễn xuất như đã từng tung hứng cùng Chương Tử Di trong Tử hồ điệp.

PTMS1

Các bộ phim khác của Lâu Diệp như Sông Tô Châu, Xuân Phong, Di Hòa Viênđều khai thác những khía cạnh tâm lý đầy phức tạp, các mối quan hệ tình cảm đan xen mâu thuẫn và trái ngược, đặt trong bối cảnh xã hội đầy bất ổn. Tác phẩm gây tiếng vang nhất của Lâu Diệp chính là Di Hòa Viên, một bộ phim đầy ắp các cảnh nóng và yếu tố phản kháng chính trị, tham dự LHP Cannes mà chưa được sự kiểm duyệt, đã khiến đạo diễn mang án cấm làm phim từ năm 2006.

Đến với Phù thành mê sự, chất riêng của Lâu Diệp ở lại tiếp tục được phát huy kịch bản đa tuyến với khả năng xử lý tinh tế những sự kiện ngẫu nhiên, dàn diễn viên không nổi tiếng với tạo hình và diễn xuất tự nhiên. Được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng điện ảnh châu Á, một lần nữa Lâu Diệp khẳng định quan điểm làm phim độc lập của mình dù có gặp nhiều khó khăn từ khâu lên ý tưởng, viết kịch bản, huy động sản xuất đến hậu kỳ.

PTMS2

Hiện thực xã hội đầy bất ổn

Phù thành mê sự phản ánh toàn diện đời sống xã hội đương đại Trung Quốc với những góc tối như: cuộc sống nhiều mặt của con người thành thị, bất ổn hôn nhân, xu hướng sống đa nhân cách, tệ tham nhũng trong giới quan chức và cách ứng xử “trên tiền” của giới nhà giàu mới nổi. Phim có hai câu chuyện xảy ra không có nhiều kết nối chung ngoài bối cảnh đời sống Trung Quốc đương đại. Câu chuyện thứ nhất bắt đầu từ sự kiện cô sinh viên Hiểu Mẫn bị đâm khi đi ngang qua đường. Người đâm cô là một thiếu gia con trai nhà tài phiệt nổi tiếng, đang vừa phóng xe với tốc độ cao vừa đùa giỡn với cô bạn gái. Câu chuyện thứ hai xoay quanh cuộc sống nhiều mặt của Kiều Vĩnh Triệu, vừa là người chồng thành công, hòa nhã của bà nội trợ Lữ Khiết vừa là người chồng vũ phu, đầy ức chế của Tang Tập. Những câu chuyện không hề xa lạ trong cuộc sống hiện đại được Lâu Diệp tái hiện với phong cách quay phim đầy kịch tính với các động tác máy được tính toán rất kỹ sao cho vừa mang phong cách tự nhiên chủ nghĩa của giả tài liệu, vừa chộp lấy những chi tiết nhỏ từ biểu hiện diễn xuất của diễn viên. Với tông màu xanh xám ảm đạm, các cảnh quay thiếu sáng và trong bối cảnh của mưa, sương mù, bụi, chiều tối… phim tạo nên một không gian tù túng, bóp nghẹt mọi nỗ lực của nhân vật và đẩy người xem vào trạng thái dù muốn thoát ra vẫn không thể chối bỏ sự thật.

PTMS3

Nhịp phim của Phù thành mê sự lúc chậm rãi bảng lảng, lúc được đẩy nhanh kịch tính đến bất ngờ, hoàn toàn không phải là một bộ phim dành cho ai muốn giải trí sau giờ làm việc. Các biến cố bi kịch được thể hiện một cách bình thản càng làm tăng hơn nữa tính khốc liệt của sự thật. Diễn xuất chân thực của các diễn viên là một yếu tố quan trọng mang đến thành công của bộ phim. Tất cả đều không trang điểm mà chỉ hóa trang ở những cảnh đổ máu. Sự hóa thân của họ vào các nhân vật đa chiều phức tạp tạo nên sự tin tưởng ở phía người xem, khiến họ nhận ra bản chất và sai lầm của mỗi nhân vật nhưng cũng vì thế mà thấu hiểu nhiều hơn, thay vì oán giận. Ai cũng có lý do cho hành động của mình. Kiều Vĩnh Triệu mắc kẹt giữa trách nhiệm gia đình, nỗi ấm ức phải nhịn nhục phía nhà vợ đã tạo dựng sự nghiệp nên đi trút giận vào những cuộc tình một đêm và quay trở lại bạo hành người vợ thứ hai để giải tỏa bức xúc. Mẹ cô sinh viên không tiếp tục kiện cáo ngay cả khi cảnh sát có những chứng cứ mới để kết tội thiếu gia vì bà cần số tiền bồi thường, ngôi nhà được mua cho và biết rằng, dù kết cục có thay đổi thì cũng không ai trả lại con gái bà như xưa. Đó là hiện thực, là câu chuyện mà mỗi người trong cuộc sống hiện đại đều có thể chứng kiến và là một phần trong đó.

PTMS3_1

Sự thỏa hiệp cần thiết của nhà làm phim

Với những người từ lâu đã hâm mộ phong cách Lâu Diệp, Phù thành mê sự là một tác phẩm thỏa hiệp khi lối kể đã bớt đi phần quyết liệt so với những tác phẩm trước đó của đạo diễn họ Lâu khi bắt đầu tốt nhưng kết thúc chưa tới. Nhưng cũng cần phải biết thêm rằng, đoàn làm phim đã mất nửa năm thay đổi bản dựng, “đấu tranh” với hội đồng duyệt phim Trung Quốc để không lặp lại vết xe đổ, “danh chính ngôn thuận” có mặt tại LHP Cannes.

PTMS3_3

PTMS3_4

Đạo diễn cũng cho biết mặc dù ông thấy sự kiểm duyệt ở Trung Quốc là lạc hậu, nhưng ông sẵn lòng làm việc bên trong hệ thống và gia giảm phim theo yêu cầu của chính phủ để bộ phim có thể đến gần hơn nữa với khán giả. Đạo diễn thổ lộ "Đây là thực tế ở Trung Quốc. Điều chúng tôi có thể làm là cố gắng thỏa hiệp để đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt và nghệ thuật chân chính".

Hàn Thủy