The Artist: Đâu chỉ có tình yêu

(TGĐA) - Các tác phẩm nói về những người nghệ sỹ hết thời luôn hoài niệm về quá khứ vàng son vốn không phải hiếm ở Hollywood, nhưng The Artist đã khiến người xem cảm động thực sự. Họ khóc, nhưng là với những giọt nước mắt của niềm vui chứ không phải là sự sướt mướt ủy mị mang tính cường điệu.

Hollywood năm 1927, thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật thứ bảy với những thước phim đen trắng không lời kinh điển. George Valenti (Jean Dujardin đóng) đang là một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, giàu sang cả trên phim lẫn ngoài đời. Còn cô gái trẻ Peppy Miller (Berenice Bejo đóng), là một fans hâm mộ của George, may mắn được chính thần tượng giúp đỡ có một vai diễn trong phim mà anh tham gia. Nhưng thời thế thay đổi, thời hoàng kim của dòng phim câm xuống dốc và phim có lời thoại lên ngôi. George trở thành ngôi sao trong quá khứ, rơi vào khủng hoảng, cô đơn và tuyệt vọng trong căn hộ tồi tàn với bạn diễn một thời là chú chó cùng người lái xe trung thành luôn ở bên. Trái lại, Peppy Miller – fans hâm mộ anh ngày nào, với ngoại hình và chất giọng tốt đã nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng giá, một minh tinh điện ảnh. Và cô, vẫn từ chối những người đàn ông xung quanh mình để dành tình cảm cho thần tượng dù anh đã là diễn viên hết thời. Peppy vẫn coi George là người thầy, người yêu. Tình yêu của cô dành cho anh không bị lay chuyển bởi sự đảo chiều của số phận hay các giao dịch về quyền lực và sự nổi tiếng. Đó là một tình yêu đẹp và quyến rũ hơn cả ham muốn về thể xác khi mà Peppy nung nấu ý định giúp đỡ thần tượng của mình trở lại màn ảnh.


Giống như Singin 'in the Rain, The Artist bắt đầu với một buổi ra mắt phim có sự tham gia của ngôi sao điện ảnh George Valentin. Trong khán phòng, khán giả là người da trắng mặc những bộ trang phục sang trọng, lịch lãm. Diễn viên diễn không thoại, chỉ có âm nhạc cất lên theo diễn tiến cảm xúc của từng cảnh. Khi phim kết thúc, các ngôi sao xuất hiện trên sân khấu chào khán giả trong tiếng reo hò cuồng nhiệt của đám đông phía dưới. Đi theo mạch chính với câu chuyện về ngôi sao màn bạc nổi tiếng George Valenti và cô gái trẻ đam mê điện ảnh Peppy Miller, The Artist đề cập đến giai đoạn chuyển đổi giữa điện ảnh không lời sang có tiếng, và khi đó, cần có những ngôi sao mới sở hữu chất giọng tốt để thay thế cho cả một thế hệ cũ vốn chỉ chú trọng vào diễn xuất. Hai nhân vật George và Peppy cũng được xây dựng dựa trên những nguyên mẫu có thật trong thập niên 1920 là Douglas Fairbanks và Gloria Swanson. Và để tận dụng ưu thế của câu chuyện về lịch sử điện ảnh, đạo diễn người Pháp Michel Hazanavicius đã làm một bộ phim câm đen trắng thuần túy, đúng với phong cách làm điện ảnh thời điểm xảy ra câu chuyện trong phim và phần đối thoại giữa các nhân vật được nhập kèm phụ đề.

Không đơn thuần là một bộ phim về thời kỳ phim câm, đen trắng của Hollywood, mà chính màu đen - trắng và sự im lặng hoặc gần như im lặng đã khiến The Artist được đánh giá là một bộ phim đích thực về những người nghệ sỹ thực thụ. Dĩ nhiên, The Artist là một phim hài nhẹ nhàng nói về lòng đam mê với nghệ thuật thứ bảy. Đó cũng là một câu chuyện tình yêu vô cùng lý thú giữa một ngôi sao giải trí và một người hâm mộ. Sau cùng, nó đem đến cho người xem câu hỏi liệu nghệ thuật của điện ảnh có tinh khiết hơn khi nó im lặng? Tất cả mọi thứ về The Artist dường như đã đạt đến sự hoàn hảo chỉ bằng những gì khán giả đã nhìn thấy: Ở cảnh Peppy đâm sầm vào George trong buổi ra mắt phim của anh, hai người đều cười bằng nụ cười hạnh phúc. Hay cảnh George khiêu vũ với Peppy để rồi ngay ngày hôm sau, các tờ báo lớn đồng loạt giật tít: Cô gái đó là ai? Cảnh cô lẻn vào phòng thay đồ, và trong một khoảnh khắc đáng yêu vay mượn từ bộ phim câm lãng mạn cổ điển 7th Heaven của Janet Gaynor, cô trượt cánh tay trên chiếc áo khoác, tưởng tượng rằng anh đang vuốt ve cô... Không cần ngôn ngữ biểu đạt, tất cả đều cho thấy: Họ là nhân duyên của nhau.

George vốn là người không thích nói chuyện. Khi vợ anh đề nghị hai người thảo luận với nhau về mối quan hệ của họ, anh đã không đồng ý. Một phần vì sự kiêu hãnh khiến anh không còn tự tin khi sự nghiệp diễn xuất và hào quang đã tắt. Tuy nhiên, lý do chính là vì George, với tính khí nóng nảy của mình, cho rằng hội thoại chỉ là một việc làm thô thiển và rằng anh là một nghệ sĩ tôn vinh triết lý: im lặng là nghệ thuật. Trong một cảnh trong một bộ phim mà George đóng, anh bị tra tấn trong ngục tối của một nhân vật phản diện, và anh hét lên: "Tôi sẽ không nói chuyện. Tôi sẽ không nói một lời". Thực ra, anh không nói gì cả. Lời thoại của anh được thể hiện trong phụ đề. Nó là điểm cao trào của phim. Đó là năm 1926, và chỉ trong hai thập kỷ, phim câm đã nở rộ trên toàn thế giới, trở thành môn nghệ thuật mới đỉnh cao của thế kỷ 20. Vậy điều gì không đúng với George và nhiều thần tượng phim câm khác? – Câu trả lời là những bộ phim có lời thoại.


Cũng giống như điện ảnh những năm đầu thế kỷ 20, dàn diễn viên của The Artist bao gồm các diễn viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau cùng tạo nên điều khác biệt cho bộ phim đặc biệt. Khi The Artist trình chiếu, ở tuổi 39, Jean Dujardin là ngôi sao nổi tiếng ở Pháp. Và anh đã hóa thân hoàn hảo thành George Valenti – ngôi sao điện ảnh và George Valenti – ngôi sao của The Artist với những mặt tính cách đối lập nhau: một ngôi sao phim câm, một người hùng hành động, lúc lại là cậu bé quyến rũ, khi thì là người đàn ông lý tưởng đối với tất cả phụ nữ. Khuôn mặt George luôn nhấp nháy nụ cười của sự tự tin, của một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của ngành công nghiệp điện ảnh. Berenice Bejo trong vai Peppy Miller - cô gái trẻ với ước mơ trở thành diễn viên. Cô là cảm hứng của tuổi trẻ, là nhân vật chính trong những bộ phim có lời thoại. Nhưng khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, trái tim và tâm hồn cô đã đóng băng bởi nụ cười ấm áp mà rực rỡ của George, điều đó đồng nghĩa với việc, anh mãi mãi là ngôi sao thần tượng của cô.


Làm việc với hai diễn viên chính người Pháp, đạo diễn Hazanavicius cũng là người Pháp, nhưng họ đã quay phim ở Los Angeles, và tất cả các cuộc hội thoại sử dụng tiếng Anh. Dĩ nhiên các đoạn thoại đó, từ đầu cho đến khi cảnh cuối cùng, không bao giờ được nghe từ miệng của nhân vật. Kết quả là một bộ phim câm đen trắng, (nhà quay phim Guillaume Schiffman đã ghi hình ở chế độ màu bình thường sau đó tẩy màu trong phòng tối) trở thành tác phẩm đáng yêu nhất trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

Bằng cách đánh thức thời kỳ huy hoàng của nghệ thuật thứ bảy, nhà làm phim Michel Hazanavicius đã cho chúng ta một món quà nhỏ của điện ảnh. Rằng công nghệ có thể thay đổi mọi thứ nhưng nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể can thiệp vào các vấn đề của trái tim, cũng như có thể lấy đi sức sống của con người. The Artist không chỉ dành cho tín đồ phim ảnh thế hệ cao tuổi mà đối với bất cứ ai ở bất cứ tuổi nào, khi xem phim cũng nhận ra rằng mình đã có được một niềm vui tinh khiết từ món quà cũ của điện ảnh.

Peppy từ chối những người đàn ông xung quanh mình để dành tình cảm cho thần tượng dù anh đã là diễn viên hết thời. Tình yêu của cô dành cho anh không bị lay chuyển bởi sự đảo chiều của số phận hay các giao dịch về quyền lực và sự nổi tiếng. Đó là một tình yêu đẹp và quyến rũ hơn cả ham muốn về thể xác khi mà Peppy nung nấu ý định giúp đỡ thần tượng của mình trở lại màn ảnh.


Anh Đào