Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh: “Chỉ có tiền thôi chưa chắc đã có phim hay”

(TGĐA) - Những vấn đề nổi bật của điện ảnh Việt Nam năm 2014 và kế hoạch của năm 2015 được tiến sỹ Ngô Phương Lan chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Thế giới điện ảnh trước thềm năm mới Ất Mùi.

Picture_Vung_Tau_1170

Năm 2014, Cục điện ảnh đã hoàn thành Kế hoạch thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Xin bà cho biết những điểm nhấn quan trọng và đặc biệt trong chiến lược?

Tôi muốn nhắc lại những điểm mấu chốt được xác định trong quan điểm xây dựng Chiến lược: “Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực: Sản xuất phim, phổ biến phim, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới kỹ thuật công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao số lượng và chất lượng tác phẩm điện ảnh, mở rộng thị trường điện ảnh và hợp tác quốc tế”. Từ quan điểm này, ngành điện ảnh có những định hướng phát triển rõ nét và tiến bộ hơn trước. Chiến lược cũng đề ra nhiều mục tiêu. Ví dụ chỉ tiêu sản xuất phim là bao nhiêu? Chất lượng phim như thế nào? Ngoài ra còn là tỷ lệ phát triển rạp chiếu... Tất cả những việc này cần đến sự phối hợp của nhiều bên và của toàn xã hội trong xu thế xã hội hóa điện ảnh. Tôi cho rằng, mục tiêu sản xuất phim sẽ thực hiện được còn vấn đề lớn chính là nâng cao chất lượng phim. Riêng phần quy hoạch cải tạo nâng cấp các rạp chiếu phim, thực ra đã có quyết định của Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 nhưng để thực hiện thì cần có sự phối hợp giữa các ban bộ ngành với Bộ VH-TT-DL giữa trung ương và địa phương để giải quyết ngân sách và dành quỹ đất một cách hợp lý thể hiện sự quan tâm đúng mực của nhà nước và nhân dân dành cho điện ảnh. Một trong những phần quan trọng trong quy hoạch bên cạnh phát triển cơ sở vật chất là vấn đề đầu tư cho con người. Cụ thể là người làm điện ảnh. Tuy hiện nay đang cố gắng triển khai nhưng cũng cần sự đồng bộ, không những của ngành mà còn của các trường đào tạo chuyên nghiệp về điện ảnh, cần sự bố trí, quan tâm của các Bộ liên quan như Bộ giáo dục đào tạo, Bộ tài chính... để lập kế hoạch đào tạo dài hạn, đào tạo nâng cao ngắn hạn trong nước, rồi gửi sinh viên ra nước ngoài. Việc này có quá nhiều khó khăn vì đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào cũng như kinh phí. Kể cả khi có kinh phí rồi thì để chọn được người có đầy đủ tiêu chuẩn, khả năng tham gia các khóa học ngắn hạn trong nước hay nước ngoài cũng không dễ. Tuy việc đào tạo ngắn hạn đã bắt đầu triển khai từ 2014 như: Đào tạo cho các kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật số; Chương trình đào tạo (5 ngày) dành cho các tài năng trẻ với chuyên gia nước ngoài ở các bộ môn như đạo diễn, biên kịch, đạo diễn hình ảnh... tại LHP Quốc tế Hà Nội nhưng muốn đạt chỉ tiêu trong quy hoạch thì vẫn phải cố gắng nhiều.

Nhng_a_con_ca_lng_-_B_phim_u_tay_theo_m_hnh_nh_nc_u_t_t_nhn_sn_xut

Những đứa con của làng - Bộ phim đầu tay theo mô hình nhà nước đầu tư tư nhân sản xuất

Có thể, trong năm qua, hoạt động xã hội hóa điện ảnh diễn ra rất mạnh và tạo cơ hội cho các hãng phim, người làm phim tư nhân có thể tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, những bài học thực tiễn vừa qua cho thấy các hãng phim tư nhân cần sự trợ giúp của nhà nước trong việc định hướng đường lối để tránh xảy ra việc phim làm ra mà không được phát hành. Vai trò của Cục điện ảnh trong chuyện này là như thế nào, thưa bà?

Việc làm phim ở nước ta hiện nay là tương đối cởi mở. Nếu phim không có yếu tố nước ngoài, và các hãng phim tư nhân tự bỏ tiền sản xuất thì họ không cần trình duyệt kịch bản. Mỗi năm, Cục điện ảnh cũng gửi văn bản đến các hãng phim để lưu ý họ một số điều cần phải chấp hành theo quy định của pháp luật, hoặc các xu hướng không nên khai thác nhiều. Về phía các hãng phim, tôi nghĩ rằng vì không cần duyệt, thẩm định kịch bản trước khi sản xuất nên tốt nhất là họ nên nghiên cứu Luật Điện ảnh để tránh phạm vào những điều không được phép. Một việc nữa là hiện nay đã không còn phân biệt hãng phim nhà nước hay hãng phim tư nhân cho nên hàng năm Cục cũng gửi hai hoặc ba đợt thư mời, đề nghị cả hãng phim nhà nước và tư nhân gửi đề cương kịch bản theo đúng tiêu chí đặt hàng của nhà nước. Nếu kịch bản đạt yêu cầu sẽ được đặt hàng sản xuất. Năm 2014, đã có một phim hoàn thành là Những người con của làng và một phim đang sản xuất là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Về vấn đề phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn ngân sách năm qua đã được Cục điện ảnh triển khai (trong đó có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được giao cho hãng phim tư nhân Phương Nam và Thiên Ngân thực hiện) thể hiện rõ sự công bằng trong việc nhìn nhận vai trò của các hãng phim do nhà nước quản lý và các hãng phim tư nhân. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về việc này, vốn sẽ được duy trì và tiếp tục mở rộng hơn nữa trong tương lai?

Tôi khẳng định đây là xu hướng mà chúng ta phải tiến hành từ bây giờ trở đi. Thông tư hướng dẫn đấu thầu vẫn đang được Bộ VH-TT-DL và Bộ tài chính hoàn thành bởi Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo đồng ý cho Bộ VH-TT-DL (thông qua Cục điện ảnh) tiếp tục cơ chế đặt hàng sản xuất phim đến hết năm 2015, sau đó phải thực hiện theo thông tư đấu thầu. Chính vì thế việc tuyển chọn kịch bản đặt hàng hãng phim tư nhân và nhà nước cũng là một hình thức tập duyệt để sau đó triển khai thông tư chứ không phân chia theo kế hoạch nữa. Các hãng phim muốn được đặt hàng thì phải có những kịch bản chất lượng, đúng yêu cầu và dự án sản xuất phim khả thi.

Haniff_ln_th_3_l_mt_im_nhn_nm_2014

Haniff lần thứ 3 là một điểm nhấn năm 2014

Cùng với nhiều tuần phim, chương trình và Liên hoan phim được tổ chức trong và ngoài nước, năm qua, một lần nữa chúng ta đã tổ chức thành công LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 với sự bứt phá ngoạn mục của phim Việt, cả về số lượng lẫn hiệu ứng công luận khi các rạp chiếu phim Việt Nam luôn kín chỗ. Với tư cách là giám đốc Liên hoan phim, cảm xúc của bà là như thế nào?

Tôi thấy rất phấn khởi! Một thời gian dài sau khi LHP diễn ra, trong các chuyên mục về điện ảnh, báo chí vẫn luôn nhắc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 như một khoảng thời gian mà họ cảm thấy thực sự được sống trong không khí điện ảnh. Một điều nữa là lâu nay, không ít người vẫn cho rằng khán giả thường chạy theo khuynh hướng thương mại, nhưng qua LHP Quốc tế vừa rồi, tôi nghĩ sức hút của tác phẩm điện ảnh nói chung được thể hiện rất rõ và đồng đều. Có những phim nghệ thuật tương đối khó xem nhưng rạp vẫn kín chỗ. Phim giải trí Việt Nam được khán giả thích là đương nhiên nhưng các phim nghệ thuật, có tính giáo dục cũng được hâm mộ không kém. Ngoài ra, sự hưởng ứng rộng rãi của khán giả, các nhà làm phim, những người làm điện ảnh trong và ngoài nước, các cơ quan trong Bộ VH-TT-DL và Sở văn hóa Hà Nội, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân cũng khiến tôi vừa phấn khởi vừa tự hào vì chắc chắn LHP đã có tác dụng, đã đạt được mục tiêu tốt cũng như hướng đi đã chuẩn thì mới có đông người hưởng ứng như thế.

Box: LHP Quốc tế Hà Nội là một LHP trẻ, mới tổ chức lần thứ 3 nhưng đã trở thành sự kiện được các nước trong khối Asean quan tâm. Các nhà làm phim của Philippines, Indonesia, Singapore... đều mong chờ đến ngày chúng ta tổ chức LHP để được tham gia. Chúng ta nên vui mừng vì thực sự thì trong khu vực Đông Nam Á cũng có tới vài chục LHP, trong đó có những LHP được tổ chức đến lần thứ hai mươi, ba mươi. Có những nước tổ chức vài LHP mỗi năm. LHP của chúng ta mới mà được quan tâm như vậy quả là điều hạnh phúc. Thành phố Hà Nội cũng nhận thấy tầm quan trọng của LHP quốc tế Hà Nội nên lãnh đạo Sở VH-TT-DL đang bày tỏ lập kế hoạch đồng tổ chức LHP.

Năm 2015 có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước mà ngành điện ảnh chắc chắn phải chung tay đóng góp. Cụ thể các việc đó là gì, thưa bà?

Trong 1,2 năm vừa qua, chúng tôi đã có sự chuẩn bị và cố gắng thực hiện hiệu quả nhất những đề án mà Chính phủ và Bộ giao Cục điện ảnh thực hiện. Đó là Đề án 844 - Sáng tác và công bố các tác phẩm phản ánh, tôn vinh giai đoạn 1930 – 1975; Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng, 40 năm giải phóng miền Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Cục Điện ảnh đang theo sát tiến độ sản xuất những phim đặt hàng theo tiêu chí phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc và đáp ứng nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi sẽ cố gắng để các phim ra đúng hạn và đạt chất lượng tốt nhất trong phạm vi có thể.

Ba năm qua, kể từ khi bà trở thành Cục trưởng, điện ảnh Việt Nam đã có những bước ngoặt quan trọng với sự phát triển rõ nét của ngành sản xuất phim trong nước cũng như vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và thế giới đã được nâng lên tầm đáng kể. Tất nhiên, khối lượng công việc mà bà cũng như Cục điện ảnh phải làm là không nhỏ. Thực sự cá nhân bà không cảm thấy có gì khó khăn sao?

Hiện tại, khó khăn lớn nhất không chỉ với tôi mà cả ngành điện ảnh là làm sao để khán giả hưởng ứng với các dòng phim một cách hài hòa. Vì nếu công chúng chỉ quan tâm tới các phim giải trí thương mại ngoài rạp thì tôi nghĩ không có người làm điện ảnh nào cảm thấy mừng vui. Điện ảnh Việt Nam cần duy trì, cần sự ủng hộ của khán giả ở cả ba dòng phim truyền thống, nghệ thuật và giải trí. Một khó khăn nữa, lúc nào cũng canh cánh với chúng tôi, là nâng cao chất lượng phim. Thực sự thì chúng tôi chỉ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách để trình nhà nước phê duyệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm phim. Còn việc có thể làm ra các tác phẩm xuất sắc hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ sỹ, vào tài năng của họ vì chỉ có tiền thôi chưa chắc đã có phim hay.

Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Lưu Vân Thảo