Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam đã góp phần làm nên thành tựu 60 năm điện ảnh Cách mạng Việt Nam

(TGĐA) - Điện ảnh là nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng, tác phẩm điện ảnh có sức thuyết phục bởi chính ngôn ngữ riêng của điện ảnh, phản ánh những quan hệ máu thịt làm nên cuộc sống, thể hiện sức mạnh tâm hồn thân thuộc đối với tư tưởng, tình cảm, khát vọng của cộng đồng. Bản thân sự phản ánh đó đã tiềm tàng tính dân tộc.

Cnh_trong_phim_Gi_nhy

Cảnh trong phim Gái nhảy

Tính dân tộc của nghệ thuật điện ảnh bộc lộ ở hai mặt là nội dung tác phẩm và hình thức thể hiện. Nội dung tác phẩm sẽ mang tính dân tộc khi người sáng tác đề cập đến những vấn đề cốt lõi, quan thiết của đất nước, phản ánh những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những con người trong cộng đồng…Hình thức thể hiện sẽ mang tính dân tộc khi nội dung tác phẩm được chuyển tải lên màn ảnh theo đúng cách nghĩ, cách cảm của dân tộc đó, bằng hình ảnh và âm thanh đặc trưng…”. Có thể thấy, tính dân tộc đa dạng về chủ đề, đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Kể từ bộ phim truyện nhựa đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, Hãng phim truyện Việt Nam) ra đời cho đến nay có thể thấy phim truyện đã thể hiện ở sâu sắc tâm hồn dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử và chính những tác phẩm đó đã góp vào thành tựu chung của điện ảnh cách mạng Việt Nam 60 năm qua.

Những phim truyện đã tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như Lửa trung tuyến, Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên, Người chiến sĩ trẻ, Nguyễn Văn Trỗi, Nổi gió, Lửa rừng, Tiền tuyến gọi, Chị Nhung, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận….Sau năm 1975, không khí hân hoan của đất nước hòa bình, thống nhất đã tạo nên môi trường kích thích và đòi hỏi cao sự sáng tạo của người nghệ sỹ, đặc biệt tính dân tộc trong cảm hứng đất nước thống nhất. Nhiều phim truyện ra đời, đa dạng hơn chủ đề: Phim Sao Tháng Tám, Ngày lễ Thánh, Mối tình đầu (1977), Tiếng gọi phía trước, Hà Nội mùa chim làm tổ (1978), Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Tự thú trước bình minh (1979). Thập niên 80-90 của thế kỷ trước là thời kỳ “hoàng kim” của phim truyện với nhiều đề tài, gồm: Ván bài lật ngửa, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thằng Bờm, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Số đỏ, Vị đắng tình yêu, Nước mắt học trò, Hoa ban đỏ

Poster_phim_M_nhn_k

Từ năm 2000 đến nay, phim sản xuất tại Việt Nam và phim sản xuất tại nước ngoài nhưng có sự tham gia của người Việt, nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề của người Việt như: Mùa hè chiều thẳng đứng, Vật đổi sao dời, Mê thảo thời vang bóng, Gái nhảy, Mùa len trâu, Đường thư, Những cô gái chân dài, Thời xa vắng, Hà Nội Hà Nội, Sống trong sợ hãi, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Nụ hôn thần chết, Cô dâu đại chiến, Hot boy nổi loạn, và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Mỹ nhân kế

Trong điện ảnh, tính điện ảnh được xét trên hai mặt: Tự giác và tự phát. Theo đó, ở mặt tự phát, nhà làm phim phản ánh hiện thực cuộc sống của nhân dân theo suy nghĩ và tình cảm xuất phát từ “gen” dân tộc của mình. Còn mặt tự giác là việc chủ động đưa tinh thần dân tộc vào phim nhằm tạo những giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

Cũng như các loại hình văn học nghệ thuật khác, tính dân tộc trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, nhưng tập trung rõ nhất ở ba mặt: Tư tưởng, tâm hồn và những nét sinh hoạt của một dân tộc. Đặt trong bất kỳ một thời kỳ lịch sử nào, phim truyện đã thể hiện bao yếu tố đó ở chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần yêu nước, sẵn sang hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, ở chủ nghĩa anh hùng bình dị với cuộc sống giản dị, bình thường, sự gắn bó với ông bà tổ tiên, mối quan hệ gắn kết hữu cơ giữa gia đình và xã hội; ở chủ nghĩa nhân văn cao cả. Tính nhân văn là một điểm mạnh của phim truyện, có sức mạnh chinh phục mang tính toàn cầu. Đây không phải là đặc trưng riêng của Việt Nam, song tính nhân văn lại mang tâm hồn dân tộc của chính quốc gia đó. Điều quan trọng là tinh thần nhân văn của phim Việt được thể hiện theo tâm hồn, cốt cách Việt Nam, tạo nên nét đặc sắc của tác phẩm…

Trong hình thức thể hiện, tính dân tộc không chỉ bộ lộ một chiều “tô hồng” nhằm tôn vinh con người cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu mà còn phơi bày cả những tiêu cực của con người, mặt trái của xã hội. Được xây dựng từ một cốt truyện hoàn chỉnh, hoặc được gợi ý hoặc chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhân vật trong phim truyện bao giờ cũng được xây dựng theo hai tuyến rõ rang đối lập với nhau như “nước với lửa”: chính diện và phản diện, chính và tà, trung và nịnh, thiện và ác…Kết thúc phim thường có hậu. Đó cũng là niềm mong ước của khán giả.

Đời sống tâm hồn con người Việt Nam thể hiện trong phim một cách hồn hậu, tinh tế. Cách sống tế nhị, kín đáo của người Việt Nam, cùng vẻ đẹp thuần khiết mang tâm hồn Việt đã thấm vào các nhà làm phim, giúp họ sáng tạo để thể hiện những diến biến tình cảm tế nhị của nhân vật. Sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên đã tạo nên chất thơ trong nhiều bộ phim thể hiện đậm đặc hoặc thấp thoáng nét trữ tình.

Điện ảnh thời kỳ đổi mới có những biểu hiện phong phú của tính hiện đại và tính dân tộc. Nhiều bộ phim tạo được ấn tượng đẹp cho khán giả bởi chính tâm hồn dân tộc: Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Canh bạc, Hãy tha thứ cho em, phim Vị đắng tình yêu, Thương nhớ đồng quê (1995), Đời cát (1999)…

Phim Canh bạc âm thầm khơi mạch nguồn cuộc sống của nhân dân. Phim Thương nhớ đồng quê phản ánh sự xao động đổi thay từ tâm tư đến nhịp sống thường ngày của làng quê vốn yên ả sau lũy tre xanh. Ba nhân vật bằng những điểm tựa khác nhau, đều hướng về quê nhà, đều một long thương nhớ đồng quê da diết: người vượt biên sống nơi đất khách quê người, nay trở về thăm lại làng xưa với bao nỗi niềm thương nhớ; người thì an phận sống tần tảo, âm thầm chờ chồng đi xa làm ăn; và người thì gắn một thời tuổi thơ với đồng quê, đến khi gia nhập quân ngũ, vẫn không sao dứt được mối cảm thương đồng quê da diết…Phim Sống trong sợ hãi nói về số phận người lính Việt Nam cộng hòa đi gỡ bom mìn để sống. Phim Áo lụa Hà Đông mô tả câu chuyện về đời sống hàng ngày của một gia đình nghèo ở Hội An và cuộc đấu tranh để sinh tồn trong cảnh ngộ khó khăn…

Poster_phim_N_hn_thn_cht

Là đất nước “Ra ngõ gặp anh hùng”, nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng thể hiện rất đậm nét trong những phim truyện giàu tính sử thi. Phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị của dân tộc là đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập và thống nhất đất nước. Một số phim truyện được nhà nước đầu tư nhân các sự kiện lịch sử trọng đại, như phim Hoa ban đỏ nhân 50 năm giải phóng Điện Biên Phủ, Ký ức Điện Biên nhân 55 năm giải phóng Điện Biên Phủ, phim Hà Nội 12 ngày đêm, phim Mùi cỏ cháy nhân 40 năm giải phóng Quảng Trị… Đặc điểm nổi bật của phim truyện chiến tranh cách mạng là tính sử thi, tập trung ca ngợi con người với những phẩm chất cao quý như một di sản tinh thần quý báu của dân tộc: lòng yêu nước, căm thù giặc, tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung. Những phẩm chất được phản ánh trong phim liên quan đến đặc điểm của tính dân tộc và tính hiện đại. Các nhà làm phim đã có thời gian tách khỏi cuộc chiến để chắt lcocj những chi tiết có sức nặng. Dưới bề mặt hiện thực ta cảm nhận những triết lý sống sâu sắc của dân tộc, là chiều sâu của tâm hồn con người Việt Nam, cuộc sống tâm linh trong mối quan hệ mật thiết với truyền thống dân tộc. Tư duy của người sáng tác cũng có sự đổi mới để bắt nhịp được với thời đại và trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Cũng cùng chủ đề trên, nhưng khi có “độ lùi” thời gian, tách khỏi cuộc chiến, những tác phẩm điện ảnh đó chắt lọc để nhìn cuộc chiến bình tĩnh và có chiều sâu hơn vì có được vốn sống và sự trải nghiệm. Dưới bề mặt hiện thực ta cảm nhận những triết lý sống sâu sắc của dân tộc, là chiều sâu của tâm hồn con người Việt Nam, cuộc sống tâm linh trong mối quan hệ mật thiết với truyền thống dân tộc. Tư duy của người sáng tác cũng có sự đổi mới để bắt nhịp được với thời đại và trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại”.

Tuy vẫn mang âm hưởng chiến tranh, nhưng một số phim truyện đã đề cập và đi sâu phân tích những bi kịch cá nhân, thân phận con người trong và sau chiến tranh. Tính sử thi “nhạt dần” nhường cho yếu tố sử thi để từ đó hé mở thân phận con người cùng những mất mát, hy sinh. Nhiều bộ phim đi theo mạch cảm xúc đó đã khiến người xem xúc động ở phía hậu trường về với những mất mát không kể xiết, như Bao giờ cho đến Tháng Mười, Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy, Bến không chồng, Thương nhớ đồng quê (1995). Phim Đời cát là câu chuyện éo le của những con người sau cuộc chiến. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tạo ra một Đời cát rất nhẹ nhàng song những thương tổn thì không kể xiết. Những vui buồn, than thở, day dứt của những con người hậu chiến được khắc họa một cách chân thực không diễn tả nhiều bằng lời mà bằng chính sự phức tạp của thế giới nội tâm.

Phim Cây bạch đàn vô danh là chuỗi những mất mát và nỗi cô đơn trong chiến tranh, sự tàn khốc, ác liệt của những chiến tranh không chỉ ở tiền tuyến mà cả ở hậu phương trong sự chờ đợi, cô đơn, khát khao, giằng xé của những người vợ, người mẹ, người cha có người thân nơi chiến trường. Phim Bao giờ cho đến tháng Mười là một bộ phim tâm lý mang đậm bản sắc dân tộc và chính bản sắc dân tộc thể hiện sâu sắc đó đã tạo nên thành công của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980.

Phim cổ trang chưa phải là thế mạnh của chúng ta, song một số bộ phim cổ trang lấy đề tài từ văn học dân gian, văn học trung đại đã phần nào cho thấy bóng dáng dân tộc. Bản sắc dân tộc thể hiện sâu sắc trong dòng phim cổ trang với một trong những bộ phim được đáng giá cao về mặt nghệ thuật cũng như diễn xuất là phim Đêm hội Long Trì. Tiếp đến là Kiếp phù du, Phạm Công Cúc Hoa… cho tới sau này là Long Thành cầm giả ca, Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế. Những phẩm chất được phản ánh trong phim liên quan đến đặc điểm của tính dân tộc và tính hiện đại, nhưng có điều phạm vi của nhiều tác phẩm, nhất là phim chiến tranh cách mạng của chúng ta mới dừng ở phạm vi nội địa, mà chưa vươn tầm ảnh hưởng quốc tế. Hơn nữa, một số phim của ta chưa hấp dẫn bởi cách làm nặng về hô hào khẩu hiệu theo những công thức chung vốn đã định hình “ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu”. Nhân vật xây dựng sơ lược, cứng nhắc, thường theo mẫu số chung, đại diện cho cái chung, ít cá tính sáng tạo. Ở một số phim, sự kết hợp giữa tính hiện đại và tính dân tộc còn chưa nhuần nhuyễn, làm giảm sức mạnh của hình tượng và sự thuyết phục của tác phẩm. Đã xuất hiện quan niệm sai lầm, rằng để xây mái nhà chung cho cả nhân loại phải thủ tiêu dần những nét riêng của từng dân tộc, rằng điều này đúng với mọi lĩnh vực không loại trừ cả văn hóa, văn nghệ.

Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng

Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung Ương