(TGĐA) - “Một quốc gia không có phim tài liệu như một gia đình không có album ảnh” - câu nói của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Chile Patrixio Gutman đã chỉ ra tầm quan trọng của phim tài liệu. Và với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 60 năm quả là quãng thời gian đáng tự hào về bề dày truyền thống của một đơn vị làm phim Tài liệu đầu đàn cả nước với những tác phẩm mang giá trị và hơi thở của thời đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự nghiệp văn hóa văn nghệ và báo chí cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, bà Phạm Thị Tuyết – Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã không giấu nổi niềm hạnh phúc, tự hào mình khi nói về “ngôi nhà Tài liệu” – nơi bà đã gắn bó, cống hiến suốt 35 năm…
Bà Phạm Thị Tuyết - Giám đốc Hãng phim TLKHTW
Thưa bà, diện mạo hôm nay của Hãng đã thay đổi thế nào từ khi được bà gánh vác trên vai trách nhiệm người quản lý?
Được giao nhiệm vụ người đứng đầu Hãng từ năm 2010 - giám đốc thứ 12 trong lịch sử 60 năm qua, tôi vinh dự được thừa hưởng tình yêu nghề và sự nghiệp đồ sộ của 11 đời lãnh đạo trước đó. Với trách nhiệm của mình, tôi đã đem mọi khả năng và tình cảm cống hiến cho Điện ảnh Tài liệu Khoa học. Bề dày 35 năm công tác cũng khẳng định sự gắn bó của mình với Hãng.
Những năm gần đây Hãng đứng trước cơ chế thị trường, phải tự chủ rất nhiều trong công ăn việc làm và vấn đề tài chính. Để Hãng đứng vững và phát triển, ngoài sự nỗ lực hết mình của cá nhân trong các quan hệ tìm kiếm công ăn việc làm, xây dựng cơ chế để hài hòa các lợi ích, tạo môi trường đoàn kết … tôi đã dựa vào tập thể cán bộ, nghệ sỹ, công nhân viên. Họ đã luôn bên cạnh để giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ điều đó, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã vượt qua được những khó khăn nhiều khi tưởng như không vượt nổi. Trong 6 năm đảm nhận trách nhiệm người đầu tàu, tôi thật sự tự hào vì Hãng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được nhà nước giao với nhiều tác phẩm đạt chất lượng và được đánh giá cao phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước…. Những thành tích đó đã được ghi nhận qua các phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước: Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; 3 lần cờ thi đua xuất sắc của chính phủ và nhiều khen thưởng vinh dự khác…
Hiện tại, thế mạnh của Hãng là gì?
Với bề dày kinh nghiệm làm phim tài liệu, khoa học với một đội ngũ những người làm nghề có năng lực và tâm huyết, Hãng chúng tôi có cơ sở vật chất được Nhà nước trang bị tương đối tốt với: Khuôn viên có diện tích đất trên 4000 m2; hệ thống làm phim HD đồng bộ, hiện đại tương đương với tiến bộ khoa học trong công nghệ nghe nhìn của thế giới gồm máy quay, thiết bị âm thanh, bàn dựng, máy chiếu phim; trường quay rộng trên 300 m2 đạt chất lượng chuẩn. Phòng chiếu được trang bị máy chiếu HD. Giá trị nhất là khối lượng tư liệu lớn đang lưu trữ tại Hãng là điều kiện để thực hiện tốt nội dung các bộ phim. Tôi hy vọng với thế mạnh đó, trong tương lai Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sẽ thêm nhiều đơn đặt hàng để mang lại nguồn lợi tài chính cho Hãng.
Bà Phạm Thị Tuyết (phải) cùng Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan tại LHP VN ở Saint – Malo với giải thưởng dành cho phim tài liệu Chuyện của Then
Là một người làm kinh tế đảm nhận vai trò lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cái khó và dễ với bà?
Bản thân không chuyênsâu về sáng tác, đương nhiên tôi gặp khó khăn khi đảm nhận vị trí đứng đầu đơn vị làm nghệ thuật có truyền thống, có nhiều nghệ sỹ đã thành danh. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều để tìm hướng đi phù hợp nhằm huy động được sức sáng tạo, tình đoàn kết của đội ngũ nghệ sỹ và CBCNV với mong muốn cao nhất là lãnh đạo cơ quan hoàn thành nhiệm vụ. Điều tôi cần đầu tiên đó là Hội đồng nghệ thuật – tư vấn trực tiếp cho tôi trong quá trình điều hành quản lý. Bên cạnh đó là biết tập hợp sức mạnh của từng cá nhân, từng nghệ sỹ đồng lòng vì sự nghiệp chung.
Thuận lợi với tôi là có thời gian nhiều năm công tác gắn bó với Hãng nên tôi hiểu được bức tranh chung của Hãng và tính cách của những con người sống nơi đây. Hơn nữa, với nghề làm tài chính, lại có nhiều năm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế nên tôi cũng có những kinh nghiệm nhất định trong công tác điều hành quản lý và kiến thức để giải trình với cấp trên nhằm tháo gỡ khó khăn.
Những biện pháp tốt nhất đã được bà áp dụng để thu hút người trẻ, người tài, cho Hãng?
Trong thời gian tôi làm lãnh đạo Hãng đã có khoảng 30 cán bộ, nghệ sỹ nghỉ hưu, tạo nên sự hẫng hụt rất lớn về nhân sự bởi Hãng đã có thời gian trước đây khoảng 15 năm không nhận người. Làm thế nào để giữ được ổn định và có sự kế thừa giữa các thế hệ là bài toán không đơn giản bởi làm nghệ thuật người nghệ sỹ rất cần sự trải nghiệm trong cuộc sống qua quá trình công tác. Tôi đã áp dụng những biện pháp ở Hãng như: Nhận người mới về Hãng và mở các lớp đào tạo do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, cũng như việc truyền đạt kinh nghiệm của thế hệ đi trước giúp họ có thêm kiến thức ngoài kiến thức học ở trường; Đảm bảo thu nhập tiền lương, ăn trưa, các thu nhập khác để họ ổn định cuộc sống. Anh em trong Hãng được tham gia vào các công việc trong đơn vị (từ phim kế hoạch, quay tư liệu lưu trữ, phim đặt hàng và các công việc chuyên môn khác). Luôn tạo không khí làm việc đầm ấm, dân chủ ai cũng có cơ hội làm việc một khi họ muốn phấn đấu. Thế hệ sau được trực tiếp làm việc với những người thế hệ trước có phẩm chất và năng lực chuyên môn giúp nhờ vậy họ sớm trưởng thành trong nghề. Tôi rất mừng khi tới đây mình nghỉ hưu, lớp sáng tác trẻ đã dần trưởng thành. Đây là lực lượng kế tục quan trọng để Hãng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy nhiên đội ngũ sáng tác này rất cần sự kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ ở nhiều phương diện để họ trở thành những nghệ sỹ nòng cốt của Hãng trong tương lai.
Phim tài liệu đang là xu hướng của thế giới, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam vì thế đương nhiên có nhiều cơ hội phát triển. Vậy cách thức mà một nhà làm kinh tế như bà đã và đang làm để mở ra những cơ hội làm phim tốt nhất cho anh em của Hãng?
Những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội là bức tranh toàn cảnh của mỗi quốc gia dân tộc, vì vậy được người xem đặc biệt quan tâm. Cơ hội rất lớn mở ra cho các nhà làm phim tài liệu khoa học Việt Nam tự khẳng định năng lực sáng tạo và năng lực phản ánh hiện thực. Nhưng cũng cần phải có bệ đỡ để tiềm năng biến thành hiện thực. Theo tôi, cách tốt nhất là đưa phim tài liệu của Hãng đến gần khán giả như: gửi phim cho các đài truyền hình, tự tổ chức những ngày phim Tài liệu tại Hãng, thông qua Cục Điện ảnh để phim được nhân bản chuyển tới các vùng sâu, vùng xa của đất nước, gửi phim tham gia các Liên hoan phim trong nước và quốc tế .... Khi phim của các nghệ sỹ đến gần với khán giả bằng mọi con đường, tôi biết đó là điều hạnh phúc nhất của người nghệ sỹ, giúp cho họ yêu nghề hơn để từ đó cho ra đời những tác phẩm ngày một hay, được công chúng đón nhận.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, chúng tôi đã chú trọng mở các lớp đào tạo cho các nghệ sỹ qua hình thức: đào tạo nội bộ, mời chuyên gia quốc tế giảng dạy; tham gia các trại sáng tác. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và đặc thù với ngành nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi đã hết sức cọi trọng công tác tổng kết nghệ thuật: chiếu phim của mình, xem và cho điểm để đánh giá, học tập rút kinh nghiệm về phong cách sáng tác, phương pháp tiếp cận hiện thực, phát hiện vấn đề và triển khai vấn đề….
Dự định phát triển trong năm 2016 của Hãng đã được bà và các đồng nghiệp vạch ra thế nào?
Trước mắt chúng tôi hoàn thiện cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép xây dựng đối với đơn vị mà sản xuất sản phẩm chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, mang tính chất công ích, bởi lời lãi trong sản xuất phim tài liệu khoa học là hiệu quả xã hội, khó có thể tính được bằng giá trị tiền bạc cụ thể. Nếu được phê duyệt sẽ tạo đà cho đơn vị phát triển, cơ chế đặc thù ở đây là: được Nhà nước đầu tư máy móc thiết bị; đảm bảo tiền lương, giá sản xuất phim; ưu đãi tiền thuê sử dụng đất; trợ giá; trợ cấp khi doanh thu không đủ bù đắp chi phí hợp lý… Chúng tôi cũng đề ra các nhiệm vụ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho (công tác làm phim tài liệu, khoa học và quay tư liệu lưu trữ quốc gia), tiếp tục cho ra đời những bộ phim đạt chất lượng về nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật. Nâng cao chất lượng tác phẩm bằng nhiều biện pháp, quan tâm đến khối sáng tác từ khâu kịch bản đến đạo diễn và các phần công việc liên quan trực tiếp đến tác phẩm. Tiếp tục mở trại sáng tác để tìm ra được kịch bản hay và chất lượng đưa vào sản xuất. Ổn định bộ máy tổ chức của Hãng, quan tâm đến công tác đào tạo và đào tạo lại, nâng cao đời sống của nghệ sỹ và cán bộ công nhân viên. Cuối cùng là việc tăng nguồn thu từ mọi loại hình - đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tối đa mọi nguồn lực của đơn vị.
Liên hoan phim Tài liệu quốc tế châu Âu – Việt Nam năm nay có gì đặc biệt hơn so với năm trước đây? Là người đứng đầu đơn vị tổ chức LHP, theo bà, những điểm mạnh của phim tài liệu Việt Nam khi tham gia Liên hoan lần này là gì?
7 kỳ Liên hoan trước đây đã mang lại những hiệu quả được giới truyền thông và khán giả đánh giá cao. Hãng là một doanh nghiệp nhà nước, đây là cơ hội để Hãng quảng bá tác phẩm. Liên hoan phim là cuộc đối thoại của điện ảnh tài liệu châu Âu và điện ảnh tài liệu Việt Nam. Từ đó giúp cho các nghệ sỹ có dịp học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nước để giúp mình có được những bộ phim hay hơn, tạo đà để phim tài liệu Việt Nam đến được với khán giả không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước.
Hy vọng năm nay những bộ phim tài liệu đặc sắc của châu Âu lại có dịp đến với khán giả Việt Nam, đây là món ăn tinh thần quý giá đã được minh chứng qua các lần Liên hoan phim với mỗi buổi chiếu có trung bình từ 300 đến 600 người xem.
Việt Nam là đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, có rất nhiều mất mát và hi sinh, hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề. Đó là kho tàng quý giá cho các nhà làm phim tài liệu. Việt Nam cũng là nước đang phát triển, công cuộc Đổi mới, công nghiệp hoá hiện đại hoá, hội nhập sâu sắc vào thế giới hiện đại… chính vì vậy, nền tảng xã hội mà chúng ta đang sống, những hi vọng vào tương lai, những tiến trình phát triển tiếp theo là mảnh đất màu mỡ phát hiện những đề tài phim đa dạng và phong phú. Điều này được các nước châu Âu và bạn bè đánh giá rất cao, thông qua những bộ phim tài liệu để họ hiểu thêm được nền văn hóa, đất nước con người Việt Nam.
Được biết bà sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình trên cương vị lãnh đạo Hãng phim, những kỷ niệm vui buồn, những dấu ấn để lại trong nhiệm kỳ qua sẽ được bà sẵn lòng chia sẻ chứ ạ?
Gia đình tôi có 5 người gắn bó với ngôi nhà thứ hai thân thiết này. Gần 60 năm qua, nơi đây lưu giữ rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời lao động đóng góp cho sự phát triển Điện ảnh tài liệu khoa học của bố mẹ và anh chị em tôi. Hãng phim đối với tôi là phần rất quan trọng của cuộc đời. Là nơi tôi đã dành mọi tâm huyết suốt 35 năm, cùng đội ngũ nghệ sỹ và CBCNV gìn giữ vị thế đơn vị đầu ngành của Điện ảnh Tài liệu Việt Nam. Ngôi nhà ấy đã nâng đỡ tôi qua bao khó khăn vất vả trên bước đường phấn đấu và trưởng thành. Đó là cả một chặng đường rất gian nan vất vả đối với người phụ nữ, bởi bên cạnh sự nghiệp còn phải lo toan gánh vác công việc gia đình, dạy dỗ con cháu.
Tình yêu đối với Điện ảnh Tài liệu Khoa học và ý thức trách nhiệm đối với cơ quan đã giúp tôi nỗ lực phấn đấu, trang bị cho mình sự rắn rỏi trong cuộc sống, vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ, lòng tin yêu của đồng nghiệp.
Tôi đảm nhận cương vị lãnh đạo Hãng phim trong hoàn cảnh cả ngành Điện ảnh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì không xuất thân từ giới sáng tác nên tôi đã phải nỗ lực gấp nhiều lần các giám đốc tiền nhiệm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật. Công việc đầu tiên của một chuyên viên kinh tế làm lãnh đạo một đơn vị điện ảnh là sau mỗi ngày làm việc, dù đã muộn, đã mệt, tôi vẫn dành thời gian ngồi xem một số bộ phim của Hãng, để tìm hiểu sâu hơn một tác phẩm nghệ thuật và giúp cho công tác điều hành quản lý của mình. Tôi thu xếp công việc để ra hiện trường với một số đoàn làm phim, cảm nhận sự vất vả, phút thăng hoa trong lao động nghệ thuật để hiểu rõ hơn về công việc và tâm tư của anh em khối sáng tác… Kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tôi là những ngày cùng đoàn làm phim lặn lội đến các bản làng xa xôi; Những lần thức dậy từ 2 giờ sáng cùng anh em chuẩn bị quay tư liệu các sự kiện trọng đại ở Quảng trường Ba Đình; Những ngày vượt biển ra Trường Sa để quay những thước phim tư liệu về biển đảo… Những cố gắng của tôi đã được đền đáp bằng lòng tin yêu của anh chị em Nghệ sỹ, CBCNV trong Hãng và sự tín nhiệm của các cơ quan, bạn bè. Tôi đã vinh dự nhận được các phần thưởng đánh giá sự tận tâm, tận lực đối với Hãng phim, đối với ngành Điện ảnh và sự nghiệp Văn hóa qua các tấm Huân chương Lao động và Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam…
Bên cạnh những niềm vui sẽ trở thành ký ức đẹp đẽ ấy, tôi vẫn trăn trở khi còn một số công việc mong muốn chưa làm tròn vì thiếu thời gian, vì khả năng chưa tới. Rồi sự thẳng thắn, quyết đoán trong công việc của tôi cũng đã làm mất lòng một số đồng nghiệp, bạn bè. Qua đây, tôi cũng muốn nói lời thông cảm bởi tất cả những kỷ niệm không vui đó cũng chỉ xuất phát từ công việc.
Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể các Nghệ sỹ và CBCNV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương qua các thời kỳ, những đồng nghiệp thân thiết đã cùng tôi nỗ lực làm việc vì sự nghiệp Điện ảnh Tài liệu Khoa học suốt chặng đường qua.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành, cởi mở của bà!
Phương Hà