Babylon: Gửi Hollywood tôi yêu và ghét!

(TGĐA) - Đằng sau vẻ phồn hoa mà ta vẫn thường thấy ở kinh đô điện ảnh Hollywood, thì Babylon lại mang đến chất hoang dã đến điên rồ, khiến người người phải kinh ngạc. Liệu đây có phải là tác phẩm xuất sắc, hay chỉ là sự làm quá đến “cực đoan” của đạo diễn Damien Chazelle?

Damien Chazelle: Thiên tài điện ảnh với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao Damien Chazelle: Thiên tài điện ảnh với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao
'Babylon': 'Bom tấn' nghệ thuật không thể bỏ lỡ, vì sao? 'Babylon': 'Bom tấn' nghệ thuật không thể bỏ lỡ, vì sao?
Giới làm phim Việt hội tụ tại họp báo 'Babylon' - Phim mới của đạo diễn Damien Chazelle Giới làm phim Việt hội tụ tại họp báo 'Babylon' - Phim mới của đạo diễn Damien Chazelle

Cỗ máy “nhai” con người

1 - Babylon là câu chuyện của những con người bị 'nghiền nát' bởi 'cỗ máy Hollywood
Babylon là câu chuyện của những con người bị 'nghiền nát' bởi 'cỗ máy Hollywood

Nếu La La Land giống như một bức thư tình gửi tới những người trẻ tuổi với tham vọng thành danh tại Los Angeles, thì Babylon vừa là lời tri ân tới Hollywood, vừa là “ngón tay thối” dành cho mặt tăm tối và tàn nhẫn của kinh đô điện ảnh này.

Mượn bối cảnh Hollywood trong thập niên 20, đạo diễn Damien Chazelle cho khán giả thấy một hậu trường cực kỳ “hoang dại” của Hollywood. Cùng với đó là câu chuyện nghiệt ngã về những người bị “nuốt chửng” giữa cuộc chuyển giao mang tính cách mạng - từ phim câm sang phim có tiếng.

2 - Sự hoang dã và trần trụi trong phim gây tranh cãi rất lớn
Sự hoang dã và trần trụi trong phim gây tranh cãi rất lớn

Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn Damien Chazelle gọi Babylon là một bức thư tình kiêm thư "thù hận" (a love letter and a hate letter) dành cho Hollywood.

“Nó (Hollywood) giống như một cỗ máy do con người dựng nên, nhưng sẽ nhanh chóng nuốt chửng con người, nhai họ, rút trọn linh hồn rồi nhổ toẹt họ ra ngoài và tiến đến thế hệ tiếp theo. Điều đó quả là khủng khiếp” - Chazelle chia sẻ.

Babylon theo chân Manuel Torres (Diego Calva) - anh chàng gốc Mexico với tham vọng leo cao trên chiếc thang quyền lực của Hollywood. Đi lên cùng anh có cô nàng Nellie LaRoy (Margot Robbie) nổi loạn, tài năng. Khi lên đến đỉnh cao, họ gặp Jack Conrad (Brad Pitt).

Nhưng càng lên cao càng dễ ngã đau. Khi Hollywood trở mình bước vào thời kỳ phim có tiếng, số phận con người vốn vô thường lại càng trở nên mong manh. Từ “hero” trong thời kỳ phim câm, cả hai biến thành “zero” ở thời kỳ phim có tiếng. Khi cả ê-kíp chật vật với lần đầu quay một phim có tiếng, Nellie LaRoy nổi đóa, văng tục và xông vào đánh nhau. Ấn tượng tệ hại này khiến cô bị sa thải khỏi hãng. Thêm vào đó, chất giọng New Jersey - một bang tại phía đông nước Mỹ với nhiều tiếng xấu của Nellie cũng không được khán giả ưa chuộng – một yếu tố chẳng hiếm gặp trong ngành công nghiệp điện ảnh bây giờ. Jack Conrad thì cưới một cô vợ từ Broadway để ngày đêm hướng dẫn anh về đài từ, nỗ lực luyện giọng, tự giữ cho mình một tư tưởng cấp tiến. Nhưng mọi nỗ lực đổ sụp khi anh bị khán giả xem phim rồi chê cười phũ phàng.

3 - Những nhân vật trong phim đều có kết cục nghiệt ngã
Những nhân vật trong phim đều có kết cục nghiệt ngã

Nellie không thể hòa nhập và thay đổi theo những yêu cầu mới, Jack buộc phải chấp nhận mình đã hết thời. Kết cục đau thương của họ là một vụ tự tử và một cái chết yểu.

Sự đào thải Nellie LaRoy và cô bạn gái Lady Fay Zhu (Li Jun Li) còn có thể được lý giải bằng Hays Code – quy định kiểm duyệt về chất kích thích, nội dung gợi cảm, tình yêu đồng giới… được các hãng phim lớn áp dụng trong khoảng giữa thập niên 30 đến cuối thập niên 60. Đó là còn chưa kể hàng loạt cái chết khác được đặt rải rác khắp bộ phim nhưng dường như không được coi trọng: cô diễn viên phụ sốc thuốc trong bữa tiệc đầu phim (cái chết của cô tạo cơ hội cho Nellie LaRoy tỏa sáng), một fan nữ tự tử khi nghe tin thần tượng Jack Conrad tái hôn, một diễn viên phụ bị đạo cụ đâm chết trên phim trường, một quay phim chết trong phòng cách âm… Nếu liên hệ ra ngoài đời, nhiều khi chúng ta cũng không khỏi mơ hồ đó là sự thật hay phóng đại của truyền thông nhưng khó thể phủ nhận không ít vụ việc kiểu đó đã diễn ra.

Hollywood là một thực thể khổng lồ, phủ bóng và chi phối tất cả. Nhưng mặt khác, có những người chấp nhận số phận rồi tìm cách tồn tại, sống sót như: Lady Fay Zhu, nhạc công jazz Sydney Palmer và cây bút lá cải Elinor St. John. Những gì diễn ra trong Babylon cho thấy cuộc đời một ngôi sao giải trí có thể khắc nghiệt tới mức nào. Nhưng chẳng phải đi qua thập niên 20-30 đó thì Hollywood lại hiền lành thuần tính. Thực chất, Hollywood vẫn luôn phức tạp như vậy.

4 - Phim phản ánh sự chuyển giao mang tính cách mạng trong điện ảnh
Phim phản ánh sự chuyển giao mang tính cách mạng trong điện ảnh

Trang tin Screenrant có một phép so sánh khá thú vị: Những nhân vật của Babylon cố gắng với tới chiếc thang của Hollywood trong phim đều có thể leo cao hoặc ngã xuống". Những người cũ của Hollywood sẽ bị thay thế bởi những tài năng mới, còn những cỗ máy của nền công nghiệp làm phim sẽ tiếp tục chạy mà chẳng thèm bận tâm.

Điện ảnh là mãi mãi!

5 - Đôi khi một tác phẩm cuốn hút sẽ khiến chúng ta tranh cãi giữa ranh giới xuất sắc và dở tệ
Đôi khi một tác phẩm cuốn hút sẽ khiến chúng ta tranh cãi giữa ranh giới xuất sắc và dở tệ

Dẫu có thời điểm Damien Chazelle coi bộ phim là một sự sự yêu/ghét lẫn lộn dành cho Hollywood, anh không muốn Babylon bị coi như một sự thù hằn của mình với nền công nghiệp này. Chia sẻ với nofilmschool, Damien coi bộ phim như một cuộc khám phá về cảm xúc của bản thân về một hệ thống phức tạp mà chính anh là một phần trong đó.

Xem Babylon, khán giả bắt gặp không ít lần các diễn viên nói thành lời những đam mê của mình với điện ảnh. Trong cơn phê pha vì ma túy, Manny và Nellie trở nên đồng cảm khi cùng coi điện ảnh là một điều kỳ diệu, có thể đưa họ đi bất cứ đâu, cho họ sống cuộc sống của bất cứ ai. Tuyệt vời hơn cả sẽ là được trở thành một phần của thế giới ấy. Ngay cả với Damien Chazelle, anh đã cho thấy một phim câm có hậu trường ồn ào và hỗn loạn thế nào, rồi ở một phim có tiếng thì, trớ trêu thay, hậu trường lại yên ắng ra sao.

Đạo diễn cho chúng ta thấy vì sao chúng ta thương tiếc một cô đào đầy rẫy vấn đề như Nellie LaRoy. Cô tỏa ra sự tự tin, sự bất cần nhưng chứng mình bản thân là một diễn viên có tài, là một ngôi sao” từ trong “trứng nước,” được sinh ra để dành cho ánh hào quang, cho vị trí trung tâm, cho Hollywood. Đó cũng chính là điều khiến khán giả cũng như anh chàng Mexico thầm mong một kết cục tốt đẹp sẽ đến với Nellie.

Khi tạo nên những giá trị đủ lớn, đủ sức gây ảnh hưởng, một người có thể ngã xuống nhưng để lại sau lưng mình một tượng đài. Tượng đài ấy sẽ được lưu danh trong lịch sử, được các thế hệ sau lưu giữ và hồi sinh một lúc nào đó.

Đó có lẽ là lúc Quentin Tarantino bước vào tiệm thuê băng đĩa nơi ông làm thêm và bắt đầu xem mọi bộ phim trên kệ. Đó cũng có thể là lúc Damien Chazelle quyết định làm một bộ phim như Babylon (các nhân vật như Nellie LaRoy và Jack Conrad đều được xây dựng dựa trên những hình mẫu có thật)… hay đó cũng có thể là chúng ta khi chọn xem một bộ phim trong các “top list” của IMDb... Có lẽ đều từ các tượng đài mà ra!

Âm nhạc – một thành tố quan trọng không kém trong điện ảnh ngày nay – cũng được nhà soạn nhạc Justin Hurwitz làm rất khéo để thể hiện nhiều sắc thái, khiến dù chỉ một sáng tác, nhưng thể hiện được từ sự ngọt ngào, êm dịu đến dồn dập, hỗn loạn. So với hồi làm nhạc của La la land, Justin Hurwitz thực sự đã có bước tiến dữ dội trong tư duy nhạc phim của mình.

6 - Có thể Babylon không quá hay, nhưng nó sẽ khiến bất cứ ai phải suy ngẫm
Có thể Babylon không quá hay, nhưng nó sẽ khiến bất cứ ai phải suy ngẫm

Trong thời kỳ hưng thịnh hơn 2.600 năm trước, Babylon được xem là đô thị đông dân nhất thế giới. Kinh Thánh từng viết về nơi này như một biểu tượng cho khát vọng để lại dấu ấn của con người trên Trái Đất. Kể cả vậy, nó còn có ý nghĩa là sự trừng phạt ở một nơi đầy cám dỗ và khiến những kẻ đáng thương bị bức hại tàn nhẫn. Nhưng nếu nói tác phẩm của Damien Chazelle “cực đoan” cũng khó mà chính xác, bởi có chăng sự sinh sôi luôn có tiền đề là hủy diệt, chỉ là cái giá của nó mới tàn nhẫn làm sao!

Trên Rotten Tomatoes, Babylon chỉ nhận về 56% đánh giá tích cực từ giới phê bình, 52% từ khán giả. Phần lớn ý kiến chê phim cho rằng tác phẩm quá hỗn loạn và thiếu liên kết giữa các câu chuyện và tình tiết. Tuy vậy, phim vẫn giành số điểm trung bình 7.3 dựa trên hơn 79.000 lượt đánh giá.

Suy cho cùng, xem phim vẫn là một cơ hội cá nhân hóa trải nghiệm. Vì vậy những số điểm có quan trọng hay không, hãy để bản thân bạn là người quyết định sau khi xem phim.

Damien Chazelle: Thiên tài điện ảnh với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao Damien Chazelle: Thiên tài điện ảnh với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao

(TGĐA) - Trong suốt sự nghiệp của mình, các tác phẩm của Damien Chazelle thường ...

'Babylon': 'Bom tấn' nghệ thuật không thể bỏ lỡ, vì sao? 'Babylon': 'Bom tấn' nghệ thuật không thể bỏ lỡ, vì sao?

(TGĐA) - Đến từ đạo diễn tài năng Damien Chazelle, Babylon khắc họa sự thăng ...

Chiêm ngưỡng dàn tài tử đình đám quy tụ trong 'Babylon', tác phẩm vừa nhận 3 đề cử Oscar Chiêm ngưỡng dàn tài tử đình đám quy tụ trong 'Babylon', tác phẩm vừa nhận 3 đề cử Oscar

(TGĐA) - Trong tác phẩm điện ảnh mới nhất Babylon, đạo diễn tài năng Damien ...

Anh Đoàn