Cánh đồng hoang - Khúc tình ca bất khuất

(TGĐA) - Giờ đây, khi trở lại với Cánh đồng hoang sau hơn 30 năm thưởng thức lần đầu, vẫn tràn đầy như xưa những cảm xúc sục sôi trước cảnh đối đầu hiếm thấy giữa một bên là gia đình người giao liên chân đất với bên kia là trực thăng hiện đại Mỹ. Hình tượng của tác phẩm điện ảnh độc đáo này đã hóa thành biểu tượng,ghi khắc bản chất một cuộc chiến quy mô, dài nhất thế kỷ; làm dấy lên cảm xúc vừa hào hùng vừa xót thương khôn xiết.

cdh

Vốn là nghệ sĩ thu hình vững vàng và đầy khả năng gợi cảm ở cả hai thể loại phim tài liệu lẫn phim truyện, Hồng Sến đã ngoạn mục chuyển dời, trở thành đạo diễn cũng của cả hai loại phim tài liệu và truyện. Bằng nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có phim tài liệu Đường ra phía trước và phim truyện Cánh đồng hoang, đạo diễn Hồng Sến đã nhanh chóng khẳng định sự hiện diện của mình trong đội ngũ những nghệ sĩ đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Một cách đặc biệt sinh động, giản dị và thuyết phục, Cánh đồng hoang đã vẽ nên bức tranh đặc biệt chân thực về cuộc chiến tranh du kích chống xâm lược. Tác phẩm của Hồng Sến và Nguyễn Quang Sáng đã trở thành một trong những luận cứ sắc sảo về nguyên lý chiến tranh nhân dân, lấy ít thắng nhiều, dùng yếu thắng mạnh. Đã xuất hiện không ít tác phẩm nghệ thuật trong và ngoài nước trăn trở giải nghĩa nguyên lý trên, song chưa xuất hiện nghệ phẩm nào vượt qua Cánh đồng hoang để tới đích một cách xác đáng, trung thực, độc đáo và chí lý đến như vậy. Bằng một cốt truyện sơ giản tối đa, và dường như không áp dụng các thủ pháp cài đặt đặc biệt nào của nghệ thuật hư cấu với những đường dây chìm nổi, những nút thắt gay cấn… bộ phim vẫn tạo được sức hút mãnh liệt. Nhân vật hiển hiện như những tượng đài mà không cần phải tô điểm, trau chuốt rườm rà. Hình tượng tác phẩm được xây đắp bằng thủ pháp so sánh và đối chiếu trên cơ sở tạo nên những hố sâu tương phản khắc nghiệt giữa sức mạnh với ý chí, giữa bạo lực với tình yêu – những sản phẩm nảy sinh từ giữa hai nền văn hóa đối chọi nhau trong âm mưu chinh phục xâm lược và ý chí phản kháng giải phóng. Không ầm ĩ mà sâu lắng, bộ phim lên án chiến tranh xâm lược một cách cụ thể, quyết liệt và không kém phần da diết. Lời phim giản tiện, hành động cô đọng trong những tình huống bạo liệt điển hình, đã tô đậm ý nghĩa trận chiến, làm nổi bật giá trị hy sinh.

Bộ phim được xây dựng trên chuỗi những yếu tố đặc biệt của sự độc đáo - độc đáo ở nhiều tầng thể hiện khác nhau. Trước hết, ở tầng tổng thể, là sự độc đáo của địa điểm triển khai câu chuyện: một cánh đồng cỏ cây hoang dại, ngập chìm trong nước với một túp lều chênh vênh tựa như tổ chim bé nhỏ giữa mênh mông hiu quạnh, trên đó nuôi dưỡng cuộc sống thường ngày của một gia đình có con thơ. Và rồi cuộc chiến bất chợt hiện ra! Chính khung cảnh độc đáo ấy của địa điểm, đã tạo nên dạng thức độc đáo của cuộc chiến. Cuộc chiến giằng co dai dẵng, dữ dội giữa thô sơ với hiện đại, cuối cùng đã làm nảy sinh một độc đáo mới, khi thô sơ phá vỡ quy tắc thông thường, hạ gục hiện đại. Đó chính là sức mạnh được biểu hiện một cách độc đáo, bắt nguồn từ tình yêu quê hương cùng ý chí quyết thắng của những con người bình dị, đứng chắc đôi chân trên mảnh đất quê hương mình. Vợ chồng Ba Đô là những chiến sĩ xung kích trực diện chống giặc, cạnh họ là sức mạnh tổng hợp độc đáo của đất nước, tham gia chống giặc bằng cả địa hình, cây rừng, sông nước, thú vật…Nghệ thuật chọn lựa, sử dụng chính xác hệ thống chi tiết tiêu biểu gắn với đời thường, được kết nối khớp hợp với thời điểm diễn biến tình huống, đã đúc kết nên hình tượng tổng hợp mang sức mạnh tư tưởng lớn lao. Thực hiện motip khuôn định địa điểm trong một không gian hạn hẹp và không đổi, các tác giả phim đã tạo ra cơ hội khoan sâu vào sự kiện, tình huống, nhân vật; đồng thời phải đáp ứng đòi hỏi sáng tạo, tìm tòi, chọn lựa hệ thống tình huống và chi tiết sao cho thực sự độc đáo, đắt giá, có khả năng biểu hiện một cách hoàn hảo, mà không gây nhàm chán trong toàn bộ thời gian miêu thuật của phim. Xem phim, không thể không ấn tượng thấm thía trước cảnh Ba Đô túm con mình vào túi nilông và dìm sâu xuống nước để tránh trực thăng. Trong một trường hợp khác, khi vô ý để con rơi xuống nước, Sáu Xoa đã bị chồng tát đau; sau đó, tự ái, cô đã tức tưởi chèo xuồng đi “mách chú chỉ huy”. Lại có chi tiết: để tăng lực cho chồng, Sáu Xoa cho Ba Đô uống nước mắm; trong lúc chồng uống ngon lành thì người vợ kín đáo nuốt nước bọt… Những chi tiết nhỏ, tinh tế như vậy đã đưa người xem đến gần nhân vật, cảm nhận được trực tiếp hoàn cảnh của câu chuyện phim. Trong những chi tiết vụn nhỏ nhưng đắt giá, mang tính thực tế khác; người xem có cơ hội tiếp cận mưu trí độc đáo, bình dị của người giao liên nông dân: rung cây xua nhanh khói bếp để tránh bị máy bay giặc phát hiện, hoặc trải ni lông qua mặt đường để xóa vết chân hành quân của bộ đội… Và trong cảnh vợ chồng Ba Đô chới với tìm nhau dưới cánh bay vần vũ của trực thăng giặc, người xem không khỏi xốn xang trước bối cảnh tương phản gay gắt giữa yên bình với chiến cuộc, giữa thiện với ác, giữa tình yêu với hận thù… Khi hai mũi thuyền lướt vội, tìm nhau trong hiểm nguy, thân hình mảnh dẻ của Sáu Xoa với cây sào chống gấp lấp loáng giữa rừng hoang, in lên mặt nước vụn vỡ nhạt nhòe, ta cảm giác rõ rệt rằng tất cả, con người cũng như thiên nhiên, đều như tan hòa trong âm vang da diết tìm nhau của tình yêu, giữa âm thanh gầm rú đầy đe dọa của động cơ trực thăng. Tại đây, tác giả đã dựng nên một cảnh tượng tương phản thú vị, là ý thức tìm sống tha thiết của một tổ ấm hiền hòa: vợ chồng Ba Đô không nấp trốn mà quyết liệt tìm nhau, bằng bản năng cùng thói quen sẵn có. Tiếng gọi í ới “mình ơi” vang vọng cánh đồng cùng giọng cười hoan hỉ của người vợ khi tìm ra chồng, được phóng đại, lan tỏa khắp không gian, như một biểu tượng chiến thắng của tình yêu và niềm tin. Cuộc tìm kiếm trong căng thẳng ấy, lại diễn ra rất đỗi hồn nhiên, như một cuộc lãm du thơ mộng! Tại trường đoạn này, tác giả đã khéo đan bện vào nhau hai trạng thái đối nghịch, giữa căng thẳng với chùng giãn, giữa hoàn cảnh với tâm lý; khiến xung đột tình huống chuyển nhanh sang xung đột tâm lý, khắc sâu ấn tượng. Hình tượng người nông dân yêu nước được khắc họa hàm súc trong những tình huống đặc trưng như thế, lại một lần nữa làm nổi bật nét độc đáo vô thường!

1207306350.nv

Cánh đồng hoang được khai triển trong một cấu trúc mở, đơn tuyến, không đặt nền tảng trên kỹ thuật cài chốt hệ thống xung đột như thường thấy, mà chủ yếu tựa vào nhân vật, sự kiện cũng như tình huống chọn lọc để tạo động lực thúc đẩy câu chuyện phát triển. Bằng cách đó, hệ thống sự kiện và tình huống được diễn đạt không tuân theo trình tự không gian và thời gian thuật kể do quy luật nhân quả chi phối; mà thuận theo ý chí chủ quan quyết sống, quyết chiến đấu và chiến thắng của nhân vật trung tâm.

Thực chất, quy mô bối cảnh của bộ phim không lớn, lại khá đơn sơ. “Hoành tráng” nhất chỉ là bóng dáng chiếc trực thăng mấy lần xuất hiện, quần đảo trên cánh đồng hoang. Song, ấn tượng và hiệu quả tâm lý mà bộ phim tác dựng, là hết sức lớn lao, sâu sắc; gây chấn động lương tri mạnh mẽ.

Thành công nổi bật khác của bộ phim là đã dựng nên một bản sắc riêng biệt, có một không hai. Quan hệ gia đình, thói quen sinh hoạt, cung cách hành động của các nhân vật vẽ nên bức tranh sống động về con người Nam bộ, về khung cảnh đồng nước Nam bộ, không sao lẫn lộn được. Bản sắc ấy của đời sống đã trở thành chủ đạo, chi phối mạnh mẽ bản sắc độc đáo của cuộc chiến. Trong các tình huống diễn biến câu chuyện, tác giả còn khéo léo hoán đổi, hòa trộn cái bình thường với cái khác thường vào nhau, đem đến ý nghĩa ẩn dụ và biểu tượng lý thú. Chẳng hạn ta thấy, hoàn cảnh, điều kiện sống và chiến đấu của gia đình Ba Đô là trường hợp khác thường nhưng đã được tác giả hóa giải thành bình thường, thành một việc đương nhiên, không có gì xa lạ. Trong khi đó, tình trạng sống và làm việc giữa đồng nước, vốn là hiện trạng bình thường hàng ngày của bộ phận người dân nơi đây, lại được tác giả biến thành hoàn cảnh điển hình khác thường, nhằm tạo cớ tập trung khắc họa nhân vật. Nhờ vậy, bộ phim được khoác một phong cách tổng hợp đa sắc; xen lẫn tâm lý, chính luận, trữ tình, với cả hài hước, châm biếm. Ngay trong hoàn cảnh căng thẳng, tác giả cũng cố ý gợi tiếng cười mai mỉa ... Đó là khi từ trực thăng, tên Mỹ chụp ảnh cánh đồng mà chỉ chộp được hình con rắn; và khi xuống đến đất, hắn phải hốt hoảng leo dây chạy thoát vì bắt gặp con rắn dữ. Về sau, con rắn đã bị Ba Đô xẻ thịt, lấy da làm trống cho con chơi… Chuỗi cảnh ấy được diễn tả dưới cái nhìn chủ quan của Ba Đô, biểu hiện thái độ tự tin, khinh thường kẻ địch của người chủ mảnh đất này.

CanhDongHoangGiaDinh1

Nhân vật phim kiệm gọn, thực chất chỉ có ba con người trong gia đình Ba Đô. Tất cả những hình bóng khác, kể cả bộ đội ta và lính Mỹ, đều chỉ là tác nhân làm nền cho nhân vật trung tâm phát triển. Lâm Tới đã tạo dựng hình tượng người chiến sĩ giao liên Nam bộ có cá tính, tâm hồn, đặc điểm riêng, mang dấu ấn địa phương. Thúy An trong vai Sáu Xoa, thể hiện nổi bật hình ảnh người phụ nữ nông dân hồn hậu, dũng cảm; trong khi hãi sợ cả con rắn nước, lại vẫn sẵn sàng đương đầu với lửa đạn của giặc! Cả hai nghệ sĩ, Lâm Tới và Thúy An, đều diễn xuất trên cơ sở duy cảm, trần thuật nội tâm sâu lắng, mềm mại, tinh tế; đem lại ấn tượng sâu đậm. Nhân vật Bé con không trực tiếp tham gia diễn xuất, song giữ vai trò không thể thiếu trong cấu trúc kịch tính của câu chuyện.

Trong phim, âm thanh giữ vai trò dẫn dắt quan trọng trong tiến trình hình thành hình tượng của Cánh đồng hoang. Tiếng động cơ trực thăng đem đến cảm giác căng thẳng và ý niệm chết chóc, trong khi tiếng chim hót, tiếng cá quẫy, tiếng gió rung cây… khơi gợi cảm xúc an bình, ấm áp thân quen của quê hương. Giọng nhạc Trịnh Công Sơn lúc lơi lả vỗ về, lúc thúc giục phản kháng một cách đúng lúc, đúng độ; hỗ trợ hiệu quả nội dung hình ảnh.

Dãy cảnh trong trường đoạn kết thúc phim đã nhân đôi ấn tượng được tích tụ trước đó. Hình tượng của tác phẩm nổi bật bằng chuỗi cảnh ngắn, chân mộc, súc tích và ý nghĩa nổi tiếng: Ba Đô hy sinh trên tay vợ – Sáu Xoa bắn rơi tên lính Mỹ cùng chiếc trực thăng của hắn – tấm hình vợ con tên phi công rơi ra – con Sáu Xoa kêu khóc trong hầm – trực thăng Mỹ bốc cháy – Sáu Xoa tay cầm súng, tay nách con, dấn bước trên đồng nước và chìm trong biển nhạc hào sảng cùng âm vang ấm áp của quê hương đất nước…

Xứng đáng với nhiều giải thưởng lớn đã đọat được ở trong và ngoài nước, Cánh đồng hoang thực sự là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam, với những giá trị đích thực về tư tưởng, tình cảm cũng như nghệ thuật.

Cánh đồng hoang - Xí nghiệp phim Tổng hợp sản xuất năm 1979. Phim đen trắng

- Biên kịch: Nguyễn Quang Sáng

- Đạo diễn: Hồng Sến

- Quay phim: Đường Tuấn Ba

- Họa sĩ: Huỳnh Kim Ngọc

- Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn

- Diễn viên: Lâm Tới (vai Ba đô), Thúy An (vai Sáu Xoa, vợ Ba Đô)

Giải thưởng:

- Bông sen vàng LHP Việt nam lần thứ V- 1980

- Giải xuất sắc nhất: Biên kịch – Nguyễn Quang Sáng

Đạo diễn - Hồng Sến

Quay phim – Đường Tuấn Ba

Diễn xuất – Lâm Tới

- Bằng khen của Hội Điện ảnh VN dành cho nữ diễn viên Thúy An

- Huy chương vàng LHP Quốc tế Maxcơva lần thứ 11 – 1981

-Giải Đặc biệt của Liên đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế tại LHP Quốc tế Maxcơva,19



Nội dung bộ phim:

Căn lều đơn sơ được dựng lên giữa đồng nước một vùng đất Đồng Tháp Mười. Gia đình chiến sĩ giao liên Ba Đô chốt trụ tại đây. Ngày ngày, họ sinh sống như những nông dân bản địa: bắt cá, bẫy chim, săn rùa, trồng lúa… đồng thời đảm nhận trách nhiệm chốt trạm, đưa đón bộ đội hành quân. Cuộc sống âm thầm của gia đình bé nhỏ này bỗng trở nên sôi động đặc biệt, khi cường độ hành quân của bộ đội tăng lên, cùng với việc trực thăng Mỹ tăng cường dò tìm, phát hiện những dấu tích đáng ngờ trên cánh đồng hoang… Cuộc chiến lệch sức giữa vợ chồng Ba Đô với trực thăng Mỹ diễn ra ngày càng khốc liệt giữa một vùng đồng không mông quạnh. Rồi một hôm, trong cuộc chiến quyết liệt chống trực thăng, Ba Đô đã dũng cảm hy sinh và người vợ, bằng khẩu súng trường của chồng, đã bắn hạ chiếc trực thăng gây tội ác, trả thù cho chồng.


Trần Luân Kim